Dàn ý phân tích Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan
Qua đèo Ngang là một trong bài thơ xuất sắc nhất của Bà Huyện Thanh Quan mà chúng ta được biết tới, để phân tích hoặc cảm nhận về bài thơ này thì các em có thể tham khảo dàn ý dưới đây nhé:
Dàn ý phân tích tác phẩm Qua Đèo Ngangcủa Bà Huyện Thanh Quan
Dàn ý 1:
1. Mở bài
– Giới thiệu đôi nét về tác giả Bà Huyện Thanh Quan và tác phẩm Qua đèo Ngang.
+ Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, quê ở Nghi Tàm, Thăng Long.
+ Bài thơ Qua đèo Ngang tả cảnh đèo Ngang lúc ngày tàn, qua đó nhà thơ cũng thể hiện những tâm tư trong lòng mình.
Ví dụ:
Bà Huyện Thanh Quan là một người phụ nữ tài năng và xinh đẹp, bà có một tác phẩm đặc sắc mà chúng ta đều biết tới đó là Qua đèo Ngang. Tác phẩm thể hiện cảnh đèo Ngang tuy đẹp nhưng lại rất heo hút, đồng thời thể hiện tâm trạng nhớ thương quê nhà của nhà thơ.
2. Thân bài – Chia bài làm 4 phần và phân tích nội dung của chúng
a. Hai câu đề
– Thời điểm nữ thi sĩ bước tới đèo Ngang.
– Gợi tả cảnh quan con đèo.
b. Hai câu thực
– Cuộc sống và con người nơi đèo Ngang, cảnh vật có sự đối nhau.
– Sử dụng từ láy lom khom, lác đác làm tăng thêm sự hoang vắng, nghèo nàn của khung cảnh.
c. Hai câu luận
– Tiếng kêu quốc quốc, gia gia càng làm tăng thêm nỗi nhớ nhà.
– Sử dụng phép đối và đảo ngữ, vừa tạo hình, vừa tạo nhạc.
d. Hai câu kết
– Tâm trạng ngơ ngác, bồi hồi của nữ sĩ khi dừng chân đứng lại để nhìn ngắm cảnh đèo.
– Nhận ra cái cô đơn, lẻ loi của mình giữa không gian bao la.
3. Kết bài
– Nêu cảm nghĩ chung đúc kết lại của em về bài thơ Qua đèo Ngang.
Ví dụ:
Qua bài thơ Qua đèo Ngang ta có thể thấy được cảnh núi non hùng vĩ và hoang sơ của đèo Ngang, một cảnh đẹp của đất nước. đồng thời ta còn thấy được tình yêu quê và nỗi nhớ quê của người phụ nữ xa quê rất cô đơn và rất buồn bã.
Dàn ý 2:
Dàn ý cảm nghĩ về bài thơ Qua Đèo Ngang
I. Mở bài :
Giới thiệu về tác giả Bà Huyện Thanh Quan và bài thơ “Qua Đèo Ngang”.
Gợi ý
Trong đội ngũ những nữ thi sĩ của nền văn học trung đại Việt Nam, Bà Huyện Thanh Quan là cây bút tài hoa và độc đáo mang phong cách tao nhã và cổ điển. Bài thơ “Qua Đèo Ngang” là một bài thơ như thế.
“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta. “
II. Thân bài :
a. Khái quát:
– Bài thơ được viết bằng chữ Nôm, thuộc thể thơ Đường thất ngôn bát cú với thanh điệu, vần điệu, bố cục, đối xứng rất hài hòa, tự nhiên, đúng niêm luật. Bài thơ như một bức tranh vẽ lại một vùng non nước miền Trung đất Việt hùng vĩ mà hoang sơ, gợi cảm.
b. Bốn câu thơ đầu:
– Trên con đường từ Bắc vào Nam tác giả đặt chân tới Đèo Ngang vào thời điểm bóng xế Đây là thời điểm cuối ngày khi hoàng hôn buông xuống, nắng nhạt màu sắp tắt đó là khoảng thời gian gợi buồn cho lòng người nhất là với người lữ khách trên chặng đường xa. Âm ”a” kết hợp với thanh bằng tạo âm hưởng trầm lắng gợi mở không gian lặng lẽ mênh mang của trời chiều nơi Đèo Ngang.
– Cảnh vật có lá, hoa, cỏ với những đường nét nhẹ nhàng, thanh đạm. Dường như cây cối như đang chen chúc vươn lên một sức sống hoang dã.
– Hai câu thơ đầu đã phô bày sự hoang dã núi rừng, cái ngút ngàn của câu cỏ.Trong không gian ấy, tâm trạng bắt đầu hé mở.
– Hai câu thơ tiếp theo là những nét phác họa cảnh Đèo Ngang nhìn từ xa, nhìn từ trên xuống ” Lom khom.. nhà”
– Các từ láy “lom khom”, “lác đác” mô tả trạng thái của cảnh vật và con người nơi đây. Con người đã xuất hiện. Các lượng từ “mấy, vài” càng gợi thêm sự thưa thớt, tiêu điềm.
-> Sự đối lập giữa núi sông ngút ngàn với sự xuất hiện ít ỏi của sự sống, con người đã nhấn mạnh thêm sự vắng vẻ, heo hút nơi đây.
c. Bốn câu thơ cuối :
– Đằng sau bức tranh tả cảnh là nỗi niềm của người lữ khách có chút gì đó buồn thương cho cuộc sống nơi đây.
– Tiếng chim quốc nhớ nước, tiếng chim đa đa thương nhà cũng chính là tiếng lòng thiết tha của nhà thơ nhớ gia đình, nhớ về một thời vàng son của đất nước đã qua. Hai từ ” quốc quốc , gia gia” vừa tả thực nói về hai loại chim, cũng là một hình ảnh ẩn dụ gợi liên tưởng tới “quốc -gia”, Tổ Quốc và gia đình, nước và nhà đã và đang cất tiếng kêu.
– Hai câu thơ cuối nhân vật trữ tình đã bày tỏ trực tiếp cảm xúc, tâm trạng. Ngòi bút tả cảnh ngụ tình chuyển sang ngòi bút tâm trạng hướng vào nội tâm. Đứng trước cảnh ” trời, non, nước ” bao la, hùng vĩ, nhà thơ cảm thấy mình như nhỏ bé hẳn lại, nỗi nhớ nhà, thương nước càng thêm da diết, thẳm sâu. Vậy mà không có ai, không tìm được ai để san sẻ tâm tình chỉ còn” ta với ta” . Ở đây lại xuất hiện sự đối lập của cảnh ” trời, non, nước ” rộng lớn với ” một mảnh tình riêng ” nhỏ bé. Cảnh càng rộng lớn, hùng vĩ bao nhiêu thì mảnh tình riêng càng nặng nề, khép kín bấy nhiêu. Cụm từ ” ta với ta” bộc lộ nỗi cô đơn gần như tuyệt đối của tác giả. Nhưng đây không phải là nỗi cô đơn tiêu cực, bị lụy mà là tấm lòng đau đáu, thiết tha của nữ sĩ Thanh Quan đối với đất nước, đối với gia đình, đáng cảm thông và trân trọng.
d. Nhận xét chung:
– Thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú
– Sử dụng từ láy độc đáo, hình ảnh ẩn dụ , nghệ thuật đối lập.
– Cảnh vật rộng lớn bao la nổi bật tâm trạng của con người với nỗi buồn riêng.
III. Kết bài :
Nêu suy nghĩ em về tác phẩm.
Trên đây là dàn ý phân tích đối với bài thơ Qua Đèo Ngang mà Đọc tài liệu tổng hợp được, mong rằng với dàn ý này các em sẽ hiểu và hoàn thiện được bài văn phân tích, cảm nghĩ về tác phẩm này.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!