Đọc hiểu Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) | Ôn thi THPT môn Văn
Người lái đò sông Đà là một áng văn đẹp được làm nên từ tình yêu đất nước say đắm, thiêt tha của một con người muốn dùng văn chương để ca ngợi vẻ đẹp vừa kì vĩ, hào hùng vừa trữ tình thơ mộng của thiên nhiên và nhất là của con người lao động bình dị ở miền Tây Bắc.
Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến tác phẩm, cùng Đọc Tài Liệu tham khảo soạn bài Người lái đò sông Đà cùng một số đề đọc hiểu dưới đây và xem gợi ý đáp án của từng đề bạn nhé:
Đọc hiểu Người lái đò sông Đà
Đề số 1
Đọc đoạn văn bản rồi trả lời các câu hỏi:
Ông đò Lai Châu bạn tôi làm nghề chở đò dọc sông Đà đã 10 năm liền và thôi làm đò cũng đã đôi chục năm nay. Tay ông lêu nghêu như cái sào. Chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy cái cuống lái tưởng tượng. Giọng ông nói ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông. Nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào trong sương mù. Quê ông ở ngay chỗ ngã tư sông sát tỉnh. Ông chở đò dọc, chở chè mạn, chè cối từ Mường Lay về Hòa Bình, có khi trở về đến tận bến Nứa Hà Nội. Ông bảo: Chạy thuyền trên sông không có thác, nó sẽ dễ dại tay chân và buồn ngủ. Cho nên ông chỉ muốn cắm thuyền ở Chợ Bờ, cái chỗ biên giới thủy phân cuối cùng của đá thác sông Đà…
Trên dòng sông Đà, ông xuôi ngược hơn trăm lần rồi. Chính tay ông giữ lái đò độ sâu chục lần cho những chuyến thuyền then đuôi én sâu mái chèo. Trí nhớ ông được rèn luyện cao độ bằng cách lấy mắt mà nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước, những con thác hiểm trở sông Đà, với người lái đò ấy, như thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc lòng từ dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm than, chấm xuống dòng…
Câu 1: Đoạn trích trên được trích trong tác phẩm nào, của ai? Giới thiệu đôi nét về tác phẩm
Câu 2: Xác định thể loại văn bản và những phương thức biểu đạt của đoạn văn trên.
Câu 3: Việc kết hợp nhiều phương thức biểu đạt như thế mang lại hiệu quả gì?
Câu 4: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất, có hiệu quả nhất trong đoạn văn.
Câu 5: Vì sao ông đò Lai Châu chỉ muốn cắm thuyền ở chỗ biên giới thủy phân cuối cùng của đá thác Sông Đà? Điều đó chứng tỏ ông đò là người như thế nào?
Đáp án đề đọc hiểu Người lái đò sông Đà số 1
Câu 1: Đoạn trích trên được trích trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân
– Giới thiệu đôi nét về tác phẩm:
- Người lái đò sông Đà là một áng văn trong tập tùy bút sông Đà (1960) của Nguyễn Tuân
- Tác phẩm là thành quả của nhà văn trong chuyến ông đi tới Tây Bắc tìm kiếm chất vàng thử lửa của thiên nhiên Tây Bắc đặc biệt là chất vàng mười đã qua thử lửa ở tâm hồn con người lao động chiến đấu trên miền sông núi Tây Bắc hùng vĩ và thơ mộng.
- Tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của nhà văn sau cách mạng tháng Tám.
Câu 2:
– Thể loại văn bản: tùy bút
– Phương thức biểu đạt của đoạn văn trên là: tự sự, miêu tả, biểu cảm.
Câu 3: Việc kết hợp nhiều phương thức biểu đạt giúp nhà văn vừa tái hiện chân thực, sinh động đối tượng, sự việc vừa bày tỏ tư tưởng, tình cảm một cách dễ dàng, hiệu quả, giúp người đọc dễ hiểu, dễ tiếp cận.
Câu 4:
– Biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất, có hiệu quả nhất trong đoạn văn: biện pháp so sánh.
– Tác dụng của biện pháp tu tù đó là: Khắc họa ông lái đò với vẻ đẹp từng trải, hiểu biết, thành thạo nghề lái đò và nắm chắc đối tượng chiến đấu của mình.
Câu 5: Ông đò Lai Châu chỉ muốn cắm thuyền ở chỗ biên giới thủy phân cuối cùng của đá thác Sông Đà vì: “Chạy thuyền trên sông không có thác, nó sẽ dễ dại tay chân và buồn ngủ”
– Điều đó chứng tỏ ông đò là người gan dạ, quen với việc đối mặt với hiểm nguy, biến những thử thách khó khăn trở thành thuận lợi.
Tham khảo thêm: Phân tích Người lái đò sông Đà
Đề số 2
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
…Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại, réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này.
( Trích Tuỳ bút Sông Đà-Nguyễn Tuân)
Câu 1: Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính?
Câu 2: Nội dung của đoạn trích là gì?
Câu 3: Chỉ rõ các biện pháp tu từ có trong đoạn văn và nêu tác dụng của nó.
Câu 4: Đoạn văn làm nảy nở trong anh/chị những cảm xúc, cảm giác gì?
Đáp án đề đọc hiểu Người lái đò sông Đà số 2
Câu 1: Đoạn văn trên được viết theo phương thức miêu tả là chính.
Câu 2: Nội dung của đoạn trích là: đoạn văn tả về thác nước và đá ở sông Đà ( hay còn gọi là thạch thuỷ trận)
– Từ xa, thác nước biểu thị sức mạnh qua âm thanh dữ dội
– Đến gần, thác nước hiện ra với hình ảnh sóng bọt trắng xóa cả một chân trời đá
Câu 3: Các biện pháp tu từ có trong đoạn văn là:
- So sánh : thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo..
- Nhân hoá: oán trách , van xin, khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo.., rống lên , mai phục ,nhổm cả dậy ,ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó …
– Tác dụng của biện pháp tu từ đó là: gợi hình ảnh con sông Đà hùng vĩ, dữ dội. Không còn là con sông bình thường, Sông Đà như có linh hồn, đầy tâm địa, nham hiểm.
Câu 4: Đoạn văn mang đến ngƣời đọc những cảm nhận rất rõ ràng, sinh động, khoáng đạt về sự dữ dội, mãnh liệt của dòng sông hung bạo. Người đọc yêu thích mạo hiểm thì tò mò thích thú khám phá, trải nghiệm những cảm xúc, cảm giác phi thƣờng còn với những ngƣời “yếu vía” thì cảnh tượng hùng vĩ, hiểm trở của dòng sông cũng khiến họ phải rùng mình, khiếp đảm, sợ hãi.
Đề số 3
Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu sau:
“Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như đời Lí, đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh núi đồi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ – Yên Bái – Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên “Dải sông Đà bọt nước lênh đênh – Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của “một người tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc”.
(Trích “Người lái đò sông Đà” – Nguyễn Tuân)
Câu 1: Nêu nội dung chính của đoạn trích trên
Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt trong đoạn văn trên
Câu 3: Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn trên và nêu tác dụng của nó.
Câu 4: Liệt kê những hình ảnh tiêu biểu nhất cho quang cảnh sông Đà trong đoạn văn trên.
Đáp án đề đọc hiểu Người lái đò sông Đà số 3
Câu 1: Nội dung chính của đoạn trích: đoạn văn được nhà văn miêu tả khi xuôi thuyền trên sông Đà; cảnh ven sông Đà ở hạ nguồn thơ mộng, lặng tờ, dạt dào sức sống.
Câu 2: Phương thức biểu đạt trong đoạn văn trên là: miêu tả, biểu cảm, tự sự.
Câu 3: Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn trên là:
– So sánh: Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa.
=> Cảm nhận đôi bờ sông Đà thơ mộng, trữ tình, hoang sơ như khu vườn cổ tích tuổi xưa.
– Nhân hóa: Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”
=> Cảnh vật sống động, có hồn, cái nhìn say đắm của Nguyễn Tuân.
Câu 4: Những hình ảnh tiêu biểu nhất cho quang cảnh sông Đà trong đoạn văn trên là:
– nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa
– Bờ sông hoang dại, hồn nhiên.
– Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương
– Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng
– Dòng sông quãng này lững lờ…
Ngoài nội dung trên, để đạt điểm cao nếu trong đề thi có những câu hỏi, yêu cầu liên quan đến tác phẩm này, các bạn có thể cùng tham khảo một số tài liệu hướng dẫn cách làm, dàn ý chi tiết và những bài làm văn phân tích người lái đò sông Đà đặc sắc nhất.
Để nắm vững các kiến thức về tác phẩm, bạn cũng có thể xem thêm các mẫu Sơ đồ tư duy Người lái đò sông Đà tổng hợp kiến thức.
–
Trên đây là một số đề đọc hiểu Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân mà Đọc tài liệu đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà!
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!