Phân tích đoạn thơ “Từng nghe, việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
VnDoc xin giới thiệu Văn mẫu lớp 10: Phân tích đoạn thơ “Từng nghe, việc nhân nghĩa cốt ở yên dân… cho đến Chứng cứ còn ghi” – Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi để bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết gồm các bài văn mẫu lớp 10 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 10 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết và tải về bài viết dưới đây nhé.
Khái quát về tác giả Nguyễn Trãi
1. Tiểu sử tác giả Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi (1380 – 1442) hiệu là Ức Trai, quê gốc ở làng Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương) sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội). Thân sinh là Nguyễn Ứng Long (sau đổi thành Nguyễn Phi Khanh) một nhà nho nghèo, học giỏi, đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) thời Trần. Mẹ là Trần Thị Thái, con quan tư đồ (ngang Tể tướng) Trần Nguyên Đán.
Nguyễn Trãi sinh ra trong một gia đình mà bên nội cũng như bên ngoại đều có hai truyền thống lớn: yêu nước và văn hóa, văn học.
Năm 1400, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh, cùng cha làm quan dưới triều nhà Hồ. Năm 14074, giặc Minh cướp nước, cha ông bị bắt sang Trung Quốc, Nguyễn Trãi khắc sâu lời dạy của cha, sau khi thoát khỏi sự giam lỏng của giặc Minh ông tìm vào Lam Sơn theo Lê Lợi khởi nghĩa.
Cuối năm 1427 đầu năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, Nguyễn Trãi hăm hở tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước. Tuy nhiên do mâu thuẫn nội bộ triều đình, ông bị bắt giam và không còn được tin tưởng như trước, Nguyễn Trãi xin về ở ẩn ở Côn Sơn.
Năm 1440, ông được Lê Thái Tông mời ra giúp việc nước. Năm 1442, Nguyễn Trãi bị oan án Lệ Chi viên và bị tru di tam tộc. Năm 1464, Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi sau đó cho sưu tầm lại thơ văn của ông và tìm con cháu còn sống sót để bổ làm quan.
Nguyễn Trãi là một bậc anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa lớn. Năm 1980, UNESCO đã công nhận Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa thế giới.
2. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi là tác giả xuất sắc về nhiều thể loại văn học, trong sáng tác chữ Hán và chữ Nôm, trong văn chính luận và thơ trữ tình. Ông để lại một khối lượng sáng tác lớn với nhiều tác phẩm có giá trị.
Trong văn học trung đại Việt Nam, Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận lỗi lạc nhất. Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt các áng văn chính luận của Nguyễn Trãi là tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân. Văn chính luận của Nguyễn Trãi đạt tới trình độ nghệ thuật mẫu mực từ việc xác định đối tượng, mục đích để sử dụng bút pháp thích hợp đến kết cấu chặt chẽ, lập luận sắc bén.
Phân tích đoạn thơ trong Bình Ngô đại cáo mẫu 1
Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, tài ba có công lớn trong công cuộc dẹp giặc Minh đem lại nền thái bình thịnh trị cho nước nhà. Ông còn là một nhà văn nhà thơ lớn với khối lượng tác phẩm đồ sộ bao gồm cả văn học chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó phải kể đến một số tác phẩm như: Đại cáo bình Ngô, Quân trung từ mệnh tập, Quốc m thi tập, Ức Trai thi tập… Đại cáo bình Ngô được coi là áng “Thiên cổ hùng văn” muôn đời bất hủ, là bản tuyên ngôn đanh thép, hùng hồn về nền độc lập và vị thế dân tộc. Trong đó, cốt lõi là phần đầu tác phẩm với lý tưởng nhân nghĩa được thể hiện rõ ràng:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Nhân nghĩa là tư tưởng chủ đạo của Đại cáo bình Ngô, là mục tiêu chiến đấu vô cùng cao cả và thiêng liêng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Mở đầu bài cáo tác giả nêu luận đề chính nghĩa. Việc nhân nghĩa của Nguyễn Trãi ở đây là “yên dân” và “trừ bạo”. “Yên dân” chính là giúp dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, như vậy dân có yên thì nước mới ổn định, mới phát triển được. Tác giả đưa vào “yên dân” như để khẳng định đạo lý “lấy dân làm gốc” là quy luật tất yếu trong mọi thời đại là tài sản, là sức mạnh, sinh khí của một quốc gia.
Nguyễn Trãi thật tài tình khi nhận ra và khai sáng thành công vấn đề cốt lõi ấy. Việc nhân nghĩa tiếp theo chính là “trừ bạo” ý nói đến quân Minh, bọn gian tà chuyên đi bóc lột nhân dân. Bọn chúng thẳng tay hành hạ, cướp bóc, vùi dập dân ta trong vực thẳm của sự đau khổ. “Yên dân”, “trừ bạo”, hai việc này tưởng như không liên quan đến nhau nhưng lại là hai yếu tố có tác dụng hỗ trợ, bổ sung cho nhau, vì nếu không yên dân tất trừ bạo khó yên, chúng được nhấn mạnh và tiến hành cùng lúc, thống nhất với nhau. Quan tâm đến sự yên ổn, no ấm cho dân cũng đồng nghĩa với việc phải chiến đấu đánh đuổi kẻ thù của dân, diệt trừ những kẻ tham tàn bạo ngược, cụ thể là bọn “cuồng Minh” giày xéo lên cuộc sống nhân dân, gây ra bao tai hoạ.
Có thể nói, tư tưởng nhân nghĩa ở Nguyễn Trãi không còn là phạm trù đạo đức hạn hẹp mà là một lý tưởng xã hội: phải chăm lo cho nhân dân được sống cuộc hạnh phúc, yên bình. Điều quan trọng hơn là ở đây, Nguyễn Trãi nâng lý tưởng, nỗi niềm ấy lên thành một chân lý. Ông không nói đến nhân nghĩa một cách chung chung mà chỉ bằng một hai câu ngắn gọn tác giả đi vào khẳng định hạt nhân cơ bản, cốt lõi và có giá trị nhất. Không những thế, nhân nghĩa còn gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền đất nước, khẳng định chủ quyền quốc gia, tinh thần độc lập dân tộc:
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác”
Từ Triệu , Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập
Đến Hán, Đường, Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Khi khẳng định chân lí này, Nguyễn Trãi đã đưa ra một quan niệm được đánh giá là đầy đủ nhất lúc bấy giờ về các yếu tố tạo thành một quốc gia độc lập.Nếu như 400 năm trước, trong Nam Quốc Sơn Hà, Lý Thường Kiệt chỉ xác định được hai yếu tố về lãnh thổ và chủ quyền trên ý thức quốc gia cùng độc lập dân tộc thì trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã bổ sung thêm bốn nhân tố nữa, gồm văn hiến, lịch sử, phong tục tập quán và nhân tài. Đây chính là điểm sáng tạo cho thấy trí tuệ của Nguyễn Trãi. Ở mỗi một quốc gia, nền văn hiến ngàn năm không ai có thể nhầm lẫn được, cương thổ, núi, sông, đồng ruộng, biển cả đều được chia rõ ràng. Phong tục tập quán cũng như văn hoá mỗi miền Bắc, Nam cũng khác. Ở đây, Nguyễn Trãi nhấn mạnh cả Trung Quốc và Đại Việt đều có những nét riêng không thể nhầm lẫn, thay đổi hay xóa bỏ được. Cùng với đó là từng triều đại riêng nhằm khẳng định chủ quyền. Qua câu thơ, Nguyễn Trãi đã đặt các triều đại “Triệu, Đinh, Lí, Trần” của ta ngang hàng với “Hán, Đường, Tống, Nguyên” của Trung Quốc , điều đó cho ta thấy, nếu không có một lòng tự hào dân tộc mãnh liệt thì không thể nào có sự so sánh cực kì hay và tinh tế như vậy. Cuối cùng chính là nhân tài, con người cũng là yếu tố quan trọng để khẳng định nền độc lập của chính mình. Tuy thời thế “mạnh, yếu từng lúc khác nhau” song hào kiệt thì đời nào cũng có, câu thơ như lời răn đe đối với những ai, những kẻ nào, nước nào muốn thôn tính Đại Việt.
Từ năm yếu tố trên, Nguyễn Trãi đã khái quát gần như toàn diện về nền độc lập của một quốc gia. So với “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo thật sự hay hơn , đầy đủ, toàn diện hơn về nội dung cũng như tư tưởng xuyên suốt. Ngoài ra , để nhấn mạnh tư cách độc lập của nước ta, tác giả còn sử dụng cách viết sánh đôi nước ta và Trung Quốc: về bờ cõi, phong tục- hai nước ngang bằng nhau, về triều đại-bốn triều đại cường thịnh của ta so với bốn triều đại của Trung Quốc cùng nhân tài thời nào cũng có đã chứng tỏ ta không hề thua kém chúng.
Xuyên suốt đoạn thơ, Nguyễn Trãi đã sử dụng nhiều từ ngữ chỉ tính chất hiển nhiên vốn có khi nêu rõ sự tồn tại của Đại Việt: “từ trước”, “đã lâu” ,“đã chia”, “cũng khác” đã làm tăng sức thuyết phục lên gấp bội. Nghệ thuật thành công nhất của đoạn một – cũng như là bài cáo – chính là thể văn biền ngẫu được nhà thơ khai thác triệt để. Phần còn lại của đoạn đầu là chứng cớ để khẳng định nền độc lập, về các cuộc chiến trước đây với phương Bắc trong lịch sử chúng đều thất bại là chứng cớ khẳng định rõ nhất:
Vậy nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét
Chứng cứ còn ghi.
Nguyễn Trãi đã tổng kết những chiến công oanh liệt của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, giữ gìn nền độc lập dân tộc. Cách liệt kê, chỉ ra dẫn chứng rõ ràng, cụ thể, xác thực đã được công nhận bằng những lời lẽ chắc chắn, hào hùng, thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Người đọc thấy ở đây ý thức dân tộc của Nguyễn Trãi đã vươn tới một tầm cao mới khi nêu cụ thể, rõ ràng từng chiến công oanh liệt của quân và dân ta: “cửa Hàm Tử”, “sông Bạch Đằng”,..thêm vào đó là sự xem thường, căm ghét đối với sự thất bại của những kẻ xâm lược không biết tự lượng sức: “Lưu Cung..tham công”, “Triệu Tiết… thích lớn”, Toa Đô, Ô Mã, tất cả chúng đều phải chết thảm. Đoạn thơ đã một lần nữa khẳng định rằng: Đại Việt là một quốc gia có độc lập, tự chủ, có nhân tài, có tướng giỏi, chẳng thua kém gì bất cứ một quốc gia nào. Bất cứ kẻ nào có ý muốn thôn tính, xâm lược ta đều phải chịu kết quả thảm bại. Cuộc chiến chống lại quân giặc, bảo vệ dân tộc là một cuộc chiến vì chính nghĩa, lẽ phải, chứ không như nhiều cuộc chiến tranh phi nghĩa khác, cho nên, dù thế nào đi nữa, chính nghĩa nhất định thắng gian tà theo quy luật của tạo hóa.
Phân tích đoạn thơ trong Bình Ngô đại cáo mẫu 2
Năm 1407, giặc Minh kéo sang xâm lược nước ta. Chúng đã “gây binh kết oán trải hai mươi năm – Bại nhân nghĩa nát cả đất trời” gây nên bao tội ác, bao thảm họa cho đất nước ta, nhân dân ta:
“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”
Năm 1814, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa tại rừng núi Lam Sơn – Thanh Hóa. Sau 10 năm chiến đấu gian lao và anh dũng, quân ta đã quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại độc lập, tự do cho đất nước và dân tộc.
Đầu xuân năm 1428, Nguyễn Trãi đã thay Lê Lợi viết bài “Bình Ngô đại cáo”, tổng kết những chiến công oanh liệt trong 10 năm kháng chiến và tuyên bố Đại Việt bước sang một kỉ nguyên mới “Muôn thuở nền thái bình vững chắc”.
Phần đầu “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, đồng thời ca ngợi nền văn hiến rực rỡ lâu đời của Đại Việt.
Nhân nghĩa là mục tiêu chiến đấu của nhân dân ta:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
Yên dân, điếu phạt, trừ bạo là cốt lõi của tư tưởng nhân nghĩa, tất cả đều hướng về con người, về nhân dân đang bị áp bức lầm than. Thương dân, đánh kẻ có tội (điếu phạt), tiêu diệt lũ tham tàn, bạo ngược (trừ bạo), cứu nhân dân thoát khỏi chết chóc đau thương, đem lại cuộc sống yên vui hạnh phúc cho nhân dân (yên dân), đó là việc nhân nghĩa. Nhân nghĩa mà Nguyễn Trãi nói đến là một tư tưởng vô cùng cao đẹp: đánh giặc để cứu nước, cứu dân, vì độc lập của đất nước, vì tự do, hạnh phúc, hòa bình của nhân dân. Việc nhân nghĩa nên rất chính nghĩa. Nhân nghĩa là sức mạnh vô địch để chiến thắng quân “cuồng Minh”.
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo”.
Nhân dân ta giàu nhân nghĩa nên lấy nhân nghĩa để xây dựng và phát triển nền văn hiến lâu đời, rực rỡ của Việt Nam. Nếu ở “Nam quốc sơn hà”, Lý Thường Kiệt chỉ mới nói đến sông núi nước Nam là nơi “Nam đế cư”, lãnh thổ thiêng liêng ấy đã được “định phận rõ ràng ở sách Trời”, thì ở “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đứng trên đỉnh cao thời đại “Bình Ngô” đã có một cái nhìn mới sâu sắc và toàn diện về đất nước, nhân dân Đại Việt:
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau Song hào kiệt đời nào cũng có”.
Nước Đại Việt đâu phải “man di mọi rợ” mà rất đáng tự hào.
Có nền văn hiến đã lâu.Có lãnh thổ, núi sông, bờ cõi.Có thuần phong mĩ tục.Có nền độc lập trải qua nhiều triều đại “xưng đế một phương”.Có nhân tài hào kiệt.Năm yếu tố ấy hợp thành đã tạo nên tầm vóc Đại Việt, sức mạnh Đại Việt để đánh bại mọi âm mưu xâm lược bành trướng của Thiên Triều, lập nên bao chiến công chói lọi.
“Lưu Cung tham công nên thất bại
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã”.
Giọng văn đĩnh đạc hào hùng. Lí lẽ sắc bén, đanh thép và lối diễn đạt sóng đôi, cân xứng của những câu văn biền ngẫu đã khẳng định và ngợi ca tầm vóc lịch sử lớn lao của Đại Việt, biểu lộ một ý chí, tự cường dân tộc cao độ.
Phần mở đầu đã góp phần thể hiện tuyệt đẹp giá trị tư tưởng và nghệ thuật của “Bình Ngô đại cáo”, bản Tuyên ngôn Độc lập, áng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc.
Phân tích đoạn thơ trong Bình Ngô đại cáo mẫu 3
Mở đầu đoạn trích, tác giả đã thể hiện lòng tự hào dân tộc qua việc nêu cao nguyên lý nhân nghĩa, là nguyên lý cơ bản làm nền tảng, cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa.
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
Nhân nghĩa vốn là khái niệm đạo đức của Nho giáo nói về đạo lí, cách ứng xử và tình thương giữa con người với nhau. Ở đây tác giả đã tiếp thu tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo theo hướng lấy lợi ích của nhân dân làm gốc và mở rộng khái niệm nhân nghĩa. Nhân nghĩa không những trong quan hệ giữa người với người mà còn có trong quan hệ giữa dân tộc với dân tộc. Đây là nội dung mới, sự phát triển tư tưởng mới về nhân nghĩa của Nguyễn Trãi so với Nho giáo. Cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là “yên dân” và “trừ bạo”. “Yên dân” nghĩa là nhân dân được sống yên vui, hạnh phúc. Mà muốn yên dân thì trước hết phải tiêu diệt những kẻ tàn ác, bạo ngược để bảo vệ dân lành. Người dân mà tác giả nói đến ở đây là những người dân Đại Việt đang phải chịu bao đau khổ dưới ách thống trị của giặc Minh. Những kẻ bạo ngược mà tác giả nói đến ở đây là những kẻ đã gây ra biết bao đau thương, khổ cực cho nhân dân ta, đó chính là quân xâm Minh nói riêng và bề lũ xâm lược nói chung. Đối với Nguyễn Trãi yêu nước gắn liền với đánh giặc để cứu nước cứu dân, vì độc lập của đất nước, vì tự do, hạnh phúc, hòa bình của nhân dân. Có thể nói, tư tưởng nhân nghĩa ở Nguyễn Trãi không còn là phạm trù đạo đức hạn hẹp mà là một lí tưởng xã hội tiến bộ, tích cực, nhân quyền dân tộc: phải chăm lo cho nhân dân được sống cuộc hạnh phúc, yên bình. Điều quan trọng hơn là ở đây, Nguyễn Trãi nâng lý tưởng, nỗi niềm ấy lên thành một chân lí. Ông không nói đến nhân nghĩa một cách chung chung mà đi vào khẳng định hạt nhân cơ bản, cốt lõi và có giá trị nhất.Dựa vào nhân nghĩa và chính tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi mà nó đã trở thành sức mạnh vô địch để nghĩa quân của ta chiến thắng giặc Minh.
Sau khi tuyên ngôn về nhân nghĩa, tác giả đã thể hiện lòng tự hào dân tộc qua việc tuyên ngôn về nền độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt:
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cỡi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu Đinh Lí Trần bao đời xây nên độc lập
Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có”
Nguyễn Trãi đã đưa ra những yếu tố căn bản để xác định độc lập, chủ quyền dân tộc: nền văn hiến lâu đời, cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, lịch sử riêng, chế độ riêng với “hào kiệt đời nào cũng có”. Những thực tế khách quan mà tác giả đưa ra là chân lí không thể phủ nhận. Khi nêu chân lí khách quan, Nguyễn Trãi đã phát biểu đồng thời một cách hoàn chỉnh quan niệm của mình về quốc gia, dân tộc. Người đời sau vẫn thường xem đoạn thơ trên là tiêu biểu và kết tinh học thuyết về quốc gia, dân tộc của Nguyễn Trãi.
Sức thuyết phục của văn chính luận Nguyễn Trãi là ở chỗ kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và thực tiễn. Quả đúng như vậy! Người anh hùng Nguyễn Trãi đã tự tin khẳng định truyền thống văn hiến lâu đời của nước Việt ta, được hình thành từ khi đất nước ta tồn tại theo hàng nghìn năm lịch sử đã tạo nên một diện mạo riêng của dân tộc.
Và quả thực chúng ta rất tự hào bởi trên thực tế:
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Nhân dân ta có chủ quyền, có thuần phong mỹ tục riêng làm nên hai phương Bắc – Nam khác biệt. Ở đây, Nguyễn Trãi nhấn mạnh cả Trung Quốc và Đại Việt đều có những nét riêng không thể nhầm lẫn, thay đổi hay xóa bỏ được.Chúng ta tự hào về những trang lịch sử:
Từ Triệu Đinh Lí Trần bao đời xây nên độc lập
Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Ta có nền độc lập vững vàng được xây bằng những trang sử vẻ vang, có tổ chức nhà nước với người đứng đầu là vua. Việc xưng đế đã thể hiện ý chí tự tôn dân tộc. Bởi lẽ trong quan niệm ngày xưa, chỉ có Trung Hoa được xưng đế còn vua của nước nhỏ chỉ được xưng chư hầu không được xưng đế. Việc xưng đế đã khẳng định chắc nịch một điều ta và Trung Hoa là những nước độc lập bình đẳng với nhau. Chính vì vậy không có lí do gì để Trung Hoa kéo quân xâm lược nước ta.
Hơn thế nữa, bao đời nay:
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có”
Điều quan trọng làm nên sự thịnh vượng của một quốc gia không thể không kể đến yếu tố nhân tài. Nhân tài chính là vận mệnh đất nước. Trong cả một quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước đã có biết bao nhiêu vị anh hùng làm rạng danh non sông cũng như có biết bao nhiêu thế hệ với ngàn ngàn lớp lớp người vô danh đã ngã xuống để bảo vệ độc lập dân tộc. Câu thơ như lời răn đe đối với những ai, những kẻ nào, nước nào muốn thơn tính Đại Việt.
Tác giả đã sử dụng nhiều lớp từ ngữ diễn đạt tính chất hiển nhiên, vốn có lâu đời của nước đại việt ta. các từ như: từ trước, vốn xưng, đã lâu, đã chia, cũng khác,… Bên cạnh đó, biện pháp so sánh kết hợp với liệt kê cũng tạo cho đoạn văn hiệu quả cao trong lập luận (tác giả đặt nước ta ngang hàng với Trung Hoa về nhiều phương diện như: trình độ chính trị, văn hóa,…), nếu không có một lòng tự hào dân tộc mãnh liệt thì không thể nào có sự so sánh cực kì hay và tinh tế như vậy. Đặc biệt, những câu văn biền ngẫu, chạy song song liên tiếp với nhau cũng giúp cho nội dung chân lí mà tác giả muốn khẳng định chắc chắn và rõ ràng hơn.
So với ý thức về quốc gia dân tộc trong bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc – bài thơ “Nam quốc sơn hà” thì học thuyết về quốc gia, dân tộc của Nguyễn Trãi phát triển cao hơn bởi tính toàn diện và sâu sắc của nó. Toàn diện vì ý thức về dân tộc trong “Nam quốc sơn hà” của Lí Thường Kiệt mới chỉ ra độc lập dân tộc trên lĩnh vực cương vực lãnh thổ và căn cứ mà Lí Thường Kiệt xác định tại sách trời ở trong câu “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, nhưng đối với Nguyễn Trãi, ý thức về độc lập dân tộc còn được mở rộng, bổ sung thành các yếu tố mới: đó là nền văn hiến lâu đời, đó là phong tục tập quán riêng, truyền thống lịch sử anh hùng, hào kiệt, ông lấy thực tiễn lịch sử là căn cứ xác định độc lập dân tộc chứ không ở “thiên thư” – sách trời. Sâu sắc ở chỗ : trong quan niệm về dân tộc, Nguyễn Trãi đã ý thức được “văn hiến”, truyền thống lịch sử là yếu tố cơ bản nhất, là hạt nhân để xác định dân tộc. Với những yếu tố căn bản này, Nguyễn Trãi đã phát biểu một cách toàn diện hơn, tiến bộ hơn quan niệm về quốc gia dân tộc. Tất cả các yếu tố đó tạo nên tầm vóc Đại Việt, sức mạnh Đại Việt để đánh bại mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù.
Cuối cùng niềm tự hào dân tộc còn được tác giả khẳng định qua sức mạnh nhân nghĩa:
Vậy nên:
“Lưu Cung… Chứng cớ còn ghi”
Đây là những chứng cớ về những chiến công đã từng được ghi trong sử sách có sức thuyết phục cao mang tính hiển nhiên. Kẻ nào đến xâm phạm nước ta chắc chắc sẽ bị trừng trị chuốc lấy bại vong. Nguyễn Trãi đã tổng kết những chiến công oanh liệt của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, giữ gìn nền độc lập dân tộc. Cách liệt kê, chỉ ra dẫn chứng rõ ràng, cụ thể, xác thực đã được công nhận bằng những lời lẽ chắc chắn, hào hùng, thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Người đọc thấy ở đây ý thức dân tộc của Nguyễn Trãi đã vươn tới một tầm cao mới khi nêu cụ thể, rõ ràng từng chiến công oanh liệt của quân và dân ta: “cửa Hàm Tử”, “sông Bạch Đằng”,..thêm vào đó là sự xem thường, căm ghét đối với sự thất bại của những kẻ xâm lược không biết tự lượng sức : “Lưu Cung..tham công”, “Triệu Tiết… thích lớn”, Toa Đô, Ô Mã, tất cả chúng đều phải chết thảm. Đoạn thơ đã một lần nữa khẳng định rằng: Đại Việt là một quốc gia có độc lập, tự chủ, có nhân tài, có tướng giỏi, chẳng thua kém gì bất cứ một quốc gia nào. Kẻ nào đến xâm lược nước ta chắc chắn sẽ bị trừng trị chuốc lấy bại vong. Cuộc chiến chống lại quân giặc, bảo vệ dân tộc là một cuộc chiến vì chính nghĩa, lẽ phải, chứ không như nhiều cuộc chiến tranh phi nghĩa khác, cho nên, dù thế nào đi nữa, chính nghĩa nhất định thắng gian tà theo quy luật của tạo hóa.
Phân tích đoạn 1 bài thơ Bình Ngô đại cáo mẫu 4
Nguyễn Trãi không chỉ là một bậc quân thần yêu nước mà ông còn có tài năng văn thư độc nhất vô song. Đặc biệt, trong gia tài văn học đồ sộ của thi hào, thì “Bình ngô Đại Cáo” vẫn được coi là “áng thiên cổ hùng văn” giữa dòng chảy lịch sử của thời đại. Dẫu qua bao nhiêu thế hệ vẫn lưu danh sử sách muôn đời. Đoạn thơ một trích trong “Bình ngô Đại Cáo” một lần nữa đã cho thấy sự mới mẻ, tiến bộ trong cách nhìn, cũng như quan niệm về độc lập, chủ quyền và những giá trị nhân văn cốt lõi cao đẹp của Nguyễn Trãi.
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
“Nhân nghĩa” là tư tưởng cốt lõi, xuyên suốt cả tác phẩm Bình ngô đại cáo, đó là tư tưởng yêu thương dân, mà rộng hơn là lòng thương người , đồng thời cũng là sự đề cao những hành động chính nghĩa, xả thân vì lý tưởng lớn, không vì quỷ kế hèn mọn mà chịu khuất phục. Tư tưởng “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi được ảnh hưởng khá nhiều bởi tư tưởng của đạo Phật, do đó mà thấm nhuần tính nhân văn và những chân giá trị truyền thống của dân tộc. Nhân nghĩa với Nguyễn Trãi là “yên dân”, nghĩa là làm sao để nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc, an lạc, thái bình, thịnh trị, không có chiến tranh loạn lạc xảy ra khắp nơi. Muốn được như thế, điều mà quân điếu phạt phải làm, cần phải nêu cao đó là “trừ bạo”. Chỉ khi diệt trừ các thế lực bạo tàn, đang lăm le xâm lược bờ cõi nước ta thì dân chúng may ra mới không phải chịu cảnh loạn lạc, tan tác thương vong và được sống trong yên ổn. Chỉ những gì xuất phát từ trái tim mới có thể “chạm đến hồn muôn người”, tư tưởng “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi không gì hơn đã khiến độc giả cảm động bởi tấm lòng yêu thương dân đen con đỏ, một lòng vì nước, vì dân. Do đó, nó là chân giá trị được ngợi ca và truyền tụng bao thế hệ.
Từ những trở trăn khôn nguôn về việc nước tình dân, nhà thơ phóng chiếu cái nhìn của mình về vấn đề chủ quyền dân tộc, về độc lập, tự do của giang sơn:
“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có”.
Trong đoạn thơ trên, một lần nữa thi hào Nguyễn Trãi khẳng định nền văn hiến lâu đời, khẳng định chiều dài lịch sử nghìn năm văn hiến của dân tộc, lập luận một cách hào sảng những chiến tích lừng lẫy của cha ông ta để góp phần giữ giang sơn vững chắc. Nếu như trước đó, trong “Nam quốc sơn hà”, tác giả Lý Thường Kiệt cũng khẳng định độc lập về chủ quyền, lãnh thổ của dân tộc, nhưng dựa vào những chứng cứ sách lực siêu nhiên là “thiên thư”, phần nào có sự trừu tượng, xa xôi. Nhưng đến Nguyễn Trãi, ông đã lấy quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc để làm bảo chứng, do đó vô cùng thuyết phục, gần gũi, mà rất đỗi thiêng liêng cao cả. Đồng thời, việc đặt ngang hàng nước ta với các nước phương Bắc phần nào giúp ta thấy được niềm tự hào, vẻ vang của chiều dài lịch sử dân tộc. Đặc biệt, trong đoạn thơ này, Nguyễn Trãi không chỉ khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, mà còn thể hiện niềm tin sắt đá vào các thế hệ anh hùng hào kiệt, hiền tài quốc gia, đặt vào trong bối cảnh lúc bấy giờ, đó phần nào cũng thể hiện sự mới mẻ, tiến bộ của thi hào Nguyễn Trãi.
Để tiếp tục khẳng định những chiến tích hào sảng của dân tộc, nhà thơ tiếp tục đưa ra một loạt dẫn chứng thép khẳng định đanh thép, người đã nhắc lại nhiều chiến thắng lừng lẫy của nước Đại Việt như một lời khẳng định sự thất bại thảm hại của kẻ thù:
“Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong.
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.
Việc xưa xem xét,
Chứng cớ còn ghi”.
Thất bại đấy của quân địch không chỉ thể hiện tham vọng cuồng vọng của quân địch, phải chuốc lấy tiêu vong, mà còn phần nào thể hiện khí thế hào hùng, tầm vóc lớn lao của anh hùng dân tộc. Đồng thời, nó giống như một bản bảo chứng hùng hồn, đanh thép cho những kẻ muốn lăm le xâm lược đất nước ta, rằng chúng chắc chắn sẽ chuốc lấy bại vong. Cách dùng những dẫn chứng mang tính liệt kê dồn dập phần nào giúp ta thấy được mạch khí thế oai phong, lẫm liệt, niềm tự hào vang dội của người viết bài cáo.
Đại cáo Bình Ngô, giống như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai đầy hào sảng của dân tộc Đại Việt. Đoạn thơ một vừa mở đầu như một khúc hùng ca hân hoan, vang vọng chiến công, chiến tích lẫy lừng để đanh thép buộc tội quân giặc man rợ ở phía sau.
……………………………
Trên đây VnDoc tổng hợp các dạng bài văn mẫu Phân tích đoạn thơ “Từng nghe, việc nhân nghĩa cốt ở yên dân… cho đến Chứng cứ còn ghi” – Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Bài viết được tổng hợp gồm có khái quát về tác giả tác phầm và 4 bài văn mẫu phân tích đoạn thơ trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Hi vọng qua bài viết bạn đọc có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10. Ngoài ra để giúp các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 10 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 và biết cách soạn bài lớp 10 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.
Mời các bạn cùng tham khảo thêm tài liệu học tập của các bài liên quan đến tác phẩm:
- Soạn bài lớp 10: Bình Ngô đại cáo
- Phân tích tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi
- Dàn ý Tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!