LTS: Nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2019), Đại tá Đặng Việt Thủy đã gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ về Hoàng Sâm – người đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Đây là một đội quân hoạt động theo phương châm chính trị trọng hơn quân sự; vừa xây dựng cơ sở, phát triển phong trào cách mạng, vừa tác chiến theo kiểu du kích, cơ động, bí mật, bất ngờ “lai vô ảnh, khứ vô tung”…
Chỉ huy một đội quân như vậy phải là một người từng lăn lộn với phong trào cách mạng của quần chúng; phải là người đã từng giỏi đánh du kích, tích lũy được nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Người đó chính là Hoàng Sâm.
Tướng Hoàng Sâm – đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (Ảnh: tư liệu).
Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Lệ Sơn (nay là xã Văn Hóa), huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Năm 1927, mới 12 tuổi cậu bé Trần Văn Kỳ đã phải rời làng quê phiêu bạt sang Xiêm (Thái Lan). Tại đây, Trần Văn Kỳ được tổ chức cách mạng của Việt Kiều kết nạp vào Đội thiếu niên tiền phong và nhận vào học ở trường học sinh Việt Kiều.
Năm 1928, cơ hội lớn đến với Trần Văn Kỳ khi Nguyễn Ái Quốc về Xiêm hoạt động với bí danh Thầu Chín. Trần Văn Kỳ được Nguyễn Ái Quốc giác ngộ và được chọn làm liên lạc trong suốt thời gian Người hoạt động ở Xiêm.
Cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc rời Thái Lan sang Trung Quốc chuẩn bị thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam để thành lập Đảng Cộng sản, Trần Văn Kỳ vẫn tiếp tục ở lại Thái Lan vừa học tập, vừa tích cực hoạt động cách mạng.
Năm 1933, Trần Văn Kỳ được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản và ngay trong năm đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách in ấn phát hành truyền đơn.
Năm 1934, ông bị mật thám Thái Lan bắt và giao cho lãnh sự Pháp ở Băng Cốc tra tấn, hỏi cung.
Sau gần một năm giam giữ, vì không có bằng chứng cụ thể nên Trần Văn Kỳ được lãnh sự Pháp trả lại cho nhà cầm quyền Thái Lan. Ngay sau đó bị trục xuất, Trần Văn Kỳ tìm đường sang Trung Quốc.
Sang đến Quảng Tây, Trần Văn Kỳ bắt liên lạc được với cơ sở và Phùng Chí Kiên, ông được tổ chức tạo điều kiện cho đi học tiếng Trung Quốc.
Mùa xuân năm 1937, Trần Văn Kỳ được tổ chức phái về Cao Bằng hoạt động nhưng vì không có thẻ thuế thân nên bị chính quyền thực dân Pháp ở đây bắt giam 6 tháng.
Ra khỏi trại giam, ông cùng một vài đồng chí khác lại được Đảng cử sang Trung Quốc tham gia “Điền Kiềm Quế Biên khu du kích đội” – một tổ chức kháng Nhật của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoạt động ở vùng biên giới Việt – Trung thuộc ba tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quý Châu.
Giữa năm 1940, Trần Văn Kỳ quyết định sang Tĩnh Tây để tìm bắt liên lạc với cấp trên. Tại đây, ông đã theo học quân sự ở trường Trương Bội Công.
Trong thời gian ở Tĩnh Tây, Trần Văn Kỳ đã được gặp lại Thầu Chín (Nguyễn Ái Quốc) và được Người đặt cho bí danh là Hoàng Sâm.
Cũng tại đây, lần đầu tiên Hoàng Sâm được gặp, làm quen với người đồng chí – đồng hương Dương Hoài Nam (tức Võ Nguyên Giáp).
Sức mạnh đại đoàn kết, ý chí tự cường của dân tộc Việt Nam
Sau lần gặp gỡ quan trọng này, Hoàng Sâm cùng với 40 cán bộ khác của Cao Bằng quyết định từ bỏ trường Trương Bội Công, trở về nước hoạt động.
Cuối năm 1940, Hoàng Sâm tham dự lớp huấn luyện cán bộ về công tác tổ chức các đoàn thể quần chúng nhằm chuẩn bị thành lập một Mặt trận dân tộc, dân chủ rộng rãi.
Lớp học này do chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Vũ Anh tổ chức và trực tiếp giảng dạy.
Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài về Cao Bằng. Tháng 5/1941, Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ 8 tại Khuổi Nặm. Hoàng Sâm được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ tổ chức đường dây qua Lạng Sơn để đón các đại biểu về dự hội nghị quan trọng này.
Cuối năm 1941, Đội du kích Pác Bó được thành lập. Đội gồm 12 người, Hoàng Sâm được cử làm Đội phó.
Đội du kích Pác Bó có nhiệm vụ là vừa bảo vệ khu căn cứ, bảo vệ Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, vừa xây dựng cơ sở cách mạng, tiễu trừ nạn thổ phỉ ở vùng biên giới Việt – Trung thuộc địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Từ giữa năm 1942, Hoàng Sâm được giao làm Đội trưởng Đội vũ trang Cao Bằng.
Thời kỳ này, ở vùng biên giới Việt – Trung, nạn thổ phỉ hoành hành dữ dội. Chúng sống ngoài vòng pháp luật, ngang tàng theo kiểu “giang hồ, hảo hán”. Tuy vậy, chúng lại rất kiêng nể những người can đảm, dũng cảm và tài ba.
Trần Sơn Hùng (bí danh của Hoàng Sâm hồi ấy) là một người nổi tiếng trong vùng với sự gan dạ, biệt tài phi ngựa không cần yên cương, bắn súng ngắn cả hai tay.
Bọn trùm phỉ khét tiếng như Voòng A Sáng, Voòng A Sình, Lỷ Xíu… nghe danh “ông Trần” đều phải kiêng nể.
Để thu phục và hòa hoãn với các toán thổ phỉ, Hoàng Sâm đã không quản nguy hiểm vào tận sào huyệt của chúng thi bắn súng, cưỡi ngựa, ném lựu đạn, bắn cung; thậm chí thi cả uống rượu với các tên trùm phỉ.
Những hoạt động khôn khéo, kiên quyết, dũng cảm của Hoàng Sâm và các đồng chí khác trong Đội vũ trang, cùng với tài năng quân sự và uy tín cá nhân của ông, đã hạn chế được sự phá phách, lộng hành của các toán phỉ, tạo điều kiện cho các hội cứu quốc của Việt Minh ở vùng Lục Khu phát triển.
Tháng 1/1943, trước tình hình phong trào xung phong Nam tiến phát triển rất mạnh và lan rộng xuống vùng xuôi. Hoàng Sâm được giao nhiệm vụ tổ chức Đội bảo vệ các tổ xung phong Nam tiến.
Khi quân Pháp tiến hành khủng bố trắng con đường cách mạng Nam tiến, Hoàng Sâm chỉ huy đội vũ trang mang tên “Hộ lương diệt ác” xuống hỗ trợ cho các châu Nguyên Bình, Ngân Sơn, Chợ Rã trừng trị bọn Việt gian phản động và các nhóm quân Pháp hung hăng hiếu chiến.
Tháng 12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, cựu đội trưởng Đội du kích Pác Bó – Hoàng Sâm – được lãnh tụ Hồ Chí Minh và đồng chí Võ Nguyên Giáp chọn làm Đội trưởng.
Khi Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân phát triển thành đại đội, Hoàng Sâm làm Đại đội trưởng.
Hoàng Sâm đã trực tiếp chỉ huy các trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu và Nà Ngần lần hai.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Hoàng Sâm chỉ huy Đội tiến xuống giải phóng các châu Ngân Sơn, Chợ Rã, rồi tiến xuống phía Bắc Bạch Thông, giải tán bộ máy Tổng lý, cường hào tại đây.
Người chiến sĩ cộng sản kiên trung của dân tộc Việt Nam
Cuối tháng 3/1945, Hoàng Sâm cùng với Đàm Quang Trung chỉ huy đơn vị đánh quân Nhật tại vùng Phủ Thông và tham gia chỉ đạo thành lập chính quyền cách mạng cấp xã tại địa bàn này.
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, Hoàng Sâm tham gia xây dựng và bảo vệ Khu giải phóng Cao – Bắc – Lạng – Thái – Tuyên – Hà; chỉ huy đánh quân Nhật ở Thái Nguyên, Bắc Kạn…
Sau trận thắng quân Nhật ở Thái Nguyên, Hoàng Sâm đưa đơn vị về Vĩnh Yên tiêu diệt bọn Quốc dân đảng phản động Đỗ Đình Đạo.
Dẹp được bọn này, ông tiếp tục đưa đơn vị về Sơn Tây bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ ở khu vực Tây – Tây Bắc Hà Nội.
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Hoàng Sâm lại được giao giữ những trọng trách: Chỉ huy trưởng Mặt trận Tây tiến, Khu trưởng Chiến khu 2 rồi sau đó là Khu trưởng Khu 3.
Tại chiến trường Tây Bắc xa xôi, một lần nữa tên tuổi của Hoàng Sâm lại được người ta nhắc đến nhiều bởi nghệ thuật cầm quân sắc sảo, bởi những cuộc đấu trí, đấu mưu khiến kẻ địch phải “tâm phục, khẩu phục” được bà con các dân tộc Tây Bắc ca ngợi, truyền tụng.
Năm 1948, trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội ta, Hoàng Sâm được phong quân hàm Thiếu tướng.
Năm 1951, Hoàng Sâm được rút về làm phái viên của Bộ đi tham gia chiến dịch với các Đại đoàn 312, 304.
Năm 1953, Hoàng Sâm là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, Chỉ huy trưởng Mặt trận Trung Lào.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hoàng Sâm về chỉ huy tiếp quản Sơn Tây, Hà Đông; rồi làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320, chỉ huy tiếp quản Hải Phòng.
Cuối năm 1955, Hoàng Sâm được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn rồi sau đó tiếp tục đảm đương các chức vụ: Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn, Tư lệnh Quân khu 3.
Năm 1962, Hoàng Sâm được cử sang làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào, với bí danh là Chăn-đi. Ông đã được các đồng chí lãnh đạo nước bạn hết sức tin cậy và kính trọng.
Về nước, Hoàng Sâm lại được cử vào làm Tư lệnh Quân khu Trị – Thiên – Huế, một chiến trường cực kỳ nóng bỏng và ác liệt.
Tháng 12/1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm đã hy sinh tại chiến trường Bình – Trị – Thiên. Ông ra đi ở tuổi 53 khi mà tài năng quân sự đang ở vào độ chín và tiếp tục tỏa sáng.
Hoàng Sâm là đại biểu Quốc hội khóa II, khóa III. Ông là người học trò luôn được Bác Hồ tin cậy và quý trọng.
Trước khi chia tay lên đường vào Trị – Thiên, Hoàng Sâm đã được Bác Hồ dành thời gian gặp gỡ, động viên và căn dặn rất kỹ như người thân trong gia đình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng ví ông như một Sa-pa-ép của Việt Nam.
Hoàng Sâm đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác của Nhà nước ta.
Ngày nay, tại Thủ đô Hà Nội và một số thành phố khác có đường, phố mang tên ông – một vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam: phố Hoàng Sâm.
Tài liệu tham khảo:
– Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, “Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân”, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội – 2004.
– Ban liên lạc Việt Nam Giải phóng quân, “Việt Nam Giải phóng quân – Nhớ lại bước khởi đầu”, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội – 1995.