Cuộc đời và sáng tạo thơ ca của R.Tagore – Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa
CUỘC ĐỜI VÀ SÁNG TẠO THƠ CA R. TAGORE
Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa
Văn hóa Ấn Độ là một phần quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Ấn Độ để lại trong tâm thức của người Việt Nam qua đạo Phật, qua nền văn hóa Champa. Văn hóa Ấn Độ, nhìn chung, không tách rời văn hóa Việt Nam. Riêng R. Tagore, nhà thơ quen thuộc, thân thiết của nhân dân Việt Nam có mặt ở nước ta gần thế kỷ nay. Có lẽ, trong các nhà thơ châu Á, chỉ R. Tagore và R. Tagore là nhà thơ duy nhất có tác phẩm được dịch và in nhiều nhất ở Việt Nam.
1. R. Tagore, thiên tài nhiều mặt
R. Tagore đi vào lịch sử văn chương thế giới của thế kỷ XX không chỉ với tư cách một nhà thơ, nhà văn, một họa sĩ có tài, một nhạc sĩ nổi tiếng mà hơn thế nữa là một hiền triết có hiểu biết sâu rộng, nhà hoạt động xã hội, nhà dân tộc chủ nghĩa, người được trao Giải Nobel văn học năm 1913, trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải này. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Đại văn hào Rabindranat Ta go cả thế giới đều kính trọng” (Nhân Dân, 19-3-1958). Rabindranath Tagore sinh ngày 7 tháng 5 năm 1861, mất ngày 7 tháng 8 năm 1941. Ông là một thiên tài của Ấn Độ. Cha ông là một nhà hoạt động xã hội, hoạt động chính trị nổi tiếng, chủ trương cải cách xã hội, do vậy, R.Tagore chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người cha. R.Tagore ủng hộ các phong trào giải phóng dân tộc. Ông thăm nhiều nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Ông chống chiến tranh và lên án chiến tranh. Tagore sinh ra trong một gia đình trí thức, có truyền thống ở nhiều lĩnh vực. Bấy giờ, Calcutta là trung tâm giới trí thức của Ấn Độ. Nhiều nhà văn, học giả, kịch tác gia… thường xuyên đến nhà Tagore để đàm luận nhiều vấn đề, tổ chức hòa nhạc, diễn kịch… Cha ông, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, từ lâu, ông muốn con mình trở thành luật sư nhưng Tagore không thích.
2. R. Tagore, mặt trời của thi ca Ấn Độ, một trái tim vĩ đại
Như A. Puskin của Nga, như Nguyễn Du của Việt Nam, R.Tagore là đại biểu xuất sắc và tinh hoa của văn chương Ấn Độ. Ông để lại gia tài đồ sộ về nhiều thể loại, nổi bật là thơ ca, gồm 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 tiểu thuyết, hàng nghìn bức tranh, nhiều bức tranh hiện đang lưu trữ tại nhiều bảo tàng mỹ thuật tại Ấn Độ và các nước. R. Tagore rất nhạy cảm với các sự kiện thế giới xảy ra trong thời đại của mình và biểu hiện niềm đau cũng như nỗi thất vọng đối với chiến tranh. Ông luôn khao khát nền hoà bình cho thế giới, cho nhân loại. Các chuyến đi vòng quanh thế giới (Tagore từng tới Việt Nam) của Tagore đã mài dũa sự am hiểu đa dạng của ông về đặc trưng các nền văn minh và các dân tộc. Ông được xem là bằng chứng điển hình cho sự kết hợp tinh tế của phương Đông và phương Tây trong văn chương và triết học. Tình yêu, một chủ đề lớn trong thơ Tagore: Thi ca của ông, xuất phát từ một tình yêu sâu sắc và sự hiến dâng, do đó, thường có nội dung ca ngợi thiên nhiên và cuộc sống. Đối với ông, sự phong phú muôn màu vẻ của cuộc sống là nguồn vui bất tận không mang yếu tố trần tục. Tình yêu, mô-típ bàng bạc trong khắp các tác phẩm văn chương của ông. Ông yêu nhân vật nữ, trân trọng đối với người phụ nữ. Trong Bầy chim lạc, R. Tagore tự nhận mình là nghệ sĩ bé nhỏ trên cõi đời này, mang nụ cười, giọt nước mắt, ngọn lửa hy vọng, nỗi buồn của trái tim,… đến với mọi người, đến với cuộc đời. Và, cứ thế, như một hành giả, nhà thơ trải lòng mình ra với đời sống mến yêu này:
Thế giới mở rộng tấm lòng của ánh sáng ban mai Hãy bước ra, trái tim tôi, đem tình yêu đến gặp gỡ thế giới này. (Bài số 149) Đêm âm thầm mở ra những đóa hoa để cho ngày nhận được lời cảm ơn. (Bài số 157) Điều khiến tôi băn khoăn, có phải hồn tôi muốn ra ngoài trời rộng, hay là hồn đời gõ cửa trái tim tôi đòi mở lối vào ? (Bài số 168) Trái tim tôi trải rộng cánh buồm cho ngọn gió nhàn tản đưa đến hòn đảo râm mát ở bất cứ nơi nào. (Bài số 218) Hãy cho tôi làm chiếc cốc của ngươi và trọn vẹn những gì bên trong đó dành cho ngươi và cho mọi người. (Bài số 220)
3. Chủ nghĩa nhân đạo trong thơ R. Tagore
Tagore từng viết: Trong bóng tối, trong nghèo nàn và đau khổ / Hỡi Thần Thơ ca hãy đem cho chúng tôi / bó đuốc và lòng tin tưởng … Bạn ơi, đến đây đừng nao lòng / Hãy bước xuống trên trái đất cằn khô / Đừng hái mộng trong bóng tối / Hãy bước xuống hòa vào đời bình dị / Hãy náu mình giữa những tường đá xám … Đây là tuyên ngôn thơ của Tagore. R. Tagore, nhà thơ của tình yêu: Sinh thời, cuối tập thơ “Người làm vườn” (đoạn 85), nhà thơ Tagore đã viết: “Hãy mở cửa và hãy nhìn ra ngoài / Bạn đọc /Bạn là ai / Người trăm năm về sau, đang đọc thơ tôi ? Tôi chẳng thể gửi đến bạn bông hoa duy nhất trong sắc xuân tràn đầy, ánh vàng độc nhất từ lớp mây đằng kia. Xin mở toang cửa, nhìn bốn phương trời. Tim dạt dào nguồn vui, có thể bạn sẽ cảm thấy hân hoan sinh thú ca vang một sớm mùa Xuân gửi qua trăm năm tiếng nói yêu đời”. Không chỉ trăm năm mà hàng trăm, thậm chí có thể cả nghìn năm nữa, nhân loại ta sẽ còn đọc thơ R. Tagore. Đọc những dòng trên, nói về người trăm năm về sau, ta như thấy Nguyễn Du trong Độc Tiểu Thanh ký: Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như Nhà thơ yêu con người, yêu thiên nhiên:
Có thể nói, con người trong sáng tác của R.Tagore có đặc điểm:
– Không tìm cách chối bỏ cuộc đời, yêu tha thiết cuộc đời: Thượng đế ở cạnh người làm đường / Đang đập đá / Thượng đế với họ cùng vất vả / Giãi nắng dầm mưa / Áo quần lấm bụi, – Không rời khỏi cuộc sống nhân sinh để tìm đến sự giải thoát, cõi thanh tịnh, cõi vô cùng: Thôi đừng trầm tư mặc tưởng / Cất luôn cả hoa hương / Quần áo rách bẩn, mặc / Đến gặp Thượng đế thôi / Cứ đến đứng bên Người / Trong lao động cùng cực / Khi trán đổ mồ hôi… – Không ngừng chủ động tìm đến với cuộc đời, chủ động thâm nhập vào cõi đời, – Không ngừng khao khát, khát khao đến cháy bỏng, đó là được sống mãi trong hiện thực muôn màu muôn vẻ: Hãy lắng nghe, trái tim tôi, những lời thì thầm của thế giới mà lòng mình đã yêu thương. (Bầy chim lạc, Bài số 13), Nơi bờ biển của thế giới, trái tim tôi sóng vỗ và viết trong nước mắt dòng chữ. “Tôi yêu người”. (Bầy chim lạc, Bài số 29) – Không có triết lý nào ngoài triết lý yêu thương con người, gắn con người với thiên nhiên; Thế giới yêu mến con người khi con người mỉm cười thân thiện. Thế giới trở nên sợ hãi con ngwoif khi họ trở nên đắc thắng (Bầy chim lạc, Bài 299)
+Thấm đẫm chất nhân văn trong tư tưởng của Tagore chính là thái độ đề cao con người. Triết học của Tagore là triết lý nhân sinh, lấy nền tảng là tình yêu thương mãnh liệt đối với con người. Ông phản ánh cuộc sống khốn cùng của những người dân nô lệ với niềm cảm thông sâu sắc, gióng lên tiếng nói đấu tranh đòi tự do và cuộc sống hạnh phúc cho con người.
4. Việt Nam, R. Tagore và Ấn Độ Thơ R. Tagore đến với độc giả người Việt qua các bản dịch của Đỗ Khánh Hoan, Đào Xuân Quý, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Lưu Đức Trung, Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thủy và một số dịch giả khác. Bản dịch được yêu thích là các bản dịch của Đỗ Khánh Hoan. in trước và sau 1975. Trong Chương trình Ngữ văn THCS, có đưa vào giảng dạy Mây và Sóng. Bài Mây và Sóng giáo dục học sinh cảm nhận được một cách thấm thía tình mẹ con thiêng liêng qua lời thủ thỉ của em bé với mẹ về những cuộc đối thoại tưởng tượng giữa em với những người sống trên mây và sóng. Tình yêu lứa đôi trong bài thơ số 28 của tập Người làm vườn (Đỗ Khánh Hoan, Tâm tình hiến dâng) nằm trong chương trình Ngữ văn lớp 11 THPT. Có thể nói, thơ Tagore là cánh én mùa xuân, mang đến tình hữu nghị tuyệt vời giữa Việt Nam và Ấn Độ. 5. Đóng góp Tagore vào văn hóa Ân Độ và nhân loại – Đóng góp xuất sắc nhất của Tagore vào sự phát triển của văn học Ấn Độ và thế giới, nhất là lĩnh vực thơ ca. – Ông là “một biểu tượng vĩ đại phối hợp trong mình hai nguồn tinh túy của văn hóa Á – Âu”. – Ông là “kỳ công thứ hai của tạo hóa sau Kalidasa” – nhà thơ lớn của Ấn Độ thế kỷ thứ V, trong văn học Ấn Độ. – Ông là nhà thơ duy nhất trên thế giới đã sáng tác quốc ca cho cả hai nước: Bangladesh và Ấn Độ. R. Tagore đem đến cho thơ ca Ấn Độ một không khí thiêng liêng mà gần gũi, biểu đạt những rung động tinh tế trong tâm hồn con người trước vẻ đẹp của đất nước, quê hương, thiên nhiên và cuộc sống, đồng thời diễn đạt tình yêu đó bằng một giọng điệu nồng nàn, tha thiết, chứa đựng những triết lý thâm trầm về vũ trụ, con người, hạnh phúc và tình yêu. Triết lý R. Tagore là triết lý nhân sinh, lấy nền tảng là tình yêu thương mãnh liệt đối với con người. Rabindranath Tagore là ngôi sao sáng của nền văn học Ấn Độ, nhà khai minh vĩ đại, đỉnh cao của văn hóa nhân loại. Bằng chính cuộc đời và qua sáng tác của mình, R. Tagore đã hướng con người tới triết lý hành động, góp phần thức tỉnh trong nhân dân Ấn Độ về ý thức tự do dân chủ khi màn sương khói thần bí của tôn giáo bao phủ đất nước này trong suốt mấy nghìn năm dần tan, nhường chỗ cho con người. Những vần thơ của R.Tagore đã đưa con người chủ động đi tìm cái đẹp, cái hạnh phúc trong cuộc đời.
HUỲNH VĂN HOA
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!