Hợp đồng BCC là gì? Ưu điểm và nhược điểm của … – Luật Nam Sơn
Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) được khá nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn. Với cơ chế thực hiện đầu tư trên cơ sở hợp đồng nên hợp đồng BCC đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong suốt quá trình hợp tác. Bài viết dưới đây của Luật Nam Sơn sẽ cung cấp thông tin đến bạn đọc về Hợp đồng BCC và những ưu, nhược điểm của loại hợp đồng này.
Hợp đồng BCC là gì?
Căn cứ theo khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định về khái niệm hợp đồng BCC cụ thể như sau: “Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.”
Nội dung hợp đồng BCC
Tại Điều 28 Luật Đầu tư 2020 quy định về nội dung hợp đồng BCC cụ thể như sau:
Điều 28. Nội dung hợp đồng BCC
1. Hợp đồng BCC bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
b) Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
c) Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
d) Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
e) Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
g) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
2. Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
3. Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.
Ưu điểm và nhược điểm của Hợp đồng BCC
Ưu điểm
Thứ nhất, không phải thành lập pháp nhân mới, việc thực hiện đơn giản, thuận tiện giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư.
Thứ hai, với cơ chế đàm phán để chia sẻ lợi ích và nghĩa vụ trong hoạt động đầu tư, đầu tư theo hình thức hợp tác đầu tư có tính linh hoạt cao.
Thứ ba, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác hỗ trợ khắc phục yếu điểm phát huy ưu điểm của nhau. Đơn cử như nhà đầu tư trong nước có thể hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường và ngược lại nhà đầu tư trong nước sẽ nhận được hỗ trợ vốn, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại.
Thứ tư, các nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn giữ được pháp nhân, vị thế độc lập của mình trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Tư cách pháp lý độc lập nên trong quyết định đầu tư các bên không bị quá phụ thuộc vào nhau.
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm, đương nhiên hợp đồng BCC vẫn còn tồn tại hạn chế nhất định, cụ thể:
Thứ nhất, không thành lập pháp nhân mới nên các bên phải cử ra một bên đứng lên làm đại diện để điều hành, quản lý hoạt động chung. Điều này vô tình làm tăng trách nhiệm của một bên so với bên còn lại.
Thứ hai, quyền tự do thỏa thuận cao, nếu không có cơ chế vận hành, quản lý, hạch toán cụ thể, rõ ràng, đầy đủ, chi tiết sẽ dẫn đến việc cảm tính, nếu phát sinh mâu thuẫn khó có cơ chế điều chỉnh.
Thứ ba, do không thành lập pháp nhân chung nên phải dùng pháp nhân của một bên để thực hiện tất cả các giao dịch nếu không quy định tách bạch trong quản lý doanh thu, thuế, con dấu… sẽ rất dễ làm phát sinh mâu thuẫn có thể làm đổ vỡ quan hệ hợp tác.
Trên đây là toàn bộ quy định của pháp luật về Hợp đồng BCC là gì? Ưu điểm và nhược điểm của Hợp đồng BCC Luật Nam Sơn xin gửi đến quý bạn đọc. Trường hợp có các thắc mắc cần giải đáp liên quan đến pháp luật quý bạn đọc có thể liên hệ Luật Nam Sơn để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư Hà, Luật sư Trung và các Luật sư có kinh nghiệm khác.
Hotline: 1900.633.246,
Email: Luatnamson79@gmail.com
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!