Cảm nhận về tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-minh-uê – Thủ thuật

Đề bài: Cảm nhận về tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-minh-uê

cam nhan ve tac pham ong gia va bien ca cua he minh ue

Cảm nhận về tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-minh-uê

I. Dàn ý Cảm nhận về tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-minh-uê (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

2. Thân bài

a. Hình tượng con cá kiếm:

* Đặc điểm:– Con cá lớn và tuyệt đẹp: “bóng đen vượt dài dưới mạn thuyền” cùng với cái “đuôi lớn hơn cả một chiếc lưỡi hái lớn, màu tím hồng dựng trên mặt đại dương xanh thẫm”, “thân hình đồ sộ” và “bộ vây to sụ bên sườn xòe rộng “.- Mang trong mình những sức mạnh ghê gớm:+ Ông lão đánh cá vốn là một ngư phủ thạo nghề, thế nhưng đối mặt với con cá kiếm to và đẹp này cũng khiến ông chật vật, rệu rã, đầu óc quay cuồng.+ Liên tục lượn vòng dưới nước, kiềm lại sức kéo câu của ông lão, cố thoát khỏi lưỡi câu bằng những “cú nẩy mạnh đột ngột”, còn ông lão cảm thấy sức mạnh ghê gớm của con cá “thật là sắc và thật là nặng”.

– Có những phẩm chất rất đáng quý và đáng trọng ấy là sự kiêu hùng bất khuất quyết không khuất phục trước số phận bị mắc câu.+ Lượn vòng mãi ở xa, không cho ông lão lôi nó vào mạn thuyền, nó dùng hết sức mạnh của mình để tránh xa và đương đầu với một ngư phủ lành nghề.+ Khi chiếc lao của ông lão phóng xuống nó đã dùng hết bình sinh để “phóng lên khỏi mặt nước phô tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực”, dù chết nhưng cũng phải hiên ngang, oai hùng.

* Nguyên lý tảng băng trôi qua hình tượng con cá kiếm:– Vẻ đẹp, sự bất khuất của con cá kiếm làm tôn lên cái tài năng của ông lão và chiến thắng cuối cùng mang một vẻ đẹp tuyệt đối và phi thường hơn tất cả.=> Khẳng định tầm vóc của con người trước biển cả, trước thiên nhiên.- Con cá chính là đại diện cho vẻ đẹp cũng như sức mạnh của thiên nhiên rộng lớn.- Từ góc nhìn cuộc sống của con người thì hình tượng con cá kiếm là những thử thách, những chông gai mà chúng ta phải đối mặt, phải vượt qua trong cuộc sống bằng mọi nỗ lực để chạm tới đỉnh thành công.- Với góc nhìn nghệ thuật thì sự vĩ đại của con cá lại chính là ẩn dụ cho những ước mơ sáng tạo, ước mơ theo đuổi nghệ thuật hoàn mỹ, tuyệt diệu của giới nghệ sĩ.

b. Hình tượng ông lão đánh cá Xan-ti-a-gô:

* Ông được đặt vào một cuộc chiến không cân sức:– Tuổi đã cao, sức đã yếu, lại thêm đã lênh đênh trên biển mấy ngày, đồ ăn thức uống thiếu thốn, hư hỏng,… đặc biệt là cô độc, trơ trọi, một mình trên con thuyền nhỏ không ai giúp đỡ,.. => Chiến thắng của ông lão lại càng thêm rực rỡ, huy hoàng hơn cả.-Mang những phẩm chất tốt đẹp:+ Sự thành thạo, mưu trí và kinh nghiệm trong nghề đánh cá.+ Niềm tin và sự kiên trì của ông lão suốt cuộc đánh bắt cam go không cân sức, liên tục tự nhắc nhở, động viên bản thân bằng những câu nói như “chỉ hai ba vòng nữa thôi ta sẽ có nó”, …+ Ý chí, nghị lực phi thường dù đã cạn kiệt sức lực, bản thân bị đe dọa bởi những cơn hoa mắt chóng mặt, sự mệt mỏi rệu rã tưởng sắp ngất, đôi mắt nhòe mờ, đôi chân tê mỏi sắp chuột rút,… nhưng không từ bỏ con cá.

– Hemingway đã gửi gắm đến độc giả nhiều thông điệp có ý nghĩa:+ Con người nếu muốn đạt được những thành tựu to lớn họ buộc phải trang bị cho mình trí tuệ, kinh nghiệm, niềm tin và ý chí, kiên cường bền bỉ không chấp nhận từ bỏ khi chưa đến phút cuối cùng.+ Sự tin tưởng vào thắng lợi của con người trong quá trình chinh phục thiên nhiên, tin tưởng vào sức mạnh, tầm vóc của con người trong công cuộc lao động.

* Vẻ đẹp của ông lão còn được tái hiện thông qua những suy nghĩ, ánh nhìn của ông lão về con cá kiếm.– Dành cho con cá những cái nhìn rất tích cực và cách đối xử công bằng.- Những lúc nó khiến ông mệt mỏi muốn đổ sụp xuống ông cũng không hề nổi giận trách cứ mà trái lại ông lại dành cho nó những lời đối thoại nghe như vỗ về “mày đang giết tao cá à nhưng mày có quyền làm như thế”.- Ca ngợi nó bằng những tính từ mỹ miều như “hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao thượng”, và gọi nó là “người anh em” một cách đầy tôn trọng.- Thông điệp sâu sắc đằng sau cung cách đối xử của ông lão với con cá:+ Con cá là biểu tượng cho thiên nhiên và đối với con người nó có quan hệ anh em, cần có cách nhìn tôn trọng, đối xử công bằng, biết ca ngợi và thương xót thiên nhiên vĩ đại, kẻ đã cho ta nguồn sống từ bao đời.+ Muốn giành được chiến thắng trong vinh quang rực rỡ con người cần phải biết tôn trọng kẻ thù, đối xử với họ một cách công bằng.+ Tránh có những cái nhìn phiến diện và biết cảm thông chia sẻ với người khác dù đó có là kẻ thù của chúng ta đi chăng nữa.

Đọc thêm:  Phân tích 12 câu đầu trong đoạn trích Trao duyên của tác phẩm

3. Kết bài

Nêu cảm nhận chung.

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-minh-uê (Chuẩn)

Ernest Miller Hemingway (21 tháng 7 năm 1899 – 2 tháng 7 năm 1961) là một tiểu thuyết gia, nhà văn chuyên viết truyện ngắn đồng thời cũng là một nhà báo nổi tiếng bậc nhất của Mỹ. Nhiều tác phẩm theo nguyên lý tảng băng trôi, ít chữ, súc tích, với những nhân vật trung tâm mang đặc trưng chủ nghĩa khắc kỷ của ông đã trở thành kinh điển trong nền văn học Mỹ, và có nhiều đóng góp quan trọng trong nền văn học thế giới. Trong đó tác phẩm Ông già và biển cả là một trong những tác phẩm thành công và nổi tiếng hơn cả với hai “nhân vật” song song là ông già và con cá kiếm.

Đoạn trích trong sách giáo khoa chỉ là một phần của tác phẩm Ông già và biển cả, mô tả cuộc chiến ngang tài ngang sức giữa hai nhân vật, đồng thời từ những mô tả của tác giả, khiến người đọc rút ra được nhiều những nội dung có ý nghĩa thông qua hình tượng của hai nhân vật. Đầu tiên với hình tượng con cá kiếm, con cá mà ông lão lần mò, theo đuổi nhằm đạt tới ước mơ đánh bắt được con cá lớn nhất, đẹp nhất đời suốt 2, 3 ngày đơn độc trên biển. Với những mô tả của Hemingway, thì đó là một con cá có cái “bóng đen vượt dài dưới mạn thuyền” cùng với cái “đuôi lớn hơn cả một chiếc lưỡi hái lớn, màu tím hồng dựng trên mặt đại dương xanh thẫm”, “thân hình đồ sộ” và “bộ vây to sụ bên sườn xòe rộng “. Và dĩ nhiên rằng đối với thân hình to lớn khác thường ấy thì con cá kiếm này cũng mang trong mình những sức mạnh ghê gớm được phô khoe trong suốt trận chiến cam go với ông lão đánh cá, như một đối thủ ngang tầm ngang sức. Trong khi đó ông lão đánh cá vốn là một ngư phủ thạo nghề, nhiều kinh nghiệm chinh chiến, thế nhưng đối mặt với con cá kiếm to và đẹp này cũng khiến ông chật vật, rệu rã, đầu óc quay cuồng. Dù đã cắn phải lưỡi câu của ông lão thế nhưng nó vẫn liên tục lượn vòng dưới nước, kiềm lại sức kéo câu của ông lão, đôi lúc nó còn cố thoát khỏi lưỡi câu bằng những “cú nẩy mạnh đột ngột”, còn ông lão cảm thấy sức mạnh ghê gớm của con các “thật là sắc và thật là nặng” ở sợi dây mà ông lão đang cố nắm chặt bằng cả hai tay. Đặc biệt không chỉ to đẹp, mạnh mẽ mà ở con cá kiếm hiếm có này người ta còn nhận thấy một phẩm chất rất đáng quý và đáng trọng ấy là sự kiêu hùng bất khuất quyết không khuất phục trước số phận bị mắc câu. Ban đầu khi còn khỏe nó cứ lượn vòng mãi ở xa, không cho ông lão lôi nó vào mạn thuyền, nó dùng hết sức mạnh của mình để tránh xa và đương đầu với một ngư phủ lành nghề, thỉnh thoảng nó cố dùng sức quẫy mạnh hòng thoát khỏi cái móc câu quái ác, hoặc cốt để dây câu đứt, hay hơn là kéo cả kẻ thù xuống nước. Đến khi nó đã hết sức, không thể chiến thắng được ông lão ngư phủ, và chấp nhận cái chết, khi chiếc lao của ông lão phóng xuống nó đã dùng hết bình sinh để “phóng lên khỏi mặt nước phô tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực”. Y như một chiến binh kiêu hùng, dù chết nhưng cũng phải hiên ngang, oai hùng, khiến đối thủ của mình thấy hết được tầm vóc, và sự kiêu hãnh, tạo ra một cái chết thật ấn tượng phù hợp với tư thái của con cá kiếm to đẹp nhất biển cả. Và sở dĩ rằng Hemingway hết lời ca ngợi con cá kiếm, đồng thời gây dựng cho nó một hình tượng đẹp đẽ, kiêu hùng như vậy mục đích là để bộc lộ cái nguyên lý tảng băng trôi trong sáng tác của mình. Đằng sau vẻ đẹp, sự bất khuất của con cá kiếm người ta lại mới nhận ra được dụng ý của tác giả rằng ông muốn con cá phải là một đối thủ ngang sức ngang tài của ông lão đánh cá- một ngư phủ lành nghề kiên cường. Có như thế thì khi cuộc chiến kết thúc cái tài năng và chiến thắng của ông lão mới lại càng được tôn lên bởi một vẻ đẹp tuyệt đối và phi thường hơn tất cả. Bởi lẽ nếu câu kéo được những con cá bình thường thì bất cứ ngư dân tầm thường nào cũng sẵn sàng làm được, còn việc đánh bắt được một con cá kiếm khổng lồ, đẹp cả về ngoại hình lẫn nhân phẩm lại là một thành tựu, một kỳ tích quý báu và không dễ gì có được trong đời. Từ đó tầm vóc của con người trước biển cả, trước thiên nhiên càng trở nên nổi bật, chứng minh khả năng chinh phục thiên nhiên, vũ trụ không giới hạn của con người. Nhưng không dừng lại ở đó, hình tượng con cá kiếm ở đây còn mang nhiều ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, là phần chìm của “tảng băng trôi”, đầu tiên trước hết sự đẹp đẽ, phi thường của nó chính là đại diện cho vẻ đẹp cũng như sức mạnh của thiên nhiên rộng lớn. Từ góc nhìn cuộc sống của con người thì hình tượng con cá kiếm là những thử thách, những chông gai mà chúng ta phải đối mặt, phải vượt qua trong cuộc sống bằng mọi nỗ lực để chạm tới đỉnh thành công. Đồng thời, với góc nhìn nghệ thuật thì sự vĩ đại của con cá lại chính là ẩn dụ cho những ước mơ sáng tạo, ước mơ theo đuổi nghệ thuật hoàn mỹ, tuyệt diệu của giới nghệ sĩ. Ông lão ở đây không chỉ đóng vai trò là một ngư phủ lành nghề, một con người đương đầu với khó khăn mà còn là một người nghệ sĩ đang trăn trở, chạy theo khao khát làm nên nghệ thuật, thành tựu, khẳng định tên tuổi cho cuộc đời câu kéo, lênh đênh trên biển của mình.

Đọc thêm:  Nghị luận tác phẩm Đại cáo bình Ngô - Bài văn mẫu lớp 10

Với hình tượng ông lão đánh cá Xan-ti-a-gô, đặc điểm đầu tiên ta nhận thấy đó là ông được đặt vào một cuộc chiến không cân sức, khi bản thân ông tuổi đã cao, sức đã yếu, lại thêm đã lênh đênh trên biển mấy ngày, đồ ăn thức uống thiếu thốn, hư hỏng,… đặc biệt là cô độc, trơ trọi, một mình trên con thuyền nhỏ không ai giúp đỡ, hết nói chuyện với chim, hoa, lá, lại rơi vào trầm mặc, đợi chờ một con cá lớn nhất đời xuất hiện. Đối thủ của ông lại là một con cá kiếm béo mẫm lên tới hàng tấn, đầy sức mạnh, đặc biệt nó là còn là loài ở dưới biển khơi vốn đã quen vẫy vùng, thêm nữa nó lại còn rất kiêu hùng, bất khuất, sẵn sàng chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Thế nhưng chính từ cái hoàn cảnh không cân sức này mà chiến thắng của ông lão lại càng thêm rực rỡ, huy hoàng hơn cả. Nhờ những phẩm chất tốt đẹp, quý giá mà ông lão đã trở thành người chiến thắng sau cùng, vượt lên trên tất cả những khó khăn mà tình thế mang lại. Đầu tiên ấy là sự thành thạo, mưu trí và kinh nghiệm trong nghề đánh cá, khi Chỉ cần nhìn độ nghiêng, độ chếch của sợi dây câu, ông đã có thể biết con cá đang bơi vòng tròn hay liên tục ngoi lên trong lúc bơi, cũng cảm nhận được sự quẫy quật mạnh mẽ của con cá dưới nước khi thấy sợi dây đánh động. Nhạy bén trong việc nhận biết xem con cá đang làm gì dưới biển khơi dựa vào sự căng chùng của sợi dây để suy xét việc sẽ kéo con cá vào gần mạn thuyền một cách cẩn thận làm sao cho con cá kiệt sức mà không khiến nó nổi giận, phát cuồng lên kéo cả ông xuống biển. Sự lành nghề của ông lão đánh cá còn bộc lộ trong giây phút ra đòn quyết định khi ông nắm chắc cây lao và phóng thẳng vào tim con cá kiếm khiến nó lập tức mất mạng sau khi quẫy mình bay lên không trung.

Một phẩm chất thứ hai đóng vai trò quyết định trong việc chiến thắng con cá kiếm ấy chính là niềm tin và sự kiên trì của ông lão suốt cuộc đánh bắt cam go không cân sức. Điều đó bộc lộ trong việc suốt quá trình hành động, đương đầu với con các ông lão đã liên tục tự nhắc nhở, động viên bản thân bằng những câu nói như “chỉ hai ba vòng nữa thôi ta sẽ có nó”, rồi thì “tao sẽ tóm được mày ở đường lượn, ta sẽ di chuyển được nó”, hoặc “lần này ta sẽ lật được nó”,… Dù rằng đã rất nhiều lần sự mạnh mẽ và kiên cường của con cá khiến ông lão nhiều lần bị hụt hẫng, nhưng không vì thế mà ông buông xuôi. Ý chí, nghị lực phi thường đã khiến ông cầm trụ đến cuối cùng, dù đã cạn kiệt sức lực, bản thân bị đe dọa bởi những cơn hoa mắt chóng mặt, sự mệt mỏi rệu rã tưởng sắp ngất, đôi mắt nhòe mờ, đôi chân tê mỏi sắp chuột rút,… Nhưng xét về sự kiên cường có lẽ không ai có thể qua được cái con người dù thể lực sắp về không, trái lại ý chí, niềm tin và sức mạnh tinh thần lúc nào cũng đầy ắp không gì lay chuyển được. Thông qua chiến thắng phi thường của ông lão, tác giả Hemingway đã gửi gắm đến độc giả nhiều thông điệp có ý nghĩa. Đầu tiên ấy là bài học về những chiến thắng oanh liệt, con người nếu muốn đạt được những thành tựu to lớn họ buộc phải trang bị cho mình trí tuệ, kinh nghiệm, niềm tin và ý chí, kiên cường bền bỉ không chấp nhận từ bỏ khi chưa đến phút cuối cùng. Thông điệp thứ hai ấy là sự tin tưởng vào thắng lợi của con người trong quá trình chinh phục thiên nhiên, tin tưởng vào sức mạnh, tầm vóc của con người trong công cuộc lao động, cũng như trong việc chinh phục những thử thách tưởng như nằm ngoài tầm với. Đồng thời khẳng định ca ngợi vẻ đẹp và sức mạnh của con người.

Đọc thêm:  Khối C03 Gồm Những Ngành Nào? Các Trường Xét Tuyển Khối C03

Không chỉ trong cuộc chiến không cân sức mà vẻ đẹp của ông lão còn được tái hiện thông qua những suy nghĩ, ánh nhìn của ông lão về con cá kiếm. Trái với lẽ thường khi con người đứng trước đối thủ một mất một còn họ hay có những quan điểm tiêu cực, sự thù ghét, bực dọc, đôi khi là sự xem thường. Thì với ông lão, ông lại dành cho con cá những cái nhìn rất tích cực và cách đối xử công bằng, khi kéo dây câu ông cố gắng không làm nó đau quá. Rồi những lúc nó khiến ông mệt mỏi muốn đổ sụp xuống ông cũng không hề nổi giận trách cứ mà trái lại ông lại dành cho nó những lời đối thoại nghe như vỗ về “mày đang giết tao cá à nhưng mày có quyền làm như thế”, rồi có lúc ca ngợi nó bằng những tính từ mỹ miều như “hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao thượng”, và gọi nó là “người anh em” một cách đầy tôn trọng. Từ nguyên lý tảng băng trôi ta lại nhìn nhận được những thông điệp sâu sắc đằng sau cung cách đối xử của ông lão với con cá. Con cá là biểu tượng cho thiên nhiên và đối với con người thiên nhiên có quan hệ mật thiết, dù rằng từ xưa đến nay con người luôn tìm cách chế ngự, làm chủ thiên nhiên, trong mối quan hệ đối địch thế nhưng ta cũng cần có cách nhìn tôn trọng, đối xử công bằng, biết ca ngợi và thương xót thiên nhiên vĩ đại, kẻ đã cho ta nguồn sống từ bao đời. Con người không nên tàn phá, xem thiên nhiên như kẻ thù mà chinh phục, điều ấy chỉ đem đến cho chúng ta những hậu quả xấu xa và tồi tệ. Đồng thời nếu muốn giành được chiến thắng trong vinh quang rực rỡ con người cần phải biết tôn trọng kẻ thù, đối xử với họ một cách công bằng và kính cẩn, không nên khinh địch, cần nắm rõ và dò xét đối phương cẩn thận, ca ngợi những cái tốt đẹp và tìm những điểm yếu kém. Tránh có những cái nhìn phiến diện và biết cảm thông chia sẻ với người khác dù đó có là kẻ thù của chúng ta đi chăng nữa, để giữ cho cuộc đời được thăng bằng.

Câu chuyện ông lão đánh cá kiên trì săn đuổi con cá lớn nhất đời là biểu tượng cho vẻ đẹp của ước mơ thành tựu và hành trình đầy gian khổ, khó khăn của con người để biến ước mơ thành hiện thực. Về nghệ thuật, bên cạnh việc dãn truyện của tác giả thì những đoạn độc thoại của nhân vật đã khiến cho hình tượng ông lão hiện lên một cách rõ ràng từ tâm trạng, sức khỏe, ý chí và cả những suy nghĩ, cách nhìn của ông lão về con các kiếm. Đồng thời cũng thấy được rất nổi bật phong cách tảng băng trôi của tác giả thông qua việc đưa ra những hình ảnh đơn giản, kết cấu giản dị, nhưng lại ẩn giấu những thông điệp sâu sắc.

-HẾT-

https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-tac-pham-ong-gia-va-bien-ca-cua-he-minh-ue-57871n.aspx Bài viết là những cảm nhận trực quan về một trích đoạn trong tác phẩm Ông già và biển cả để thấy được những nét đặc sắc, độc đáo trong sáng tác của Hemingway. Để tìm hiểu sâu thêm về đoạn trích và các nhân vật trong tác phẩm mời các em tìm đọc các bài Soạn bài Ông già và biển cả, Phân tích cảnh đương đầu với đàn cá dữ trong đoạn trích Ông già và biển cả, Phân tích Ông già và biển cả của Hemingway, Ông già và biển cả là một bản anh hùng ca ngợi tư thế ngạo nghễ, hào hùng của con người.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button