Tuyển chọn 5 bài Phân tích diễn biến tâm lý chị Dậu – VnDoc.com

Trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ, diễn biến tâm lý nhân vật chị Dậu khiến người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Phân tích diễn biến tâm lý chị Dậu trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” được VnDoc tổng hợp và chia sẻ sau đây bao gồm dàn ý cùng 5 bài văn mẫu lớp 8 giúp các em có thêm nhiều ý tưởng xây dựng bài viết hoàn chỉnh.

Nội dung chính phân tích diễn biến chị Dậu

– Diễn biến tâm lí của chị Dậu trong đoạn trích:

+ Khi những tên cai lệ đến chị đã có những hành động lo sợ, chị van xin khi những tên lính đó bắt trói anh Dậu và bảo vệ cho anh Dậu.

+ Nhưng khi càng van xin bọn chúng càng quát mắng và có những hành động độc ác hơn, chị đã bảo vệ lấy quyền lợi của chính mình, và cho chồng của mình.

+ Tính mạng của anh Dậu đang bị đe dọa và chị đã van xin, bị bọn nó đánh vào ngực, chị vẫn nhẫn nhịn, khi chúng nó có những hành động độc ác khác chị đã bảo vệ và che chở thì cũng bị bọn nó đánh và mặt cho bốp…

+ Khi những tên lính đó vẫn tới trói anh Dậu thì chị Dậu đã vùng dậy lúc này, chị không còn sợ những tên lính này nữa, chúng tới trói chị đã mạnh mẽ nói: Chúng bay tới trói chồng ta đi tao cho chúng mày biết tay, những lời nói đó đã thể hiện sự mạnh mẽ của chị Dậu, khi bị bọn chúng dồn tới đường cùng chị đã đấu tranh cho quyền lợi của chồng mình.

+ Diễn biến tâm lí còn thay đổi qua cách xưng hô: từ cháu – ông, nhà tôi – ông, bà – mày. Những từ ngữ miêu tả và giọng văn pha chút hài hước của tác giả ở đây đã làm nổi bật sức mạnh ghê gớm của chị Dậu và hình ảnh bất lực thảm hại của tên cai lệ khi bị chị “ra đòn” bất ngờ.

Phân tích diễn biến tâm lý chị Dậu

Dàn ý phân tích diễn biến tâm lý chị Dậu

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Ngô Tất Tố, truyện ngắn Vợ nhặt và nhân vật chị Dậu.

2. Thân bài

a. Trước khi đánh tên cai lệ

  • Chạy vạy khắp nơi kiếm tiền nộp sưu để chồng không bị đánh.
  • Chấp nhận bán đứa con gái đầu lòng để có tiền nộp sưu cứu chồng.
  • Khi chứng kiến cảnh chồng bị bọn chúng đánh đập dã man thì vô cùng đau xót, gào khóc giữa đình làng.
  • Khi chồng về nhà trong bộ dạng bị thương nặng chị Dậu ân cần chăm sóc, xót xa trước sự đau đớn của chồng.

→ Một người vợ hết lòng yêu thương chồng, sẵn sàn làm mọi thứ vì chồng.

b. Khi đánh tên cai lệ

  • Ban đầu nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự: xưng cháu gọi bọn cai lệ là ông.
  • Cố gắng nhẫn nhịn, khẩn khoản van xin chúng để chúng không hành hạ chồng.
  • Khi chúng sấn sổ, quát tháo đòi mang chồng đi đánh, chị Dậu xám mặt chạy đến ngăn cản.
  • Khi bị bọn chúng đánh vào người mình, không thể chịu đựng được nữa, chị vùng lên đánh trả bằng hết sức mình.

→ Tâm lí của chị Dậu được miêu tả theo cấp độ tăng tiến: bọn cai lệ càng hung hăng, bạo ngược bao nhiêu chị càng vùng dậy chống trả lại bấy nhiêu.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung, nghê thuật của tác phẩm.

Phân tích diễn biến tâm lí chị Dậu mẫu 1

Văn học hiện thực giai đoạn 1930-1945 có những cây bút đỉnh cao viết về đề tài người nông dân như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan và một trong những gương mặt tiêu biểu ấy ta không thể không nhắc đến Ngô Tất Tố với tác phẩm Tắt đèn. Nổi bật trong tác phẩm là hình tượng chị Dậu, người nông dân có sức sống tiềm tàng mãnh liệt, khi bị dồn đến bước đường cùng sẽ vùng lên đấu tranh. Đoạn trích Tức nước vỡ bờ là minh chứng rõ ràng nhất cho sức sống mạnh mẽ của chị. Hoàn cảnh gia đình chị Dậu lúc bấy giờ hết sức đáng thương. Gia đình nghèo nàn, là hạng cùng đinh nhất trong những nhà cùng đinh. Chạy chọt để đủ tiền sưu cho chồng đã cả là một nỗ lực phi thường của chị Dậu, nhưng nay phần sưu của người em đã mất cũng phải nộp đã khiến gia cảnh của chị càng cùng túng, quẫn bách hơn. Đoạn trích mở đầu bằng cảnh anh Dậu từ ngoài đình trở về, thân mình tàn tạ, còn chị Dậu tất tưởi nấu cháo cho chồng. Để làm rõ tính cách của nhân vật, Ngô Tất Tố đã đặt nhân vật vào tình huống điển hình, đầy thử thách: một người đàn bà chân yếu tay mềm, thân phận hèn mọn, sẽ phải làm gì để đối phó lại với bọn chính quyền tay sai độc ác, hung hãn.

Trong hoàn cảnh gia đình đang vô cùng đáng thương như vậy, anh Dậu vừa kề vào miệng bát cháo thì lũ tay sai sầm sập tiến vào. Anh Dậu sợ hãi, lăn đùng ra ngất, không nói được câu gì. Để lại người đàn bà cùng những đứa con nheo nhóc chiến đấu lại lũ tay sai hung hăng.

Tự chị Dậu biết mình đang thiếu sưu, tức chị tự đặt mình là kẻ có tội, bởi vậy ban đầu chị hết sức van xin, mong cho chúng sẽ tha cho gia đình mình. Hành động van xin ấy không phải là một tinh thàn hèn nhát, yếu đuối mà là con người hiểu chuyện. Chị hiểu rõ tình cảnh của gia đình mình, dù sao vẫn là kẻ thiếu sưu nhà nước, còn những kẻ kia chỉ đang thi hành công vụ. Đặc biệt chị còn hiểu thân mình chỉ là củ khoai cái kiến, chống lại tức là làm hại đến thân và cả gia đình. Lời van nài khẩn thiết của chị cũng là mong những người thi hành kia còn chút lương tri mà tha cho hoàn cảnh éo le của gia đình chị.

Nhưng mọi lời van xin, mọi lời khẩn cầu của chị đều trở nên vô ích, khi chẳng những tên cai lệ không tha mà còn có những hành động hết sức dã man, những lời nói tục tĩu: mày nói cho cha mày nghe đấy à?; Nếu không có tiền nộp sưu cho ông bây giờ, thì ông sẽ dỡ cả nhà mày đi, chửi mắng thôi à!; hắn sẵn sàng bịch vào ngực chị Dậu và cố nhảy xổ ra để trói bằng được anh Dậu.

Đến lúc này, chị không còn cách nào khác là chống cự, sự phản kháng đầu tiên của chị là ở lời nói: “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ” . Ta nhận thấy rằng trong lời nói của chị không còn là ông – con, mà đã chuyển sang xưng ông – tôi, tức trong tư thế ngang hàng. Chị đưa ra lí lẽ, đạo lí ứng xử của một con người để đấu lí với tên cái lệ độc ác. Nhưng sự độc ác, bất nhân trong tên cai lệ không thèm đếm xỉa gì đến chị, hắn ta sẵn sàng tiến lên một bước, đánh cái bốp vào mặt người phụ nữ nông dân hiền lành. Và ngay lập tức định bắt trói anh Dậu lôi ra đình. Và đến lúc này, chị Dậu đã không còn nín nhịn, nhún nhường nữa mà vung lên, bằng lời lẽ vô cùng căm phẫn:

– Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem

Lời nói đầy thách thức, cảnh cáo tên cai lệ hãy dừng lại ngay sự độc ác, thú tính của mình. Đồng thời cũng cho thấy bản lĩnh của người phụ nữ có sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Có lẽ trong văn học đương thời chưa có một người phụ nữ nào ngang tàng, bản lĩnh đến như vậy. Và tột cùng của sự căm giận, chị đã xông vào đánh nhau với tên cai lệ. Với sức khỏe của người đàn bà lực điền, chị nhanh chóng hạ gục tên cai lệ lẻo khẻo ngã chổng qèo giữa sân. Sự chống trả quyết liệt của chị Dậu đã cho thấy quy luật của cuộc sống, tức nước ắt sẽ vỡ bờ, khi bị dồn đến bước đường cùng bất cứ ai cũng sẽ vùng lên để giải phóng chính mình. Mặc dù cội nguồn của hành động đó xuất phát từ tình yêu thương chồng con, nhưng nó đã phần nào cho thấy sức mạnh phản kháng và sức sống tiềm tàng mãnh liệt cho chị Dậu nói riêng và người nông dân nói chung.

Đọc thêm:  Giáo viên được nhận lương thưởng Tết như thế nào? - LuatVietnam

Bằng ngòi bút phân tích và miêu tả tâm lí xuân sắc, Ngô Tất Tố đã cho thấy sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ của người phụ nữ nông dân Việt Nam. Sức sống, sự phản kháng ấy chính là mầm mống cho ngọn lửa đấu tranh giành độc lập sau này. Quả đúng như một nhà văn đã nhận xét: Viết Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã xui người nông dân nổi loạn.

Phân tích diễn biến tâm lý chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ mẫu 2

Người nông dân là đề tài quen thuộc khơi nguồn cảm hứng cho bao nhà văn, nhà thơ. Nếu người nông dân trong văn của Nam Cao vì quá đau khổ và bần cùng mà phải tìm đến cái chết để giải thoát khỏi những đau khổ thì người nông dân trong văn của Ngô Tất Tố lại biết mạnh dạn vùng lên khi bị áp bức và dồn vào bước đường cùng. Và nhân vật điển hình cho lối văn chương này của ông là nhân vật Chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn mà nổi bật là đoạn trích Tức nước vỡ bờ.

Chị Dậu trước tiên là một người vợ yêu chồng, đảm đang, biết lo toan công việc cho gia đình. Khi anh Dậu bị bọn cai lệ và người nhà lí trưởng bắt đi đánh đập vì thiếu tiền nộp sưu thuế, chị đã chạy vạy ngược xuôi để kiếm tiền đóng đủ cho chồng để chồng không bị đánh đập nữa. Chị đã phải bán cả ổ chó con và thậm chí bán cả đứa con gái đầu lòng là cái Tí mới bảy tuổi cho nhà Nghị Quế để làm người ở để đủ tiền đóng sưu. Nhưng thói đời bạc bẽo, những nỗ lực của chị như đổ sông đổ bể khi bọn chúng còn bắt anh chị đóng sưu cho người em trai anh Dậu đã mất từ năm ngoái. Chị Dậu như bất lực và gục ngã trước sân đình khi thấy chồng mình vẫn bị đánh và thói ngang ngược, những thứ sưu tô vô lí của bọn quan lại. Xã hội mục nát với những áp bức bất công đổ dồn lên đôi vai của người phụ nữ nhỏ bé.

Chị Dậu là người phụ nữ đảm đang, chu toàn tươm tất việc trong gia đình. Khi người ta đưa anh Dậu như cái xác không hồn về nhà, chị Dậu lo lắng, dồn toàn bộ tâm huyết để chăm sóc chồng. Chị lo lắng rằng anh có mệnh hệ gì, tất bật ngược xuôi mong anh tỉnh dậy. Đến khi anh tỉnh rồi chị mới an tâm được một chút và đi nấu cháo cho chồng ăn. Từng lời nói, cử chỉ, hành động của chị với chồng vô cùng đáng ngưỡng mộ. Dù trong lòng còn nhiều lo toan nhưng chị vẫn động viên chồng húp miếng cháo loãng để lại sức, cách gọi “Thầy em” vừa thể hiện sự trân trọng và kính nể, nhún nhường trước người chồng đau đớn của mình; vừa thể hiện tình cảm vô bờ bến dành cho chồng. Thật là một người phụ nữa đáng khâm phục.

Chị còn là một người phụ nữ cứng rắn, gan dạ. Khi bọn cai lệ và người nhà lí trưởng đến đòi bắt anh Dậu mang đi đánh, chị đã vô cùng hốt hoảng, lo sợ. Chị ra sức van xin chúng tha cho chồng mình nhưng chỉ nhận lại là những tiếng mắng chửi cay độc từ chúng. Người phụ nữ trong xã hội ấy vốn là những người thấp cổ bé họng không có quyền cất lên tiếng nói và tiếng nói không có giá trị. Dù biết mình có van xin cũng không được lắng nghe nhưng vì yêu thương chồng, chị vẫn cố gắng. Đỉnh điểm của sự tức giận khi tên cai lệ đánh bịch vào ngực chị và sấn sổ đòi bắt anh Dậu đi. Lúc này, chị không bình tĩnh được nữa đã đứng lên đánh trả bọn chúng. Chị không ngần ngại với mấy tên tay sai hống hách, từ cách xưng hô “ông – con” đầy tôn trọng kính nể, người phụ nữ ấy chuyển thành “mày – tao” ngang hàng phải lứa với chúng để bảo vệ chồng. “Tức nước vỡ bờ”, những tháng ngày chịu bao đau khổ, chịu bao sự giày vò giờ đã bùng cháy thành cơn thịnh nộ của người đàn bà. Hai tên nghiện ngập không thắng nổi sức lực của người đàn bà lực điền nên bị đánh cho tơi tả. Trong khoảnh khắc ấy, dù bên tai văng vẳng tiếng người chồng van xin dừng lại và tiếng trẻ con khóc nhưng người đàn bà vẫn chống lại cường quyền dù cho lường trước được hậu quả khôn lường. Từ một người phụ nữ nông thôn hiền lương, nghèo đói, luôn sợ sệt lũ tay sai thúc thuế, chị đã dám phản kháng chống lại uy quyền. Quả là một hành động đáng ngưỡng mộ.

Tức nước thì vỡ bỡ, có áp bức; có đấu tranh là một quy luật tất yếu. Tuy vậy, sự đấu tranh của chị Dậu chỉ là hành động mang tính bộc phát chứ không có tính định hướng, cũng chưa có tính tập thể cho nên cuối cùng một mình chị vẫn không thể nào chống đỡ lại được cả một chế độ phong kiến thối nát, độc ác, chuyên quyền. Chị vẫn phải vùng chạy, lao vào màn đêm tăm tối như chính của cuộc đời của mình.

Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” được coi là một trong những đoạn trích hay nhất của tác phẩm “Tắt đèn”. Đoạn trích vừa làm nổi bật vẻ đẹp của một người phụ nữ yêu chồng thương con, giàu đức hi sinh và sức phản kháng mãnh liệt, vừa thông qua đó để lên án một xã hội cường quyền, áp bức bất công đẩy người nông dân thấp cổ bé họng vào đường cùng, buộc họ phải vùng lên tranh đấu. Nhiều năm tháng qua đi nhưng đoạn trích cùng tác phẩm vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị tốt đẹp của nó và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.

Phân tích diễn biến tâm lý chị Dậu

Phân tích diễn biến tâm lí chị Dậu mẫu 3

Tức nước vỡ bờ là chương thể hiện rõ cách nhìn con người trên binh diện giai cấp của Ngô Tất Tố. Qua đó, bộ mặt nông thôn Việt Nam hiện lên như là mối xung đột có kịch tính cao giữa bọn thống trị tay sai và người nông dân bần cùng khốn khổ vì sưu thuế. Bên cạnh những bộ mặt hung hăng tàn ác của bọn tay sai như cai lệ và người nhà lí trưởng là hình ảnh tiêu biểu cho người nông dân – nhẫn nhịn, chịu đựng nhưng khi bị đẩy tới chân tường, cũng biết vùng lên chống trả quyết liệt, thể hiện một khả năng phản kháng tiềm tàng.

Mười bảy chương truyện trước đã thuật lại biết bao cảnh khốn cùng của vợ chồng chị Dậu trong những ngày sưu thuế. Thuộc loại nghèo bậc nhì, bậc nhất trong hạng cùng đinh, đến vụ thuế, anh Dậu ốm liệt giường. Mọi việc dồn vào một tay chị Dậu lo toan chạy vạy. Chị đành bán chó, bán con trong cảnh mua bán cay nghiệt của vợ chồng Nghị Quế, phải nếm những nắm đấm của bọn lính và người nhà lí trưởng. Anh Dậu lại bị đánh, bị trói giữa lúc ốm đau. Sự tàn nhẫn, nỗi khốn cùng ngày càng quá quắt, vượt sức chịu đựng của người phụ nữ đáng thương ấy. Nộp xong suất sưu của chồng, chị những tưởng trả xong món nợ nhà nước. Nào ngờ bọn hào lí còn bắt anh Dậu phải đóng nốt suất sưu của Hợi. Anh Dậu tiếp tục bị đánh, bị trói đến ngất xỉu. Nửa đêm, người ta vác trả về cho chị anh Dậu rũ rượi như một xác chết. May có hàng xóm giúp đỡ, chị đã cứu được chồng. Ấy thế mà anh Dậu vừa run rẩy cầm bát cháo bọn họ đã rủa sả: Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy á?”. Anh sợ quá lăn ra phản, không nói nên lời. Tên người nhà lí trưởng còn mỉa mai và sau đó đe đọa dỡ nhà. Căng thẳng nhất là lúc cai lệ bịch luôn vào ngực chị Dậu và tát vào mặt chị một cái đánh đốp.

Đọc thêm:  Top 12 Bài văn phân tích truyện ngụ ngôn "Ếch ngồi đáy giếng" hay

Trong Tắt đèn, chị Dậu được miêu tả như một người phụ nữ rất mực dịu dàng. Vì bị áp bức bóc lột, chị Dậu đành chịu đựng, nhẫn nhục, và trong nhiều trường hợp, chị là người có thể nhẫn nhục, chịu đựng. Nhưng chị Dậu không thuộc loại người yếu đuối, chỉ biết than khóc. Thông minh, sắc sảo, đảm đang, tháo vát, chị Dậu còn tiềm tàng một khả năng phản kháng. Ngay giữa đình làng, trước mặt bọn hào lí, chị đã dám tru tréo, kêu to lên sự bất nhân của chế độ sưu thuế thực dân, phong kiến: “Khốn nạn thân tôi! Trời ơi! Em tôi chết rồi còn phải đóng sưu, hở trời”. Bị quăng từ đình làng về, rồi được cứu sống, anh Dậu chỉ còn biết khóc em, khóc cái Tí, khóc cho số phận của anh. Trái lại, chị Dậu tỏ thái độ bất cần. Chị bình tĩnh khuyên giải chồng “Còn như mấy đồng tiền sưu, tuy có nóng thật, nhưng lo chưa kịp thì khất. Thịt người tanh, chẳng ai ăn được. Thầy em cứ yên tâm nằm nghỉ, không phải lo lắng gì cả”.

Trong cảnh tức nước vỡ bờ, diễn biến tâm lí chị Dậu được miêu tả tinh tế và nhất quán. Chị có thể nhẫn nhục chịu đựng an phận người dân thấp cổ bé miệng, nhưng khi bọn tay sai quá tàn ác đẩy chị đến chân tường, chị cũng biết vùng lên chống trả quyết liệt, thể hiện khả năng phần kháng tiềm tàng.

Trước thái độ hung hăng, những lời quát tháo hách dịch của cai lệ, chị Dậu run run. Chị sợ thì ít, mà lo cho chồng thì nhiều. Chị gọi cai lệ tự xưng là cháu. Chị van xin, cầu khẩn bằng giọng cố thiết tha: “Hai ông làm phúc nói với ông lí hãy cho cháu khất…”

Chị lập luận khá đanh thép, có sự thuyết phục lớn, có lí, có tình:

“Khốn nạn Nhà cháu đã không có, dẫu ông chửi mắng cũng đến thế thôi. Xin ông trông lại!”

Đến khi thấy tính mạng của chồng bị đe dọa, thái độ của chị Đậu thay đổi hoàn toàn. Chị vẫn cố van xin, nhưng vội vàng đặt đứa con đang bế xuống đất. Bên cạnh lời nói là hành động chạy đến đỡ lấy tay cai lệ, không để hắn đụng tới anh Dậu. Khi thấy sự nhún mình không có hiệu quả chị đã đứng lên ngang hàng với bọn bất nhân để lí luận, cảnh báo chúng. Đang xưng hô “ông-cháu”, chị Dậu chuyển qua “ông-tôi” với cai lệ. Người đàn bà uất ức đã liều mình đứng dậy tự đặt ngang hàng với cai lệ để cảnh cáo hắn: “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!”.

Thái độ của chị Dậu ngày càng quyết liệt. Người đàn bà dịu dàng bỗng trở nên đáo để. Chị hạ cai lệ xuống thứ “mày” và ngang nhiên thách thức: “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”. Tư thế là tức nước vỡ bờ! Chị Dậu quật ngã bọn tay sai hung ác trong tư thế ngang hàng, bất khuất với sức mạnh kì lạ. Chị túm lấy cổ cai lệ ấn dúi ra cửa. Cai lệ ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn lảm nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu. Tên người nhà lí trưởng cũng bị chị Dậu túm tóc lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm. Giọng văn của Ngô Tất Tố trở nên hả hê. Dưới ngòi bút của ông, hình ảnh chị Dậu hiện lên khỏe khoắn, quyết liệt bao nhiêu, thì hình ảnh bọn tay sai hung ác trở nên nhỏ bé, hèn hạ, nực cười và hài hước bấy nhiêu.

Thương thay anh Dậu, con người được bảo vệ phải lên tiếng – tài tình và tinh tế thay ngòi bút của Ngô Tất Tố! Tiếng nói hiền lành, cam chịu lại là lời tố cáo bọn thống trị có giá trị nhất: “U nó không được thế! Người ta đánh mình không sao, mình đánh người ta thì mình phải tù, phải tội”. Chị Dậu như đã leo lên đến lưng cọp. Nghe anh Dậu can, chị càng phẫn uất: “Thà ngồi tù. Để cho chúng làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được…” Câu nói mộc mạc đầy phẫn uất ấy giống như lời tuyên ngôn hùng hồn cho quy luật, có áp bức, dứt khoát sẽ có đấu tranh.

Sức mạnh kì diệu của chị Dậu là sức mạnh của lòng căm hờn, uất hận bị dồn nén đến mức không thể chịu đựng được nữa. Một người đàn bà lúc nào cũng chỉ nghĩ tới chồng, tới con, nhiều lần lấy thân mình che chở đòn roi cho chồng. Vì chồng con, người đàn bà ấy sẵn sàng thà ngồi tù.

Qua cảnh “Tức nước vỡ bờ”, Ngô Tất Tố đã miêu tả tình thế diễn biến tâm lí chị Dậu một cách lô gic. Đó là một tính cách nhất quán. Chị Dậu có thể nhẫn nhục, chịu đựng, nhưng khi đã bị đầy tới chân tường thì cũng biết vùng lên chống trả quyết liệt thể hiện một khả năng phản kháng tiềm tàng.

Nguyễn Tuân gọi chân dung chị Dậu trong Tắt đèn là “bức chân dung lạc quan”, Nguyễn Tuân quả quyết rằng ông đã gặp chị Dậu trong “một đám đông phá kho thóc của Nhật trong những ngày huyện kì tổng khởi nghĩa”. Nói như thế là Nguyễn Tuân đã khẳng định tài năng miêu tả nhân vật của Ngô Tất Tố. Dưới ngòi bút của Ngô Tất Tố, nhân vật chị Dậu vừa hiện lên sống động giống như người có thật, vừa thể hiện được quy luật tất yếu của đời sống. Cho nên, chị Dậu của Tất Tố có khả năng bước ra khỏi trang văn để đến với cuộc đời và sống mãi trong đời sống tinh thần của chúng ta.

Phân tích diễn biến tâm lí chị Dậu mẫu 4

Mỗi nhà văn, mỗi tác giả khi khai thác đề tài người nông dân lại có những đặc sắc, những điểm nhấn thú vị khác nhau. Ngô Tất Tố cũng là một tác giả thành công khi khai thác đề tài này qua tác phẩm Tắt đèn mà nổi bật là đoạn trích Tức nước vỡ bờ. Ở đoạn trích, diễn biến tâm lí của chị Dậu được tác giả lột tả một cách vô cùng tinh tế.

Mở đầu đoạn trích là bối cảnh những ngày thu sưu thuế náo nhiệt nhưng với người nhà nghèo “nhất nhì trong hạng cùng đinh” như chị Dậu thì đây quả là những ngày ác mộng. Chị chạy vạy ngược xuôi để đủ tiền nộp cho chồng, đến bước đường cùng, chị đã quyết định bán cái Tí – đứa con gái đầu lòng mới bảy tuổi cho nhà Nghị Quế để đủ tiền nộp sưu. Những tưởng sau khi nộp sưu anh Dậu sẽ thoát khỏi cảnh bị đánh đập nhưng sự đời oái oăm, bọn chúng còn bắt anh chị đóng cả phần sưu cho người em trai anh Dậu đã mất. Chứng kiến cảnh chồng bị đánh, con bị bán mà vẫn không đủ tiền nộp để cứu chồng ra khiến chị Dậu bất lực chỉ còn biết gào khóc ngoài đình làng. Tiếng khóc bất lực của một người phụ nữ trước một xã hội đầy áp bức bất công.

Đến tối, người ta mang anh Dậu về trả cho chị trong trạng thái đau đớn như người sắp chết không còn biết gì. Gọi mãi anh không dậy, chị vô cùng hoảng sợ, đau đớn. Khi được dân làng thương tình sang giúp đỡ kiến anh Dậu tỉnh lại và bà lão hàng xóm sang cho bát gạo nấu cháo, chị mới yên lòng hơn một chút. Chị trở lại là người vợ hiền lành, dịu dàng múc từng bát cháo cho nguội bớt và nhẹ nhàng mang bát cháo tiến đến chỗ anh Dậu, khuyên nhủ anh ăn đi một chút cho lại sức. Dẫu ngoài kia còn bao ồn ào, bão tố sắp gõ cửa ngôi nhà nhưng người vợ ấy vẫn hết lòng yêu thương, chăm sóc. Phút giây bình yên hiếm hoi của ngôi nhà nghèo nhưng giàu tình cảm khiến chúng ta không khỏi xúc động và ngưỡng mộ.

Đọc thêm:  Phân tích cảm nhận tinh tế của Xuân Diệu trước thiên nhiên trong

Khi anh Dậu bưng bát cháo chuẩn bị húp cũng là lúc bọn cai lệ đến nhà đòi bắt anh đi. Chứng kiến cảnh chồng vì khiếp sợ mà buông bát cháo rồi nằm vật ra giường, chị không khỏi đau xót nhưng vẫn nhún nhường, nhẫn nhịn gọi bọn chúng là “các ông” và xưng là “cháu” để mong chúng nhẹ tay với chồng mình. Nhưng chị càng nhẫn nhịn bọn chúng càng lấn tới, đỉnh điểm nhất là lúc tên cai lệ đánh vào ngực chị. Lúc này bao nhiêu bực tức, uất ức dồn nén lâu nay đã trội dậy mạnh mẽ và biểu hiện bằng hành động rõ ràng. Chị Dậu dám vùng lên đánh lại bọn chúng đầy bất ngờ. Sức mạnh của một người phụ nữ lực điền và sự uất hận dồn nén đã làm chị mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có thể thấy tác giả Ngô Tất Tố đã vô cùng thành công khi đẩy tâm lí của chị lên cao trào làm cho người đọc vừa đồng cảm, vừa thấu hiểu lại đồng ý với hành động của chị; nó rất phù hợp với quy luật phát triển tính cách cũng như hoàn toàn phù hợp với phẩm chất con người nhân vật.

Chị Dậu không chỉ là nhân vật điển hình cho hình ảnh người nông dân trong xã hội lúc bấy giờ mà còn là tấm gương sáng để chúng ta học tập. Nhiều năm tháng qua đi nhưng tác phẩm vẫn giữ nguyên vẹn giá trị ban đầu của nó và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.

Phân tích diễn biến tâm lí chị Dậu mẫu 5

Tắt đèn là một “đoản thiên tiểu thuyết” xuất sắc về đề tài người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Cùng viết về nỗi khổ cực của người nông dân nhưng Ngô Tất Tố lại chon một lối đi riêng. Ông muốn lột trần bộ mặt tàn ác của bọn thực dân thông qua chính sách thuế khóa hà khắc ở nông thôn. Tắt đèn sừng sững một tượng đài nông dân – chị Dậu. Đó là một con người quyết chống lại cường quyền gian ác để giữ lấy chính cuộc sống của mình. Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” chính là một lần chị phải đấu tranh như thế.

Chị Dậu chạy đôn chạy đáo bán bòn đủ thức mới đủ suất sưu cho chồng. Vất vả nhưng được tai qua nạn khỏi nghĩ cũng mừng. Vậy mà ngờ đâu suất của chồng vừa mới lo xong lại sinh thêm suất sưu của người chết. Thế là trăm dâu đổ đầu tằm, biết là oan ức mà chẳng thể nào giải được. Lo một suất sưu chị đã “khuynh gia bại sản” nay lại thêm suất nữa, chị Dậu bị đẩy đến đường cùng. Đoạn trích Tức nước vỡ bờ mở đầu bằng sự thở phào của chị. Anh Dậu sau khi bị đánh liên hồi kỳ trận được bọn chúng thả về. May thay bà láng giềng cho nắm gạo, thế là chị Dậu tất tả nấu cho chồng bát cháo mong cứu cho chồng ra khỏi cơn nguy khốn. Nhưng đáng thương thay, bát cháo vừa mới kịp đưa lên miệng thì bọn cai lệ ầm ầm xô tới với roi với thước. Trước sự hách dịch và hung ác, chị Dậu nhất nhất chỉ còn biết kêu oan “Hai ông làm phúc nói với ông lý cho cháu khất”. Nhưng cái câu nói ấy của chị Dậu có nghĩa gì đâu. Cai lệ trừng trợn trút một hai câu tai ngược “Mày định nói cho mày nghe đấy à? Sưu của Nhà nước mà dám mở mồm xin khất”.

Đúng là “tức nước” sẽ đến “vỡ bờ”. Ở trong một hoàn cảnh khác, chị Dậu hẳn đã phải có vài câu đáp lại cái thói cư xử coi người như rác của bọn cai lệ nhà ông Lý. Nhưng chị Dậu vẫn kiên nhẫn van nài. Chị hẳn đã hiểu quá rõ cái thân phận hèn mọn của mình và lại càng hiểu hơn cái thói hung ác của bọn tay sai. Chị vẫn tha thiết “Khốn nạn! Nhà cháu đã không có, dẫu ông chửi mắng cũng thế thôi. Xin ông trông lại”. Rõ ràng là ở đấy, câu nói của chị Dậu đã cứng cỏi hơn, đã có những dấu hiệu “không chịu được”. Lời xin của chị Dậu tỏ vẻ bất cần và không còn ngại ngùng nể sợ hoàn toàn như trước nữa.

Đến đây kịch tính của tình huống bắt đầu được đẩy lên cao. Cai lệ hầm hề “Nếu không có tiền nộp sưu cho ông bây giờ, thì ông sẽ dở cả nhà mày đi, chửi mắng thôi à?” Câu nói vẫn đầy hách dịch của những kẻ bề trên quen coi người lao động là con trâu, con ngựa. Vừa nói hắn vừa lao sầm sầm vào anh Dậu. Thế là “chị Dậu xám mặt”, vội vàng chạy đến kêu xin.

Chị vẫn năm ông mười ông mong khơi gợi một chút lòng thương hại từ tên cai lệ. Nhưng những lời khẩn khoản của chị ác thay lại được đáp lại bằng những hậu quả đấm chắc nịch từ tay cai lệ. Như lửa đã được đổ thêm dầu, chị Dậu “không thể chịu được”đành “liều cự lại”. Tâm lý chị Dậu rõ ràng đã có những biến đổi nhưng chưa phải là hành động hoàn toàn chủ động. Sự tàn ác của tên cai lệ đã đảy chị vào tình thế phải “liều mình”.

Song kịch tính của đoạn trích thực sự được đẩy đến cao trào khi cai lệ mạnh tay “tát ngang vào mặt chị Dậu”. Tức nước vỡ bờ, người đàn bà lực điền nghiến hai hàm răng “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”. Rồi chị túm cổ tên cai lệ ấn dúi ra phía cửa. Sức của anh chàng nghiện không chịu nổi một cái lẳng của người đàn bà. Đoạn văn là một sự thay thế “ngôi vị”. Từ lời xưng hô hèn mọn “cháu – ông”, chị Dậu bực mình đưa mình lên “bà” và hạ hắn xuống thành “mày”. Còn nữa, từ thế bị động chị Dậu đã không thể chịu được sự đè nén, quyết đứng ra bảo vệ chồng mình.

Tức nước vỡ bờ miêu rả một quá trình tâm lý. Ngô Tất Tố đã tạo ra một tình huống giàu kịch tính để rồi cứ thế nhân vật chính va chạm với những tính cách khác từ đó bộc lộ phẩm chất của mình. Quá trình diễn biến tâm lý của chị Dậu diễn ra nhanh chóng nhưng tinh tế. Đặc biệt nó rất phù hợp với quy luật phát triển tính cách cũng như hoàn toàn phù hợp với phẩm chất con người nhân vật. Đó là một sự thể hiện có tính toán và rất sắc sảo của nhà văn.

……………………………..

Trên đây VnDoc đã hướng dẫn các bạn Phân tích diễn biến tâm lý chị Dậu trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”.. Hy vọng thông qua tài liệu này, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về diễn biến tâm lý nhân vật chị Dậu, nắm được những ý chính cần triển khai trong bài, từ đó có thêm nhiều ý tưởng xây dựng cho mình bài viết hoàn chỉnh, đủ ý và đúng yêu cầu đề ra.

Ngoài ra, các bạn học sinh có thể tham khảo Soạn bài lớp 8, Soạn Văn Lớp 8 (ngắn nhất) và các đề thi học kì 1 lớp 8, đề thi học kì 2 lớp 8 các môn Toán, Văn, mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi lớp 8 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt.

Mời các bạn tham khảo thêm những tài liệu khác của chúng tôi:

  • Phân tích nhân vật chị Dậu
  • Giải thích nhan đề Tức nước vỡ bờ
  • Câu hỏi ôn tập môn Ngữ Văn lớp 8
  • Tóm tắt đoạn trích Tức nước vỡ bờ của Ngô Tất Tố
  • Phân tích diễn biến tâm lý chị Dậu trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”.
Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button