Tiểu sử Nhân Tuyên hoàng thái hậu – VnDoc.com
Nhân Tuyên hoàng thái hậu là ai? Chắc hẳn các khán giả đang yêu thích bộ phim Phượng Khấu sẽ rất tò mò với nhân vật thái hậu này. Mời các bạn cùng VnDoc tìm hiểu về tiểu sử của Nhân Tuyên hoàng thái hậu trong bài viết sau đây nhé.
Tiểu sử Nhân Tuyên hoàng thái hậu Trần Thị Đang
Trần Thị Đang, 4 tháng 1 năm 1769 – 6 tháng 11 năm 1846), tức Thuận Thiên Cao hoàng hậu, hay còn gọi theo tên truy tôn là Thánh Tổ mẫu hoặc Nhân Tuyên Từ Khánh Phúc Thọ Thái Hoàng Thái Hậu, là một phi tần của Gia Long, sinh mẫu của Nguyễn Thánh Tổ Minh Mạng và là bà nội của Nguyễn Hiến Tổ Thiệu Trị.
Bà cùng Thừa Thiên Cao Hoàng hậu là hai người vợ gắn bó với Gia Long thuở hàn vi, lập nghiệp. Bà hưởng phúc đến đời cháu Thiệu Trị hoàng đế, ở ngôi vị cao quý nhất cung đình nhà Nguyễn, từ khi Thừa Thiên Cao Hoàng hậu mất vào năm 1814 đến khi bà qua đời vào năm 1846, tổng cộng 32 năm.
1. Thân thế Nhân Tuyên hoàng thái hậu
Bà tên húy là Đang, lại húy là Kính con gái thứ của Thọ Quốc công Trần Hưng Đạt (1746 – 1810) và Thọ Quốc phu nhân Lê thị. Gia tộc bà vốn gốc Thanh Hóa, tiên tổ là Trần Phúc Tư buổi đầu năm 1558 theo chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lập nghiệp, định cư ở huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên.
Cụ nội bà là Trần Mậu Tài, được truy phong Thị trung trực Học sĩ, tước Văn Xá bá; Tổ phụ Trần Mậu Quế được phong Lại bộ Thượng thư, tước Gia Bình Hầu.
2. Phi thiếp của Nguyễn vương Gia Long
Khi quân Trịnh vào đánh chiếm Phú Xuân (đầu năm 1775), thân mẫu của Nguyễn Ánh là Ý Tĩnh Khang hoàng hậu lánh nạn ở làng An Dụ, Cửa Tùng, bà được tuyển vào hầu cận vì là con nhà danh giá. Năm 1778, Nguyễn Ánh sai người rước mẹ vào Gia Định, qua năm Kỷ Hợi 1779, bà cùng các chị em của Nguyễn Ánh cũng vào theo. Bà khi 12 tuổi (1781) được tấn phong là Tả cung tần, xưng là Nhị phi.
Khi quân Tây Sơn còn mạnh thế, bà theo Nguyễn Ánh phiêu bạt nhiều nơi, đêm thường thắp hương cầu khẩn: “Lúc này vận nước còn khó khăn, chưa dược an định, nếu sinh con mà bỏ đi thì bất nhân mà mang theo chỉ bận lòng chúa thượng. Nếu số mệnh có con thì xin thái bình rồi mới sinh, mong trời ban được như thế”.
Năm 1788, sau khi Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định, một đêm bà nằm mộng thấy một vị thần dân lên một cái tỉ và hai cái ấn; cái tỉ màu sắc đỏ bóng nhẫy tươi sáng như mặt trời; một cái ấn thì sắc tía, cái kia thì sắc rất nhạt, bà nhận lấy tất cả.
Năm 1791, bà sinh ra hoàng tử thứ tư là Đảm, tức Minh Mạng, ở thôn Hoạt Lộc (thuộc Gia Định), sau đó là Kiến An Vương Đài, Hoàng tử Diệu (mất từ nhỏ) và Thiệu Hóa Quận vương Chẩn. Khi Đảm được lên 3 tuổi, Nguyễn Ánh đưa vào làm con của vợ cả là Nguyên phi Tống thị, Tống Nguyên phi yêu thương Hoàng tử như con mình.
Năm 1806, Gia Long sách lập Vương hậu Tống Thị Lan làm Hoàng hậu, bà với thân phận Phi tần cao nhất, giúp Hoàng hậu chuyện trong cung. Bấy giờ, Hoàng hậu đã mất hết con trong biến loạn, năm 1801 Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh qua đời khi tuổi còn trẻ, Hoàng hậu đau lòng không thôi, Gia Long vì thương Hoàng hậu nên buộc tứ Hoàng tử Đảm luôn hầu bên trong cung. Sau khi bà Hoàng hậu Tống thị mất, thì Hoàng tử Đảm mới trở về bên cạnh bà.
3. Thời Minh Mạng
Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), bắt đầu xây cung Từ Thọ, phong thưởng cho người họ ngoại. Các quan cùng vua xin dâng tôn hiệu bà lên làm Hoàng thái hậu, bà cảm thấy Gia Long chưa chôn cất được bao lâu, Hoàng đế nối ngôi lại vì chuyện mà lo buồn, sợ hãi, ấy vì thế mà khước từ đi.
Năm 1821, Từ Thọ cung xây xong, Minh Mạng cùng bá quan dâng biểu tôn bà làm Hoàng thái hậu, vào ở trong cung Từ Thọ. Bà là người tính cần kiệm, từng đặt nhà thêu nuôi tằm trong cung, hằng ngày đều đến trông nom để làm vui.
Năm 1832, Minh Mạng truy tôn cha bà làm Đông các Học sĩ, Thái phó, phong là Hoa Quốc công, Lê Phu nhân mẹ bà là Nhất phẩm Hoa Quốc phu nhân. Miễn thuế lệ tô ruộng cho làng họ ngoại 5 năm, cho thêm tiền để cung việc tế tự 3 từ đường họ Trần là 1000 quan.
Khi Minh Mạng đến hầu cơm, bà thường đứng dậy đi lại để tỏ ra khỏe mạnh, lại dạy rằng: “Ta biết Hoàng đế chăm lo suốt ngày, há nỡ lấy cái tuổi gần 70 mà lại làm lụy cho con, cho nên hàng ngày cố gắng ăn thêm, tự thấy tâm thần thảnh thơi, Hoàng đế nên chớ phải lo”. Hoàng đế cả mừng, khóc lạy tạ.
Năm 1837, mùa đông, tháng 11, ngày 16, Hoàng đế cùng bá quan tôn hiệu bà là Nhân Tuyên Từ Khánh Hoàng Thái Hậu. Sách văn rằng:
Kính nghĩ Thánh mẫu Hoàng thái hậu bệ hạ, bao rộng để hợp phúc lành, tĩnh nghiêm để chỉnh khuôn phép. Tám cõi gió hòa ấm áp, bảy tuần tuổi thọ khang cường, kính gặp điển lễ vui mừng, thêm thỏa tấm lòng hoan hỷ. Rất mực thay khôn nguyên, rộng đầy khó hình dung về đức tốt. Xét theo các cổ điển, tôn xưng để tỏ rõ về tiếng thơm. Cẩn dâng sách vàng, ấn vàng, kính dâng hiệu Nhân Tuyên Từ Khánh Hoàng thái hậu
Năm 1840, Minh Mạng mất, tôn chiếu Hoàng tử trưởng Trường Khánh Công Miên Tông lên nối ngôi, tức Thiệu Trị. Quan đại thần Trương Đăng Quế tâu lên, bà dụ rằng: ” Cha truyền con nối là đạo thường xưa, bọn ngươi phải dốc toàn tâm mà giúp đỡ tân đế”.
4. Thời Thiệu Trị
Năm 1841, Hiến Tổ Thiệu Trị dâng tôn hiệu cho bà là Nhân Tuyên Từ Khánh Thượng Thọ Thái Hoàng Thái Hậu.
Con trưởng của Thiệu Trị là Hồng Bảo do một bà mẹ xuất thân thấp kém sinh ra, trong khi đó hoàng tử thứ hai là Hồng Nhậm (sau là vua Tự Đức) do bà Chánh hậu là Phạm Thị Hằng sanh ra, tính tình nhân hiếu, chỉ thích đọc sách, rất giống với vua Thiệu Trị hồi nhỏ, nên nhà vua yêu thương lắm. Thái hoàng Thái hậu khi đó vẫn giữ quan niệm ủng hộ dòng trưởng. Lúc đó có sứ thần Trung Quốc phụng mệnh vua nhà Thanh qua phong cho Thiệu Trị, theo lệ vua phải ra Bắc tiếp họ, để hoàng tử trưởng ở lại kinh thành. Tuy nhiên Thiệu Trị e dè tính cách của Hồng Bảo, muốn dùng Hồng Nhậm lưu kinh. Khi ông vào chầu và đem việc này tâu lên, Thái hoàng Thái hậu dụ bảo rằng
Hoàng trưởng tử lưu Kinh vốn là việc cũ. Hồng Bảo tuy ít học, nhưng tuổi đã trưởng thành, để lại một vài đại thần giúp việc, có gì là không nên ? Hà tất phải thay đổi việc cũ ?
Thiệu Trị vì sợ trái ý bà, bèn sai Hồng Bảo lưu Kinh mà cho hoàng tử thứ hai theo vua ra Bắc. Bà thường thong dong bảo Thiệu Trị về việc tin dùng người cũ, tuân theo phép nước, khéo nối chí, khéo léo theo việc mới là hiếu, đáng làm trưởng, đáng làm Đế mới là người trên. Lại cho bài luận về vua tôi, dạy bảo rất cặn kẽ cho Hiến Tổ nghe. Mùa hạ cùng năm, truy phong cha bà lên làm Cần chính điện đại học sĩ Thái sư, tước hiệu là Thọ Quốc công, Lê phu nhân là Thọ Quốc nhất phẩm phu nhân.
Khi Thiệu Trị đến hầu cơm, bà dụ rằng: ” Hoàng đế hầu cơm, đi bằng đầu gối, dâng đũa chính tay điều hòa nước canh, vui vẻ dâng chén, nhất nhất đều tuân theo chí của người trước, tình lễ thực là đầy đủ cả”. Hoàng đế giơ tay lên trán mà lạy tạ.
Bà thường dạo chơi vườn Thường Mậu, lên lầu Ký Ân, xa có thể trông thấy ruộng tịch điền. Rồi bà quay qua Thiệu Trị mà nói câu đại ý: Đức Thánh Tổ Nhân hoàng đế (tức Minh Mạng) quả là người cha yêu con. Khi xây dựng lầu này, cốt là sợ cái sự xa hoa mà làm hư mất Hoàng đế (chỉ Thiệu Trị), không biết lo cho dân, thương nhà nông. Xây dựng lầu này trước cung của Hoàng đế, cốt là nhắc nhở cái ruộng tịch điền còn đó, biết cái khó nhọc của muôn dân; đừng có mà bắt chước xây vườn tược, cung điện, thực không phải là chí của người trước vậy.
Năm 1843, nhân trong cung có việc tốt là Ngũ Đại Đồng đường, việc hiếm thấy xưa nay, nên Hiến Tổ Thiệu Trị dân kim sách tấn tôn là Thánh Tổ Mẫu Nhân Tuyên Từ Khánh Phúc Thị Khang Ninh Thái Hoàng Thái Hậu.
Năm 1844, Thái hoàng thái hậu đến chơi vườn Cơ Hạ. Hiến Tổ Thiệu Trị quỳ đón ở cửa vườn, đi trước dẫn đường, theo sau là võng chở bà đi thưởng ngoạn. Khi coi ao Minh Giám, thấy cá làm sóng gợn, câu được nhiều cá tốt, bà lại dụ rằng: Cá ở ao không lo chài lưới, đầm ruộng cũng chẳng hơn thế. Xưa kia Chiêu Liệt nhà Thục Hán đối với Gia Cát Vũ hầu lấy cá nước tương đắc với nhau mà làm câu ví, thực là câu nói hay. Vả đạo nhân quân làm chính trị, cốt nên thân người hiền xa kẻ gian, răn xa xỉ, chuộng tiết kiệm, Hoàng đế nhớ kỹ mà làm.
Tháng 8 năm Bính Ngọ (1846), Thái hoàng thái hậu lâm bệnh nặng, qua ngày 18 tháng 9 âm lịch thì qua đời, hưởng thọ 77 tuổi, quan tài để ở Từ Thọ Cung. Tháng 11 ngày 20 (6 tháng 1 năm 1847), Hiến Tổ Thiệu Trị dâng tôn hiệu là Thuận Thiên Hưng Thánh Quang Dụ Hóa Cơ Nhân Tuyên Từ Khánh Đức Trạch Nguyên Công Cao Hoàng hậu, gọi tắt là Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu.
Tháng 12, ngày Canh Thân (25 tháng 1, 1847), táng ở bên hữu lăng Thiên Thọ, trên núi Thuận Sơn, huyện Hương Trà. Tháng 11 năm Mậu Thân (1848), thần chủ của bà được rước về thờ ở Chánh án Thế Miếu, ở bên trái thần chủ của Thế Tổ.
Xem thêm
- Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của danh nhân Nguyễn Trãi
- Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!