Ví dụ về tri giác – Luật Hoàng Phi
Tri giác mang tính tự giác, giải quyết một nhiệm vụ cụ thể, là hành động tích cực trong đó có sự kết hợp chặt chẽ của yếu tố cảm giác vận động. Vậy tri giác là gì? Ví dụ về tri giác.
Tri giác là gì?
Tri giác là một quá trình tâm lí nhận thức cảm tính, phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính bề ngoài của sự vật, hiện tượng đang trực tiếp tác động vào giác quan người ta.
Khi các thông tin về các thuộc tính của sự vật hiện tượng có được nhờ cảm giác được truyền tới vỏ não thì ngay lập tức chúng được tổ chức, sắp xếp tạo nên một hình ảnh đầy đủ có ý nghĩa về chính sự vật, hiện tượng đang tác động vào chính giác quan của chúng ta.
Quá trình tổ chức sắp xếp, lý giải và xác định ý nghĩa của hình ảnh về sự vật hiện tượng đó chính là tri giác.
Các quy luật cơ bản của tri giác
– Quy luật về tính đối tượng của tri giác
+ Hình ảnh mà tri giác đem lại bao giờ cũng là biểu tượng của một sự vật, hiện tượng nhất định của thế giới bên ngoài.
+ Tính đối tượng của tri giác nói lên cái mà tri giác đem lại. Trong quy luật này đã hàm chứa tính chân thực của tri giác.
– Quy luật về tính lựa chọn của tri giác
+ Tri giác không thể phản ánh được toàn bộ những kích thích đang tác động lên giác quan của con người ở tại một thời điểm. Do vậy để tri giác, con người phải tách đối tượng ra khỏi bối cảnh.
+ Sự lựa chọn của tri giác cũng không mang tính cố định, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài cũng như bên trong của chủ thể.
Quy luật về tính lựa chọn của tri giác được ứng dụng nhiều trong thực tiễn như kiến trúc, quảng cáo, quân sự (nguỵ trang), trong giáo dục và dạy học.
– Quy luật về tính có ý nghĩa của tri giác
Tri giác của con người gắn chặt với tư duy, với bản chất của sự vật, hiện tượng. Chính vì lẽ đó, biểu tượng tri giác cho phép người ta gọi tên được sự vật hiện tượng, có thể sắp xếp chúng vào một nhóm, lớp nhất định.
– Quy luật về tính ổn định của tri giác
+ Tính ổn định của tri giác thể hiện ở chỗ trong các điều kiện khác nhau nhưng nội dung của biểu tượng tri giác vẫn không thay đổi.
+ Ngôi nhà, dù có cách xa chúng ta hàng ngàn mét và hình ảnh của nó trên võng mạc nhỏ hơn hình ảnh của một người đang đứng trước mặt chúng ta thì ngôi nhà vẫn được tiếp nhận to hơn so với con người. Sự ổn định tri giác còn thể hiện ở cả về mầu sắc, kích thước…
– Quy luật tổng giác
Quy luật này thể hiện ở chỗ nội dung các biểu tượng tri giác còn phụ thuộc vào nội dung đời sống tâm lí của chủ thể: thái độ, nhu cầu, cảm xúc, động cơ… (Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ – Nguyễn Du).
– Tri giác nhầm
+ Trong một số trường hợp, hình ảnh của tri giác không phù hợp với thực tại. Cần phân biệt tri giác nhầm với ảo giác.
+ Tri giác nhầm là quá trình chúng ta vẫn đang tri giác (sự vật, hiện tượng vẫn đang tác động vào giác quan) song biểu tượng tri giác không tương xứng với thực tiễn.
Ví dụ: Khi ta nhìn cái thìa đang để trong nửa cốc nước, ta thấy như cái thìa bị gãy ở chỗ mặt nước.
Ví dụ về tri giác
Nội dung trên đã giải thích được khái niệm tri giác là gì?, sau đây chúng tôi sẽ đưa ra một số Ví dụ về tri giác để quý độc giả hiểu được rõ hơn.
Ví dụ: Khi ta có 1 rổ cam, chúng ta muốn biết đó là gì thì ở mức độ đơn giản nhất chúng ta cần phải tiếp xúc trực tiếp với nó.
Tri giác phản ánh trọn vẹn các thuộc tính bề ngoài của sự vật hiện tượng. Nhờ mắt ta thấy được màu sắc, ước lượng được kích thước và số lượng quả cam trong rổ.
Vai trò của tri giác
Tri giác là thành phần chính của nhận thức cảm tính, đặc biệt là ở người trưởng thành. Nó là một điều kiện quan trọng cho sự định hướng hành vi và hoạt động của con người trong môi trường xung quanh.
Hình ảnh của tri giác giúp con người điều chỉnh hành động cho phù hợp với sự vật hiện tượng khách quan.
Đặc biệt hình thức tri giác cao nhất: Quan sát, do những điều kiện xã hội chủ yếu là lao động xã hội trờ thành một mặt tương hỗ trợ độc lập của hoạt động và trở thành một phương pháp nghiên cứu quan trọng của khoa học, cũng như của nhận thức thực tiễn.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!