Dàn ý Phân tích nhân vật Ra-ma và Xi-ta trong đoạn … – Toploigiai

Tuyển chọn những bài Dàn ý Phân tích nhân vật Ra-ma và Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội. Với các dàn ý hay nhất dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích, cũng như tăng thêm vốn từ vựng để hoàn thiện bài phân tích tốt nhất. Cùng tham khảo nhé!

Phân tích nhân vật Ra-ma và Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội | 950 bài Văn mẫu 10 hay nhất

Dàn ý 1: Phân tích nhân vật Ra-ma và Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội

I. Mở bài

– Giới thiệu vị trí và nội dung đoạn trích Ra-ma buộc: Đoạn trích thuộc phần cuối của sử thi Ramayana, cửa ải để tìm ra hạnh phúc của Ra-ma và Xi-ta

– Giới thiệu và đánh giá về hai nhân vật Ra-ma và Xi-ta: Là hai nhân vật trung tâm của đoạn trích. Vẻ đẹp phẩm chất của hai nhân vật này trở thành biểu trưng cho những phẩm chất tốt đẹp của người Ấn Độ.

II. Thân bài

1. Nhân vật Ra-ma

a. Hoàn cảnh của cuộc tái hợp với Xi-ta

– Xi-ta phải đứng trước mọi người trong cộng đồng như một bị cáo.

– Ra-ma ngự trên ngôi như một vị thủ lĩnh, một quan tòa có quyền kết án.

– Ra-ma trong tư cách kép: một người chồng – một anh hùng, một đức vua

– Ra-ma trong ràng buộc kép: bổn phận người chồng nhưng vẫn phải giữ tròn bổn phận của một đức vua, anh hùng.

b. Tâm trạng của Ra-ma

* Trước lúc Xi-ta lên giàn hỏa thiêu

– Khi đứng trước cộng đồng:

+ Khẳng định chiến thắng và tài nghệ của mình.

+ Tuyên dương công trạng những người đã giúp đỡ mình.

→ Lời lẽ rành mạch, tự hào. Thể hiện tính công khai của sử thi.

– Khi đứng trước Xi-ta:

  • Lời nói:

+ Xưng hô: ta -phu nhân, cách xưng hô trịnh trọng nhưng rất xa cách.

+ Nhấn mạnh mục đích chiến đấu không phải vì Xi-ta mà vì danh dự, phẩm giá của bản thân và cộng đồng “ta làm điều đó vì nhân phẩm của ta…”

+ Bộc lộ nghi ngờ, ghen tuông về trinh tiết của Xi-ta: “nàng đã lưu lại lâu trong nhà kẻ xa lạ, đôi mắt tội lỗi của hắn hau háu nhìn nàng…”

+ Lăng nhục Xi-ta, không nhận làm vợ và đuổi nàng đi: “ta không ưng nàng nữa, ta không cần đến nàng nữa,…”

→ Lời nói lạnh lùng, tàn nhẫn

  • Dáng vẻ, hành động:

+ Thấy người vợ xinh đẹp “lòng Ra-ma đau như cắt”.

+ Ra – ma đức hạnh nghe người nọ người kia thì thào bàn tán ngồi suy nghĩ ủ uê, thầm rỏ nước mắt

→ Thái độ đau đớn, xót xa.

→Có sự đối lập trong lời nói và dáng vẻ, hành động bởi Ra-ma đang đứng giữa thế phải chọn lựa giữa một bên là bổn phận của một quốc vương, một bên là tình yêu, hạnh phúc cá nhân.

* Khi Xi-ta lên giàn hỏa thiêu

– Kiên quyết không nói một lời, ngồi câm lặng “mắt dán xuống đất”

– Ra-ma tê dại “nom chàng khủng khiếp như thần chết”.

→ Một tâm lý phức tạp với nhiều cung bậc giằng xé trong con người Ra-ma: Anh hùng (cao thượng) >< Con người (mềm yếu)

⇒ Hoàn cảnh ngặt nghèo của Ra-ma: phải lựa chọn giữa tình yêu và danh dự . Chàng chọn danh dự, một con người đã hi sinh hạnh phúc cá nhân để bảo vệ đạo đức xã hội. Đó là một hình mẫu lý tưởng của người anh hùng thời xưa.

⇒ Ra-ma không lạnh lùng cũng không ghen tuông, tàn nhẫn. Chàng hành động như vậy để thực hiện bổn phận cai trị của một quốc vương, lòng trung thành tuyệt đối với bổn phận

c. Nghệ thuật xây dựng nhân vật Ra-ma:

– Chú ý tới lí trí mạnh mẽ đến cực đoan trong nhân vật.

– Xây dựng nhân vật không chỉ trong lời nói, hành động mà còn trong tính cách (ghen tuông, ngờ vực,…)

– Đi gần đến nghệ thuật xây dựng nhân vật văn học hiện đại: không công thức, ước lệ mà sinh động, hấp dẫn.

2. Nhân vật Xi-ta

a. Hoàn cảnh của Xi-ta

– Xa chồng, quỷ vương dụ dỗ, nàng phải đấu tranh để giữ trinh tiết.

– Được giải cứu, nàng rất vui mừng và hạnh phúc.

b. Phản ứng trước những lời buộc tội của Rama

– Đứng lặng hồi lâu không thốt nên lời, mở tròn xoe đôi mắt đẫm lệ

→ Sự ngạc nhiên tột độ

– Thân thể héo hon như dây leo bị vòi voi quật nát

→ Đau đớn, xót xa

– Nước mắt đổ ra như suối, nghẹn ngào, nức nở, muốn chôn vùi cả hình hài lẫn thân xác.

→ Xấu hổ, nhục nhã

c. Sự thanh minh của Xi-ta

– Lời lẽ

+ Lấy tư cách của mình ra để thề: “hãy tin vào danh dự của thiếp”

+ Thanh minh cho mình bằng cách đổ cho số phận mình: “Số phận của thiếp đáng chê trách”

+ Trách móc, phê phán Ra-ma đã “không thể suy xét chín chắn” mà đánh đồng nàng với hạng phụ nữ tầm thường.

+ Khẳng định tình yêu dành cho Ra-ma: “trái tim thiếp thuộc về chàng”.

+ Nêu nguồn gốc xuất thân cao quý: con của “nữ thần Đất mẹ”, kiêu hãnh và trong trắng

→ Cách lập luận của Xi-ta chặt chẽ, vừa có lí vừa có tình, có sự tự tin vào lí trí, phẩm giá mà cũng có nước mắt của nỗi yêu thương tha thiết nay bị nghi ngờ. Xi-ta là một người phụ nữ lí trí, đức hạnh và chung thủy.

– Hành động tự thiêu của Xi-ta

+ Xi-ta đi quanh Ra-ma, cúi lậy chư thần, đấng Bra-ma, cầu xin sự chứng giám của thần Lửa A-nhi.

+ Xi-ta dũng cảm chấp nhận cái chết để chứng minh cho sự chung thủy, cho tình yêu, cho phẩm hạnh của mình.

+ Thái độ của người xung quanh: ai nấy đều đau lòng đứt ruột, các phụ nữ kêu khóc thảm thương,..thể hiện lòng thương cảm, sự tin tưởng vào nhân cách của Xi-ta

+ Yếu tố kì ảo: Xi-ta nhảy vào lửa nhưng không chết bởi nàng được thần linh che chở và chứng giám cho sự chung thủy

⇒ Xi-ta là một người phụ nữ đức hạnh, bất khuất thủy chung, giàu lòng tự trọng. Xứng đáng là một hình mẫu lý tưởng của người phụ nữ Ấn Độ thời xưa.

c. Nghệ thuật xây dựng nhân vật Xi-ta.

– Miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật

– Khắc họa nhân vật trong lời nói, hành động

– Sử dụng yếu tố kì ảo để khắc họa vẻ đẹp nhân vật

III. Kết bài

– Khái quát về phẩm chất, tính cách của hai nhân vật và nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật

– Thể hiện suy nghĩ, thái độ về hai nhân vật này: trân trọng, ngợi ca, tôn kính.

Phân tích nhân vật Ra-ma và Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội | 950 bài Văn mẫu 10 hay nhất

Dàn Ý 2: Phân Tích Nhân Vật Ra-Ma Và Xi-Ta Trong Đoạn Trích Ra-Ma Buộc Tội

I. Mở bài

– Sơ lược về sử thi Ra-ma-ya-na. – Đoạn trích Ra-ma buộc tội nằm ở chương 9, khúc ca thứ VI, kể về mâu thuẫn của vợ chồng Ra-ma và vợ, sau khi hoàng tử cứu được Xi-ta – vợ mình từ tay quỷ dữ Ra-va-na, mà thông qua đó nội tâm sâu sắc và những nét tính cách của hai nhân vật Ra-ma và xi-ta được khai thác và bộc lộ một cách rõ nét.

II. Thân bài

1. Nhân vật Ra-ma

* Với tư cách cộng đồng, tư cách của một vị vua: – Chọn cách xưng hô với vợ mình là “Hỡi phu nhân cao quý”, một cách xưng hô khách sáo và xa lạ. – Khẳng định và tuyên bố việc tiêu diệt quỷ vương Ra-va-na không phải vì Xi-ta mà trước hết là vì danh dự cá nhân và danh dự của cộng đồng, của dòng tộc cao quý.

Đọc thêm:  Hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Chiều tối

* Với tư cách là một người chồng: – Tư cách của một người chồng bị lăng nhục, sau bao tháng ngày xa cách chàng đã có những biểu hiện của sự tức giận vì ghen tuông và nghi ngờ danh tiết của vợ với những lý do chặt chẽ. => Ra-ma đã xua đuổi, rũ bỏ Xi-ta bằng những lời nói cạn tình, cạn nghĩa, xoáy sâu vào tấm lòng người vợ tội nghiệp: “Ta không cần đến nàng nữa, nàng muốn đi đâu tùy ý”.

* Mâu thuẫn nội tâm của Ra-ma: – Mâu thuẫn giữa trách nhiệm, tư cách với cộng đồng và tình yêu thương sâu sắc đối với vợ. – Sau những lời nói kiên quyết, sắc bén như dao làm tổn thương Xi-ta, thì ngay tại chính tâm hồn chàng cũng phải chịu những nỗi đau tương tự, đau đớn vì sự nhẫn tâm của mình với người vợ yêu dấu. – Nhưng chàng là một vị vua, chàng phải cai trị cả một cộng đồng, chàng không được phép mềm yếu vì tình yêu, chàng phải đứng vững vì danh dự của cả dòng họ. => Sự đau khổ và giằng xé tột cùng.

2. Nhân vật Xi-ta:

* Bi kịch của nàng: – Là người phụ nữ xinh đẹp và đức hạnh có một tình yêu đẹp và một cuộc hôn nhân hạnh phúc với Ra-ma người nàng yêu trong suốt 14 năm trời, thế nhưng bất hạnh thay vì một kiếp nạ bị quỷ Ra-va-na bắt cóc mà nàng bị chồng nghi ngờ và ruồng rẫy – Nàng bị chồng vu cho tội danh thất tiết, không chung thủy, rằng nàng đã bị tên quỷ Ra-va-na vấy bẩn, nàng đã không còn xứng đáng với Ra-ma và dòng họ của chàng nữa – Những điều đó đã khiến Xi-ta đau khổ và bàng hoàng “đến nghẹt thở”, tâm hồn nàng như một “cây dây leo bị vòi voi quật nát”, trái tim nàng tan vỡ vì những lời bạc nghĩa của Ra-ma.

* Cách giải quyết của Xi-ta trước mâu thuẫn để bảo vệ danh dự của mình. – Dùng chính tư cách của bản thân, tư cách con gái của nữ thần Đất để bảo đảm cho sự trong sạch của nàng. – Xi-ta đã chất vấn Ra-ma bằng một với tư cách một người vợ “Cớ sao chàng lại dùng những lời lẽ gay gắt khó tả như vậy đối với thiếp, giống như một kẻ thấp hèn đang chửi mắng một con mụ thấp hèn?”. – Dùng tư cách một hoàng hậu, một con người của cộng đồng để chất vấn Ra-ma “Suy từ hành vi của loại phụ nữ thấp hèn, chàng đã ngờ vực tất cả giới phụ nữ, nhưng thế đâu có phải”. => Xi-ta không phải là một người phụ nữ yếu đuối, nàng sẵn sàng mạnh mẽ chống lại những lời không đúng sự thật để bảo vệ danh dự bản thân và danh dự của tất cả phụ nữ trong cộng đồng. – Tuy nhiên Ra-ma không tin tưởng nàng, dẫn đến sự tuyệt vọng của Xi-ta “Tình yêu của thiếp, lòng trung thành của thiếp nay xem ra hoàn toàn vô ích”. – Nàng chọn cách bước lên giàn hỏa thiêu để chứng minh cho sự thanh bạch của mình. => Thể hiện sự dũng cảm, bản tính ngay thẳng, nhân cách cao đẹp của Xi-ta, đối với nàng ngoài tình yêu của chồng, thì danh dự là thứ không thể bị xúc phạm, nàng cũng có tư cách của riêng mình, mà không kẻ nào được làm tổn thương nó. => Vẻ đẹp và nhân cách của Xi-ta chính là đại diện cho hình mẫu phụ nữ lý tưởng trong nền văn hóa Ấn Độ cổ đại.

III. Kết bài

– Tổng kết nội dung và cảm nhận chung về hai nhân vật chính.

Phân tích nhân vật Ra-ma và Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội | 950 bài Văn mẫu 10 hay nhất

Phân tích nhân vật Ra-ma và Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội – Bài văn mẫu 1

Tác phẩm Ra-ma-ya-na có ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Đây là một trong những bộ sử thi vĩ đại nhất của Ấn Độ nói riêng và của thế giới nói chung. Đoạn trích Ra-ma buộc tội nằm ở khúc ca thứ 6 chương 79 với tình huống truyện hết sức đặc sắc qua đó thể hiện được những phẩm chất, tính cách của hai nhân vật chính là Ra-ma và Xi-ta.

Ra-ma hiện lên là một người anh hùng, kiên cường, dũng cảm đã đánh bại quỷ vương để cứu người vợ thân yêu của mình trở về. Trong đoạn trích, Ra-ma còn hiện lên với những phẩm chất, tính cách khác mà trước hết là tình yêu với vợ. Tình yêu đó được thể hiện ở quyết tâm đi cứu vợ khỏi quỷ vương Ra-va-na. Vợ rơi vào tay kẻ thù chắc chắn một người chồng sẽ đi cứu vợ và Ra-ma cũng không phải một ngoại lệ. Chàng cứu được Xi-ta vừa vui, vừa lo âu, buồn bã. Tình yêu còn được thể hiện trong sự ghen tuông rất đỗi đời thường, vợ rơi vào tay một người đàn ông khác lâu như vậy, nếu yêu vợ chẳng có ai lại không ghen, lời nói, hành động ruồng bỏ của Ra-ma cũng là vì lẽ ghen tuông ấy mà ra. Ngoài ra, tình yêu của chàng với Xi-ta còn được thể hiện ở nỗi lòng của Ra-ma khi phải buộc tội vợ, lòng chàng đau như cắt, mỗi lời chàng nói ra như có trăm ngàn vết dao cứa vào tim. Nhưng chàng không thể làm điều gì khác ngoài lời buộc tội ấy, bởi ngoài tư cách là một người chồng, chàng còn là vị quân vương tương lai sau này.

Những bên cạnh đó, Ra-ma còn hiện lên với tư cách công dân, vị quân vương tương lai, trọng danh dự, nhân phẩm. Bởi vậy dẫn đến hành động quyết liệt từ bỏ vợ. Hành động của Ra-ma cho thấy chàng luôn luôn đứng trên quyền lợi của cộng đồng để ra quyết định, điều đó cho thấy Ra-ma là người biết nhìn xa trông rộng, bởi lẽ yêu thương luôn đi liền với danh dự, bỏ mất danh dự tình yêu thương chỉ còn là sự thương hại. Điều này khiến cho trong Ra-ma nảy sinh mẫu thuẫn một mặt muốn yêu thương, bảo vệ Xi-ta mặt khác lại muốn bảo vệ danh dự dòng dõi. Tuy có xung đột như vậy nhưng quyết định cuối cùng vẫn phải trên lập trường nhân vật, cộng đồng. Đây chính là vẻ đẹp nói chung của các vị anh hùng trong sử thi, đặt quyền lợi cá nhân sau quyền lợi cộng đồng, kiên quyết bảo vệ danh dự đến cùng.

Về phía Xi-ta nàng cũng mang trong mình nhiều phẩm chất tốt đẹp. Đầu tiên phải kể đến là tình yêu, sự thủy chung của nàng với Ra-ma. Trong những ngày bị quỷ vương bắt nàng luôn giữ gìn tiết hạnh, không cho quỷ vương động đến người mình, bởi cả thể xác và tâm hồn nàng đều thuộc về Ra-ma. Khi Ra-ma đánh thắng quỷ vương, nhận được tin đó Xi-ta nóng lòng muốn gặp lại ngay người chồng yêu thương của mình. Nàng bỏ cả điểm trang, nàng bỏ qua tục lệ tắm rửa vì muốn đến gặp chồng cho nhanh. Việc làm đó chứng tỏ tình yêu nồng nhiệt, cháy bỏng Xi-ta giành cho chồng.

Nhưng đồng thời nàng cũng là một phụ nữ hết sức thông minh, hành động kiên quyết để chứng minh phẩm giá, sự trong sạch của bản thân. Khi gặp chồng nàng phải đứng trước không gian cộng đồng, ngay lập tức nàng đã hiểu ý nghĩa cuộc gặp gỡ này, nàng tỏ ra vô cùng khiêm nhường trước Ra-ma. Bị Ra-ma đặt vào tình thế bất ngờ, từ niềm mong mỏi được gặp chồng nàng bỗng bị đặt trước những lời phán xét cay nghiệt của chính người mà mình yêu thương, nàng đã đưa ra những lí lẽ để chứng minh sự trong sạch của bản thân.

Đọc thêm:  Lập dàn ý Kể về một cuộc gặp gỡ với các chú bộ đội nhân ngày

Lập luận của nàng hết sức chặt chẽ, có trước có sau, giọng điệu từ tốn mà vô cùng kiên quyết. Nàng trách Ra-ma đã không suy xetsm đánh đồng nàng với những phụ nữ tầm thường: “giống như kẻ thấp hèn chửi mắng một con mụ thấp hèn”. Và nàng khẳng định phẩm hạnh, tư cách của mình, với những lời lẽ thanh minh hết sức sắc sảo “Ra-va-na đã đụng đến thiếp khi mà thiếp đang chết ngất đi, làm thế nào tránh được”, còn khi nàng tình táo, nằm trong tầm kiểm soát thì “trái tim thiếp đây, là thuộc về chàng”. Những lập luận đanh thép vừa cho thấy tình yêu với Ra-ma vừa cho khẳng định sự trong sạch của Xi-ta. Xi-ta thay đổi cách xưng hô, khi gọi Ra-ma là chàng tự xưng mình là thiếp, khi lại gọi Ra-ma là đức vua. Không chỉ vậy, lời thoại của nàng còn hướng đến những người xung quanh, như một cách để thanh minh, bào chữa cho chính mình.

Nhưng lời bào chữa cũng không thể lấy được niềm tin của Ra-ma, nàng đi đến một hành động kiên quyết, đặt cược cả mạng sống của mình bằng cách tự thiêu, nhờ thần lửa A-nhi chứng minh cho sự trong sạch của bản thân. Nàng bước lên tự tin, không chút sợ hãi, bởi nàng trong trắng, vô tội nên các vị thần linh sẽ chứng giám cho sự trong trắng toàn vẹn của nàng. Với hành động đó, Xi-ta vừa chứng minh được trước toàn thể cộng đồng sự trong sạch, nhân phẩm cao quý của mình, vừa loại bỏ mọi sự ghen tuông đang ngùn ngụt trong lòng Ra-ma. Hành động của Xi-ta còn cho thấy, tự bản thân nàng cũng ý thức được trách nhiệm công dân của mình trong cộng đồng. Bởi vậy nàng phải tìm mọi cách để chứng minh, bảo vệ danh dự cá nhân, danh dự cộng đồng. Ý thức về danh dự, nhân phẩm chính là yếu tố qua trọng nhất ở cả Ra-ma và Xi-ta.

Để tạo nên thành công trong việc xây dựng hai nhân vật ta cần phải kể đến nghệ thuật xây dựng tình huống truyện đặc sắc, giúp các nhân vật bộc lộ phẩm chất bản thân. Ngôn ngữ nhân vật tài tình, tinh tế giúp diễn tả được tâm trạng nhân vật. Ngôn ngữ thường tập trung thuyết giảng đạo đức dựa trên lí tưởng cộng đồng. Nghệ thuật so sánh được vận dụng linh hoạt, giúp tái hiện tâm lí nhân vật.

Với tình thế, thử thách ngặt nghèo đặt ra cho cả Ra-ma và Xi-ta tác giả đã giúp người đọc khám phá những nét tính cách đẹp đẽ trong hai nhân vật. Đó là tình yêu tha thiết, sâu nặng, là ý thức về vai trò của bản thân trong tập thể, cộng đồng. Hai nhân vật là đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp của người Ấn Độ.

Bài Văn Mẫu Phân Tích Nhân Vật Ra-Ma Và Xi-Ta Trong Đoạn Trích Ra-Ma Buộc Tội

Ra-ma-ya-na là một trong hai bộ sử thi rất nổi tiếng của Ấn Độ, được xưng tụng là kiệt tác thi ca đầu tiên của Ấn Độ mang tầm vóc vĩ đại, có sức ảnh hưởng sâu rộng và lâu bền trong nền văn hóa, đời sống tinh thần của người dân Ấn Độ và vượt ra ngoài cương vực lãnh thổ đến với các quốc gia khác trên thế giới, điển hình là một số nước Đông Nam Á. Được hình thành vào khoảng thế kỷ IV-III trước công nguyên, sử thi này đã từng được bổ sung, hoàn thiện bởi rất nhiều các thế hệ văn nhân-tu sĩ Ấn, sau cùng trở thành tuyệt tác văn hóa nghệ thuật dưới đôi bàn tay của đạo sĩ Van-mi-ki. Tác phẩm kể về cuộc đời và những kỳ tích của hoàng tử Ra-ma, con trai trưởng của nhà vua Đa-xa-ra-tha trong quá trình bị lưu đày, đề cao đạo đức của hoàng tử Ra-ma, đồng thời ca ngợi mối tình chung thủy của nàng Xi-ta, phản ánh ước mơ của người dân Ấn về một vị minh quân, và hình mẫu lý tưởng của người phụ nữ Ấn Độ cổ đại. Đoạn trích Ra-ma buộc tội nằm ở chương 9, khúc ca thứ VI, kể về mâu thuẫn của vợ chồng Ra-ma và vợ, sau khi hoàng tử cứu được Xi-ta – vợ mình từ tay quỷ dữ Ra-va-na, mà thông qua đó nội tâm sâu sắc và những nét tính cách của hai nhân vật Ra-ma và xi-ta được khai thác và bộc lộ một cách rõ nét.

Sau khi đã giải quyết xong xung đột cộng đồng, giết quỷ Ra-va-na, cứu thoát vợ để giành lại danh dự và chứng minh sức mạnh không được phép ai khinh nhờn, thì Ra-ma lại tiếp tục rơi vào một xung đột khác đó là xung đột cá nhân, xung đột giữa tình yêu với danh dự và bổn phận. Ra-ma và Xi-ta đã gặp lại nhau trong một bối cảnh cộng đồng có sự chứng kiến của công chúng, bao gồm anh em bạn hữu của Ra-ma, đội quân của loài khỉ, quan quân dân chúng của loài quỷ. Chính vì vậy Ra-ma và vợ đã đối thoại với nhau bằng tư cách của những người đứng giữa cộng đồng, chàng xuất hiện với tư cách kép, thứ nhất là tư cách của một vị vua, thế nên ngài đã chọn cách xưng hô với vợ mình là “Hỡi phu nhân cao quý”, một cách xưng hô khách sáo và xa lạ. Trước cộng đồng Ra-ma khẳng định và tuyên bố việc tiêu diệt quỷ vương Ra-va-na không phải vì Xi-ta mà trước hết là vì danh dự cá nhân, với Ra-ma “kẻ nào bị quân thù lăng nhục mà không đem tài nghệ của mình ra để trả thù là kẻ tầm thường”. Sau đó quan trọng hơn cả danh dự cá nhân chính là danh dự cộng đồng, Ra-ma chiến đấu là “để bảo vệ uy tín và danh dự lẫy lừng của dòng họ lẫy lừng tiếng tăm”, để “chứng tỏ ta không thuộc về một gia đình bình thường”.

Sau tư cách của vị vua, tư cách của người dẫn đầu một cộng đồng dân tộc, Ra-ma trở lại với tư cách của một người chồng, tư cách của một người chồng bị lăng nhục, cho nên khi gặp lại Xi-ta sau bao tháng ngày xa cách chàng đã có những biểu hiện của sự tức giận vì ghen tuông. Chàng có rất nhiều cơ sở để chứng minh cho sự ghen tuông của mình là đúng đắn, thứ nhất là vì nàng Xi-ta “đã lưu lại lâu trong nhà một kẻ xa lạ”, thứ hai là vợ chàng đã bị quấy nhiễu khi ở trong vạt áo của Ra-va-na, và cuối cùng chính là bởi nhan sắc xinh đẹp yêu kiều của Xi-ta thì theo lô-gic bình thường tên quỷ háo sắc hẳn là không chịu đựng được lâu. Từ những nghi ngờ này dẫn đến việc Ra-ma đã xua đuổi, rũ bỏ Xi-ta bằng những lời nói cạn tình, cạn nghĩa, xoáy sâu vào tấm lòng người vợ tội nghiệp: “Ta không cần đến nàng nữa, nàng muốn đi đâu tùy ý”. Có thể lý giải cho hành động ghen tuông và thái độ nhẫn tâm này của Ra-ma bằng một nguyên nhân khác nữa, đó chính là do xuất phát từ tư cách cộng đồng, tư cách của một vị vua được biết bao người tôn kính, nhìn vào, thế nên dù chỉ một vết xước nhỏ cũng khiến cho chàng và cả dòng họ chàng chịu sự chỉ trích, điều ấy khiến chàng khó có thể giữ lại Xi-ta. Và cũng ngay lúc này đây trong lòng của Ra-ma xuất hiện một mâu thuẫn dữ dội, giằng xé nội tâm của chàng không dứt, đó là mâu thuẫn giữa trách nhiệm, tư cách với cộng đồng và tình yêu thương sâu sắc đối với vợ. Đâu ai biết được sau những lời nói kiên quyết, sắc bén như dao làm tổn thương Xi-ta, thì ngay tại chính tâm hồn chàng cũng phải chịu những nỗi đau tương tự, đau đớn vì sự nhẫn tâm của mình với người vợ yêu dấu, bàn tay chàng đang tự hủy hoại đi tình yêu 14 năm của họ, chỉ vì gánh nặng cộng đồng. Ta có thể nhận thấy tình yêu tha thiết của Ra-ma dành cho vợ qua một vài chi tiết nhỏ đó là ánh mắt nhìn “người đẹp khuôn mặt bông sen với những cuộn tóc lượn sóng đứng trước mặt mình, lòng Ra-ma đau như dao cắt”, rồi khi nghe thấy Xi-ta quyết định bước lên giàn hỏa thiêu, Ra-ma đã không dám nhìn đến nàng lấy một lần, mà mắt chàng chỉ dán xuống đất, bởi chàng sợ chàng sẽ không kìm nén được mà giữ Xi-ta lại. Trong khi tất cả những người xung quanh đều có quyền được đau khổ được xót thương cho Xi-ta thì chỉ riêng chàng là không được, bởi cái gánh nặng cộng đồng, gánh nặng dòng họ vẫn còn đang đè nặng trong trái tim của chàng. Những thứ ấy khiến tình yêu của Ra-ma bị ép lại, không được phép thể hiện ra, dù chính bản thân chàng cũng đang bị dày vò, đau đớn đến vô cùng, bởi chàng là người yêu Xi-ta nhất, và cũng chính chàng đã bức nàng đến bước đường hiến thân cho thần Lửa này. Sự đớn đau và mâu thuẫn đã khiến Ra-ma trở nên khủng khiếp như thần Chết vậy, có lẽ lòng của Ra-ma cũng sắp chết theo từng bước chân của Xi-ta rồi, nhưng chàng là một vị vua, chàng phải cai trị cả một cộng đồng, chàng không được phép mềm yếu vì tình yêu, chàng phải đứng vững vì danh dự của cả dòng họ, thật khốn khổ cho một người anh phải mang vác quá nhiều trách nhiệm.

Đọc thêm:  Tả người bạn em mới quen (14 mẫu) - Tập làm văn lớp 3

Về nhân vật Xi-ta, nàng là người phụ nữ xinh đẹp và đức hạnh có một tình yêu đẹp và một cuộc hôn nhân hạnh phúc với Ra-ma người nàng yêu trong suốt 14 năm trời, thế nhưng bất hạnh thay vì một kiếp nạn bị quỷ Ra-va-na bắt cóc mà nàng bị chồng nghi ngờ và ruồng rẫy. Sau khi được giải thoát nàng đã nôn nóng biết bao nhiêu khi ngay lập tức đến gặp lại người chồng dấu yêu, thế nhưng đáp lại nàng là một cách xưng hô thật xa lạ của Ra-ma “Hỡi phu nhân cao quý”, khiến nàng cảm thấy lạnh lẽo và có linh cảm chẳng lành. Nghe những lời đối thoại của chồng trước bao người, chàng chỉ nhắc đến những nhân vật chẳng mấy liên quan, chàng chẳng hề đoái hoài tới nàng, Xi-ta đã “mở tròn đôi mắt đẫm lệ”, với trí tuệ và sự nhạy bén của mình nàng biết chắc chồng mình đang cố gắng lảng tránh điều gì đó, và nàng đã đúng bi kịch đã ập ngay xuống đầu người phụ nữ tội nghiệp. Nàng bị chồng vu cho tội danh thất tiết, không chung thủy, rằng nàng đã bị tên quỷ Ra-va-na vấy bẩn, nàng đã không còn xứng đáng với Ra-ma và dòng họ của chàng nữa. Ra-ma đang xua đuổi nàng bằng những lời nói độc ác và tàn nhẫn đến cực điểm, chàng bảo nàng đi đâu thì tùy, chàng không còn cần nàng nữa, nàng đi đâu được với tội danh ô nhục không có thực. Những điều đó đã khiến Xi-ta đau khổ và bàng hoàng “đến nghẹt thở”, tâm hồn nàng như một “cây dây leo bị vòi voi quật nát”, trái tim nàng tan vỡ vì những lời bạc nghĩa của Ra-ma. Thế nhưng nàng sao có thể để bản thân bị những lời sai sự thật làm ô uế, nàng phải cứu vãn danh dự, nàng phải cứu vãn tình yêu của nàng, Xi-ta đã dùng chính tư cách của bản thân, tư cách con gái của nữ thần Đất để bảo đảm cho sự trong sạch của nàng. Có thể thấy trong những lời minh oan, nức nở, nghẹn ngào của Xi-ta ngoài sự đau khổ thì còn là sự tức giận, bởi Ra-ma người chung sống với nàng 14 năm cũng không hề tin tưởng nhân phẩm của nàng. Xi-ta đã chất vấn Ra-ma bằng một với tư cách một người vợ “Cớ sao chàng lại dùng những lời lẽ gay gắt khó tả như vậy đối với thiếp, giống như một kẻ thấp hèn đang chửi mắng một con mụ thấp hèn?”, nàng cũng dùng tư cách một hoàng hậu, một con người của cộng đồng để chất vấn Ra-ma “Suy từ hành vi của loại phụ nữ thấp hèn, chàng đã ngờ vực tất cả giới phụ nữ, nhưng thế đâu có phải”. Có thể thấy Xi-ta không phải là một người phụ nữ yếu đuối, nàng sẵn sàng mạnh mẽ chống lại những lời không đúng sự thật để bảo vệ danh dự bản thân và danh dự của tất cả phụ nữ trong cộng đồng. Thế nhưng dù cho nàng có chất vấn, Ra-ma vẫn giữ nguyên thái độ, lòng Xi-ta và trái tim Xi-ta đã hoàn toàn nguội lạnh nàng dành cho chồng mình cách xưng hô xa lạ giống như chàng đã đối với nàng “Hỡi đức vua!”, nàng đã có quyết định cho riêng mình và để lại cho Ra-ma lời cuối “Tình yêu của thiếp, lòng trung thành của thiếp nay xem ra hoàn toàn vô ích”.

Không còn cách nào hơn nữa, chỉ có thần Lửa mới có thể chứng minh được tấm lòng trung trinh của nàng, dù cho thân xác nàng có phải chịu đau đớn thường tổn, nhưng như thế có là gì so với những lời buộc tội như xát muối vào tim của Ra-ma. Xi-ta nàng sẽ bước lên giàn hỏa thiêu, thứ nhất là để rửa oan cho chính bản thân, thứ hai là để hoàn thành cho cái danh dự cộng đồng của Ra-ma, để rửa sạch mối nghi ngờ, cùng với những xung đột trong lòng Ra-ma. Hành động của Xi-ta chính là minh chứng cho tấm lòng thủy chung, trong sạch một lòng hướng về chồng, đồng thời cũng thể hiện sự dũng cảm, bản tính ngay thẳng “cây ngay không sợ chết đứng”, nhân cách cao đẹp của Xi-ta, đối với nàng ngoài tình yêu của chồng, thì danh dự là thứ không thể bị xúc phạm, nàng cũng có tư cách của riêng mình, mà không kẻ nào được làm tổn thương nó. Có thể nói rằng vẻ đẹp và nhân cách của Xi-ta chính là đại diện cho hình mẫu phụ nữ lý tưởng trong nền văn hóa Ấn Độ cổ đại.

Qua đoạn trích Ra-ma buộc tội với những lời thoại dài thể hiện một cách rõ nét nội tâm sâu sắc và những nét tính cách của hai nhân vật chính là Ra-ma và Xi-ta cùng những mâu thuẫn nội tại cá nhân và mâu thuẫn giữa vợ-chồng. Đoạn trích đã để lại cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc về nền văn hóa Ấn Độ cổ xưa, về vai trò và vị trí của con người bị ràng buộc bởi nhiều thứ, nhưng lẩn khuất trong đó ta vẫn thấy được những giá trị của tình yêu, tình nghĩa vợ chồng bị bao bọc bởi cái vỏ mâu thuẫn và xung đột khó giải quyết.

-/-

Trên đây là một số bài văn Dàn ý Phân tích nhân vật Ra-ma và Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội được biên soạn với mục đích giúp các em học sinh tham khảo và bổ sung vốn từ để có thể tự làm bài tốt hơn. Các em cũng có thể tham khảo thêm seri Văn mẫu lớp 10 hay khác tại toploigiai.vn. Mọi ý kiến đóng góp của em là nền tảng giúp chúng tôi tự hoàn thiện và nâng cao chất lượng các bài viết.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button