Trình bày bước ngoặt cuộc đời nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ

Đề bài: Trình bày bước ngoặt cuộc đời nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

trinh bay buoc ngoat cuoc doi nhan vat mi trong truyen ngan vo chong a phu

Dàn ý, văn mẫu trình bày bước ngoặt cuộc đời nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

I. Dàn ý Trình bày bước ngoặt cuộc đời nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh nhân vật Mị:– Xinh đẹp, đang tuổi xuân phơi phới, lại có tài thổi sáo hay.- Có tình yêu đẹp với một chàng trai trong làng.- Hiếu thảo, chăm làm lụng.- Không muốn gả vào nhà giàu, để đánh mất cuộc đời tự do, đánh mất tình yêu, đồng thời Mị cũng không phải là người con gái ham kim tiền vật chất.

b. Bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời Mị: Mị bị A Sử bắt về làm vợ:– Nguyên nhân: Mị phải gánh thay cha món nợ truyền đời, hai là bởi vì nhan sắc xinh đẹp của cô.- Mị ban đầu đã có những phản kháng mạnh mẽ:+ Cô khóc lóc chạy về nhà với cha, rồi có lúc lại muốn ăn lá ngón để chết quách đi.+ Vì chữ “hiếu” với người cha, Mị lại không đành lòng chết, Mị chết rồi thì ai sẽ trả nợ thay cha.

– Sự đày đọa về thể xác:+ Trở thành cỗ máy lao động biết nói, có chân tay, chỉ biết làm xuyên ngày đêm, triền miên tháng ngày, thậm chí còn tồi tệ hơn cả thân phận trâu bò.+ Chai lì cảm xúc bởi lẽ “ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mỵ tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi”.

– Khốn khổ trong tâm hồn:+ Mị từ một cô gái vui tươi tràn đầy niềm tin vào cuộc sống, hăng say lao động, yêu đời với những bài sáo, điệu nhạc hay bỗng trở thành một người ít nói, đầu óc của Mị chỉ nghĩ đến mỗi việc làm lụng+ Người ta chỉ thấy Mị im lặng âm thầm, khuôn mặt buồn rười rượi, đầu lúc nào cũng cúi xuống.+ Mị mất đi tự do, mất đi tình yêu, phải sống với một người Mị căm ghét, không được tôn trọng, hay bị hành hạ đánh đập.+ Không gian sống của Mị quá tù túng, một căn buồng với cái ô cửa sổ vuông bé bằng lòng bàn tay mà nhìn ra người ta không thể phân định được cái màu trắng trắng ấy là sương hay là nắng.

c. Bước ngoặt thứ hai: Mị thức tỉnh, cắt đứt dây trói cho A Phủ và cùng bỏ trốn:

* Tiền đề:– Một loạt các sự biến đổi mạnh mẽ trong tâm hồn từ âm thanh của sự sống – tiếng sáo gọi bạn tình trong đêm xuân đã khơi gợi lại cho Mị những niềm vui, những xúc cảm mà bấy lâu tưởng chừng như tê liệt.- Nghe tiếng sáo Mị lẩm nhẩm hát theo, thế rồi Mị lại uống cả rượu, Mị vẩn vơ nghĩ về những ngày còn ở nhà, Mị cũng từng có một cuộc đời tự do, hạnh phúc của mình. Mị thổi lá.- “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ, Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết”. => Mị vấn lại tóc, chọn lấy một cái váy hoa, Mị muốn hòa vào cuộc vui của mọi người trong mùa xuân.- A Sử về nó túm tóc Mị trói Mị chặt cứng vào cột nhà, Mị phảng phất nghĩ về đã từng có một người đàn bà trong nhà này bị trói đứng đến chết, Mị giật mình “Mị sợ quá, Mị cựa quậy xem mình còn sống hay đã chết. Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói xiết lại, đau từng mảnh thịt”.=> Mị còn ham muốn cuộc đời này lắm, tâm hồn Mị đã thực sự sống lại, vùng lên sau nhiều năm tháng bị chôn vùi dưới lớp vỏ xù xì, chai lì.

* Bước ngoặt giải thoát cho A Phủ và bản thân:– Chứng kiến “Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má xám đen lại” của A Phủ thì tâm hồn Mị đã có những biến chuyển mạnh mẽ. Mị thấy bất công, thấy thương cảm, xót xa cho cuộc đời đang tươi trẻ của A Phủ, một con người cũng mang số phận không bằng con bò.- Mị căm giận, Mị bất bình nghĩ sao chúng nó ác độc thế, thấy thế là bất công là sai trái lắm.=> Mị biết bản thân có thể phải chết vì cứu A Phủ, thế nhưng con dao trong tay Mị cứ mạnh mẽ cứa đứt sợi dây trói mà miệng Mị thốt ra hai tiếng “Đi ngay…”.- Nhìn con người gần như đã kiệt quệ hết sức lực nhưng vì sự ham sống, ham tự do mãnh liệt vẫn gắng gượng hết sức bình sinh lao xuống sườn đồi, Mị cũng chạy theo A Phủ “Cho tôi theo với, ở đây thì chết mất”.=> Mị đã nhận ra không còn con đường nào khác ngoài việc chạy trốn, tự giải thoát cho chính mình, còn ở ngôi nhà ấy ngày nào thì Mị còn chết ngày đó, chết cả về thể xác lẫn tinh thần.

Đọc thêm:  Mẹo dùng PowerPoint để chuẩn bị bài thuyết trình chuyên nghiệp

3. Kết bài

Nêu cảm nhận chung.

II. Bài văn mẫu Trình bày bước ngoặt cuộc đời nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

Cảm thông với số phận những con người bất hạnh, đặc biệt là người nông dân, trí thức tiểu tư sản trong xã hội cũ, đồng thời lên án sự tàn ác của chế độ phong kiến nửa thực dân đã trở thành đề tài chính trong nhiều tác phẩm của các tác giả nổi tiếng như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố,… Tô Hoài cũng là một trong số những nhà văn có nhiều tác phẩm viết về đề tài này, tuy nhiên sau cách mạng tháng tám thành công, trong chuyến đi thực tế Tây Bắc, ánh sáng cách mạng cũng như cuộc sống gắn bó với bà người dân tộc miền núi phía Bắc đã mở ra cho Tô Hoài một hướng sáng tác mới mẻ. Cũng là đề tài kiếp người bất hạnh dưới đáy xã hội, thế nhưng Tô Hoài lại tập trung khai thác vào sự khốn khổ của người phụ nữ dân tộc dưới sức ép của cường quyền, thần quyền, và cuộc đời bi đát của họ dưới những hủ tục lạc hậu, điều mà hầu như trước đây chưa có nhà văn nào chú ý đến. Bằng giọng văn thấu hiểu, nhẹ nhàng và xót thương Tô Hoài không tập trung phản ánh hiện thực, mà dùng nó là bệ đỡ để bộc lộ những vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật, đồng thời hướng đến cách giải thoát cho họ khỏi sự bất công. Tác phẩm Vợ chồng A Phủ, chính là tác phẩm nổi tiếng nhất của Tô Hoài khi viết về con người và núi rừng Tây Bắc, trong đó nhân vật Mị là người phụ nữ có cuộc đời nhiều trái ngang, liên tục trải qua những bước ngoặt khiến cuộc đời cô lúc đi vào ngõ cụt, lúc lại mở ra thênh thang, đầy hy vọng.

Mị đáng lý theo lẽ thường sẽ là một cô gái được hưởng những hạnh phúc tốt đẹp của cuộc đời, bởi cô là người con gái xinh đẹp, đang tuổi xuân phơi phới, lại có tài thổi sáo hay. Chính vì thế có rất nhiều người con trai để ý Mị, đứng đến nhẵn cả góc nhà nơi có đầu giường Mị nằm. Và riêng bản thân mị, cô cũng có tình yêu đẹp với một chàng trai trong làng. Không chỉ vậy còn là một người con gái hiếu thảo, chăm làm lụng, khi nghe đến việc phải gả đi để trả nợ thay bố, Mị đã rất tự tin vào khả năng lao động của mình “Con nay đã biết cuốc rẫy làm ngô”, “Con sẽ làm nương ngô giả nợ thay cho bố”. Nàng tin tưởng vào sức lao động của mình có thể hiếu thảo với bố, vừa nuôi sống được bản thân, chứ không muốn gả vào nhà giàu, để đánh mất cuộc đời tự do, đánh mất tình yêu, đồng thời Mị cũng không phải là người con gái ham kim tiền vật chất. Với tất cả những phẩm chất tốt đẹp từ nhan sắc, tài năng, đến tính cách rõ ràng Mị xứng đáng được sống một đời tuy thanh bần nhưng hạnh phúc. Thế nhưng ở chế độ phong kiến, thần quyền, cường quyền cùng áp bức thì sự xinh đẹp, tài năng của Mị lại trở thành mối nguy, đồng thời cũng trở nên rẻ rúng trong mắt những kẻ thống trị. Mị nghiễm nhiên đã trở thành một món hàng gán nợ, để trả mối nợ truyền kiếp cho cha.

Bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời Mị, chính là cái lúc Mị bị A Sử bắt về làm vợ, một là do Mị phải gánh thay cha món nợ truyền đời, hai là bởi vì nhan sắc xinh đẹp của cô, và cuộc đời của Mị đã chính thức bước chân vào những bi kịch khôn cùng cả về thể xác lẫn tinh thần. Đứng trước một bước ngoặt to lớn của cuộc đời và Mị nhìn thấy được những tương lai tăm tối đang chờ đợi phía trước, thế nên Mị ban đầu đã có những phản kháng mạnh mẽ. Cô khóc lóc chạy về nhà với cha già, rồi có lúc lại muốn ăn lá ngón để chết quách đi, thế nhưng giữa cái khổ sở của mình và chữ “hiếu” với người cha, Mị lại không đành lòng chết, Mị chết rồi thì ai sẽ trả nợ thay cha. Thành thử Mị cắn chặt răng mà sống tiếp, đó là một cái cuộc đời sống không bằng chết, nó giày vò Mị cả về thể xác lẫn tinh thần, khiến cho Mị hoàn toàn trở nên chai lì, tâm hồn nguội lạnh như tro tàn, không có một chút nào về niềm vui sống, không có một chút mong chờ đến tương lai. Cô sống một cuộc đời mang danh con dâu nhà giàu nhưng chẳng khác gì một cỗ máy lao động biết nói, có chân tay, chỉ biết làm xuyên ngày đêm, triền miên tháng ngày, thậm chí còn tồi tệ hơn cả thân phận trâu bò, bởi lẽ “ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mỵ tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi”. Thậm chí Mị dù đã đau đớn đến chai lì nhưng vẫn ý thức được cái khốn khổ của mình rằng “Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày”. Nhưng những nỗi khổ sở về thể xác nó không tồi tệ bằng cái khốn khổ trong tâm hồn, Mị từ một cô gái vui tươi tràn đầy niềm tin vào cuộc sống, hăng say lao động, yêu đời với những bài sáo, điệu nhạc hay bỗng trở thành một người ít nói, đầu óc của Mị chỉ nghĩ đến mỗi việc làm lụng, Mị ít nói, thậm chí sắp quên cả khả năng nói chuyện, người ta chỉ thấy Mị im lặng âm thầm, khuôn mặt buồn rười rượi, đầu lúc nào cũng cúi xuống. Mà cái sự thiểu não ấy không hoàn toàn xuất phát từ việc lao động vất vả, mà xuất phát từ việc Mị mất đi tự do, mất đi tình yêu, phải sống với một người Mị căm ghét, không được tôn trọng, hay bị hành hạ đánh đập. Không chỉ vậy không gian sống của Mị quá tù túng, một căn buồng với cái ô cửa sổ vuông bé bằng lòng bàn tay mà nhìn ra người ta không thể phân định được cái màu trắng trắng ấy là sương hay là nắng. Mị đã sống một cuộc đời bị cầm tù cả thế xác lẫn tinh thần, và để chống chọi, để quên đi được hết những đau khổ tột cùng bản thân Mị phải thu mình lại giống như con rùa lầm lũi trong xó cửa, âm thầm chịu đựng cho qua ngày đoạn tháng, chứ Mị không còn lựa chọn nào khác, không có cơ hội nào khác.

Đọc thêm:  Điểm chuẩn, Học phí, Chỉ tiêu Đại học Công Nghệ (HUTECH) TP

Bước ngoặt thứ hai chính là việc Mị thức tỉnh, cắt đứt dây trói cho A Phủ và cùng bỏ trốn, nhưng để đến được với bước ngoặt to lớn này Mị đã phải trải qua một loạt các sự biến đổi mạnh mẽ trong tâm hồn. Cứ ngỡ rằng hồn Mị đã chết hẳn và Mị chỉ còn lại một cái xác với trái tim đang đập nhưng không cảm nhận được gì, thì những biểu hiện của cô trong đêm tình mùa xuân lại cho độc giả thấy được sự thật vốn không như những gì ta thấy. m thanh của sự sống – tiếng sáo gọi bạn tình trong đêm xuân đã khơi gợi lại cho Mị những niềm vui, những xúc cảm mà bấy lâu tưởng chừng như tê liệt. Nghe tiếng sáo Mị lẩm nhẩm hát theo, thế rồi Mị lại uống cả rượu, uống ừng ực từng bát như đang trút hết nỗi thống khổ trong lòng, rồi Mị vẩn vơ nghĩ về những ngày còn ở nhà, Mị cũng từng có một cuộc đời tự do, hạnh phúc của mình. Mị nghĩ về cái tài thổi sáo rất hay của mình mà đã bao lâu rồi Mị không thổi, không có sáo Mị bứt lấy một cái lá và bắt đầu thổi, trong trái tim trong tâm hồn vốn nguội lạnh của Mị bắt đầu thức dậy những niềm vui sống, những khao khát được vui chơi tung tẩy “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ, Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết”. Thế rồi đã nghĩ là làm, chưa khi nào Mị hành động quyết đoán và mạnh mẽ thế kể từ lúc Mị chạy trốn khỏi nhà Thống lý Pá Tra sau đêm cướp dâu ấy. Mị vấn lại tóc, chọn lấy một cái váy hoa, Mị muốn hòa vào cuộc vui của mọi người trong mùa xuân, Mị xứng đáng có được điều ấy. Nhưng thật đớn đau, cái ách của cường quyền lại tiếp tục giáng vào Mị, A Sử về túm tóc Mị trói Mị chặt cứng vào cột nhà, Mị không đi đâu được nữa. Trong lúc ấy Mị phảng phất nghĩ về đã từng có một người đàn bà trong nhà này bị trói đứng đến chết, Mị giật mình “Mị sợ quá, Mị cựa quậy xem mình còn sống hay đã chết. Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói xiết lại, đau từng mảnh thịt”. Còn đau đớn, còn sợ hãi cái chết tức là Mị còn ham muốn cuộc đời này lắm, tâm hồn Mị đã thực sự sống lại, vùng lên sau nhiều năm tháng bị chôn vùi dưới lớp vỏ xù xì, chai lì. Sau những tiền đề như vậy thì bước ngoặt thứ hai của cuộc đời Mị bắt đầu đến, từ việc nhà thống lý Pá Tra bắt trói A Phủ vì anh làm mất một con bò. Ban đầu chứng kiến cảnh người nọ bị đánh trói và bỏ đói giữa sân Mị không quan tâm gì mấy, có lẽ bởi vì đời Mị đã từng khổ hơn thế này nhiều, từng ấy chưa đủ để đánh động lòng Mị. Thế nhưng khi tận mắt chứng kiến “Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má xám đen lại” của A Phủ thì tâm hồn Mị đã có những biến chuyển mạnh mẽ. Tuy là giọt nước nhưng có lẽ nó lại mang sức nóng và khả năng thổi bùng ngọn lửa đang âm ỉ trong lòng Mị, phá tan đi cái vẻ ngoài bình tĩnh, chai sạn của cô. Mị thấy bất công, thấy thương cảm, xót xa cho cuộc đời đang tươi trẻ của A Phủ, một con người cũng mang số phận khốn khổ, đang sắp phải đánh đổi mạng của mình vì đánh mất một con bò. Mị căm giận, Mị bất bình nghĩ sao chúng nó ác độc thế, Mị là dâu con đã trình ma nhà này thì sống hay chết cũng ở nhà này, thế nhưng A Phủ tại sao cũng phải chịu chung số kiếp khốn khổ ấy. Chỉ vì cái cường quyền và thần quyền mà khiến cuộc đời con người phải tàn lụi vì bị đánh đập, bị chết đói, chết rét hay sao? Mị thấy thế là bất công là sai trái lắm, điều đó thôi thúc Mị làm một cái việc mà Mị không bao giờ ngờ tới nó lại thay đổi cả cuộc đời mình. Mị biết bản thân có thể phải chết vì cứu A Phủ, thế nhưng con dao trong tay Mị cứ mạnh mẽ cứa đứt sợi dây trói mà miệng Mị thốt ra hai tiếng “Đi ngay…”. Nhìn con người gần như đã kiệt quệ hết sức lực nhưng vì sự ham sống, ham tự do mãnh liệt vẫn gắng gượng hết sức bình sinh lao xuống sườn đồi, trong lòng Mị bỗng vỡ ra cái gì đó, à Mị cũng phải giải thoát cho bản thân chứ, sao lại không được, đến một người sắp chết còn ham sống như thế kia, thì tại sao Mị lại phải chôn chặt cuộc đời ở cái nhà tù khốn nạn này. Và thế là Mị cũng chạy theo A Phủ “Cho tôi theo với, ở đây thì chết mất”. Mị đã nhận ra không còn con đường nào khác ngoài việc chạy trốn, tự giải thoát cho chính mình, còn ở ngôi nhà ấy ngày nào thì Mị còn chết ngày đó, chết cả về thể xác lẫn tinh thần.

Đọc thêm:  TOP 24 bài Tả cảnh biển Nha Trang lớp 5 - Download.vn

Bằng cách xây dựng cho nhân vật của mình hai bước ngoặt cuộc đời ấn tượng xung quanh những diễn biến tâm lý phức tạp, Tô Hoài đã bộc lộ được tấm lòng thương cảm, thấu hiểu của mình với những số phận bất hạnh tại vùng núi Tây Bắc. Đồng thời cũng ca ngợi những vẻ đẹp tâm hồn đáng quý, đáng trân trọng ấy là sức sống tiềm tàng mãnh liệt, sự phản kháng mạnh mẽ, không cam chịu cuộc đời bất công. Hướng tới một cái nhìn nhân văn, nhân đạo khi cho các nhân vật của mình một lối thoát hợp lý, chứ không để họ phải rơi vào bế tắc.

– Hết –

https://thuthuat.taimienphi.vn/trinh-bay-buoc-ngoat-cuoc-doi-nhan-vat-mi-trong-truyen-ngan-vo-chong-a-phu-57875n.aspx Bài viết trên đã cho các em thấy được những bước ngoặt lớn trong cuộc đời của nhân vật Mị từ đó thấu hiểu được những giá trị nhân đạo, hiện thực mà tác giả muốn truyền tải trong tác phẩm. Để tìm hiểu thêm về tác phẩm Vợ chồng A Phủ mời các em tham khảo các bài viết Cảm nhận truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ, Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, Phân tích Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt để thấy được số phận và vẻ đẹp của người lao động, tóm tắt Vợ chồng A Phủ, mở bài Vợ chồng A Phủ, …

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button