Phân tích cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong bài thơ Quê hương

Đề bài: Phân tích cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong bài thơ Quê hương

phan tich canh doan thuyen danh ca tro ve trong bai tho que huong

Phân tích cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong bài thơ Quê hương

I. Dàn ý Phân tích cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong bài thơ Quê hương (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu thiệu tác giả, tác phẩm.- Giới thiệu đoạn 3: cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về.

2. Thân bài:

– Cảnh trở về náo nhiệt:+ Niềm vui vỡ oà, lan toả tới tất cả mọi người.+ Nhà thơ sử dụng các từ láy như “ồn ào”, “tấp nập”: gợi lên không khí tươi vui, đông đúc của làng chài khi đón ghe về.

– Lời cảm tạ chân thành trước thành quả lao động:+ Thành quả lao động là “cá đầy ghe”.+ Lời thơ như lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân, rất mộc mạc, giản dị.+ Người ngư dân mang trong mình bản lĩnh nhưng họ biết là do trời đất, thiên nhiên tạo điều kiện mới có được thành quả to lớn ấy.+ Lời cảm tạ chân thành cũng là niềm tin lâu đời của người dân biển.

– Hình ảnh người dân chài:+ Hiện lên bằng chất liệu hiện thực kết hợp cảm hứng lãng mạn.+ “Làn da ngăm rám nắng”: miêu tả chân thực hình ảnh người ngư dân, làn da đặc trưng của họ do nắng gió miền biển.+ “Cả thân hình nồng thở vị xa xăm”: Cảm hứng lãng mạn, “vị xa xăm”: vị mặn mòi của biển ngấm vào da thịt người ngư dân.+ Hình ảnh của người dân chài mang vẻ đẹp của người lao động.

– Hình ảnh con thuyền:+ Được nhân hoá như một con người thực thụ đang nằm nghỉ ngơi sau chuyến đi biển vất vả.+ Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “nghe chất muối thấm dần vào thớ vỏ”: vị mặn của biển thấm vào vỏ của con thuyền.+ Con thuyền gắn bó sâu sắc với người ngư dân và làng chài này.

– Về nội dung và nghệ thuật:

+ Nôi dung:

  • Khung cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về sau hành trình dài lao động trên biển.
  • Tình yêu quê hương và nỗi nhớ quê tha thiết của Tế Hanh.

+ Nghệ thuật:

  • Sử dụng các từ láy, các biện pháp nghệ thuật như ẩn dụ, nhân hoá hết sức thành công.
  • Lời thơ giàu sức gợi, giọng thơ giàu xúc cảm.

3. Kết bài:

– Khung cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về ghi lại trong lòng ta ấn tượng sâu sắc.

Đọc thêm:  Kể về tình cảm của em với một người thân trong gia đình lớp 2

II. Bài văn mẫu Phân tích cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong bài thơ Quê hương (Chuẩn)

Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người, chứa đựng tất cả những yêu thương, trìu mến về tuổi thơ. Đối với các nhà văn, nhà thơ, quê hương còn là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn. Nhắc tới các bài thơ viết về quê hương, ta không thể bỏ qua bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Tế Hanh. Bài thơ độc đáo viết về quê hương miền biển của ông với những nét vẽ mộc mạc, giản dị. Đặc biệt là ở khổ thơ 3, tác giả đã khắc họa cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi trở về trong niềm vui hân hoan.

Nếu như khổ thơ thứ hai, Tế Hanh miêu tả cảnh ra khơi đầy hứng khởi của người dân chài thì ở khổ thứ ba, khung cảnh đoàn thuyền đánh cá hiện lên thật tuyệt đẹp:

“Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗKhắp dân làng tấp nập đón ghe về”

Ta thấy hiện lên là khung cảnh tươi vui của cả làng chài khi thuyền trở về bến đỗ. Trước đó, khi con thuyền ra khơi, bến đỗ im lặng chờ đợi trong niềm mong mỏi. Và khi những chiếc ghe trở về, cập bến, niềm vui vỡ oà, lan toả khắp mọi người. Tác giả đã sử dụng ở đây một loạt những từ láy như “ồn ào”, “tấp nập” để gợi lên không khí tươi vui, đông đúc, sôi động của những con người nơi đây. Người người, nhà nhà kéo nhau ra bến đỗ mừng đoàn thuyền trở về, mừng mẻ cá mới đầy khoang sau một đêm dài miệt mài trong vất vả. Không khí mới thật náo nhiệt làm sao!

Thế nhưng, trong niềm hân hoan, hạnh phúc chứa chan, họ không quên cảm tạ đất trời, cảm tạ mẹ biển cả đã cho họ một thành quả to lớn như thế:

“Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy gheNhững con cá tươi ngon thân bạc trắng.”

Lời thơ như lời ăn tiếng nói của nhân dân nơi đây, mộc mạc và thật giản dị. Câu thơ cũng thể hiện được lối sống hiền hoà của những người ngư dân miền biển, thể hiện sự chất phác và tấm lòng rất đỗi giản dị của họ. Họ mang trong mình bản lĩnh và sức mạnh, thế nhưng họ hiểu được rằng để đạt được thành quả to lớn “cá đầy ghe” như thế là do thiên nhiên, do đất trời đã tạo cho họ những điều kiện tốt nhất. Vậy nên câu nói “nhờ ơn trời” là một lời cảm tạ rất đỗi chân thành và đó cũng là một trong những niềm tin lâu đời của bà con miền biển.

Đọc thêm:  Cảm nhận ý nghĩa cái giật mình trong bài thơ Ánh trăng - Toploigiai

Tế Hanh đã tái hiện cho chúng ta khung cảnh tấp nập của người dân quê khi mừng đoàn thuyền trở về sau một đêm đánh cá vất cả. Khung cảnh ấy hiện lên qua lời thơ thật sinh động, thật chân thực, khiến cho người đọc cảm tưởng như đang được đứng giữa khung cảnh ấy mà tận hưởng niềm vui mà thiên nhiên mang lại cho con người.

Không chỉ vậy, tác giả còn khắc họa hình ảnh của những người ngư dân – những con người suốt cả đêm qua đã dùng bản lĩnh của mình để chinh phục biển cả:

“Dân chài lưới làn da ngăm rám nắngCả thân hình nồng thở vị xa xăm”

Sau một đêm vất vả thế nhưng dường như những người dân chài ấy không hề có chút nào mệt mỏi. Họ vẫn tiếp tục công việc của mình. Và ngắm nhìn họ, ta mới thấy “làn da ngăm rám nắng” – làn da đặc trưng của những người ngư dân. Trải qua thời gian, tắm mình dưới cái nắng mưa của vùng biển, cái chất mặn mòi của biển đã thấm vào trong từng thớ da thịt của người dân chài. Nó khiến họ trở nên mạnh mẽ và rắn rỏi vô cùng. “Vị xa xăm” phải chăng là vị mặn của muối biển, là vị của nắng, của gió vùng biển này? Nó ngấm vào trong máu thịt của người ngư dân, biến họ trở thành những chàng “Thạch Sanh” của vùng biển mặn. Tế Hanh đã khéo léo kết hợp cả hình ảnh tả thực “làn da ngăm rám nắng” cùng cảm hứng lãng mạn “cả thân hình nồng thở vị xa xăm” để gợi lên không chỉ là vẻ đẹp tầm vóc con người mà còn là cả vẻ đẹp tâm hồn của họ nữa. Đó là vẻ đẹp mà chỉ có những con người lao động hăng say, hết mình mới có được.

Và không thể thiếu trong hành trình đánh cá cùng với người ngư dân là con thuyền. Nó đã đồng hành cùng với con người suốt chặng đường dài để đánh bắt hải sản. Và giờ đây, sau một thời gian miệt mài, nó đã trở về bến, không thể giấu nổi sự mệt mỏi của mình:

“Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằmNghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”

Tế Hanh đã khéo léo nhân hoá hình ảnh con thuyền như một con người thực thụ để chúng ta có thể thấy rõ được sự mệt mỏi sau một đêm đánh cá vất vả của nó. Con thuyền nằm “im” trên bờ cát dài, lặng lẽ nghỉ ngơi sau chuyến hành trình vất vả. Và cũng như người ngư dân, “chất muối” biển mặn mòi thấm dần vào trong từng thớ gỗ của con thuyền. Ở đây, tác giả đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác để người đọc có thể cảm nhận được con thuyền không phải là một vật vô tri, vô giác. Nó cũng có những cảm nhận của riêng mình, cũng có linh hồn, cùng biết mệt mỏi. Nó đi cùng với người ngư dân, gắn bó sâu sắc với con người và nhịp sống nơi làng chài này.

Đọc thêm:  Khối D72 là gì? Gồm những môn nào, xét ngành nào, trường nào?

Tế Hanh chắc hẳn phải là một người con yêu quê hương, luôn trân trọng và gìn giữ những kỉ niệm của quê hương thì mới có thể cảm nhận tinh tế đến như thế. Không chỉ là khung cảnh khi đoàn thuyền đánh cá trở về bến, sự tấp nập, đông vui của làng chài, lời cảm tạ trời đất mà còn cả cái vị mặn đặc trưng của miền biển qua hình ảnh người ngư dân, con thuyền cũng được tâm hồn nhạy cảm của ông nắm bắt và thể hiện qua lời thơ của mình. Và từ đó, ông thể hiện một tấm lòng gắn bó với quê hương, một nỗi nhớ dạt dào trong tâm hồn cùng niềm tự hào về nơi mình đã từng sống. Ông cũng sử dụng rất thành công những biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, nhân hoá,… để gợi tả khung cảnh và con người nơi quê hương của mình. Giọng thơ chứa đựng đầy xúc cảm, hình ảnh thơ hết sức sinh động.

Khung cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Tế Hanh đã để lại trong lòng người đọc chúng ta những ấn tượng sâu đậm về con người, về quê hương miền biển của nhà thơ. Bài thơ xứng đáng trở thành áng thơ tiêu biểu cho cảm hứng về quê hương và của một hồn thơ dạt dào cảm xúc như Tế Hanh.

-HẾT-

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-canh-doan-thuyen-danh-ca-tro-ve-trong-bai-tho-que-huong-69155n.aspx Bên cạnh bài Phân tích cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong bài thơ Quê hương, để khám phá thêm những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Quê hương, các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh làng quê trong bài Quê hương của Tế Hanh, Nghị luận về tình yêu quê hương của Tế Hanh, Phân tích 8 câu đầu bài quê hương của Tế Hanh, Cảm nhận về bài thơ Quê hương của Tế Hanh.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button