Cảm nghĩ về một bài thơ hoặc tác phẩm văn học mà anh (chị) yêu
Đề bài: Cảm nghĩ về một bài thơ hoặc tác phẩm văn học mà anh (chị) yêu thích
Bài làm:
Bài mẫu số 1: Cảm nghĩ về bài thơ Vọng nguyệt ( Ngắm trăng)
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại, là người Cha già kính yêu của cả dân tộc Việt Nam. Dù Người đã đi xa gần tròn 50 năm, nhưng Người vẫn sống mãi trong trái tim của từng người con Việt Nam cho dù có qua bao nhiêu năm tháng cũng không hề thay đổi. Hồ Chí Minh ngoài là một nhà chính trị, quân sự xuất sắc Người còn là một người nghệ sĩ có tâm hồn văn chương lãng mạn, lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên tha thiết mà ẩn sâu trong đó là nỗi lòng yêu nước thương dân sâu sắc. Có thể nói văn chương của Bác viết nhờ hoàn cảnh mà cũng không phụ thuộc hoàn cảnh. Bởi những ngày ở Pác Bó gian khổ, Bác lại viết Tức cảnh Pác Bó với giọng thơ thật hồn nhiên, giản dị, pha chút hài hước. Những ngày tù đày trong ngục giam của quân Tưởng, tưởng chừng như tuyệt vọng nhất, nhưng riêng Bác thì không, Bác vẫn viết tập thơ Nhật ký trong tù với một giọng thơ thật lạc quan, yêu đời, còn pha chút hóm hỉnh. Và trong tập thơ này có lẽ ấn tượng nhất là bài thơ Vọng nguyệt (Ngắm trăng)Bác viết trong những ngày tù giam khổ ải ấy.
Phiên âm
“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,Đối thử lương tiêu nại nhược hà?Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,Nguyệt tòng song khích khán thi gia.”
Dịch thơ:
“Trong tù không rượu cũng không hoaCảnh đẹp đêm nay khó hững hờNgười ngắm trăng soi ngoài cửa sổTrăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.”
Câu thơ đầu tiên đã cho thấy hoàn cảnh của người thi nhân, đó là hoàn cảnh tù túng, bốn bên là vách từng xi măng, kín mít, bẩn thỉu, trước mặt có một khung cửa thông gió, song sắt ở cao tít, tưởng chừng chỉ bằng hai bàn tay. Và trong hoàn cảnh ấy, những thú vui của người thi sĩ thường thấy là hoa thơm, là rượu nồng lại càng chẳng thể có được. Tuy thiếu thốn, đơn bạc vậy nhưng tâm hồn yêu cái đẹp của tác giả chưa bao giờ bị dập tắt bởi những cảnh khó khăn, tù túng. Tâm hồn của người thi sĩ vẫn thoát ra khỏi cái nhà tù tối tăm chật hẹp và bức bối ấy để xao xuyến với cảnh đẹp trần gian, vẻ đẹp tri kỷ của thi nhân. Bác vẫn ngắm trăng với một tâm hồn rất đỗi hồn nhiên, lạc quan, dường như Bác đang tự do chứ chẳng phải đang trong kiếp tù đày, trói buộc.
Đó là cảnh đẹp như thế nào mà lại khiến nhà thơ “khó hững hờ”? Hóa ra đó là một vầng trăng sáng dịu hiền, tỏa ra cái ánh vàng nhàn nhạt, trông thật trong trẻo êm đềm. Người thi nhân phóng tầm mắt, đưa cái tâm hồn yêu cái đẹp, yêu thiên nhiên tha thiết qua song sắt, để thấy được ánh trăng xinh đẹp ấy. Trăng đến với Bác thật tự nhiên, bất ngờ, đôi lúc làm Bác phải bối rối, bởi xưa nay cái thú vui ngắm trăng đầy tao nhã vốn là của những thi nhân nhàn nhã, lại phóng túng. Nay Bác gặp được ánh trăng đẹp, nhưng lại đương buổi cách biệt lao tù, chẳng thể nào giao hòa cùng với ánh trăng, thứ mà Bác vẫn thường xem là tri kỷ. Tuy thế nhưng dường như mọi ngăn cách cũng chẳng thể nào trói chặt tâm hồn lãng mạn, bay bổng của Bác, Người vẫn ngắm trăng say sưa, vẫn tận hưởng cái ánh trăng đang vằng vặc soi trên nền trời thăm thẳm. Trăng cũng như đáp lại cái lòng yêu, lòng thưởng thức của Bác mà len lỏi qua song sắt để đến cùng tâm tình với thi nhân.
Có người ví vui rằng Bác đã có một cuộc vượt ngục tinh thần, đúng với câu “Thân thể ở trong lao/Tâm hồn ở ngoài lao” của Bác. Tuy thế nhưng ta cũng chớ nên hiểu lầm rằng, Bác xem nhẹ và dường như không cảm nhận được cái khổ ải, rét mướt, ghẻ lở khi trong nhà lao ấy. Bởi trước khi là một thi nhân, Bác cũng là một con người có da thịt cũng biết khổ ải, đau đớn. Nhưng nhờ cái tinh thần thép, tấm lòng lạc quan, yêu đời, lại trong buổi tù đày, bỗng bắt gặp ánh trăng thật đẹp, Hồ Chủ tịch đã tạm quên những gian khổ vây quanh. Để cho tâm hồn được bay bổng, được lãng mạn, tạm gỡ bỏ cái thân thế tù nhân, để làm một thi nhân sánh bạn với ánh trăng. Điều ấy chứng minh ở Bác một tâm hồn thật thanh cao, giản dị, lại hết lòng trân trọng những vẻ đẹp của thiên nhiên, của tạo hóa. Ở Bác là sự hòa quyện sâu sắc giữa hai nhân cách thật cao cả, trước hết là người chiến sĩ cách mạng hết lòng hi sinh vì sự tự do của dân tộc của đất nước, sau là một thi nhân với tâm hồn cao quý, yêu tha thiết thiên nhiên tươi đẹp, cùng tấm lòng khao khát tự do cháy bỏng.
Giọng thơ của Bác vừa giản dị lại hồn nhiên, đôi chỗ còn có chút hóm hỉnh, mà sâu trong đó là tinh thần lạc quan, yêu đời, đầy nghị lực đã vượt qua mọi khó khăn để tiến đến những lý tưởng thật cao đẹp. Đó là tấm lòng trung thành với cách mạng, với dân tộc, là tấm lòng yêu mến thiên nhiên thật thủy chung sâu sắc của một người chiến sĩ cách mạng vĩ đại, của một người nghệ sĩ tài ba, lãng mạn, sâu sắc.
Bài mẫu số 2: Cảm nghĩ về bài thơ Tĩnh dạ tư ( Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh)
Lí Bạch – một nhà thơ đã được mệnh danh là thi tiên. Thơ của ông biểu hiện một tâm hồn vô cùng tự do và phóng khoáng. Hình ảnh ánh trăng xuất hiện qua những vần thơ của Lí Bạch vô cùng đa dạng và phong phú. Một trong những bài thơ nổi tiếng của ông viết về đề tài này chính là bài thơ “ Tĩnh dạ tứ” hãy còn được gọi với tên “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh”. Bài thơ đã thể hiện một cách nhẹ nhàng tình yêu quê hương của một người con đang sống xa quê trong một đêm trăng đẹp, thanh tĩnh.
Nhìn thấy trăng mà nhớ về quê hương đã xuất hiện khá nhiều trong thi ca. Trong bài thơ Tĩnh dạ tứ cũng vậy, Lí Bạch bỗng thấy ánh trăng mà nhớ về quê cũ:
“ Đầu giường ánh trăng rọiNgỡ mặt đất phủ sương”
Một bức tranh đẹp nhưng cũng nhuốm màu tâm trạng. Ánh trăng rọi ở đầu giường như đang tìm người bạn tri âm tri kỉ. Nhà thơ trằn trọc không ngủ được nên đã phát hiện ra ánh trăng đang soi ngoài đầu giường. Trong trạng thái mơ màng, ông “ngỡ” mặt đất phủ sương. Cảm xúc ngỡ ngàng cảm thấy ánh trăng đục như sương đang tràn ngập cả mặt đất. Vầng trăng ngoài cửa sổ kia chính là đối tượng để nhà thơ ngắm nhìn, thưởng thức và chia sẻ tâm tình.
Hai câu thơ sau không chỉ tả tình mà cảnh cũng xuất hiện:
“ Ngẩng đầu nhìn trăng sángCúi đầu nhớ cố hương.”
Từ vẻ đẹp của thiên nhiên mà giờ chuyển sang hướng đến tình “nhớ cố hương”. Hành động “ngầng đầu” đối lập với “cúi đầu”. Ngẩng đầu để nhìn trăng sáng là một hành động tất yếu của một thi nhân trước cảnh đêm trăng đẹp như vậy. Ánh mắt của thi tiên đã chuyển từ trong ra ngoài, từ mặt đất để hướng về bầu trời rộng lớn, bao la. Từ chỗ nhà thơ chỉ thấy ánh trăng chiếu rọi đầu giường thì giờ đây nhà thơ ngắm nhìn cả vầng trăng sáng. Và khi ngắm nhìn vầng trăng ấy – vầng trăng cũng đang cô đơn, nhà thơ lại ngay lập tức “cúi đầu”. Hành động cúi đầu ấy để suy ngẫm về quê hương, để nhà thơ nhớ về quê cũ bởi vầng trăng tròn bao giờ cũng tượng trưng cho sự đoàn tụ gia đình. Tâm trạng nhà thơ bỗng nặng trĩu, u sầu vì nhớ quê. Ta thấy được một tình cảm thiết tha, sâu nặng của tác giả với quê hương.
Bài thơ của Lí Bạch không chỉ tràn ngập trăng mà nó cũng tràn ngập của tình cảm yêu hương sâu nặng. Đọc bài thơ, những người đang xa quê ắt hẳn dâng trào nỗi nhớ quê hương da diết, một cảm xúc bâng khuâng, khó tả vô cùng. Quả thật, bài thơ “Tĩnh dạ tứ” có thể coi là bài thơ đặc sắc của Lí Bạch bộc lộ tình yêu quê hương. Nhà thơ đã rất tinh tế khi lấy ngoại cảnh thiên nhiên từ một đêm trăng để bộc lộ tâm trạng nhớ quê của mình. Tình cảm đó của ông thật đáng trân trọng biết bao!
Sau khi tìm hiểu xong bài Cảm nghĩ về một bài thơ hoặc tác phẩm văn học mà anh (chị) yêu thích, các em có thể tham khảo thêm: để hoàn thành tốt bài tập làm văn số 1 của mình: Cảm nghĩ ngày đầu tiên bước chân vào trường trung học phổ thông, Cảm nghĩ về thiên nhiên và đời sống của con người trong thời khắc chuyển mùa (sang thu, sang đông hoặc sang xuân,…), Cảm nghĩ về người thân,…, Cảm nghĩ về một câu chuyện anh (chị) đã học mà đến nay vẫn không thể nào quên (ví dụ: Chuyện người con gái Nam Xương, Chiếc lược ngà, Bố của Xi-mông,…).
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nghi-ve-mot-bai-tho-hoac-tac-pham-van-hoc-ma-anh-chi-yeu-thich-41895n.aspx
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!