Phân tích nhân vật cai lệ trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ – Thủ thuật

Đề bài: Phân tích nhân vật cai lệ trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ của Ngô Tất Tố

phan tich nhan vat cai le trong doan trich tuc nuoc vo bo

Phân tích nhân vật cai lệ trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ

Trong bài học hôm trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu chi tiết về truyện Tức nước vỡ bờ qua bài Phân tích đoạn trích Tức nước vỡ bờ đồng thời hiểu được cảnh ngộ đáng thương của người nông dân xưa qua bài Phân tích nhân vật chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ, trong bài học ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về nhân vật cai lệ, người được coi là tay sai của giai cấp thống trị, những người mang đến bi kịch cho người nông dân.

I. Dàn ý Phân tích nhân vật cai lệ trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nhân vật cai lệ.

2. Thân bài

a. Cai lệ và giá trị khái quát:– Cai lệ là một chức quan thấp nhất trong xã hội hội phong kiến lúc bấy giờ, là người đứng đầu một tốp lính nhỏ chuyên giúp việc cho quan nha.- Bản chất nhân vật này là một kẻ tay sai chính hiệu, không hơn không kém, ăn bổng lộc nhà nước, chỉ đâu đánh đó, là thứ công cụ bằng sắt có tiếng nói đắc lực nhất trong các vụ truy thu sưu thuế.- Cai lệ mang danh là người nhà nước, làm việc theo phép nước, nhưng chưa bao giờ người ta sợ hắn với tư cách là một kẻ xử sự theo pháp luật, mà căn bản người ta sợ bị hắn đánh, hắn trói cho đến chết.=> Người ta là sợ sự tàn ác của chế độ, chứ không phải kiêng dè pháp luật nghiêm minh, đó là một nghịch lý trong xã hội phong kiến tay sai lúc bấy giờ.

b. Phân tích hình ảnh nhân vật:– Là một nhân vật mạt hạng nhất trong đám quan lại, hắn không được tác giả đặt cho một cái tên riêng nào, nhưng lại là một nhân vật quan trọng, có nhiều điểm nhấn và trở đi trở lại nhiều lần trong cả tác phẩm Tắt đèn.- Cai lệ là biểu trưng cho sự độc ác và tàn nhẫn của chế độ.- Xuất hiện với dáng vẻ hung tàn, miệng quát tháo, tư thế hầm hổ, ghê gớm, dễ dàng khiến người ta liên tưởng đến tai vạ. Đến và đi một cách nhanh chóng, vội vã và tàn ác.- Hôm qua, khi đánh anh Dậu và khiến anh lên cơn sốt rét tưởng chết, hắn đã vội sợ hãi cho người tống khứ anh về trả chị Dậu. Nhưng đến hôm nay sau khi thám thính, đánh hơi được rằng anh Dậu vẫn còn sống, hắn lại vội vã chạy sang thúc sưu mà không để người ta có một phút ngơi nghỉ, chuẩn bị.=> Tối dạ, chết chìm trong cái ham mê bắt bớ, sự tàn độc và cứng nhắc đã khiến hắn chỉ nghĩ đến việc đánh trói , áp giải tràn ngập trong óc.

– Hành động, cử chỉ độc ác:+ Xuất hiện như một ác thần với những hành động, cử chỉ điên cuồng của một dã thú, một tên tai sai chuyên nghiệp đánh, trói, nào thì “sầm sập tiến vào với những roi song, tay thước và dây thừng”.+ Thách thức, đe dọa khi “gõ đầu roi xuống đất”, “thét bằng giọng khàn khàn của người hút nhiều sái cũ”.+ Giọng điệu hách dịch, ghê gớm “Thằng kia, ông tưởng mày chết từ đêm qua, còn sống đấy à. Nộp tiền sưu mau!”.=> Đối với sự sống chết của anh Dậu tên này không buồn để tâm, hắn chỉ quan tâm đến việc thúc sưu, mà thúc không được thì bắt người. Đó đã trở thành một nguyên tắc “sắt” trong cái việc làm cai lệ.+ Khi đối đáp với chị Dậu, tên này luôn tỏ ra bộ mặt hách dịch và độc ác, thấy chị van lơn, lạy lục thì hắn càng trở nên khoái chí và lấn lướt, hết chỉ vào mặt chị Dậu, rồi là “trợn ngược hai mắt lên, quát”, giọng “hầm hè”, đe dọa.+ Ra lệnh bắt trói anh Dậu đang còng queo ngất xỉu đi, rồi tự tay “giựt phắt cái dây thừng”, “chạy sầm sập đến chỗ anh Dậu” để làm nhiệm vụ, lại càng khiến người ta ghê sợ, ngán ngẩm vì cái sự “kính nghiệp” của hắn.+ Đấm vào ngực một người đàn bà yếu đuối con mọn, thậm chí tát cả vào mặt chị Dậu không nể nang.+ Xưng hô “ông-mày”, thể hiện sự thiếu văn hóa, kém đạo đức, ra tư cách bề trên một cách đáng khinh, cũng như sự coi rẻ, căm ghét của hắn với những người nông dân tội nghiệp.

Đọc thêm:  Phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Thủ thuật

– Khi đối diện với sự phản kháng của chị Dâu:+ Tỏ ra yếu hèn và thất bại một cách nhanh chóng.+ “sức lẻo khẻo”, đã không chống lại được người đàn bà lực điền, bị chị “túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa”, bị ném ngã “chỏng quèo” ngay trước cửa như một tên vô dụng hài hước và đầy nhục nhã.+ Không quên được việc tàn ác của mình là thét kẻ dưới bắt trói cả nhà chị Dậu. Dĩ nhiên mới tên người nhà lí trưởng cũng chẳng được việc hơn là bao, trong tay gậy gộc nhưng vẫn bị chị Dậu tóm được tóc rồi “lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm.=> Sự yếu đuối vô dụng, nhưng tàn ác của cai lệ cũng chính là đặc điểm chung của cả bộ máy phong kiến lúc bấy giờ.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận.

II. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật cai lệ trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ

Ngô Tất Tố là một trong những nhà văn hiện thực thành công nhất trong nền văn học hiện đại trước cách mạng cùng với một số tên tuổi lớn khác như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Kim Lân,… Ông là một nhà nho nặng tình với những giá trị truyền thống của dân tộc, trong đó tiêu biểu nhất là nền văn hóa làng xã, đồng thời ánh mắt ông cũng đủ tinh tường để nhận thức rằng chế độ phong kiến bảo thủ lạc hậu đến thời điểm đó đã không còn phù hợp và trở thành một bước cản, một sự áp đặt nặng nề lên đời sống của nhân dân, khiến họ rơi vào cảnh cùng khổ. Nếu như Lều chõng là tác phẩm phản ánh sự rườm rà, cứng nhắc và sáo rỗng của chế độ khoa cử cũ, thứ đã bó buộc tài năng và sự sáng tạo của con người, thì đến tác phẩm Tắt đèn, hiện thực trật tự xã hội tàn ác và bất nhân lại được phơi bày thông qua luật sưu thuế hà khắc, chèn ép con người đến cùng đường mạt lộ, khiến họ phải đối diện với biết bao cái khốn nạn ập tới. Trong trích đoạn Tức nước vỡ bờ hình ảnh nhân vật cai lệ chính là đại diện điển hình nhất cho cái chế độ phong kiến tay sai đã cũ nát, nhưng hà khắc, độc đoán và tàn nhẫn.

Cai lệ là một chức quan thấp nhất trong xã hội hội phong kiến lúc bấy giờ, là người đứng đầu một tốp lính nhỏ chuyên giúp việc cho quan nha. Chính ra bản chất nhân vật này là một kẻ tay sai chính hiệu, không hơn không kém, ăn bổng lộc nhà nước, chỉ đâu đánh đó, là thứ công cụ bằng sắt có tiếng nói đắc lực nhất trong các vụ truy thu sưu thuế. Khi có một tên cùng đinh nào đó, không đủ tiền nộp sưu thì các quan sẽ bắt chúng phải nhè ra bằng cách cho cai lệ đến bắt và trói giải về đình. Dĩ nhiên cai lệ không chỉ bắt trói mà hắn còn kiêm luôn cả nhiệm vụ thượng cẳng chân hạ cẳng tay với những kẻ không lề lối, cứng đầu, cũng như “tra khảo” tên nông dân khốn khổ, để hòng bắt vợ con chúng kiếm ra được tiền mà nộp sưu. Thế nên dù rằng cai lệ mang danh là người nhà nước, làm việc theo phép nước, nhưng chưa bao giờ người ta sợ hắn với tư cách là một kẻ xử sự theo pháp luật, mà căn bản người ta sợ bị hắn đánh, hắn trói cho đến chết. Rốt cục người ta là sợ sự tàn ác của chế độ, chứ không phải kiêng dè pháp luật nghiêm minh, đó là một nghịch lý trong xã hội phong kiến tay sai lúc bấy giờ. Quản lý xã hội bằng những công cụ bằng sắt biết nói, bằng những tên tay sai độc ác chỉ lăm lăm một ý thức “đánh và trói”, khiến người ta sợ hãi chứ không phải nể trọng.

Đọc thêm:  Soạn bài Tây Tiến | Ngắn nhất Soạn văn 12 - VietJack.com

Cai lệ trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ là một nhân vật mạt hạng nhất trong đám quan lại, hắn không được tác giả đặt cho một cái tên riêng nào, nhưng lại là một nhân vật quan trọng, có nhiều điểm nhấn và trở đi trở lại nhiều lần trong cả tác phẩm Tắt đèn. Ví như các quan trên đại diện cho sự đểu giả, mục nát, tham lam và dâm dục thì cai lệ là biểu trưng cho sự độc ác và tàn nhẫn của chế độ. Trong tất cả các lần xuất hiện cai lệ đều mang dáng vẻ hung tàn, miệng quát tháo, tư thế hầm hổ, ghê gớm, dễ dàng khiến người ta liên tưởng đến tai vạ. Ở lần thứ hai xuất hiện tại nhà chị Dậu, cai lệ vẫn cái đam mê bắt bớ bất tận, lúc nào cũng tỏ ra vội vã, vừa nghe tiếng chó sủa tận ngoài làng, thế mà thoắt một cái anh Dậu còn chưa kịp húp được miếng cháo nào hắn đã vào đến tận cửa nhà người ta để hăm dọa, toan bắt người. Đọc những dòng Ngô Tất Tố miêu tả cho sự xuất hiện của hắn, người ta không nghĩ đó là một vị quan, làm việc ăn lương nhà nước mà trái lại hắn lại giống những tên lưu manh, phường bắt cướp độc ác và tàn nhẫn. Trời đánh tránh miếng ăn, thế nhưng cai lệ sớm không đến muộn không đến lại đến vào đúng buổi cơm trưa, nó khiến người ta tưởng hắn chăm chỉ và miệt mài với công việc lắm, nhưng thực tế nó chỉ chứng minh sự độc ác và bất nhân của tên này. Bởi lẽ ngày hôm qua, khi đánh anh Dậu và khiến anh lên cơn sốt rét tưởng chết, hắn đã vội sợ hãi cho người tống khứ anh về trả chị Dậu. Nhưng đến hôm nay sau khi thám thính, đánh hơi được rằng anh Dậu vẫn còn sống, hắn lại vội vã chạy sang thúc sưu mà không để người ta có một phút ngơi nghỉ, chuẩn bị. Rõ ràng cai lệ là một kẻ tối dạ, chết chìm trong cái ham mê bắt bớ, sự tàn độc và cứng nhắc đã khiến hắn chỉ nghĩ đến việc đánh trói , áp giải tràn ngập trong óc, chứ không để hắn kịp suy nghĩ đến việc cho người ta thời gian chuẩn bị tiền bạc và hắn đến lấy cho khỏi mất công mệt người đánh chửi. Đó chính là cái sự ngu độn của cả bộ máy chứ không riêng gì cai lệ. Tên này xuất hiện như một ác thần với những hành động, cử chỉ điên cuồng của một dã thú, một tên tai sai chuyên nghiệp đánh, trói, nào thì “sầm sập tiến vào với những roi song, tay thước và dây thừng”, đến nơi thì ra bộ thách thức, đe dọa khi “gõ đầu roi xuống đất”, “thét bằng giọng khàn khàn của người hút nhiều sái cũ”. Giọng điệu hách dịch, ghê gớm “Thằng kia, ông tưởng mày chết từ đêm qua, còn sống đấy à. Nộp tiền sưu mau!”. Như vậy đối với sự sống chết của anh Dậu tên này không buồn để tâm, hắn chỉ quan tâm đến việc thúc sưu, mà thúc không được thì bắt người. Đó đã trở thành một nguyên tắc “sắt” trong cái việc làm cai lệ. Khi đối đáp với chị Dậu, tên này luôn tỏ ra bộ mặt hách dịch và độc ác, thấy chị van lơn, lạy lục thì hắn càng trở nên khoái chí và lấn lướt, hết chỉ vào mặt chị Dậu, rồi là “trợn ngược hai mắt lên, quát” khi nghe chị trình bày, xin khất. Thấy chị Dậu lằng nhằng, tha thiết, nhận nhục hắn lại càng được nước giọng “hầm hè”, đe dọa dỡ cả nhà chị Dậu. Rõ ràng tên này làm việc chưa từng có một tia tình cảm hay sự thương hại tối thiểu mà trái lại càng yếu đuối hắn lại càng tỏ rõ bộ mặt ác thú, chèn ép tận cùng của mình. Thế nên chính bản thân hắn đã gây ra một trận “tức nước vỡ bờ” của chị Dậu. Sự quá quắt ghê gớm, khi hắn ra lệnh bắt trói anh Dậu đang còng queo ngất xỉu đi, rồi tự tay “giựt phắt cái dây thừng”, “chạy sầm sập đến chỗ anh Dậu” để làm nhiệm vụ, lại càng khiến người ta ghê sợ, ngán ngẩm vì cái sự “kính nghiệp” của hắn. ví hắn là một con thú dữ có lẽ cũng chẳng sai, bởi lẽ hắn chỉ có phần “con” chứ không có phần “người’, không chị bắt trói một người ốm bệnh, mà hắn còn sẵn sàng đấm vào ngực một người đàn bà yếu đuối con mọn, thậm chí tát cả vào mặt chị Dậu không nể nang. Không chỉ ở hành động tàn nhẫn, ghê tởm mà từng lời nói của hắn thốt ra đều cũng độc địa và hung hãn, cách xưng hô “ông-mày”, thể hiện sự thiếu văn hóa, kém đạo đức, ra tư cách bề trên một cách đáng khinh, cũng như sự coi rẻ, căm ghét của hắn với những người nông dân tội nghiệp. Thế nhưng họ có đáng bị đối xử như những kẻ phạm tội tày đình khi chỉ chót chưa nộp đủ nốt phần sưu thuế, chứ không phải là ăn cắp ăn quỵt gì của nhà nước.

Đọc thêm:  Giải thích bài ca dao Bầu ơi thương lấy bí cùng (20 mẫu) - Văn 7

Trái ngược với cái hành động phách lối, hung tàn ban đầu thì khi chị Dậu phản kháng bằng bạo lực cai lệ và những tên người nhà lí trưởng lại tỏ ra yếu hèn và thất bại một cách nhanh chóng. Một tên cai lệ hút nhiều sái cũ, “sức lẻo khẻo”, đã không chống lại được người đàn bà lực điền, đang ngùn ngụt lửa giận là chị Dậu. Thế nên mới có cái hình ảnh hài hước khi chị “túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa”, chẳng khác nào một con tép lèo khoèo chạy không lại bước chân của chị Dậu rồi bị ném ngã “chỏng quèo” ngay trước cửa như một tên vô dụng hài hước và đầy nhục nhã. Và cái sự nhục nhã và tức tối ấy khiến hắn càng không quên được việc tàn ác của mình là thét kẻ dưới bắt trói cả nhà chị Dậu. Dĩ nhiên mới tên người nhà lý trưởng cũng chẳng được việc hơn là bao, trong tay gậy gộc nhưng vẫn bị chị Dậu tóm được tóc rồi “lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm”. Người ta sẽ chẳng thể nào tưởng tượng được cái cảnh tượng cả một đám người dẫu ăn to, nói lớn, tỏ vẻ ghê gớm với đầy đủ trang bị lại bị một người đàn bà hạ gục trong một khoảnh khắc như thế, biết bao là nhục nhã và đáng đời. Như vậy có thể thấy sự yếu đuối, vô dụng dễ sụp đổ trước sự vùng dậy chống cự của chị Dậu cũng chính là một đặc điểm khác của bộ máy chính quyền lúc bấy giờ.

Cai lệ tuy chỉ là một nhân vật phụ trong toàn tác phẩm, nhưng bấy nhiêu bản chất thối tha, bẩn thỉu và tàn ác của hắn đã được khắc họa một cách tài tình thông qua ngòi bút chân thực và sắc bén của Ngô Tất Tố. Hắn không chỉ đại diện riêng cho tầng lớp giai cấp tay sai thống trị độc ác, vô nhân tính mà tất cả những hành động, bản chất dã thú cả hắn chính là một điển hình sống động cho cái lý lẽ và trật tự xã hội lúc bấy giờ, kẻ ở trên thì có quyền sinh sát, ác độc, đặc biệt là càng ác độc với những kẻ cùng đinh mạt hạng. Mà như anh Dậu nói “Người ta đánh mình không sao, nhưng mình đánh người ta thì mình phải tù, phải tội”.

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-nhan-vat-cai-le-trong-doan-trich-tuc-nuoc-vo-bo-56697n.aspx

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button