Tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp
Đây là tác phẩm dựa trên cơ sở một số bài viết của Người trong khoảng thời gian từ năm 1921 đến năm 1924. Tác phẩm này được một số đồng chí của Người xuất bản lần đầu tiên tại Thư quán lao động (Libraire du travail) ở Pari vào năm 1925.
Bản án chế độ thực dân Pháp gồm 12 chương, trong đó có một số bài đã đăng trên báo Le Paria. Nội dung của tác phẩm không chỉ tố cáo tội ác của chủ nghĩa đế quốc Pháp đối với dân tộc Việt Nam cũng như với các thuộc địa khác trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội mà điều quan trọng là đã nêu lên những luận điểm cơ bản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa.
Trước hết, Bản án chế độ thực dân Pháp làm rõ mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc, khẳng định cách mạng thuộc địa là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng vô sản thế giới. Luận điểm ấy được diễn đạt rất sinh động: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi còn lại kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”. Khối liên minh của các dân tộc thuộc địa phương Đông “sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”.
Người không chỉ nêu rõ mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng thuộc địa, cách mạng vô sản ở chính quốc, mà còn chỉ rõ nhiệm vụ của giai cấp vô sản ở chính quốc là phải đoàn kết, ủng hộ triệt để cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản và nhân dân các nước thuộc địa không phải chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động cách mạng cùng nhau tiêu diệt kẻ thù chung.
Bản án chế độ thực dân Pháp vạch rõ đối tượng cách mạng, lực lượng cách mạng và giai cấp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc; đặt rõ vấn đề giành độc lập dân tộc phải đi đôi với sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, khẳng định sự nghiệp đánh đổ chủ nghĩa đế quốc, giải phóng dân tộc là sự nghiệp của quần chúng nhân dân ở các nước thuộc địa và phụ thuộc; cuộc cách mạng giải phóng dân tộc phải đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, đi theo đường lối của Quốc tế Cộng sản.
Cuối tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc còn giới thiệu về Trường Đại học phương Đông và thư gửi thanh niên Việt Nam.
Tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc thể hiện tinh thần cách mạng tiến công, tư tưởng cách mạng triệt để. Tác phẩm đã làm sáng tỏ thêm quan điểm của Lênin về chủ nghĩa đế quốc, góp phần làm phong phú thêm chủ nghĩa Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đó là đóng góp quý báu của Nguyễn Ái Quốc vào quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin vào các thuộc địa của đế quốc Pháp nói chung và là sự chuẩn bị về tư tưởng và chính trị cho việc thành lập một chính đảng cách mạng ở Việt Nam.
Đọc thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!