Mê tín dị đoan là gì? Các hình thức mê tín dị đoan ở Việt Nam
1. Mê tín dị đoan là gì?
Mê tín dị đoan là việc đặt niềm tin mù quáng vào những điều mơ hồ, nhảm nhí, không có thật, đi ngược với quy luật tự nhiên, không có căn cứ khoa học và không thể chứng minh được. Mê tín dị đoan gây ra những hậu quả xấu về sức khỏe, tiền bạc, thời gian, tính mạng cho cả cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Mê tín dị đoan có mức độ và phạm vi ảnh hưởng tùy thuộc vào từng quốc gia, từng dân tộc, từng nền văn hóa. Quan niệm về mê tín dị đoan cũng dựa trên tư tưởng và nhận định riêng của mỗi người, mỗi cộng đồng. Những phong tục tập quán truyền thống ở nơi này có thể bị xem là mê tín dị đoan ở nơi khác và ngược lại.
Mê tín dị đoan cũng cần được phân biệt với niềm tin tôn giáo hay tín ngưỡng văn hóa. Đây là những khái niệm hoàn toàn khác biệt, và không thể đánh đồng làm một.
Niềm tin tôn giáo là một dạng nhận thức đặc biệt của con người, một niềm tin thiêng liêng, có thật, chắc chắn và mang tính chủ quan. Bản chất của tôn giáo là làm phong phú đời sống tinh thần của con người. Các giáo lý tôn giáo luôn hướng chúng ta đến những điều thiện, tránh xa điều ác chứ không phải là phủ nhận, xóa bỏ hết các văn hóa truyền thống của dân tộc, của xã hội.
Còn tín ngưỡng văn hóa là niềm tin của con người được thể hiện qua các hoạt động lễ nghi, thờ cúng tổ tiên gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc, đại diện cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội, mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
Như vậy có thể thấy, cả niềm tin tôn giáo và tín ngưỡng văn hóa đều là những giá trị niềm tin tốt đẹp, còn mê tín dị đoan là biểu hiện của niềm tin sai lệch, mù quáng và cố chấp.
2. Các hình thức mê tín dị đoan ở Việt Nam
Không chỉ dừng lại ở tìm hiểu mê tín dị đoan là gì mà còn cần tìm hiểu về các hình thức mê tín dị đoan. Mê tín dị đoan được biểu hiện ở nhiều hình thức, nhưng nhìn chung đó đều là những hoạt động trái với thuần phong mỹ tục, đi ngược với giá trị đạo đức xã hội. Dưới đây là một số hình thức mê tín dị đoan đang tồn tại ở Việt Nam:
-
Các hình thức cúng tế, lễ bái, cầu xin: cúng cô hồn, cúng sao giải hạn, xin tài lộc, cầu tự, cầu tình duyên, gia đạo, xin xăm, xin số, những hành vi hiến tế, dày vò thể xác, nam nữ quan hệ bất thường, điên cuồng, nhảy nhót…
-
Các hình thức xem tướng, bói toán: bói chỉ tay, bói hình người, bói chân gà đầu năm, bói mai rùa, bói theo chữ viết, chữ ký, xem lá số tử vi, bói bài…
-
Các hình thức bài trừ bệnh tật bằng ma thuật: trừ tà ma, đồng bóng, yểm bùa…
-
Các hình thức kiêng cữ phản khoa học: kiêng đàn bà có bầu xông đất đầu năm hoặc dự đám ma, đám cưới, kiêng khởi đầu công việc vào ngày 13, kiêng mèo hoang vào nhà; kiêng tặng mực đầu năm…
3. Tác hại của mê tín dị đoan
Sau khi đã tìm hiểu mê tín dị đoan là gì, bạn đọc hẳn đã phần nào biết được những tác hại mà mê tín dị đoan gây ra. Mê tín dị đoan không chỉ gây ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình mà còn tác động lên mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị của toàn xã hội.
3.1 Tác động về mặt tư tưởng
Sự phát triển của các hoạt động mê tín dị đoan sẽ từng bước xâm hại và phủ nhận những niềm tin khoa học. Niềm tin con người được đặt vào một thế giới siêu nhiên, bị thần tiên và ma quỷ chi phối. Con người sẽ sống trong hoang mang, sợ hãi vì những ảo tưởng hoang đường.
Niềm tin mù quáng này sẽ thay thế mọi niềm tin vốn có khác, ngay cả sức mạnh bản thân cũng bị sụp đổ. Điều này trái với quy luật tự nhiên của xã hội, làm cho xã hội mất đi động lực phát triển vì ý chí đấu tranh của con người đã bị đẩy lùi trước những thế lực siêu nhiên.
3.2 Ảnh hưởng trong nội bộ chính trị
Mê tín dị đoan thâm nhập vào tư tưởng của cán bộ, đảng viên, làm cho cán bộ, đảng viên mất đi ý chí, lập trường đấu tranh. Đặt niềm tin vào sự ban ơn, che chở của thần linh, từ đó vai trò tiên phong mẫu mực của cán bộ cũng dần bị xóa bỏ. Cán bộ, đảng viên không thể chuyên tâm công tác khi dành thời gian cho việc nghiên cứu những điều thần bí.
Khi đầu óc vướng vào mê tín dị đoan, công tác tuyển dụng nhân sự cũng phải hợp căn, hợp mạng. Lựa chọn đồng nghiệp tương sinh, tránh xa những người tương khắc. Đây là một trong những nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ bè phái, uy tín lãnh đạo bị giảm sút, năng lực quản lý của nhà nước bị hạn chế.
3.3 Đối với lĩnh vực kinh tế
Mê tín dị đoan làm cho con người mất đi động lực trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp phung phí thời gian khi phải chọn ngày giờ hoàng đạo để thực hiện ký kết hợp đồng, phân biệt đối xử với từng đối tác dựa trên nguyên lý âm dương vận mệnh.
Những gia đình, vùng sản xuất nông nghiệp cũng rơi vào tình trạng trì trệ vì hoãn ngày giờ thu hoạch. Điều này vừa tổn hại kinh tế đến nông dân, vừa gây thất thoát cho nhà nước.
3.4 Đối với đời sống người dân
Những hoạt động cúng tế, cầu xin, đốt tiền bạc, vàng mã… vừa gây tốn kém, lãng phí cho người dân, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe môi trường.
Mê tín dị đoan gây tổn hại về cả thể xác, tinh thần, thậm chí an nguy đến tính mạng khi mang bệnh mà tin tưởng vào năng lực chữa bệnh bằng cúng bái của các thầy bà. Nhiều cặp đôi yêu nhau phải chia lìa trong đau xót vì gia đình ngăn cấm khi thầy bói phán không hợp căn, đoản mệnh,…
Tính nhân đạo của xã hội chủ nghĩa bị loại bỏ, khi sự hiềm khích, nghi kỵ vì những quan niệm mê tín lên ngôi. Sự độc ác, hẹp hòi, ích kỷ lan rộng trong cá nhân, cộng đồng. Niềm tin mù quáng vào những điều hoang đường dẫn đến thái độ bất chấp, khước từ mọi lời khuyên ngăn, một lòng thành tâm trong việc cúng bái, van lạy tứ phương.
4. Quy định về chống mê tín dị đoan
Trước khi nói về những quy định và chế tài xử lý của pháp luật, chúng ta cũng cần phải nâng cao nhận thức và hành vi của mỗi người dân trong vấn đề chung của xã hội.
Dù ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín khá mong manh, nhưng mỗi người đều cần tỉnh táo và đủ kiến thức để phân biệt giữa mê tín và tín ngưỡng.
Cùng nhau tuyên truyền bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan, đó là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, để gìn giữ những nét đẹp truyền thống và môi trường lành mạnh cho thế hệ sau của chúng ta.
Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, trình độ dân trí và đời sống tinh thần cũng là cách triệt bỏ con đường hoạt động của những tệ nạn mê tín dị đoan.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có những chế tài xử lý đối với hành vi mê tín dị đoan, được quy định tại điều 320 Bộ luật Hình sự 2015, theo đó:
1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Trên đây là những thông tin giải đáp cho câu hỏi mê tín dị đoan là gì. Hy vọng mỗi người chúng ta sẽ có đủ hiểu biết để nhận thức và thực hiện các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phù hợp với văn hóa và quy định của nhà nước. Mọi vấn đề vướng mắc liên quan đến bài viết vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!