Nghị luận câu tục ngữ Đi cho biết đó biết đây… – Thủ thuật

Đề bài: Nghị luận câu tục ngữ Đi cho biết đó biết đây…

nghi luan cau tuc ngu di cho biet do biet day

Nghị luận câu tục ngữ Đi cho biết đó biết đây…

I. Dàn ý Nghị luận câu tục ngữ Đi cho biết đó biết đây (Chuẩn)

II. Bài văn mẫu Nghị luận câu tục ngữ Đi cho biết đó biết đây (Chuẩn)

Con người luôn luôn tồn tại trong mình những ước mơ và khát vọng làm mới bản thân bằng cách trau dồi tri thức, mở rộng các mối quan hệ và vươn ra ngoài thế giới. Bởi chỉ có nâng tầm bản thân, con người mới có thể phát triển và thành công, không bị bó buộc bởi những điều bất đắc dĩ do nguồn kiến thức hạn hẹp. Và từ xa xưa, ông cha ta đã có những nhận thức rất sâu sắc về việc đi đâu đó để học hỏi, ý thức ấy đã được đúc rút một cách tinh tế và dí dỏm qua câu tục ngữ: “Đi cho biết đó biết đâu/Ở nhà với mẹ biết chừng nào khôn”.

Cái tinh tế của câu tục ngữ nằm tại một chữ cuối là chữ “khôn”, cái khôn ấy bao hàm nhiều ý nghĩa, là sự già dặn, trưởng thành, là sự trải nghiệm, là sự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm sống của mỗi một con người. Câu tục ngữ khuyên mỗi một con người cần phải bước ra ngoài thế giới, rời khỏi lũy tre làng, rời khỏi vòng tay cha mẹ mà đi học hỏi, đi trải nghiệm. Đi để làm gì? Sao lại phải đi? Ở tại quê hương an tĩnh mà sống không phải là rất tốt hay sao? Đó hẳn là một suy nghĩ rất thiển cận của một người lười biếng không có chí tiến thủ. Đi để biết ngoài quê hương nơi chôn rau cắt rốn, thì những vùng đất khác cũng có những cái đẹp, cái hay mà quê hương ta không có; đi để mở mang đầu óc, để làm giàu và nuôi dưỡng tâm hồn ta trở nên tươi đẹp hơn. Đi để thấy cái cách mà họ làm giàu, cách họ sống, thấy được nền giáo dục, văn hóa, kinh tế của những vùng đất xa xôi, của những châu lục khác, quốc gia khác có gì hay. Đó gọi là mở mang kiến thức, tinh thần ham học hỏi, biết đầu tư vào bản thân, cải thiện bản thân của một con người có tầm suy nghĩ và phong cách sống tiến bộ.

Đọc thêm:  Cảm nhận hai câu thơ cuối bài Con cò (Chế Lan Viên) | Văn mẫu 9

Ngược lại, những người lười biếng, rụt rè quanh năm chẳng qua khỏi lũy tre làng, không thoát khỏi con trâu, sự ấm áp của vòng tay cha mẹ, ngày ngày chỉ quanh quẩn bên trong cái vùng “an toàn” do bản thân tự huyễn hoặc thì khó có thể phát triển được. Bởi kiến thức phải do bản thân chúng ta tích cực thu nhặt, gom góp từ những trải nghiệm, những lần lặn lội nơi này xứ nọ, chứ chẳng tự dưng kiến thức có chân chạy đến bên mỗi chúng ta. Chắc chắn rằng những người như vậy luôn tự bịa ra cho mình một vài lý do thật hợp lý để không phải đi đâu, chẳng hạn như “Đi chỉ tổ tốn kém, lại mất công mất việc” hay như “Tôi chẳng có tiền, tôi không thích đi đến chỗ lạ” hoặc cũng có người bảo “Thôi trẻ cứ làm việc kiếm tiền cái đã, để già rồi đi”,… Và muôn vàn lý do tương tự như thế nữa, nhưng đó là tâm lý sợ hãi, trốn tránh, kém năng động, tù túng, họ đang tự nhốt bản thân trong cái vòng luẩn quẩn, chật hẹp của cuộc sống. Chẳng vậy mà có những người còn rất trẻ nhưng luôn than thở mệt mỏi, cuộc sống nhàm chán, chẳng có gì đáng bàn, công việc áp lực, các mối quan hệ chẳng có gì thú vị,… Đó chính là dấu hiệu của một tâm hồn nghèo nàn, trống rỗng, không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, đặc biệt là sự kém hiểu biết, năng động, rỗng kiến thức khiến cong người ta khó có những sáng tạo độc đáo, từ đó khó có thể thành công và thăng tiến trong công việc được.

Câu tục ngữ là lời khuyên rất chí lý và chân thành của cha ông dành cho con cháu, khuyến khích lối sống năng động, ham học hỏi tìm tòi, để nâng cao tầm hiểu biết, vốn sống, tri thức và sớm thành công trong cuộc sống. Đồng thời cũng phê phán lối sống tĩnh tại, lười biếng, tù túng, chỉ biết giam mình trong những suy nghĩ hạn hẹp, đánh mất cơ hội phát triển bản thân. Có câu “trường đời chính là trường học tốt nhất”, ở đó chúng ta có thể vấp ngã, thất bại nhiều lần nhưng chỉ có thế con người mới phát triển và trưởng thành nhanh được. Câu tục ngữ cũng có ý nghĩa tương tự như câu nói “Cuộc đời là một dòng sông, kẻ nào không chịu học bơi sẽ bị nhấn chìm”. Vì vậy, hãy cố sức đi và học khi còn chưa quá muộn, đừng để cuộc đời mình mãi mãi nhạt nhòa, trong khi thế giới ngoài kia rực rỡ biết bao.

Đọc thêm:  TOP 10 mẫu Thuyết minh về bộ đồng phục học sinh (2023) SIÊU HAY

Trong xã hội hiện đại, cuộc sống phát triển và thay đổi theo từng ngày, buộc con người phải thay đổi để thích nghi với nhịp sống hiện đại ấy. Nhu cầu về nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu từ nước ngoài cũng dần trở nên cấp thiết và quan trọng mọi giai đoạn, mọi lĩnh vực. Chính điều ấy đã cổ vũ, là động lực cho lớp lớp các thanh niên chăm chỉ học ngoại ngữ, phấn đấu ra nước ngoài du học, học hỏi những kiến thức mới, kiến thức mà nền giáo dục Việt Nam chúng ta còn yếu kém. Trước hết, việc vươn ra nước ngoài giúp chính bản thân chúng ta cơ hội bồi dưỡng kiến thức, phục vụ cho công việc, phục vụ cho cuộc sống trong tương lai của chúng ta. Cao cả hơn nữa, sau khi học tập xong nhiều người nuôi chí trở lại quê hương để phụng sự cho Tổ quốc, giúp nền kinh tế nước nhà phát triển, sớm sánh vai cùng các cường quốc năm châu, như lời Bác từng căn dặn. Khao khát, tiến ra nước ngoài học tập là một ước mơ, một ý chí đẹp đẽ, thể hiện tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, phấn đấu vươn lên đầy nỗ lực của tuổi trẻ. Nhưng dù có đi đâu về đâu, chúng ta cũng cần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, luôn có tấm lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc sâu sắc, một lòng hướng về quê hương; chớ có quên rằng quê hương mới là nơi ta khôn lớn, quê hương đã nuôi chúng ta thành người.

Đọc thêm:  Top 12 Bài văn phân tích truyện ngụ ngôn "Ếch ngồi đáy giếng" hay

“Đi cho biết đó biết đây” không chỉ gói gọn trong việc ra nước ngoài du học, bồi dưỡng mà còn đơn giản chỉ là đi chơi, đi du lịch, thăm thú, để cho tâm hồn được thanh lọc, để biết thêm nhiều vùng đất mới, thêm nhiều nền văn hóa, biết thêm nhiều người, có thêm nhiều mối quan hệ mới. Đó cũng là học, học một cách tự nhiên và thư thái, không gò bó. Lượng kiến thức ta thu được về sẽ tô điểm cho tâm hồn ta, sẽ khiến ta trở nên sâu sắc, có nội hàm hơn, thu hút hơn trong các cuộc nói chuyện, sẽ không còn ngậm ngùi vì tầm mắt chỉ là cuộc sống nhạt nhoà, chán nản bù đầu vì công việc bạn nhé.

Câu tục ngữ “Đi cho biết đó biết đây/ Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn” là một quan điểm một lời khuyên rất sâu sắc cho mỗi chúng ta về phong cách sống mới, tiến bộ, về một phương pháp học tập, bồi dưỡng bản thân thú vị và tự do. Có câu “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, dẫu tưởng như chẳng học được gì nhưng những thứ ta nhìn thấy, ta từng tiếp xúc có thể là tư liệu cho cuộc sống, công việc của chúng ta trong tương lai. Còn nếu khăng khăng, bảo thủ nhất quyết không chịu đi ra ngoài học hỏi, tiếp thu những kiến thức hữu ích bên ngoài cuộc sống thì thực sự chẳng có “sàng khôn” nào, cuộc sống như thế thật nhàm chán và vô nghĩa biết bao!

-HẾT-

https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-cau-tuc-ngu-di-cho-biet-do-biet-day-46292n.aspx Để thấy được ý nghĩa của hoạt động trải nghiệm, khám phá thực tế, bên cạnh bài Nghị luận câu tục ngữ Đi cho biết đó biết đây…, các em có thể tham khảo thêm: Nghị luận về lợi ích của việc đi bộ với việc mở rộng hiểu biết thực tế, Nghị luận xã hội Đi một ngày đàng, học một sàng khôn, Nghị luận xã hội về vai trò của sự trải nghiệm đối với tuổi trẻ tại Thuthuat.Taimienphi.vn.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button