Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Trương Hán Siêu
VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh cùng các bạn bài viết về sự nghiệp và cuộc đời của nhà thơ Trương Hán Siêu được trích dẫn qua tác phẩm “Phú sông Bạch Đằng” nằm trong chương trình Ngữ văn lớp 10.
Trương Hán Siêu là một vị quan dưới đời bốn vua nhà Trần và đóng góp rất lớn cho sự phồn vinh của triều đại nhà Trần. Ông là người có kiến thức sâu rộng, giàu lòng yêu nước và được các vị vua Trần tôn quý như bậc thầy. Ngoài ra, ông còn được biết đến là nhà thơ nổi tiếng với tác phẩm Bạch đằng giang phú. Đây là một kiệt tác văn chương được nhiều người yêu thích và tìm hiểu. Trong bài viết này VnDoc sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về tiểu sử cuộc đời cũng như sự nghiệp sáng tác văn học của nhà thơ Trương Hán Siêu.
Tiểu sử cuộc đời Trương Hán Siêu
Trương Hán Siêu (?-1354), tên tự là Thăng Phủ, hiệu Đôn Tẩu, là một danh sĩ nổi tiếng đời Trần, kiệt tác văn chương nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông là bài Bạch Đằng giang phú rất được lưu truyền…
Trương Hán Siêu quê ở làng Phúc Am, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (nay là phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình).
Trương Hán Siêu xuất thân là môn khách của Trần Quốc Tuấn, tính tình cương nghị, học vấn uyên thâm. Ông tham dự cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba. Năm 1308, ông được vua Trần Anh Tông bổ Hàn lâm học sĩ. Đời Trần Minh Tông giữ chức Hành khiển. Sang đời Trần Hiến Tông năm 1339 làm môn hạ hữu ty lang trung, đến đời Trần Dụ Tông năm 1342 đổi sang tả ty lang trung kiêm Kinh lược sứ ở Lạng Giang, rồi thăng tả gián nghị đại phu năm 1345 và năm 1351 làm tham tri chính sự.
Năm Quý Tỵ 1353, ông lãnh quân Thần sách ra trấn nhậm ở Hóa Châu (Huế), giữ đất này yên ổn. Tháng 11 năm sau, ông cáo bệnh xin về nghỉ, nhưng về chưa đến kinh sư thì ông mất. Sau khi ông mất, vua cho truy tặng hàm thái bảo, năm 1363 truy tặng thái phó và được thờ ở Văn Miếu quốc gia (từ năm 1372), ngang với các bậc hiền triết đời xưa.
Trương Hán Siêu là người có học vấn sâu rộng, giàu lòng yêu nước, được các vua đời Trần tôn quý như bậc thầy. Thời trẻ, ông bài xích (phản đối) Phật, nhưng vua không trách, còn bổ ông làm quản tự cho một ngôi chùa lớn. Về cuối đời, ông lại là người sùng đạo Phật và những sáng tác của ông cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng này.
Sự nghiệp văn học của Trương Hán Siêu
Trương Hán Siêu có bài Bạch Đằng Giang phú được truyền tụng là một áng thiên cổ hùng văn trong lịch sử văn học yêu nước Việt Nam, một áng văn chứa chan niềm tự hào dân tộc, có ý nghĩa tổng kết lại chiến thắng Bạch Đằng thời bấy giờ:
“Giặc tan muôn thủa thái bình,
Tại đâu đất hiểm, bởi mình đức cao”.
Trương Hán Siêu cũng soạn Linh tế thập ký (bài ký tháp Linh Tế), Quang nghiêm tự bi văn (bài văn bia chùa Quang Nghiêm). Hai bài đó có đề cao Nho học và phê phán Phật giáo. Ông và Nguyễn Trung Ngạn hợp soạn bộ Hoàng triều đại điển và Hình thư đặt nền tảng cho chế độ Phong kiến Việt Nam vận hành theo pháp luật. Ông còn là một nhà văn hoá, có tầm nhìn du lịch sớm nhất Việt Nam.
Bài thơ “Dục Thúy Sơn khắc thạch” nói về núi Dục Thúy ở Ninh Bình được khắc bên sườn núi, hãy còn bút tích. Dục Thúy Sơn nghĩa là “núi có hình con chim trả đang tắm gội” – tên này do chính ông đặt cho ngọn núi Non Nước ở quê hương ông.
Dịch nghĩa
Sắc núi vẫn xanh mượt mà,
Người đi chơi sao không về?
Giữa dòng sáng ngời bóng tháp,
Thượng giới mở cánh cửa hang.
Có cách biệt với cuộc đời trôi nổi như ngày nay,
Mới biết rõ cái danh hờ trước kia là không đúng,
Trời đất ở Ngũ-hồ rộng thênh thang,
Hãy tìm lại tảng đá ngồi câu khi trước.
Dịch thơ (Trần Văn Giáp)
Non xanh xanh vẫn như xưa,
Du nhân đi mãi vẫn chưa thấy về!
Sóng in bóng tháp bồ đề,
Mở toang cửa động liền kề chân mây.
Đời lênh đênh trước khác nay,
Thân nhàn mới biết trước ngày lầm to.
Mênh mông trời đất Năm hồ,
Vòm câu cũ, kíp thăm dò nơi đâu.
Nhóm bài thơ “Vịnh Hoa Cúc” do Nguyễn Tấn Hưng dịch:
Vịnh hoa cúc (I)
Hoa tươi, năm ngoái ngày này,
Ngồi suông với bạn, rượu bày có đâu!
Việc đời thường trái ngược nhau
Bửa nay sẵn rượu, lại sầu không hoa.
Vịnh hoa cúc (II)
Thu nay mưa gió loạn cuồng
Mà sao cúc vẫn đầy vườn trổ bông
Phải chăng trời cũng chiều lòng
Cho loài hoa rét bạn cùng già nua.
Trương Hán Siêu trồng hoa cúc bên núi Dục Thúy Sơn, là hoa Sơn kim cúc (Hoàng Hoa). Ngày ngày ông chăm chút cho từng khóm cúc, nhành hoa:
Vũ dư khai phố di căn chủng
Sương hậu tuần ly trích nhị thu
Mạc đạo u nhân hồn lãn tán
Nhất niên mang sử thị thâm thu.
Mưa tạnh ra vườn tỉa gốc trồng
Sương gieo quanh giậu lượm từng bông
Chớ rằng nhàn ẩn nên lười nhác
Bận rộn khi ngày sắp cuối đông
(Đào Phương Bình dịch thơ)
Có lúc ông nhìn trời gió mưa thêm buồn mà than thở:
Nhất thu đa vũ hựu đa phong
Khởi ý thu hoa thượng mãn tùng
Ưng thị thiên công linh lãnh lạc
Cổ lưu hàn nhị bạn suy ông.
Trời thu lắm gió lại nhiều mưa
Khóm trĩu hoa thu thật chẳng ngờ
Tạo hoá phải chăng thương quạnh vắng
Dành bông hoa lạnh tặng già nua
(Đào Phương Bình dịch thơ).
Khi ở xa, cụ vẫn luôn canh cánh một nỗi nhớ về hoa cúc trên đỉnh núi:
Trùng dương thời tiết kim triêu thị
Cố quốc hoàng hoa khai vị khai?
Khước ức cầm tôn tiền nhật nhã
Kỷ hồi tao thủ phú quy lai.
Sớm nay vừa tiết trùng dương
Chẳng hay quê cũ hoa vàng nở chưa
Rượu đàn chạnh nhớ thú xưa
Vò đầu mấy bận làm thơ “đi, về”
(Huệ Chi dịch thơ).
Có lúc lại thiếu thốn làm ông càng buồn thêm nỗi cô đơn. Khi có hoa lại thiếu rượu. Khi có rượu lại không hoa. Cụ ngắm nhìn hoa cúc mà lại càng thêm sầu:
Khứ niên kim nhật hữu hoa đa
Đối khách sầu vô tửu khả xa
Thế sự tương vi mỗi như thử
Kim triêu hữu tửu khước vô hoa.
Ngày này, năm ấy hoa đương độ
Không rượu ngồi suông khách với ta
Trái ngược việc đời thường vẫn thế
Hôm nay có rượu lại không hoa
(Nhóm Lê Quý Đôn dịch thơ).
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!