Nghĩ về truyền thống “Tôn sư trọng đạo” xưa và nay – Huyện Hạ Hòa

Tượng thờ thầy cô Vũ Thê Lang, Nguyễn Thị Thực tại đền Thiên Cổ (Phú Thọ).

Trọng người thầy đi liền với coi trọng sự học

Trong xã hội xưa, thầy giáo được coi là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò học, noi theo thầy mà trở thành người có đức, có nhân, có tài để đứng ra giúp nước. Trong ba vị trí đặc biệt quan trọng của xã hội xưa “Quân – Sư – Phụ” thì người thầy chỉ đứng sau vua, người được xã hội, nhân dân đặc biệt coi trọng và tôn vinh, là người mà nhân dân gửi gắm niềm tin để giúp con em họ học hành mà thành tài. Đã nhiều câu tục ngữ, ca dao xưa mang ý nghĩa răn dạy con người về vai trò của người thầy: “Không thầy đố mày làm nên”, “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, “Trọng thầy mới được làm thầy”…

Ngay từ thời Hùng Vương dựng nước, các vua Hùng đã chú trọng đến việc dạy chữ. Nhà vua đã mời thầy cô đến dạy học cho các công chúa. Theo cuốn “Ngọc phả đình thôn Hương Lan” (xã Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ) thì chuyện kể rằng vào thời Hùng Vương thứ 18, niên hiệu Hùng Duệ Vương, từ vua đến dân rất quan tâm đến việc học hành, “tôn sư trọng đạo”, tu thân và lập thân của con người. Vì thế, Vua Hùng Duệ Vương đã mời hai vợ chồng thầy cô Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục (quê Bắc Ninh) vào cung dạy học trực tiếp cho hai Công chúa mà nhà Vua rất mực yêu quý là Công chúa Tiên Dung và Công chúa Ngọc Hoa.

Khi thầy cô tạ thế, Vua Hùng cùng người dân thôn Hương Lan tiếc thương công đức của hai thầy cô nên đã an táng ngay tại địa điểm Thầy Cô mở lớp dạy học, táng cùng một ngôi mộ. Nhà Vua cũng cho phép thôn Hương Lan lập miếu để thờ cúng, hương hỏa cho Thầy Cô. Từ đó, trải từ đời này sang đời khác, muôn dân đất Việt noi theo mà kính trọng người thầy, coi trọng sự học và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” luôn được gìn giữ như một nét đẹp của dân tộc.

Đọc thêm:  Bài văn mẫu Cảm nghĩ về người anh trai, chị gái của em - Thủ thuật

Ngày xưa, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để cho con em đi học và cũng không có sẵn trường lớp như bây giờ. Vì thế, gia đình nào có điều kiện thường mời thầy đến nhà để thầy dạy cho hai, ba đứa con mình, giúp con em đọc được chữ, học vỡ nghĩa sách thánh hiền để làm cơ sở học cao hơn rồi thi thố, đỗ đạt mong được ra làm quan giúp dân, giúp nước. Cũng có người thầy từ bỏ chốn quan trường để về quê mở lớp dạy học cho con nhà nghèo và không ít học trò nghèo đã nghe lời thầy, hiếu học mà đỗ đạt thành danh. Vì thế, ngày xưa, chỉ có thầy mới thực sự là người có thể dạy chữ cho con em nhân dân, giúp cho con em họ thành người có ích cho xã hội. Từ bao đời nay, nhân dân ta vẫn truyền nhau câu ca: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Cái nghĩa “Yêu thầy” ở đây cần hiểu đó là trọng thầy, trọng sự học chứ không phải mang cho thầy vàng bạc hay những giá trị vật chất gì.

Trong xã hội xưa, cái nghĩa “Tôn sư trọng đạo” được gắn với tính mô phạm, khuôn phép, nhân cách, đạo đức theo đúng lời dạy của đạo Nho. Vì thế, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò chứ không thể có bất cứ một yếu tố nào chi phối giá trị này. Muốn được học trò tôn kính, thầy phải giữ đúng chữ “đạo thầy”, thầy phải là biểu tượng của nhân cách cao đẹp, đạo đức chuẩn mực và tài trí hơn người. Có nghĩa là, thầy phải xứng là “khuôn vàng thước ngọc”. Còn nếu không có được những điều trên, thầy sẽ bị xã hội khinh rẻ, bị học trò coi thường. Về phía học trò, cũng phải giữ đúng “đạo học trò”, biết nghe lời thầy, biết chăm chỉ học tập và biết ứng xử cho phải đạo. Nếu phạm lỗi phải biết kính cẩn xin lỗi và sửa chữa lỗi lầm.

Đọc thêm:  Cảm nhận về quá trình thức tỉnh của nhân vật Mị liên hệ với Chí Phèo

Chính vì vậy, trò vi phạm, nhất là phạm lỗi đạo đức, thầy trách phạt, thậm chí dùng roi đánh vào tay, vào lưng, thậm chí từ chối sự giáo dục để học trò nhận ra lỗi lầm của mình nhưng trò và gia đình không hề kêu ca, không hề trách mắng thầy vì họ đều nhận thức được rằng, có như vậy, bản thân mới nên người, mới cố gắng học hành để thành đạt. Khi gặp thầy, trò phải thực hiện những nghi lễ chào hỏi một cách cung kính, theo đúng lễ nghĩa đã được ghi chép trong các sách của Khổng Tử. Nếu không làm hoặc làm sai có nghĩa là không giữ đúng đạo làm trò.

Không gì thay được nhân cách người thầy

Trong xã hội ngày nay, người thầy vẫn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong xã hội. Mặc dù khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều yếu tố hiện đại, tiện ích có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người nhưng có lẽ không gì có thể thay thế được vị trí của người thầy. Bởi lẽ, dù là xã hội có phát triển như thế nào đi nữa, người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người truyền vào tâm hồn học trò những điều tốt đẹp, gieo mầm thiện để nhân lên những điều thiện trong tâm căn mỗi học trò. Dù các phương tiện trong quá trình giáo dục có hiện đại, tối tân đến đâu cũng chỉ là phương tiện mang tính hỗ trợ cho bài giảng của thầy còn vai trò quan trọng vẫn là người thầy trên bục giảng, là phấn trắng, bảng đen. Thầy là người truyền lửa ham học cho học trò, khơi lên trong các em những ước mơ, hoài bão để thổi bùng lên những khát vọng cao đẹp trong tương lai. Thầy là người định hướng tri thức để học trò khám phá, tìm tòi tri thức.

Vì thế, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong xã hội ngày nay không khác xưa là mấy, vẫn còn nguyên giá trị về sự kính trọng người thầy, coi trọng sự học và những lời dạy của cha ông xưa vẫn không hề cũ đối với các thế hệ học trò. Tuy nhiên, cái nghĩa “Tôn sư trọng đạo” ngày nay có phần thay đổi so với xưa kia. Ở xã hội ngày nay, khoảng cách giữa thầy và trò không cách xa như trước. Thầy và trò gần gũi, thân thiện hơn. Mối quan hệ giữa thầy và trò không còn bị chi phối bởi những giáo lý nghiêm ngặt như trong xã hội xưa mà có phần được giảm nhẹ, giản hóa những quy định về lễ nghĩa. Vì thế, học trò ngày nay thể hiện sự kính trọng thầy bằng nhiều cách khác nhau chứ không bó hẹp như xưa.

Đọc thêm:  Dàn ý qua việc phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông, chứng minh

Người thầy trong xã hội ngày nay vẫn phải là chuẩn mực của đạo đức, nhân cách và trí tuệ. Đặc biệt, khi xã hội phát triển, khoa học công nghệ đạt được những thành tựu to lớn, khi thế giới bước vào thời đại công nghệ 4.0 thì người thầy phải không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để bắt kịp với thời đại, đáp ứng được những nhu cầu ngày càng cao về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nếu không, có thể thầy sẽ thua học trò và khi ấy, hình ảnh thầy trong tâm hồn học trò không còn thiêng liêng như trước nữa.

Có thể nói, “Tôn sư trọng đạo” dù ở ngày xưa hay hôm nay và mãi mãi mai sau vẫn luôn là một nét đẹp không gì có thể thay thế được của dân tộc Việt Nam. Dù ở đâu, thời nào, người thầy vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Nói như Nhà giáo Chu Văn An, người thầy đạo cao đức trọng, là biểu tượng thiêng liêng về đạo học và hình ảnh người thầy của dân tộc Việt Nam: “Ta chưa từng thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”.

Nguyễn Thế Lượng

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button