Phát triển tính thẩm mĩ – nhân văn cho trò trong giờ Ngữ văn

Sau đây là một số biện pháp nhằm phát triển năng lực thẩm mĩ cho học sinh qua dạy học tác phẩm văn chương.

Đọc diễn cảm văn bản tác phẩm

Tác phẩm văn chương là những thực thể tinh thần tồn tại qua chất liệu ngôn ngữ. Không tri giác được ngôn ngữ nghệ thuật, lớp vỏ vật chất của tác phẩm thì không thể đi vào thế giới nghệ thuật sống động.

Đọc là hoạt động đầu tiên và quan trọng khi tiếp xúc tác phẩm văn học, cũng là khâu đầu tiên của quá trình khám phá, giải mã tác phẩm nghệ thuật. Văn bản trở thành tác phẩm khi nó được sống trong sự “đọc” của học sinh.

Dạy học Ngữ văn theo yêu cầu phát triển năng lực của học sinh cần chú trọng đến hoạt động đọc diễn cảm. Đọc diễn cảm là việc thực hiện hành động đọc bộc lộ đối với văn bản trong đó người đọc thể hiện khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách trôi chảy, đầy cảm xúc kết hợp với các yếu tố khác như nét mặt, điệu bộ… để diễn tả và truyền đạt lại tình cảm của nhân vật, của người kể chuyện, của nhà văn được thể hiện trong tác phẩm và chính thái độ, cảm xúc của bản thân đối với văn bản tới người nghe.

Đọc diễn cảm không đơn thuần là chỉ đảm bảo đọc đúng hình thức câu chữ mà quan trọng hơn là phải thể hiện được linh hồn của thế giới ngôn từ tác phẩm. Muốn đọc diễn cảm đạt hiệu quả cao cần có sự đánh giá chính xác và sinh động với những vấn đề đặt ra trong tác phẩm, đọc kĩ để giải mã ngôn từ, phát hiện thái độ, thông điệp nhà văn gửi gắm.

Ví dụ, trong thi phẩm Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, bao trùm toàn bộ bài thơ là nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy gợi về những kỉ niệm, những hình ảnh đoàn binh Tây Tiến cùng chặng đường hành quân với nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau được diễn tả bằng những giọng điệu phù hợp. Ở đoạn 1, câu thơ mở đầu bằng tiếng gọi da diết cùng từ cảm thán ôi cần đọc với giọng điệu tha thiết.

Đoạn 2, tái hiện kỉ niệm về những đêm liên hoan thắm tình quân dân, giọng điệu cần hồn nhiên, tươi vui. Khi tái hiện trực tiếp bức chân dung và sự hi sinh của người lính Tây Tiến cần đọc giọng trang trọng, trầm lắng.

Đọc diễn cảm thể hiện sự thấu cảm của người đọc về tác phẩm, kích thích quá trình tâm lí, cảm thụ, tri giác, tưởng tượng của học sinh, tạo ra bầu không khí văn chương giàu cảm xúc, khơi gợi hứng thú ở người học.

Kích thích liên tưởng trong việc phân tích, khám phá hình tượng thẩm mĩ của tác phẩm Liên tưởng chỉ mối liên hệ giữa yếu tố tâm lí, nhờ đó sự xuất hiện của một yếu tố này trong điều kiện nhất định gây nên một yếu tố khác liên quan với nó.

Liên tưởng là sự tái hiện hiện thực nhờ liên hệ giữa hiện thực đang có với hiện thực đã từng có, đã qua, nghĩa là từ việc này, hình ảnh này đang diễn ra trong quá trình tâm lí thì nghĩ đến việc khác, hình ảnh khác có thể cùng loại hoặc khác loại nhưng cùng nằm trong một trường liên tưởng.

Đọc thêm:  Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy tâm trạng của một thanh

Để chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật, giáo viên cần dẫn dắt để khơi gợi liên tưởng của học sinh, tạo những rung động, hứng thú, cảm xúc của người học đối với vẻ đẹp của tác phẩm.

Một trong những cách khơi gợi liên tưởng của học sinh đó là giáo viên có thể hướng dẫn người học so sánh, liên tưởng những hình ảnh, hình tượng tương đồng hoặc tương phản trong cảm nhận tác phẩm văn chương. Từ sự liên tưởng người học kết nối các hình ảnh, hình tượng để nhận ra được vẻ đẹp nghệ thuật độc đáo của từng tác phẩm.

Chẳng hạn, cùng viết về mảnh đất Tây Bắc nhưng tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Tây Tiến (Quang Dũng), Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân), Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên) có những vẻ đẹp riêng.

Tô Hoài là nhà văn của đời thường, của những câu chuyện thường ngày. Nhưng viết tập Truyện Tây Bắc trong đó có Vợ chồng A Phủ – nhà văn của vùng đất ven đô lại là người tiên phong, khai mở cho đề tài miền núi trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

Ông là nhà văn của phong tục, trầm tích của bản sắc văn hóa, là phần tâm linh của cộng đồng ở miền rẻo cao. Tục cướp vợ, uống máu ăn thề, những đêm tình mùa xuân có tiếng sáo gọi bạn, tết đến xuân về hội hè, áo váy tưng bừng, ném còn, đánh pao, đánh quay…

Viết về phong tục xứ lạ, Tô Hoài viết với tất cả tấm lòng của người trong cuộc, viết do sự thôi thúc để trả món nợ ân tình vì đất nước, con người miền Tây đã để thương, để nhớ trong tôi. Bởi vậy từ những trang viết, một chất thơ vời vợi bay lên từ cảnh vật và con người nơi núi rừng tuyệt vời thơ mộng.

Miền Tây thơ mộng, miền Tây phiêu bồng tráng liệt, kí ức về một thời trận mạc tuôn trào hóa thành Tây Tiến. Quang Dũng viết nên khúc độc hành, nhịp điệu khi căng, khi chùng, lúc uy nghi như tòa thạch, lúc gân guốc như vách đá hoang sơ, lúc bồng bềnh như mây như nước.

Bức tượng đài đoàn binh không mọc tóc lẫm liệt oai phong, rất sang và rất đẹp xây giữa hồn thơ Quang Dũng nhưng lại đem đặt chơi vơi giữa ngàn non, ngàn mây, ngàn cây Tây Bắc – âm vang vọng mãi tiếng gọi hoang sơ của núi rừng.

Bức tượng đài đẫm chất Kinh Kha và cả chất thi sĩ phiêu lãng giang hồ như Mây ở đầu ô, mây lang thang. Hào hùng, bi tráng và tài hoa lãng mạn, Tây Tiến – kiệt tác là một cấu trúc ngôn từ đa thanh, hoàn mĩ.

Tây Bắc nhìn từ một dòng sông, Nguyễn Tuân chỉ huy một đội quân ngôn từ hùng hậu, đua tài với hóa công. Bài ca lao động và bài ca ngôn từ song hành trong một áng văn kì lạ.

Nguyễn Tuân đã kể chuyện về Sông Đà, làm thơ và ca hát về Sông Đà, dệt nên một tấm lụa ngôn từ, một bản giao hưởng ngôn ngữ nên thơ và hoành tráng, đọng lại bao nhiêu là tài hoa và uyên bác Cái độc đáo vô song, điểm nổi bật xuyên suốt các trang văn của Nguyễn Tuân xét ở bình diện ngôn ngữ là: Lấy sự thay đổi liên tục làm nét ổn định, luôn luôn mới lại chính là điểm thống nhất ở mỗi dòng, mỗi trang ông viết. Đó là bí quyết tạo những đột biến, bất ngờ khiến người đọc sửng sốt để rồi thán phục, rồi dẫn dụ, thôi miên vào mê hồn trận của thế giới cái Đẹp.

Đọc thêm:  Bài văn Cảm nhận bài thơ Lầu Hoàng Hạc, hay, đặc sắc - Thủ thuật

Ở đâu chưa đi thì lòng sẽ đến

Lúc trở về lòng ngậm những cành thơ

(Qua Hạ Long – Chế Lan Viên)

Tiếng hát con tàu là một trong những cành thơ đẹp nhất mà Chế Lan Viên dành cho miền Tây Bắc. Hồn thơ hóa con tàu tâm tưởng, hăm hở, say sưa, háo hức trong hành trình về với cuộc đời rộng lớn.

Thơ nói về chính trị một cách văn hóa sang trọng bằng ngôn từ lấp lánh những hình ảnh tân kì, mới lạ, chói lọi. Chất trữ tình – triết luận vừa lấp lánh chất trí tuệ, vừa say đắm nồng nàn, thăng hoa tạo nên những câu thơ siêu hạng, những câu thơ hay nhất của đời thơ Chế Lan Viên:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn

Hoặc:

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

Thông qua liên tưởng, so sánh, kết nối những hình ảnh, hình tượng được thể hiện bằng những thể loại khác nhau, phong cách nghệ thuật khác nhau nhưng đều hướng tới thế giới của cái đẹp. Mỗi cá tính sáng tạo độc đáo đem đến cho miền Tây Bắc những vẻ đẹp phong phú, đa dạng, thật nhiều hương sắc, hấp dẫn, quyến rũ.

Sự so sánh, liên tưởng là đầu mối của những rung động thẩm mĩ, cần thiết để lĩnh hội vẻ đẹp bên trong của hình tượng lại vừa giúp mở rộng, đào sâu sự sống chứa đựng trong đó. Trong quá trình dạy học tác phẩm văn chương có thể phát huy liên tưởng của học sinh để khơi gợi những rung động, hứng thú, cảm xúc của người học để học sinh làm giàu thêm vốn sống, vốn văn hóa.

Phát triển tính thẩm mĩ - nhân văn cho trò trong giờ Ngữ văn ảnh 1
Cảnh đẹp Tây Bắc minh họa cho bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên. Ảnh: INT

Khơi gợi cảm nhận mang sắc thái cá nhân trong việc chiếm lĩnh tác phẩm văn học

Để giúp học sinh cảm nhận những giá trị thẩm mĩ được khơi gợi từ tác phẩm văn học, bồi dưỡng năng lực cảm xúc thẩm mĩ cho người học trong quá trình dạy học môn Ngữ văn thì cần phải thoát ra khỏi tình trạng độc quyền, độc tôn trong quá trình chiếm lĩnh giá trị thẩm mĩ của tác phẩm văn học. Trong giờ dạy tác phẩm văn chương, người học tiếp xúc với văn bản tác phẩm, nghiền ngẫm, đưa ra những nhận xét, đánh giá của riêng mình từ việc đối thoại.

Người học đối thoại với chính mình, đối thoại với nhân vật trong tác phẩm, đối thoại với nhà văn, đối thoại với các ý kiến khác của các bạn, của thầy, tranh luận giữa các cách hiểu, cách đánh giá… kết quả của các giờ học đó tất yếu phải là sự đa dạng do sự phân lập của các trình độ cảm thụ mà có những cách hiểu khác lạ, cách trình bày lạ và không thể có tiếng nói cuối cùng.

Đọc thêm:  Viết 4 - 5 câu về tranh (ảnh) cảnh vật thiên nhiên - VnDoc.com

Tinh thần “đồng thuận”, tình trạng “đồng phục hóa” được thay bằng sự “đa nguyên”. Dĩ nhiên, những khám phá, cảm nhận riêng biệt của học sinh phải tuân thủ quy luật tiếp nhận văn học, đúng với bản chất của hình tượng nghệ thuật chứ không thể là những suy diễn tùy tiện, cứng nhắc.

Muốn vậy, giáo viên cần trang bị cho học sinh vốn tri thức khoa học về văn chương, kĩ năng phân tích, tiếp nhận văn học, kích thích tò mò, sự đam mê của người học để học sinh thực sự trở thành chủ thể tiếp nhận tích cực, chủ động. Học sinh có thể đa dạng các hoạt động chiếm lĩnh giá trị thẩm mĩ của tác phẩm bằng những phương pháp truyền thống hoặc các phương pháp hiện đại.

Chẳng hạn, khi tiếp nhận tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, học sinh có thể tiếp cận theo hướng xã hội học để nhận thấy nội dung phản ánh hiện thực, phản ánh mâu thuẫn giai cấp, tinh thần tố cáo, nội dung nhân đạo.

Cũng có học sinh khám phá tác phẩm trên phương diện quan niệm nghệ thuật về con người, điểm nhìn nghệ thuật, bút pháp tự sự… với nhiều vấn đề được đặt ra như: Chân dung gốc của Chí Phèo, khả năng tái sinh của Chí Phèo, Chí Phèo – một dư căn xã hội; đặt Chí Phèo trong hệ thống nhân vật xấu xí của Nam Cao; so sánh nhân vật Chí Phèo với AQ.

Để phát triển năng lực thẩm mĩ cho học sinh trong dạy học Ngữ văn thì sự nỗ lực, chủ quan của người thầy giáo là nhân tố có ý nghĩa quan trọng.

Người dạy văn phải có tài năng, có tình yêu đối với cái đẹp, có năng lực cảm nhận khám phá cái đẹp, nhận diện những cái đẹp còn ẩn tàng sau những con chữ câm lặng trên mặt giấy, có một tinh thần lao động bền bỉ, cần cù, khoa học để xử lí khối lượng thông tin đồ sộ, hệ thống hóa thành kho tư liệu phục vụ cho công việc giảng dạy.

Là người dạy học dĩ nhiên tài năng sư phạm là nhân tố rất quan trọng: Tổ chức, điều hành hướng dẫn học sinh học tập, rèn kĩ năng làm việc cá nhân, làm việc theo nhóm; tạo tâm thế truyền cảm hứng, kích thích sự tìm tòi sáng tạo của người học.

Tất cả năng lực, phẩm chất đó hình thành nên một “cái tôi” của giáo viên dạy văn là sự hợp thành của những nét tính cách đặc thù có sự khác biệt.

“Cái tôi” của người dạy văn là phải có tố chất nghệ sĩ để tiếp nhận, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, giải mã văn bản, tìm tòi khám phá, nhập cuộc, hóa thân, sống trong thế giới tưởng tượng của mình với những cảm xúc riêng, kí ức, khát vọng riêng để chuyển đổi tác phẩm nghệ thuật thành một vũ trụ tình cảm, cảm xúc.

Mặt khác, giáo viên dạy văn cần phải có tố chất của người làm khoa học, sử dụng thành thạo các thao tác tư duy logic, phân tích, tổng hợp, đánh giá… để khám phá bản chất của các hiện tượng, sự vật.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button