Kể việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ (9 mẫu)
Tập làm văn lớp 5: Kể một việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ gồm 9 mẫu, giúp các em rèn kỹ năng kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia – Kể chuyện lớp 5 tuần 21 – SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 2 trang 29 thật tốt.
Với dạng đề này, các em có thể kể những việc làm như chăm sóc mộ liệt sĩ, thăm nom giúp đỡ các gia đinh liệt sĩ neo đơn, khó khăn… Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để rèn kỹ năng kể chuyện thật tốt:
Đề 3: Kể một việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ.
Gợi ý Kể một việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ
- Liệt sĩ và thương binh là những người đã dũng cảm hi sinh tính mạng hoặc một phần thân thể để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc và cuộc sống của nhân dân.
- Các việc làm thể hiện lòng biết ơn thương binh, liệt sĩ: chăm sóc mộ liệt sĩ, thăm nom giúp đỡ các gia đinh liệt sĩ neo đơn, giúp đỡ các cô, chú thương binh gặp khó khăn,…
Dàn ý kể việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ
1. Mở bài
- Giới thiệu về lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ
- Giới thiệu về việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh liệt sĩ
2. Thân bài
– Thời gian, địa điểm diễn ra sự việc: Vào ngày 27/7, tại nghĩa trang liệt sĩ
– Hoàn cảnh diễn ra sự việc: trong buổi lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ,…
– Kể lại diễn biến việc làm thể hiện lòng biết ơn thương binh, liệt sĩ
- Em đã làm việc gì, cùng với ai?
- Em cảm thấy thế nào khi làm việc đó?
3. Kết bài
- Nêu cảm nhận của em về việc làm biết ơn thương binh, liệt sĩ
Việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ – Mẫu 1
Vào một buổi sáng, bầu trời xám xịt vì cơn mưa cứ rả rích kéo dài. Ở dòng suối cuối làng, nước chảy cuồn cuộn, mùa nước lũ đã tràn về. Trên dòng suối là chiếc cầu đơn sơ, chỉ có một ống dầm dài và tròn bắc ngang, phía trên là hai cây tre nối lại làm chỗ vịn.
Lúc ấy có một anh thương binh cụt một chân, vai mang ba lô chống đôi nạng sắt, đứng tần ngần bên bờ suối, khuôn mặt thoáng vẻ lo âu. Trong lúc đó có một em bé chừng chín, mười tuổi tiến đến gần anh thương binh hỏi nhỏ:
– Chú ơi! Sao chú lại đứng ở đây? Chú sang bên kia không?
Anh thương binh buồn rầu nói:
– Chú có việc gấp mà không sang được.
Em bé nói tiếp:
– Để cháu giúp chú vậy! Nhưng… chiếc cầu này nguy hiểm quá chú nhỉ.
– Ừ, nó lắt léo thế này, cháu đưa chú sang không an toàn đâu.
– Vậy, thì làm sao bây giờ. Hay là đế cháu thử đi qua trước một lần xem sao!
Em bé bước lên cầu và chậm rãi đi từng bước, sang đến bên kia, em quay trở lại rồi nói với chú thương binh:
– Cháu sẽ dắt chú sang, không việc gì đâu! Cháu sẽ đưa đôi nạng sang trước rồi quay lại đón chú.
Thế là em bé dìu anh thương binh đi. Cả hai người nhích từng bước một. Đến giữa cầu, chú bé trượt chân suýt nữa rơi xuống dòng suối may mà chú bám được vào tay vịn, người đánh đu ra khỏi ống dầm sắt, rồi em bình tĩnh trở lại, động viên chú thương binh. “Tại trời mưa, ông cầu trơn quá,đây thôi! Nào, chú cháu mình lại đi tiếp!”. Qua khỏi chiếc cầu nguy hiểm, anh thương binh cảm ơn cậu bé rối rít. Em mỉm cười đáp:
– Có gì đâu chú, đấy là tình cảm của cháu mà. Bây giờ chú còn đi đến đâu?
– Chú về bến xe cháu ạ!
– Ồ, thế thì thích quá, cháu đi cùng đường với chú đấy. Nhà ba ngoại cháu cùng ở gần bến xe.
– Số xe chủ đây rồi! Chú thực lòng cảm ơn cháu, cháu ngoan quá.
– Để cháu đỡ chứ lên xe nhé!
Em bé giúp chú bước lên xe. Chiếc xe nổ máy và bắt đầu chuyển bánh. Chú bé sung sướng nhìn theo chiếc xe khuất dần sau quãng đường cong mới trở về nhà ngoại.
Việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ – Mẫu 2
Chiến tranh đem đến cho dân tộc ta quá nhiều đau thương và mất mát, các chiến sỹ của chúng ta đã chiến đấu oanh liệt, và trong số họ, có nhiều người đã phải nằm lại chiến trường, nhiều người trở thành thương bệnh binh với những di chứng mang theo cả cuộc đời. Dưới đây là câu chuyện em sẽ kể về một việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sỹ.
Ngày hôm ấy là ngày thương binh liệt sỹ 27 tháng 7, trường em tổ chức cho học sinh dọn dẹp và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ. Theo bảng phân công, chúng em mỗi người mang một vật dụng gồm có chổi, hót rác, gang tay, bao tải. Vào tới nghĩa trang, chúng em mỗi người một việc, bạn thì nhổ cỏ, bạn quét dọn đường đi, lối lại, còn em được đi cùng với cô, nhẹ nhàng lau từng tấm bia, nấm mộ. Vừa làm chúng em vừa nghe các thầy cô kể những câu chuyện về các anh, các chú, những câu chuyện đã cho chúng em thấy được sự hy sinh cao cả mà các anh và các chú đã trải qua để rồi ai cũng trầm trồ, thán phục và cảm thấy biết ơn thế hệ cha anh đi trước. Sau khi đã dọn dẹp khang trang sạch sẽ chúng em cùng các thầy cô, đứng trước tượng đài, đặt lên đó những bông hoa cúc trắng và đốt những nén hương thơm, mọi người cúi đầu tưởng niệm các anh, những người đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập của dân tộc, biết ơn những hy sinh, mất mát của các anh hùng liệt sỹ.
Tạm biệt các chú các anh, bước chân ra về, trong lòng chúng em đan xen nhiều cảm xúc khó tả. Nhưng chắc chắn rằng, trong mỗi chúng em đều có một điều hứa với bản thân mình, sẽ cố gắng học tập, rèn luyện và phấn đấu, để tiếp bước các anh hùng liệt sỹ xây dựng quê hương đất nước.
Việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ – Mẫu 3
Tháng 12 năm nay, trường em phát động đợt thi đua theo chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” với mục tiêu mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh làm được một việc tốt có ý nghĩa để chào mừng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Có lớp tổ chức viết thư gửi các chú bộ đội đang công tác ở hải đảo, ở các chốt biên phòng xa xôi. Có lớp tỏa về các xóm để giúp các gia đình thương binh liệt sĩ. Có chi đội mang quà đến tặng các thương binh hiện đang điều trị tại gia đình. Riêng lớp 5E của chúng em lại đi chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ.
Sáng chủ nhật, chúng em theo cô giáo Thư và bạn Nga, bạn Thành trong Ban chỉ huy Chi đội kéo đến Đồi Ây. Mỗi tổ được phân công mang theo một dụng cụ như cuốc, dao, liềm, chổi. Tổ em được chỉ định mang liềm.
Đúng 7 giờ rưỡi, 39 bạn và cô giáo đã hành quân tới Đồi Ây. Nắng mùa đông vàng nhạt. Gió thổi nhẹ nhưng khá lạnh. Hàng thông, hàng bạch đàn và những khóm liễu xung quanh nghĩa trang lao xao, thì thầm. Mộ 49 liệt sĩ được xây theo 7 hàng thẳng tắp. Đó là các chiến sĩ, cán bộ đơn vị pháo binh đã anh dũng hi sinh trong những trận chiến đấu bảo vệ cầu Thôn năm 1972, năm 1973. Ngôi mộ nào cũng có quốc huy với ngôi sao vàng năm cánh. Em và bạn Lộ, bạn Lan cắt cỏ, nhổ những cây hoang dại quanh từng nấm mồ. Bạn Hương, bạn Quỳnh, bạn Phương đi cắt tỉa các cành liễu bị gió làm gãy, bị sâu làm cho úa vàng. Bạn Trọng, Hùng, đi thay cát mới, cát vàng vào các bình hương trên các mộ chí. Cô giáo chủ nhiệm và các bạn trong Ban chỉ huy Đội đi kiểm tra, đôn đốc. Khi cỏ, cành cây được vun thành đống lấp đầy các hố phía cuối nghĩa trang, cô giáo Thư và tất cả chúng em đi thắp hương lên các ngôi mộ liệt sĩ.
Cô giáo Thư cho biết máy bay Mĩ đến ném bom cầu Thông 6 trận. Cầu bị đánh sập ta lại bắc, giặc lại phá, ta lại xây. Ba máy bay Mĩ bị quân ta bắn cháy. Dân quân, trai tráng, các mẹ trong vùng đều hăng hái, dũng cảm phục vụ chiến đấu viết nên bài ca anh hùng của quê hương.
49 liệt sĩ, mỗi người ở một miền quê xa xôi: Yên Bái, Cao Bằng, Thanh Hóa, Quảng Ngãi… đã yên nghỉ vĩnh viễn tại quê hương chúng em. Cầu Thông năm xưa nay đã được bắc lại bốn nhịp, kiên cố, hiện đại. Quê em đã đổi mới. Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân của chúng em đã được xây dựng rất khang trang. Đến thăm Đồi Ây, đọc tên các liệt sĩ, trở về em cứ nao nao, bồi hồi mãi. Nén hương thơm mà chúng em thắp lên nghĩa trang Đồi Ây mang nặng bao nghĩa tình đối với các anh hùng liệt sĩ. Làng em cũng có 32 người con đi chiến đấu lại chiến trường miền Nam, đi mãi chưa về.
Việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ – Mẫu 4
Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ nhưng hậu quả của nó vẫn còn ghi dấu mãi. Để có được độc lập tự do hôm nay, bao thế hệ đã hi sinh. Họ là những thương binh, liệt sĩ. Học sinh chúng em luôn biết ơn những người anh hùng đó. Để tri ân các thương binh, liệt sĩ, em đã tham gia hoạt động tưởng niệm hàng năm.
Quê hương em là quê hương những anh hùng Cách mạng. Bao người con nơi đây đã ra đi để chiến đấu, để rồi hòa bình lập lại, người trở về người lại mãi mãi nằm tại chiến trường. Hàng năm, địa phương em đều tổ chức hoạt động tri ân ngày 27 tháng 7, Em vẫn nhớ như in lần đầu tiên mình được tham gia hoạt động ý nghĩa đó. Chiều ngày 26 chúng em đã có mặt để làm cỏ, phát quang nghĩa trang liệt sĩ – nơi nhân dân xây dựng để tưởng niệm. Chúng em thắp hương, nhìn những bức ảnh và tên tuổi của họ, niềm xúc động không thể kìm nén. Có những người hi sinh khi tuổi còn rất trẻ. Họ ra đi để lại cả tuổi trẻ còn đang dang dở.
Tối hôm ấy, cả nghĩa trang uy nghiêm và thiêng liêng biết mấy. Tốp học sinh chúng em được phân công cầm cờ, đốt nến và hương. Các anh trong Đoàn xã đọc diễn văn tưởng nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ. Sau đó là văn nghệ. Ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” năm nào cũng vang lên như lời nhắc nhở thế hệ sau. Phần quan trọng nhất là lễ thắp nến tri ân. Trong không gian thiêng liêng, từng ánh nến lần lượt thắp lên, lung linh sáng rực. Đó là lời tri ân của tất cả những người đang sống tới những người đã ngã xuống cho độc lập tự do hôm nay. Họ ra đi để bảo vệ quê hương, để chiến đấu cho Tổ quốc thân yêu. Những người còn sống luôn biết ơn và ghi nhớ công lao của họ. Giây phút tưởng niệm, ai nấy đều xúc động cúi đầu. Có những giọt nước mắt không kìm nén được lặng lẽ rơi. Những người nằm tại nơi đây còn là người thân trong gia đình họ.
Buổi tưởng niệm kết thúc, trên đường về lòng em vẫn bâng khuâng mãi. Sáng hôm sau đó, địa phương em tổ chức đến thăm và giúp đỡ những thương binh. Em cũng xin được tham gia. Men theo những con đường nhỏ, em cùng đoàn đến từng ngôi nhà nhỏ của các cựu chiến binh năm xưa, những người đã chịu tàn phá từ chiến tranh khốc liệt. Chúng em trao đi những món quà, giúp họ dọn dẹp nhà cửa, sân vườn và cùng nghe những câu chuyện kháng chiến. Mỗi câu chuyện lại gợi lên niềm xúc động, lòng biết ơn tha thiết với bao thế hệ cha anh đi trước. Họ không ngại mất mát, không ngại đau thương. Họ cho ra đi với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hiện tại, chiến tranh vẫn in hằn trên cơ thể họ với những nỗi đau thể xác và tinh thần không thể xóa nhòa. Nhưng họ nói không bao giờ hối hận vì sự lựa chọn năm xưa.
Hoạt động tri ân kết thúc để lại nhiều dư âm trong trái tim em. Từ tận đáy lòng mình, mỗi lần tri ân là một lần em thêm biết ơn những thương binh liệt sĩ. Không chỉ trân trọng quá khứ anh hùng mà em còn có ý thức hơn với tương lai của mình, tương lai của cả đất nước.
Việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ – Mẫu 5
Trong dịp nghỉ hè vừa qua, em đã tham gia hoạt động tình nguyện giúp đỡ những người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh trên địa bàn xã.
Em được phân công giúp đỡ gia đình bà Đặng Thị Thanh, người có chồng và con đã hy sinh trong chiến tranh. Bà Thanh năm nay ngoài 80 tuổi, dáng người nhỏ, lưng hơi còng, đôi chân đã chậm, đôi mắt đã mờ nhưng bà vẫn rất minh mẫn. Hàng ngày vào mỗi buổi sáng em sẽ đến phụ giúp bà quét dọn nhà cửa, tưới rau cho bà, rồi lại giặt quần áo, nhặt rau, có hôm lại cùng bà vẽ ngô, bóc lạc,… Những lúc thấy em tới, bà rất vui, lại đem quà bánh cho em ăn, hai bà cháu cùng nhau vừa làm vừa nói chuyện rất vui vẻ, từ ngày em đến giúp đỡ bà, thấy bà vui vẻ và lạc quan hơn rất nhiều. Có hôm bà ốm em lại gọi mẹ sang chở bà đi trạm xá khám rồi mua thuốc cho bà uống. Bà chẳng có người nương tựa bởi hai người thân của bà đã hy sinh cho Tổ quốc, vì thế em nghĩ chúng ta sẽ phải là chỗ dựa cho những người như bà Thanh, để họ không cảm thấy cô đơn.
Sau đó dù đã kết thúc hoạt động tình nguyện nhưng em vẫn thường xuyên đến thăm và giúp đỡ bà Thanh, đối với em bà như một người thân trong gia đình.
Việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ – Mẫu 6
Dịp Tết vừa rồi em đã được theo chân các bác trong thôn đi đến thăm và chúc Tết các gia đình thương binh, liệt sĩ. Em đã làm được một việc có ý nghĩa để thể hiện lòng biết ơn đối với các ông, các bác thương binh, liệt sĩ.
Buổi sáng hôm ấy, em theo đoàn đến thăm gia đình bà cụ Sáu, bà là người có chồng đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn cảnh của cụ vô cùng éo le, cụ sống với hai cháu nội vì con trai và con dâu phải đi làm ăn xa. Nhà cửa chẳng có gì ngoài một gian nhà trống và vài con gà, con lợn, bà nay đã già nhưng lại phải chăm lo cho cháu nhỏ rất vất vả. Thấy mọi người đến bà và hai cháu rất vui, em thấy bà đang quét sân liền chạy tới, dìu bà vào trong nhà tiếp khách còn mình cầm chổi quét thật sạch sẽ chỗ sân còn lại. Sau đó em còn ngồi nói chuyện với hai bạn nhỏ là cháu của bà, các bạn đều ít tuổi hơn em, khi đó em đã hứa sẽ giữ gìn sách vở cẩn thận để gửi tặng hai bạn sau này dùng sách đó đi học không phải mua mới. Mọi người ai cũng bất ngờ trước những việc làm và suy nghĩ của em, riêng em, em cảm thấy rất vui khi làm được điều gì có ích và có ý nghĩa.
Đó là một trải nghiệm vô cùng có ý nghĩa đối với em, được lắng nghe những câu chuyện từ thời chiến tranh đã thôi thúc em phải phấn đấu học tập, để góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc gìn giữ, bảo vệ và phát triển đất nước.
Việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ – Mẫu 7
Phường 3, quận 3 nơi gia đình em ở có phong trào đền ơn đáp nghĩa phát triển mạnh từ mấy năm nay. Nhiều cơ quan xí nghiệp đứng ra xây nhà tình nghĩa cho các gia đình thương binh, liệt sĩ và chăm sóc cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trường tiểu học Võ thị Sáu cũng tham gia tích cực vào phong trào đó.
Cô Thanh giáo viên chủ nhiệm lớp 5A của chúng em đã đứng ra nhận giúp đỡ mẹ Thiện, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Sĩ Đức, hy sinh trong chiến dịch biên giới Tây – Nam.
Bà cụ Thiện có hai người con, chị con gái lớn lấy chồng xa, không có điều kiện chăm sóc mẹ già. Con anh trai là liệt sĩ Đức. Cô Thanh là người cùng tổ dân phố nên rất hiểu tình cảnh khó khăn của cụ, nhất là những lúc cơ nhỡ, ốm đau. Lớp em có 4 tổ, mỗi tổ tới thăm cụ 1 tuần một lần.
Sáng chủ nhật tuần trước, cô thanh cùng các bạn tổ 1 mang thuốc bổ, đường, sữa và trái cây đến thăm vì cụ Thiện đã mệt mấy ngày. các bạn gái quét dọn nhà cửa, còn các bạn trai thì bày trái cây và cắm hoa lên trên bàn thờ liệt sĩ. Cô thanh đốt nhang và dìu bà cụ đứng lên. Bà cụ lầm rầm khấn nguyện trước di ảnh của người con yêu quý của mình, hai hàng nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo. Chúng em lặng đi vì xúc động.
Bà cụ ngồi trên chiếc võng dù mà anh Đức để lại, rồi kể cho chúng em nghe về người con hiếu thảo đã mãi mãi ra đi ở tuổi hai mươi. Tốt nghiệp trường Lê Hồng Phong nhưng anh không học đại học mà tình nguyện nhập ngũ. Trong một trận chiến đấu ác liệt để bảo vệ biên giới Tây Nam của tổ quốc. Anh Đức đã dũng cảm hi sinh. Bà cụ Thiện vẫn còn giữ những kỷ vật của anh thời học sinh, bà cho chúng em xem chiếc cặp da cũ kỹ đựng sách vở, thước kẻ và và cuốn sổ lưu niệm lớp 12 trong đó, trang đầu tiên anh Đức chép bài hát “Tự nguyện” bằng nét chữ nắn nót: “Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng, nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương, nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm, nếu là người tôi xin chết cho quê hương”
Qua lời kể nghẹn ngào của người mẹ già, chúng em đã phần nào hình dung ra anh Đức, một người con hiếu thảo, giỏi giang, trung thực và sôi nổi rất đáng yêu và đáng tự hào.
Việc giúp đỡ gia đình liệt sĩ của chúng em tuy làm chưa được bao nhiêu, nhưng em cảm giác đó là việc tốt, góp phần vào phong trào chung của cả nước, thể hiện truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ – Mẫu 8
Trong kì nghỉ hè vừa qua, một trong những hoạt động làm tôi nhớ mãi, đó là việc các anh chị phụ trách tổ chức cho chi đội tôi đến giúp đỡ gia đình bà Nguyễn Thị Hằng, người có chồng và con hi sinh trong hai cuộc kháng chiến.
Nhà bà Hằng ở Củ Chi, bà năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi, dáng người nhỏ nhắn. Từ ngày giải phóng đất nước đến giờ, bà chỉ sống có một mình, chồng và người con trai cả đã hi sinh trong kháng chiến chống Pháp. Hai người con trai sau của bà tham gia vào đội du kích Củ Chi và cũng đã hi sinh trong một trận càn của địch. Hoàn cảnh gia đình bà thật neo đơn, mấy năm nay do già yếu nên bà không làm ruộng được nữa, ở nhà hưởng chế độ liệt sĩ của chồng và các con.
Khi chúng tôi đến, bà đang lom khom quét nhà. Thấy thế, tôi bèn chạy đến bên bà và nói:
– Bà ơi, để cháu quét cho ạ!
Bà nhẹ nhàng đưa chổi cho tôi và nói:
– Các cháu lại đến thăm bà đấy à? Làm xong lại đây ngồi nói chuyện, uống nước với bà các cháu nhé!
Chúng tôi phân công nhau mỗi người một việc: người quét nhà, người xuống bếp nấu nước, người ra dọn chuồng heo, người quét sân chẻ củi, người tưới rau, nhặt cỏ… Chỉ trong hai tiếng đồng hồ chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.
Tất cả chúng tôi ngồi quây quần bên bà nghe bà kể chuyện: Ngày trước bà là một cô gái xinh đẹp nhất vùng Củ Chi Do hoạt động thanh niên, bà gặp và yêu một chàng cán bộ tuyên huấn. Thế rồi họ lấy nhau. Tình yêu và cuộc sống gia đình của họ rất hạnh phúc. Nhưng rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, bà phải chia tay chồng, ông vào bộ đội và hi sinh ở mặt trận miền Đông. Người con trai cả của bà cũng xin gia nhập quân đội và anh đã hi sinh ở Điện Biên Phủ. Chồng chết, con chết, trên tay người phụ nữ nhỏ nhắn này phải đeo hai chiếc khăn tang. Bà phải chạy ngược chạy xuôi, tần tảo nuôi hai người con trai lúc ấy còn rất nhỏ. Rồi những năm tháng cả miền Nam sôi sục đánh Mĩ, hai người con trai còn lại của bà cũng xin phép mẹ tham gia vào đội du kích xã. Các anh cũng đã lần lượt ra đi.
Đau đớn trước những mất mát, những tổn thất lớn lao, người mẹ anh hùng càng tích cực tham gia kháng chiến.
Bà tình nguyện xung phong vào đội quân “tóc dài” và là Hội trưởng Hội Phụ nữ Củ Chi. Bà được mọi người tin tưởng, yêu mến.
Hòa bình lập lại bà vẫn tiếp tục công tác, nhưng rồi tuổi già, sức yếu, bà phải nghỉ ở nhà.
Lần nào chúng tôi đến cũng được nghe bà kể chuyện về những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ vùng Củ Chi đất thép này. Nhìn bà kể, tôi thấy trên gương mặt bà ánh lên một niềm tự hào và kiêu hãnh. Mỗi lần nghe bà kể xong, tất cả chúng tôi không ai bảo ai đều đến trước bàn thờ thắp một nén nhang cho những người đã hi sinh anh dũng. Bên làn khói nhanh mờ mờ, tôi thầm nói với người đã khuất: “Ông và các bác cứ yên tâm an nghỉ, chúng cháu sẽ thường xuyên đến chăm sóc bà, đem lại niềm vui cho bà để bà được sống khỏe, sống vui”.
Việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ – Mẫu 9
Để thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ, Liên đội trường em thường tổ chức đến những gia đình thương binh liệt sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để thăm hỏi sức khỏe và làm những việc vừa với sức của mình.
Chi đội của em được Liên đội phân công chăm sóc, giúp đỡ chú Thắng bị cụt hai chân hồi đánh Mĩ. Chú đi lại bằng xe lăn hoặc hai cái nạng kẹp hai bên nách. Ngoài tiền trợ cấp hàng tháng, chú còn phải đi bán thêm vé số để có thêm thu nhập nuôi hai con ăn học cấp II và cấp III. Vợ của chú đi làm thuê làm mướn, ai kêu gì làm nấy.
Hàng tuần, vào ngày chủ nhật, chúng em gồm mười bạn đến nhà chú Thắng làm những công việc: quét dọn nhà cửa, chăm sóc vườn rau đủ các loại, kéo nước từ giếng khơi đủ đầy các lu, khạp. Việc làm của chúng em tuy nhỏ nhưng đủ làm chú Thắng ấm lòng. Chú khen chúng em ngoan, biết giúp đỡ người khác và chú thường nhắc nhở chúng em phải cố gắng học hành cho giỏi.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!