Nghị luận bàn về vai trò của lí tưởng trong cuộc sống – Đọc Tài Liệu

Nghị luận về vai trò của lí tưởng trong cuộc sống là một trong những đề bài nghị luận thường gặp trong chương trình Ngữ văn 12. Nhằm giúp các em có định hướng tốt cũng như có nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình làm đề, Đọc tài liệu đã chọn lọc ra một số mẫu bài nghị luận hay nhất bàn về vai trò của lí tưởng sống. Cùng tham khảo ngay nhé !

Đề bài: Nêu suy nghĩ về vai trò của lí tưởng trong cuộc sống con người.

***

Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường

Lí tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta muốn đạt tới. Lí tưởng rất quan trọng đối với bất cứ ai, đối với tất cả mọi người.

Sống phải có mục đích. Sống phải có lí tưởng. Nói về tầm quan trọng của lí tưởng, nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi chỉ rõ: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thi không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”.

Lí tưởng là gì? Lí tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta muốn đạt tới. Lí tưởng rất quan trọng đối với bất cứ ai, đối với tất cả mọi người. Đúng “lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường”. Nhờ có ánh sáng ngọn đèn lí tưởng dẫn đường mà ta có thể đi tới tương lai, tránh được sự mò mẫm, vấp váp. Nhờ có ánh sáng ngọn đèn lí tưởng mà chúng ta có nghị lực và niềm tin trong cuộc đời, biết sống thế nào cho có ý nghĩa, sống thế nào cho đáng sống. Không sống vô vị nhàm chán, không sống quẩn quanh, tăm tối, mà chỉ muốn sống có ý nghĩa, sống có ích cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Ngọn đèn được tác giả so sánh với lí tưởng thật là sâu sắc và có nhiều ý nghĩa.

Nếu không có mục đích, sống không có lí tưởng thì sẽ như thế nào? Lép Tôn-xtôi cho biết: “Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hưởng kiên định thì không có cuộc sống”.

Phương hướng là hướng được xác định. Kiên định là một phẩm chất tốt đẹp, là tinh thần giữ vững ý định, ý chí, không dao động trước mọi khó khăn, trở ngại. Khi đã không có lí tưởng, không có mục đích tốt đẹp sẽ không có phương hướng kiên định, khác nào kẻ đi đêm hoặc chui vào sừng trâu, đâm đầu vào lối cụt. Không có lí tưởng thì khác nào thuyền không lái, thuyền sẽ trôi về đâu, về bến bờ nào. Nhừng kẻ sống quẩn quanh, sống bị động, hay dao động vì sống không có mục đích, không có lí tưởng, không có phương hướng. Mà khi đã không có phương hướng, hoặc không có phương hướng kiên định thì sẽ không có cuộc sống ý nghĩa. Anh sẽ không có hành động thiết thực. Nếu không có mơ ước, không có khát vọng sống, cuộc sống sẽ trở nên nhạt nhẽo, vô vị. Anh sẽ trở thành kẻ sống thừa, sống mòn.

Nếu tuổi trẻ sống không có lí tưởng sẽ lười học, nhác lao động, sẽ sớm nhiễm phải những tệ nạn xã hội như ăn chơi đua đòi, cờ bạc, rượu chè, nghiện ma túy, cướp bóc… Những học sinh “cá biệt’’ trong nhà trường hiện nay chủ yếu là do cách sống buông thả, sống không có lí tưởng.

Sống mà như chết thì sao có thể gọi là sống? Sống mà tâm hồn bị khô héo, trái tim bị băng giá thì không thể gọi là sống. Sống mà không nghĩ đến tương lai, sống mà không nghĩ đến cống hiến, phục vụ cho gia đình, đất nước thì sao có thể gọi là sống? Cô giáo em nói thời còn là học sinh, câu khẩu hiệu: “Sống, học tập, lao động và chiến đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại” có một sức mạnh ghê gớm, lôi cuốn hàng triệu thanh niên thi đua và lập công trong phong trào “ba sẵn sàng”.

Câu nói của nhà văn Nga đã chỉ rõ tầm quan trọng của lí tưởng và sống có lí tưởng. Câu nói ấy cho đến nay vẫn mới mẻ và giàu ý nghĩa đối với học sinh thanh niên chúng ta.

Đất nước đang đổi mới. Công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước đang kêu gọi thanh niên lên đường. Có học tập tốt mới trang bị cho bản thân mỗi chúng ta kiến thức, kĩ năng khoa học, lao động. Hơn bao giờ hết chúng ta mới thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề lí tường và sống có lí tưởng.

Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Với Tố Hữu, lí tưởng là “mùi hương chân lí”. Tôi nhớ vần thơ của ông:

Khi ta đã say mùi hương chân lí.

Tương lai đó, trước mặt ta biển rộng

Trên đầu ta, lồng lộng gió trời cao!

Một số bài văn đạt điểm cao bàn về vai trò của lí tưởng sống đối với mỗi con người

Bài số 1:

Nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi nói: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Câu nói khẳng định vai trò của lí tưởng trong cuộc sống của mỗi con người.

Lí tưởng, đó là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà con người phấn đấu để đạt tới, đó là niềm tin, là điều con người tôn thờ, khao khát. Có một niềm tin vững chắc vào lí tưởng, con người sống trong những niềm vui tột cùng như nhà thơ Tố Hữu từng hân hoan:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim”

Tố Hữu cũng như bao thanh niên Việt Nam yêu nước trong những tháng năm đất nước bị nô lệ tù đày, lí tưởng của nhà thơ là lí tưởng cộng sản, lí tưởng cách mạng, sống và chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Hôm nay đây, khi nước nhà đã độc lập, lí tưởng của mỗi cá nhân rất khác nhau song đều chung nhau ở khát khao được khẳng định bản thân, được đóng góp cho gia đình và cộng đồng xã hội.

Đọc thêm:  Giải thích ý nghĩa tục ngữ 'Phép vua thua lệ làng' nói về điều gì? - VOH

Trong câu nói của nhà văn Lép Tôn-xtôi chứa đựng những tư tưởng có tính chất kim chỉ nam cho vấn đề lí tưởng sống của mỗi con người. “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”.

Cuộc sống con người nhiều khó khăn, gian nan và vất vả. Nếu không có ánh sáng soi đường, không có sức mạnh cổ vũ, tiếp sức thì nhiều người đã gục ngã, bỏ cuộc. Vậy đâu là ánh sáng và sức mạnh của con người? Đó là lí tưởng. “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường” vì nó chỉ cho con người con đường họ phải đi để đạt được mục đích, và đó là con đường sáng – con đường thiện. “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường” còn bởi nó tạo ra động lực, thúc đẩy, động viên con người hành động để đạt được mục đích. Con người sống có lí tưởng luôn biết rõ con đường mình phải đi, không bị cám dỗ, níu kéo bởi những lợi ích tầm thường, hèn kém: “Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định”. Trong tình cảnh nước nhà có giặc ngoại xâm, lí tưởng của con người Việt Nam là giết giặc cứu nước, lí tưởng ấy soi rọi con đường mỗi người dân nước Nam đang đi, họ hiểu rõ “Thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” (Trần Bình Trọng) và “Thanh niên Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là làm cách mạng chứ không còn con đường nào khác” (Lý Tự Trọng). Người sống không có lí tưởng luôn bị dao động, không ổn định về lập trường, tư tưởng. Khi mà lập trường, tư tưởng không vững vàng, sáng suốt, kiên định thì cuộc sống luôn chao đảo, bất bênh, và dễ lầm đường lạc lối. Đó là trường hợp của những kẻ bán nước hại dân trước Cách mạng tháng Tám – 1945. Nhiều kẻ đã quy hàng thực dân Pháp nhưng khi Pháp hai lần bán nước ta cho Nhật thì lại đớn hèn lê gối làm tôi tớ cho Nhật tiếp tục phản bội giống nòi. Người sống có lí tưởng luôn có sức mạnh để vượt qua muôn vàn gian khó, nguy hiểm trên đời. Các chiến sĩ cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mà không nề hiểm nguy, họ sống thiếu thốn, nghèo khổ, lam lũ, lẩn trốn sự truy đuổi kẻ thù, thậm chí phải chịu lao tù, tra tấn “điện giật, dùi đâm”, “dao cắt”, “bị bỏ đói”… Nhưng tất cả mọi thử thách dù nhọc nhằn gian khổ đến đâu đều không quật ngã được ý chí sắt đá, sự kiên cường bất khuất của những con người được tôi rèn bằng lí tưởng cách mạng. Vậy nếu như con người sống mà không có lí tưởng? Khi ấy, điều đó đồng nghĩa với việc “không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Gọi là cuộc sống sao được nếu như những vị anh hùng của thời đại chấp nhận “đốt cháy những gì mình đã tôn thờ và tôn thờ những gì mình đã đốt cháy”, phản bội lí tưởng, phản bội niềm tin để quay lưng với lợi ích dân tộc chấp nhận cuộc đời nhung lụa trong tư thế cúi đầu đầy tủi nhục? Cũng chẳng thể gọi là cuộc sống nếu như mục đích của đời người trở thành một chiếc chong chóng đặt xuôi chiều con gió, bởi khi ấy, bạn đã trở thành một thứ đồ chơi trong tay kẻ khác.

Lí tưởng cao đẹp là phương hướng nhưng đồng thời đó còn là động lực giúp nhiều bạn trẻ hiện nay vượt qua những khó khăn, cám dỗ của cuộc sống hiện đại để học tốt, sống tốt. Sống không lí tưởng, gặp khó khăn sẽ mau chóng nản chí, bỏ cuộc dù nó chỉ là một cơn buồn ngủ lúc canh khuya học bài.

Thế hệ thanh niên chúng ta ngày nay đang cần lắm những con đường sáng, những sức mạnh diệu kì để vượt qua khó khăn của thế hệ. Vì vậy, việc tự xây dựng cho mình một lí tưởng cao đẹp là điều ai cũng cần làm và phải làm ngay, làm gấp.

Bài số 2:

Mỗi người luôn tìm kiếm cho mình một hướng đi, vậy có bao giờ ta tự hỏi chính mình, rốt cuộc điều gì đã dẫn ta đến những điều như thế? Có những người từ khi còn nhỏ đã gặt hái nhiều thành công? Ta có bao giờ thắc mắc vì sao và bí quyết nào khiến họ thành công được như vậy? Và để trả lời cho điều đó, nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi đã từng có ý kiến cho rằng: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường, Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”.

Cuộc đời con người là hành trình rất dài, mỗi con người từ khi sinh ra, khi nhận thức được cuộc sống, đã luôn đặt ra cho mình những mục tiêu, những câu hỏi, để đạt được những điều ta vẫn hằng ao ước. Và với điều đó, Lép Tôn-xtôi cho rằng, đó chính là “lí tưởng” mà theo ông, thì lí tưởng được ví như “ngọn đèn chỉ đường”. Đúng vậy, câu nói của Lép Tôn-xtôi thật đúng, ngọn đèn luôn phát ra ánh sáng, và như thế, cuộc sống với những điều mới lạ luôn mở ra trước mắt, hằng ngày, từng ngày, từng giờ, và có những khi ta không thể nhận ra bởi một tương lai khá mịt mờ ở phía trước. Vì thế, coi lí tưởng như ngọn đèn chỉ đường là vô cùng chính xác, vì lí tưởng luôn thắp sáng trên mỗi hành trình ta tiến tới tương lai. Mang lại ánh sáng, giúp ta nhận ra mình cần đi đâu, làm gì, và ta sẽ tìm được lối đi đúng hướng, đúng đắn. Có lẽ vì thế mà ở ngay vế sau, Lép Tôn-xtôi đã nói, không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định. Lí tưởng là ánh sáng, lí tưởng giúp ta tìm thấy lối đi đúng, và lí tưởng giúp ta tiến tới thành công và mục tiêu chính xác. Và chắc chắn một hệ quả kế tiếp nếu ta không có lí tưởng trong cuộc sống, thì sẽ không có phương hướng và lẽ tất nhiên sẽ không có cuộc sống. Vì bản chất cuộc sống là vận động, phát triển không ngừng, mất đi lí tưởng, mất đi mục tiêu, đích đến, thì cuộc sống theo lẽ tất nhiên sẽ không thể tồn tại. Vì vậy, câu nói của Lép Tôn-xtôi đã nêu rõ một bản chất chung và tầm quan trọng của lí tưởng. Lí tưởng luôn giúp ta có cái nhìn đúng đắn, như sợi chỉ đỏ, dù có vấp ngã, ta vẫn có thể tìm ra giải pháp để tiến tới mục tiêu.

Đọc thêm:  Cảm nhận của anh chị về cái kết của truyện ngắn Chí Phèo - Thủ thuật

Trong cuộc sống, rất nhiều bài học về những tấm gương có mục tiêu, khát vọng lí tưởng, và nhờ thế, họ đã vượt qua những thử thách của bản thân để tìm ra lối đi đúng đắn và đạt được thành công. Như vị lãnh tụ đáng kính Hồ Chí Minh, nhờ có lí tưởng Mac-Lenin soi đường, Bác đã tìm ra con đường đấu tranh và giúp nhân dân ta giành thắng lợi trong tay kẻ thù. Hay như tấm gương những anh hùng trong cách mạng dân tộc, nhờ có lí tưởng đúng đắn, như Tô Vĩnh Diện, Võ Thị Sáu, họ có lí tưởng của tuổi trẻ, và chính nhờ có họ, những thế hệ anh hùng nối tiếp, chính họ đã là những người quan trọng để làm ra cuộc sống hòa bình cho nhân dân ta lúc này. Qua đó, cũng phê phán những ai có tính cách hèn nhát, thiếu bản lĩnh, lí tưởng sống, những người như vậy sẽ không thể tìm ra lối đi đúng đắn cho mình và giúp bản thân tìm tới thành công.

Nói chung, câu nói của Lép Tôn-xtôi vô cùng chính xác, nhờ thế, đã góp phần nêu bật được chân lí của cuộc sống, mối quan hệ giữa lí tưởng – con người – cuộc sống. Hiểu được chính mình, tầm quan trọng của lí tưởng chính mình, sẽ giúp ta tiến tới thành công.

Bài số 3:

Trong cuộc sống, mỗi con người từ khi sinh ra đã là một hành trình tư tưởng. Cha mẹ khắc khoải một lí tưởng là con sinh ra được khoẻ mạnh, lớn khôn con là đứa trẻ ngoan ngoãn, giỏi giang, mai kia con trở thành một người thành đạt. Rồi khi con đủ lớn, đủ ý thức để sống cho những lí tưởng riêng của mình. Con sẽ trở thành một học sinh xuất sắc, lớn hơn nữa con sẽ là một danh nhân lớn hay là một bác sĩ tài ba, con có cuộc sống riêng cùng một gia đình hạnh phúc. Cuộc sống được nuôi dưỡng bằng những lí tưởng. Nói cách khác: Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”. (Lép Tôn-xtôi)

Mỗi chúng ta khi vô tình chạm đến hai chữ “lí tưởng” thì cảm thấy như gặp một cái gì xa vời, không thực tại chút nào. Ta cứ nghĩ rằng lí tưởng là cái gì đó vĩ đại như lí tưởng cách mạng của Các Mác – Ăngghen, lí tưởng vô sản của Lênin. Nhưng chúng ta lại không biết rằng lí tưởng là thực tại, rất đời thường và gần gũi gắn bó bên cuộc sống mỗi chúng ta. Hoàn toàn có thể hiểu ”lí tưởng là một ngọn đèn”, nói dễ hiểu lí tưởng là niềm tin, lòng ao ước mong mỏi của mỗi người đặt ra trong cuộc sống. Lí tưởng chính là cái mục tiêu phấn đấu. Lí tưởng trở thành một phần của cuộc sống, và vì thế cuộc sống sẽ vô vị biết bao nếu thiếu đi “lí tưởng”.

Theo cách nói của Lép Tôn-xtôi thì lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường, và vì là ngọn đèn chỉ đường nên khi thiếu vắng nó con người ta sẽ dễ lầm lạc, đôi khi chậm trễ trên lộ trình của cuộc sống: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”.

Hành trình đi đến lí tưởng, phấn đấu theo lí tưởng, cũng như một vận động viên điền kinh đang ra sức chinh phục chặng đường đua của mình. Anh chàng vận động viên chỉ biết rằng phía trước, những bước cuối cùng của chặng đường đua là dải băng rôn về đích. Anh cố hết sức và lao về trước với một tinh thần sức mạnh thiêng liêng, như mỗi chúng ta đều hướng về lí tưởng của mình. Cuộc sống cũng là một chặng đua và nếu chặng đua ấy không có đích đến, không có hướng đi thì chúng ta sẽ đi đâu về đâu.

Nhưng Lép Tôn-xtôi bảo rằng: “lí tưởng là phương hướng kiên định”, đó không có nghĩa rằng lí tưởng là một khối vật khổng lồ, nặng chịch không bao giờ có thể chuyển dịch. Nếu hiểu ngược kiểu ấy chả nhẽ lí tưởng của cuộc sống hiện đại lại là một ông già phong kiến cố hữu, cùng những đạo luật khắt khe của chế độ xưa. Đó hoàn toàn không phải là lí tưởng. Đã là lí tưởng thiêng liêng của một cuộc sống tươi đẹp thì đòi hỏi ở cái khí chất cao đẹp.

Trong cuộc sống có vô vàn lí tưởng nhưng như thế nào mới là một lí tưởng chính đáng. Lí tưởng của một người kinh doanh là làm giàu, nhưng không phải là được làm giàu mọi cách. anh ta phải tuân theo khuôn khổ của pháp luật và trách nhiệm của lương tâm. Lí tưởng của một cậu học sinh là đỗ cao trong kì thi đại học. Thế rồi ngày anh đến phòng thi để thực hiện cái lí tưởng đó của mình, thì lương tâm, xã hội không bao giờ cho phép anh có quyền làm ngơ khi thấy một người chết đuối, một hành động đi trái lại pháp luật, trái với đạo lí thì không còn là lí tưởng.

Đọc thêm:  Tả con bò (10 mẫu) - Tập làm văn lớp 4 - Download.vn

Mỗi bước đi của chúng ta bây giờ đều bước theo những bậc thang của lí tưởng, và luôn luôn có lí tưởng sáng soi chỉ đường. Lúc ấy chúng ta như những đứa trẻ vô tri được bàn tay người mẹ nâng niu dìu dắt từng bước đi. Và khi ấy nếu không có mẹ, không có lí tưởng con là đứa trẻ bơ vơ, lạc loài, rồi sẽ đi đâu về đâu. Anh muốn chinh phục nóc nhà thế giới, muốn đứng trên đỉnh Everest dù chỉ là một giây, dùi phải trải qua ngàn giờ hãi hùng, có lúc tưởng rằng hi sinh cả tính mạng, nhưng vẫn hết mình thực hiện cái lí tưởng của bản thân. Nếu một con người chỉ tồn tại như một bản năng, hoạt động như một cái máy, khởi động thì chạy, hết nhiên liệu thì tắt. Ta tự hỏi thế có phải là cuộc sống? Để chứng minh rằng ta đang sống, đang tồn tại trước tiên ta phải có lí tưởng, và khi đã có lí tưởng ta sẽ có dũng khí làm những gì ta quyết.

Ngày 5.6.1911, chàng thanh niên mang tên Nguyễn Tất Thành cùng bàn tay trắng xuống tàu buôn ra nước ngoài mang trên mình hành trang duy nhất là lí tưởng tìm đường cứu nước. Giả dụ, nếu không có đủ sức mạnh của lí tưởng thì Bác đã không bao giờ có can đảm ra đi. Chính vì thế ta hãy sống, và thực sự sống khi đã có lí tưởng riêng của bản thân. Xuân Diệu thì mải mê với lí tưởng:

“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.”

Cám ơn nhà thơ đã đem đến một quan niệm mới về lí tưởng của cuộc sống. Chắc hẳn, chúng ta ai cũng biết Xuân Diệu là một nhà thơ khát khao giao cảm với đời, yêu đời một cách tha thiết nhất. Chính vì thế nhà thơ đem hết trái tim của mình cống hiến cho cuộc sống này, cho lí tưởng sống tràn đầy yêu thương. Xuân Diệu mong muốn được sống chân thành với lí tưởng của riêng ông, được hiến dâng cả cuộc đời để đổi lấy “1 phút huy hoàng”, đó là giây phút cháy bỏng của một tâm hồn sống trong lí tưởng. Đồng thời nhà thơ cũng muốn gửi gắm lí tưởng sống ấy cho mọi người trong cuộc đời. Sống phải sống sao cho đáng sống, phải đem hết dũng cảm để sống cho cái lí tưởng của mình, để từ đó tìm ra phương hướng đi theo tiếng gọi của “lí tưởng” như L.Tôn-xtôi đã khẳng định “không có lí tưởng thì không có phương hướng, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”.

Nhưng thử hỏi có mấy ai có đủ dũng cảm để sống hết mình, sống một cách trọn đầy cho lí tưởng. Chắc hẳn, chúng ta – những người con của dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ quên và cũng không bao giờ được quên người thiếu nữ đã chết cho “mùa hoa lê-ki-ma nở, ở quê ta vùng Đất Đỏ”, và chết cho đời sau. Nữ anh hùng Võ Thị Sáu đã dâng cả cuộc đời mình cho dân tộc, cho tổ quốc yêu thương và cũng cho riêng lí tưởng sống của chị, khi mới trọn đầy cái tuổi 16.

Tôi không so sánh bạn, cũng như không dám so sánh mình với lí tưởng cháy bỏng yêu thương của tâm hồn thi sĩ Xuân Diệu, với lí tưởng cách mạng cao cả của nữ anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu. Qua đó, tôi chỉ có thể khẳng định rằng mỗi chúng ta đều có thể gắng hết sức vì lí tưởng sống của bản thân mình để thật sự có một phương hướng sống, phương hướng để tồn tại. Cũng như từ đầu vẫn nói, lí tưởng không hề xa vời, lí tưởng là đoạn đường, là lối đi gắn bó với chúng ta trong suốt cuộc đời.

Một lần nữa xin chân thành cảm ơn L.Tôn-xtôi đã đem đến cho chúng ta cái nhìn tổng quát về lí tưởng: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng là không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống”. Con đường hôm qua, hôm kia của tôi, của bạn, của tất cả chúng ta đều đã lùi vào quá khứ một cách mờ nhạt và tiếp tục nhạt nhoà. Nhưng con đường của hôm nay và của ngày mai còn tuỳ tôi, bạn, chúng ta đi như thế nào, chọn lựa “ngọn đèn lí tưởng” nào, đi theo phương hướng nào, để tiếp tục phát triển và đi lên cùng với sự thăng hoa của “ánh sáng lí tưởng”.

Các bạn vừa tham khảo một số bài văn nghị luận xã hội bàn về vai trò của lí tưởng trong cuộc sống. Ngoài việc đọc những bài văn hay để nâng cao vốn từ ngữ và cách hành văn, các bạn cũng có thể tự phát triển bài nghị luận theo ý hiểu của mình dựa trên dàn ý nghị luận vai trò của lí tưởng mà Đọc Tài Liệu biên soạn.

Truy cập kho tài liệu Văn mẫu 12 để cập nhật thêm nhiều bài văn hay khác giúp bạn rèn luyện kỹ năng làm văn, chuẩn bị tốt cho các bài thi và kiểm tra môn Văn. Chúc các bạn học tốt !

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button