Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Sóng: “Con sóng dưới…một
Đề 89. Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Sóng của Xuân Quỳnh:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu xuôi về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương
Bài làm
Đề tài tình yêu là một đề tài đã khiến cho rất nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ tốn nhiều giấy mực. Viết về tình yêu, thì điều đặc biệt là viết về nỗi nhớ, sự thuỷ chung trong tình yêu, nhưng có lẽ một nhà thơ nữ viết về tình yêu của chính những người phụ nữ thì ít thấy. Nhưng Xuân Quỳnh đã làm được điều đó qua bài thơ Sóng- Một bài thơ tình hay nhất trong sự nghiệp của chị. Khi nhắc về tình yêu, người ta không thể không nhắc tới nỗi nhớ và sự thuỷ chung nên trong Sóng chị đã dành cho nỗi nhớ và sự thuỷ chung một phần khá quan trọng trong hai khổ thơ:
Con sóng dưới lòng sâu
Hướng về anh một phương
Khi nhắc đến Xuân Quỳnh, người đọc thường nhắc tái một giọng thơ nồng hậu, thiết tha lúc nào cũng khao khát và ngập tràn thương yêu. Tình yêu trong thơ chị lúc nào cũng cồn cào, sâu sắc và mạnh mẽ, nhưng cũng không kém phần dịu dàng nữ tính. Sóng được chị viết vào năm 1967 khi chị còn rất trẻ vói một tâm hồn còn đầy rạo rực yêu thương và tình yêu. Bài thơ được in trong tập thơ Hoa dọc chiến hào.
Hai khổ thơ mà ta bình giảng trên nằm ở phần giữa bài thơ, nó nói lên nỗi nhớ nhung của tình yêu và sự thuỷ chung.
Hình tượng xuyên suốt bài thơ vẫn là hình tượng “Sóng” – Sóng ở đây được Xuân Quỳnh gửi vào đó cả tâm hồn người con gái khi đang yêu. Mượn, sóng để nói đến người phụ nữ và tình yêu của phụ nữ, đây là việc Xuân Quỳnh đã từng làm trong Thuyền và biển. Nhưng ở trong hai khổ thơ này Sóng là sóng của nhớ nhung, chung thuỷ.
Ngay khổ thơ thứ nhất, Xuân Quỳnh với cách sử dụng điệp cấu trúc, điệp từ “con sóng” và cách sử dụng tương quan đối lập “dưới lòng sâu”, đối lập với “trên mặt nước” đã miêu tả hai con sóng ở hai vị trí khác nhau nhưng chúng cùng mang một nỗi “nhớ bờ”… Tương quan đối lập được nói ở trên khiến người đọc cảm nhận nỗi nhớ ấy như mạnh mẽ, da diết hơn, nồi nhớ ấy không chỉ hiện hữu trên mặt nước mà còn ở chiều sâu từng mét nước. Dường như con sóng mang nỗi nhớ tràn ngập trong suốt bản thân mình. Nỗi nhớ như thấm đẫm trên từng ngọn sóng tới chân sóng. Bởi vì sóng là hiện thân của người con gái. Là hiện thân của tình yêu mãnh liệt của người con gái nên ở đây ta có thể hiểu nỗi nhớ cũng đang tràn ngập trong lòng người con gái, nó hiện hữu qua khuôn mặt buồn nhớ qua tâm trạng sầu nhớ. Câu thơ thứ ba cất lên như một tiếng thốt của tâm trạng “Ôi con sóng nhớ bờ”. Phải nhớ thương nhiều lắm, nỗi nhớ phải da diết, nồng nàn lắm thì mới có thể thốt lên, mới có thể gọi thành tên như vậy. Từ “Ôi” là từ cảm thán được nhà thơ đưa lên đầu câu thơ càng khiến tứ thơ thêm mềm mại như tâm hồn người con gái:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Xuân Quỳnh đã nhân hoá hình ảnh sóng khiến sóng như một con người cụ thể với những diễn biến tâm trạng sinh động. Chính vì vậy, nỗi nhớ của người phụ nữ qua hình ảnh “sóng nhớ bờ” càng đậm nét. vẫn với cách nhân hoá hình tượng “sóng” ở câu thơ thứ tư, Xuân Quỳnh đã đem tới một ý thơ mới mẻ “Ngày đêm không ngủ được”. Trạng từ chỉ thời gian “ngày đêm” cùng với đại từ phủ định “không” đã góp phần miêu tả một nỗi nhớ dai dẳng, khôn nguôi luôn luôn thường trực cả trong ngày và đêm. Có lẽ khi tình yêu đến, khi nỗi nhớ trong tình yêu ngập tràn trong lòng, thì đó lại là điều không khó hiểu. Nếu như ở khổ thơ này, nỗi nhớ của người phụ nữ trong tình yêu được gián tiếp gửi gắm qua hình tượng con sóng, thì ở hai câu cuối Xuân Quỳnh đã chính thức cất lên tiếng nói nhớ nhung:
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Sóng “không ngủ được” ở trên, đến đây hoàn toàn có thể hiểu là người con gái không ngủ được. Nỗi nhớ ở đây một lần nữa được tràn ngập trong lòng người con gái nó hiển hiện trong cả lúc có nhận thức và cả trong vô thức “lúc mơ”. Khổ thơ nói tới nỗi nhớ, nhưng cũng góp phần miêu tả một tình yêu sâu sắc mãnh liệt với nhớ nhung là biểu hiện rõ nét nhất của tình yêu.
Khổ thơ tiếp theo
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương
Một lần nữa biện pháp điệp cấu trúc, cách sử dụng tương quan đối lập được Xuân Quỳnh tận dụng để nói tới sự thuỷ chung trong tình yêu. “Dẫu” là một từ có tính chất phủ định dù có xa xôi cách trở, dù cách xa với những miền đất xa tắp “phương Bắc” hay “phương Nam” thì trong lòng con sóng chỉ có một phương là bến bờ, còn trong lòng người phụ nữ thì chỉ có một phương hướng tới đó chính là tình yêu của mình, đó chính là người yêu. Thuỷ chung là một đặc tính đặc biệt và hết sức cần thiết trong tình yêu. nó cũng là đặc điểm của những người phụ nữ Việt Nam. Khi sử dụng cụm từ “nơi nào”, Xuân Quỳnh đã như cất lên lời nguyện suốt đời chung thuỷ với người yêu, với anh. Nếu như xuôi về phương Bắc, ngược về phương Nam là con đường thực tế nối những vùng đất thì “Hướng về anh một phương” là con đường gắn kết nối hai trái tim con người đang tràn ngập yêu thương.
Với hai khổ thơ, Xuân Quỳnh một lần nữa khắc họa tình yêu người phụ nữ. Cách sử dựng các biện pháp tu từ như đối lập, tương phản, điệp, cách sử dụng từ cảm thán và cách mượn hình tượng sóng đã góp phần tạo nền thành công cho tác phẩm.
Với thành công của mình, Sóng luôn xứng đáng là bài thơ tình được mọi thế hệ thanh niên yêu thích.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!