Xe thô sơ là xe gì? Quy định pháp luật về loại xe thô sơ?
Xe thô sơ hay nói chính xác là phương tiện giao thông thô sơ đường bộ là loại phương tiện khá phổ biến ở nước ta. Xe thô sơ được sử dụng ở đô thị cũng như ơ nông thôn và người điều khiến thường không có yêu cầu gì đặc biệt. Pháp luật về loại xe thô sơ cũng rất hạn chế và dường như không quá chú trọng đến loại xe này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng xe thô sơ hay người điều khiến xe thô sơ được tư do thực hiện những gì mình muốn.
Dịch vụ Luật sư tư vấn pháp luật qua điện thoại: 1900.6568
Cơ sở pháp lý:
Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Văn bản hợp nhất 05/VBHN-BGTVT năm 2020 hợp nhất Thông tư hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa do Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Quyết định 06/2021/QĐ-UBND quy định về quản lý, sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự vận chuyển hành khách, hàng hóa tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Quyết định 28/2021/QĐ-UBND quy định điều kiện hoạt động của xe thô sơ và việc vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
1. Xe thô sơ là xe gì?
Xe thô sơ được giải thích dưới dạng liệt kê bao gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự. Trong đó:
– Xe đạp là phương tiện được thiết kế chạy bằng 2 bánh được đạp bằng chân của người lái. Trên một chiếc xe đạp tiêu chuẩn, các bánh xe được gắn thẳng hàng trong một khung kim loại, với bánh trước được giữ trong một phuộc quay. Xe đạp là phương tiện hiệu quả nhất được phát minh ra để chuyển đổi năng lượng của con người thành khả năng di chuyển. Đối với xe đạp máy thì có gắn thêm động cơ và việc di chuyển của xe đạp máy không phụ thuộc vào sức đạp của người điều khiển. Nói chính xác, xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện).
– Xe xích lô là một loại xe ba bánh kiểu hatchback được thiết kế để chở khách thuê. Xích lô là một loại xe đạp ba bánh xuất hiện ở Việt Nam vào thời Pháp thuộc sau một nỗ lực không thành công trong việc giới thiệu xe kéo.
– Xe súc vật kéo là những phương tiện thô sơ chuyển động được do súc vật kéo.
– Xe lăn dùng cho người khuyết tật chủ yếu là xe lăn dành có người có khuyết tật vận động.
– Các loại xe tương tự là các loại xe có kết cấu, tính năng, động cơ (nếu có) tương tự xe thô sơ.
2. Quy định pháp luật về loại xe thô sơ:
Luật giao thông đường bộ quy định rằng:
“Điều 56. Điều kiện tham gia giao thông của xe thô sơ
1. Khi tham gia giao thông, xe thô sơ phải bảo đảm điều kiện an toàn giao thông đường bộ.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ tại địa phương mình.“
Có thể thấy rằng, về nguyên tắc, Luật Giao thông đường bộ không quy định chi tiết hay nói đúng hơn là điều chỉnh quá sâu về điều kiện tham gia giao thông của xe thô sơ, Luật chỉ ghi nhận nó như một nền tảng và trao trách nhiệm quy định và hướng dẫn chi tiết đối với Ủy ban nhân dân, điều này cũng khá hợp lý giúp địa phương chủ động trong việc quản lý và sử dụng xe thô sơ phù hợp với điều kiện của địa phương. Còn đối với điều kiện phải đảm bảo an toàn giao thông đường bộ thì đây là điều kiện cơ bản mà hầu hết các phương tiện giao thông đường bộ phải có.
Ví dụ về điều kiện tham gia giao thông của xe thô sơ:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Quyết định 06/2021/QĐ-UBND của tỉnh Quảng Nam:
“1. Xe thô sơ
a) Bộ phận thắng (hãm) đầy đủ và có hiệu lực, trừ xe do súc vật kéo;
b) Bộ phận điều khiển chuyển hướng phải đủ độ bền, chính xác;
c) Khung xe phải đảm bảo chắc chắn, không bị nứt hoặc cong vênh khi nhận biết bằng mắt thường;
d) Có còi hoặc chuông báo hiệu khi lưu thông;
đ) Có đèn hoặc công cụ phát sáng báo hiệu khi lưu thông vào ban đêm; lắp đặt phản quang phía trước và phía sau xe.”
Hay đối quy định tại tỉnh Kon Tum trong Quyết định 28/2021/QĐ-UBND:
“1. Xe xích lô:
a) Kích thước xe (Dài x Rộng x Cao): Không quá 3,0m x 1,15m x 1,2m;
b) Hệ thống truyền động: Bàn đạp, đĩa và xích líp không rơ, đầy đủ chi tiết kẹp chặt, phòng lỏng;
c) Hệ thống phanh: Dễ điều khiển, chắc chắn, đảm bảo hiệu lực khi phanh;
d) Hệ thống lái: Tay nắm lái, càng lái đầy đủ các chi tiết kẹp chặt và phòng lỏng; khớp quay lái không rơ, xoay lái nhẹ nhàng cả hai phía;
đ) Khung xe và thân vỏ: Không mục mọt, lắp đặt chắc chắn; chỗ ngồi của hành khách phải có đệm và bộ phận che mưa, che nắng;
e) Bánh xe: Lốp xe trên cùng một trục phải cùng kích cỡ; không nứt, vỡ, phồng rộp; bánh xe quay trơn, không bị bó kẹt, cọ sát vào phần khác;
g) Hệ thống chiếu sáng, tín hiệu: Xe hoạt động ban đêm phải có đèn; có tấm phản quang để xác định kích thước xe; có chuông hoạt động tốt.
2. Xe súc vật kéo:
a) Kích thước xe (Dài x Rộng x Cao): Không quá 4m x 1,8m x 2,2m;
b) Khung và thùng xe: Không mục mọt, thủng rách, lắp đặt chắc chắn; xe chở người phải có ghế ngồi và bộ phận che mưa, che nắng;
c) Ghế ngồi lái: Định vị chắc chắn, vị trí thuận tiện cho người điều khiển;
d) Hệ thống phanh: Phải trang bị dụng cụ hoặc cơ cấu phanh bánh xe đảm bảo có tác dụng chèn bánh xe khi dừng, đỗ;
đ) Bánh xe: Lốp xe phải cùng kích cỡ; không nứt, vỡ, phồng rộp; bánh xe quay trơn, không bị bó kẹt, cọ sát vào phần khác;
e) Hệ thống chiếu sáng, tín hiệu: Xe hoạt động ban đêm phải có đèn; có tấm phản quang để xác định kích thước xe;
g) Xe súc vật kéo phải có có người điều khiển khi tham gia giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.
3. Xe người kéo:
a) Kích thước xe (Dài x Rộng x Cao): Không quá 2,0m x 1,15m x 1,2m;
b) Hệ thống phanh: Phải trang bị dụng cụ hoặc cơ cấu phanh bánh xe đảm bảo có tác dụng chèn bánh xe khi dừng, đỗ;
c) Hệ thống kéo, đẩy: Lắp đặt chắc chắn, kéo, đẩy thuận tiện;
d) Khung xe và thân vỏ: Không mục mọt, lắp đặt chắc chắn; chỗ ngồi của hành khách phải có đệm và bộ phận che mưa, che nắng;
đ) Bánh xe: Lốp xe trên cùng một trục phải cùng kích cỡ; không nứt, vỡ, phồng rộp; bánh xe quay trơn, không bị bó kẹt, cọ sát vào phần khác;
e) Hệ thống chiếu sáng, tín hiệu: Xe hoạt động ban đêm phải có đèn; có tấm phản quang để xác định kích thước xe; có chuông hoạt động tốt.
4. Xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện, xe lăn dùng cho người khuyết tật phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.“
Như vậy, so sánh giữa quy định của hai quyết định của hai UBND có thể thấy rằng, cách quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe thô sơ của tỉnh Kon Tum chi tiết, cụ thể hơn áp dụng đối với từng loại xe, trong khi đó tỉnh Quảng Nam lại áp dụng thống nhất cho tất cả các xe thô sơ.
Bởi xe thô sơ có những giới hạn nhất định trong cấu tạo và chức năng, do vậy xe thô sơ không được xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe; không được vượt quá 0,4 mét về mỗi bên bánh xe, không vượt phía trước và phía sau xe quá 1,0 mét. Điều này vừa đảm bảo an toàn giao thông đường bộ cho người điều khiển xe thô sơ cũng như người tham gia giao thông khác.
Nhắc đến quy định về xe thô sơ không thể không nhắc đến quy định về người điều khiển xe thô sơ, về cơ bản người điều khiển chỉ cần (1) Có sức khỏe bảo đảm điều khiển xe an toàn; (2) Hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ. Đây là hai điều kiện mà hầu hết người điều khiển phương tiện giao thông cần có. Các điều kiện này rất đơn giản và hầu như ai cũng có thể đáp ứng, điều này dẫn đến việc người ta sử dụng xe thô sơ phổ biến là điều dễ hiểu.
Tóm lại, việc sử dụng xe thô sơ cho phép người điều khiển khá chủ động trong việc tham gia giao thông và họ chỉ cần tuân thủ quy tắc giao thông đường bộ, tuy nhiên, điều kiện để xe thô sơ được tham gia giao thông là điều mà cá nhân cần chú ý để không vi phạm pháp luật, đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như những người tham gia giao thông khác. UBND tỉnh bên cạnh việc ban hành văn bản cần thực hiện chỉ đạo các đơn vị liên quan trọng việc kiểm tra, giám sát và xử lý đối với người sử dụng xe thô sơ không đủ điều kiện tham gia giao thông.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!