Cảm xúc trữ tình trong bài Cây tre Việt Nam của Thép Mới
Đề bài: Cảm xúc trữ tình trong bài Cây tre Việt Nam của Thép Mới (Ngữ văn 6 – Tập II).
Bài làm
Cây tre Việt Nam được nhà văn, nhà báo Thép Mới viết để làm lời bình cho bộ phim cùng tên của các nhà điện ảnh Ba Lan. Bài văn có chất kí, nhưng tác giả đã khéo kết hợp miêu tả, thuyết minh với trữ tình và bình luận nên bài văn không khô khan. Có thể nói Cây tre Việt Nam là một bài tuỳ bút- trữ tình đặc sắc, một bài thơ – văn xuôi đẹp và hàm chứa nhiều ý nghĩa.
Bộ phim Cây tre Việt Nam được thực hiện sau khi cuộc kháng chiến chông thực dân Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Thông qua hình ảnh cây tre, bộ phim thể hiện đất nước và con người Việt Nam. Có lẽ khi viết bài văn này, Thép Mới đã “hoà” dòng cảm xúc dạt dào vào ngòi bút của mình để viết lên những dòng vãn, trang văn trữ tình đến như vậy! Phải chăng đó là cảm xúc kiêu hãnh, tự hào với những phẩm chất đáng quí của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh và hội tụ từ bao đời nay, từ thuở vua Hùng dựng nước Văn Lang cho tới hôm nay và mãi mãi mai sau. Nó trở thành tượng trưng cao quí của dân tộc. Cảm xúc này được duy trì trong suốt bài văn với những, yếu tố trữ tình xen kẽ hệ thống luận điểm được minh học hình ảnh, nhạc điệu, câu văn, những câu ca dao, câu thơ trữ tình, tục ngữ…
Đọc câu văn xuôi mà cứ ngỡ là thơ bởi hình ảnh đối nhịp nhàng, câu văn có nhạc tính: Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, luỹ tre thân mật làng tôi… đâu đâu cũng có nứa tre làm bạn. Chỉ một câu văn thôi đã gợi lên được tre ở khắp mọi miền Tổ quốc. Tiếp đó là những đức tính đáng quí của tre. Sức sống bền vững, dẻo dai; dáng vẻ thanh cao, giản dị của tre cũng được thể hiện trong câu văn giàu nhạc tính, cân xứng nhịp nhàng:
Vào đâu tre cũng sống và ở đâu tre cũng xanh tốt.
Dáng tre vươn mộc mạc màu tre tươi nhã nhặn.
Thể hiện sự gắn bó của tre hàng ngàn đời, và “mối tình” chung thuỷ mà nhà văn đã viết:
Tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp… Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thuỷ.
Giọng văn bỗng dưng thay đổi nghe như lời kể chuyện cổ tích “Ngày xửa, ngày xưa” lắng sâu vào lòng người đọc. Rồi giọng văn lại trở lên mạnh mẽ lạ thường khi diễn tả tre gắn bó với dân tộc trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước. … Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù… Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hy sinh để bảo vệ con người. Lời văn khẳng khái, hùng hồn, gợi phẩm chất thẳng thắn bất khuất của tre. Nhà văn đã tôn vinh tre bằng những danh hiệu cao quí của con người: Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu. Không phải ngẫu nhiên Thép Mới lại ça ngợi cây tre bằng những ngôn từ “đẹp” đến như vậy, mà từ nơi sâu thẳm nơi trái tim tác giả đã dạt dào cảm xúc kiêu hãnh, tự hào về những phẩm chất cao quí của dân tộc mình. Hai câu : Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến dấu! rõ ràng là văn xuôi nhưng đọc lên nghe như “thơ”. Bởi cấu trúc lặp lại của nó kết hợp với hai chấm than ở cuối cùng đã làm nên chất trữ tình, truyền cảm sâu sắc tới người đọc.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!