Ba đóng góp quan trọng của WTO – Bộ Tài chính
Tháng 11 này đánh dấu một mốc trọng đại trong lịch sử cận đại của Việt Nam với việc nước ta được chính thức công nhận là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổ chức thương mại đa phương lớn nhất thế giới, sau 11 năm đàm phán căng thẳng trong một loạt vấn đề về chính sách có liên quan sâu rộng đến nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội.
Vậy tại sao Việt Nam quyết tâm gia nhập WTO, dù cái giá phải trả trong con mắt nhiều người là không hề nhỏ?
Chúng ta đã biết, WTO có 4 mục tiêu: thiết lập và áp đặt thi hành các luật lệ về thương mại quốc tế, tạo ra một diễn đàn để thương lượng và giám sát tiến trình tự do hóa thương mại, giải quyết các tranh chấp thương mại, và cải thiện tính minh bạch về chính sách.
Ba mục tiêu đầu được kế tục từ GATT, tổ chức tiền thân của WTO. Nhưng WTO có phạm vi tác động lớn hơn nhiều so với GATT, khi nó bao quát tất cả mọi hàng hóa, dịch vụ, vốn (ở một mức độ nào đó), và sở hữu trí tuệ. WTO còn có thêm 2 vai trò mới: phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm đạt được một sự nhất quán cao hơn trong việc lập các chính sách kinh tế toàn cầu, và thúc đẩy việc hội nhập các nước đang phát triển vào hệ thống thương mại toàn cầu.
WTO có ít nhất 3 đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế thế giới. Thứ nhất, nó bảo vệ các nước nhỏ và yếu trước các hành động về chính sách thương mại mang tính phân biệt của những nước lớn và có quyền lực. Điều này thể hiện qua các điều luật về đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia, theo đó các thành viên WTO sẽ có quyền tiếp cận giống nhau vào cùng một thị trường, và các nhà cung cấp nước ngoài sẽ được đối xử bình đẳng với các nhà cung cấp trong nước.
Những luật lệ công bằng này là điều cơ bản để thiết lập lòng tin vào hệ thống thương mại thế giới. Đặc biệt, chúng giảm thiểu những rủi ro đi kèm với sự phụ thuộc nhiều hơn của các nhà sản xuất và người tiêu dùng của một quốc gia vào nước ngoài – những rủi ro mà trong những hoàn cảnh khác có thể bị nước nào đó lợi dụng để không mở cửa cho hàng hóa của nước kia.
Thứ hai, các nền kinh tế lớn có xu hướng khai thác quyền lực ảnh hưởng của mình để đánh thuế lên thương mại của họ với các quốc gia khác. Mà điều này theo lý thuyết thương mại là có hại cho toàn bộ nền kinh tế thế giới, và cho cả bản thân nước này. Bởi vậy, khi đã tham gia vào WTO thì các nước thành viên đồng ý không nâng cao hàng rào thuế quan, và, thay vào đó, tự ràng buộc mình vào một lộ trình cắt giảm thuế quan với những mức trần ấn định.
Theo hướng này, các nước thành viên chỉ được giới hạn thương mại bằng thuế quan và có nghĩa vụ phải tạo điều kiện để các nước đối tác tiếp cận thị trường nội địa của mình không kém ưu đãi hơn so với mức đã nêu trong lộ trình cắt giảm thuế quan của họ.
Đóng góp thứ ba và có lẽ là quan trọng nhất của WTO là nó yêu cầu các chính phủ nói không với các nhóm lợi ích trong nước đòi bảo hộ và những ưu đãi đặc biệt khác. Khi tham gia vào WTO, các thành viên không được nâng thuế bảo hộ lên quá mức trần cho phép, cũng như áp đặt các biện pháp bảo hộ phi thuế quan.
Lợi ích này đôi khi được gọi là “hiệu ứng Ullyses”: nó giúp ngăn không cho các chính phủ đáp ứng đòi hỏi ưu đãi của các nhóm lợi ích để rồi toàn bộ nền kinh tế có thể phải trả giá.
Như vậy, tham gia vào WTO cũng có nghĩa là Việt Nam sẽ được bảo vệ bởi và hưởng những lợi ích to lớn mà WTO mang đến cho các nước thành viên. Là một nền kinh tế nhỏ bé và phụ thuộc, việc các thị trường lớn nhất thế giới phải mở cửa cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tạo ra một cơ hội phát triển lớn cho chúng ta, mặc dù trong quá trình này, đổi lại, Việt Nam cũng sẽ phải chịu một số tổn thất.
Tuy vậy, gia nhập WTO và tham gia sâu hơn vào quá trình toàn cầu hóa sẽ chỉ làm lợi về toàn cục cho nước nào có chính sách quản trị kinh tế đúng đắn, và sẽ trừng phạt nước nào có chính sách sai lầm. Điều này cũng giống như các luồng vốn tài chính có thể chảy vào những nền kinh tế được quản lý tốt một cách dễ dàng hơn và nhanh hơn nhiều so với trước đây, và chúng có thể cũng sẽ chảy ngược ra nhanh và dễ như vậy, một khi lòng tin vào nền quản trị bị lung lay – như kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính 1997 cho thấy.
Có hai yếu tố của một nền quản trị kinh tế được coi là đúng đắn đáng được nhấn mạnh ở đây: cam kết về một cơ chế thanh toán và trao đổi thương mại quốc tế tự do, và những chính sách nội địa có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng và không bóp méo các thị trường yếu tố đầu vào và sản phẩm. Hai yếu tố này, nếu phối hợp với nhau, sẽ cho phép các nhà sản xuất khai thác được triệt để các lợi thế mang đến sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
Về yếu tố thứ nhất, sự thiếu vắng một cam kết có một cơ chế thanh toán và thương mại tự do ổn định sẽ chỉ thu hút được những luồng vốn đầu tư ngắn hạn, luôn chứa đựng rủi ro chảy ngược ra khi niềm tin bị sứt mẻ.
Vì lý do này, và vì tính bao quát rộng rãi của các thỏa thuận của WTO, các cam kết về chính sách thương mại tự do trong khuôn khổ WTO là cực kỳ quan trọng, và là cơ sở để ra các quyết định đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng. Đối với những nước chưa là thành viên WTO thì lòng tin của các nhà đầu tư ít hơn nhiều so với trường hợp những nước đã là thành viên, do tính chất ràng buộc của các thỏa thuận giữa họ với WTO.
Đối với yếu tố thứ hai, nó đóng một vai trò quan trọng trong việc biến những lợi ích tiềm năng mang lại từ gia nhập WTO và tự do hóa thương mại và thanh toán thành lợi ích hiện thực. Những chính sách nội địa cần có là những chính giá cả, thuế má, và kinh tế vĩ mô ổn định, minh bạch, và có thể dự đoán được, cũng như một số chính sách luật định khác không ưu ái riêng cho một ngành nào đó và giúp các thị trường yếu tố đầu vào hoạt động hiệu quả và thân thiện với tăng trưởng (ví dụ chính sách đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo vệ sở hữu trí tuệ, nghiên cứu và triển khai…).
TS. Phan Minh Ngọc (Đại học Kyushu , Nhật Bản)
TBKT
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!