Nơi Dựa [Nguyễn Đình Thi] ❤Nội Dung Bài Thơ, Nghệ Thuật

Nơi Dựa [Nguyễn Đình Thi] ❤️️ Nội Dung Bài Thơ, Nghệ Thuật, Phân Tích ✅ Giới Thiệu Đến Bạn Đọc Hoàn Cảnh Sáng Tác, Ý Nghĩa Tác Phẩm Nơi Dựa.

Nội Dung Bài Thơ Nơi Dựa Của Nguyễn Đình Thi

Bài thơ Nơi dựa là một tác phẩm rất giản dị, chân thật, nhẹ nhàng mà sâu lắng của Nguyễn Đình Thi. Thông qua tác phẩm, chúng ta hiểu thêm nhiều điều đơn giản trong cuộc sống mà lâu nay ta thường bỏ qua.

Nơi dựaTác giả: Nguyễn Đình Thi

Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào…Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.Và cái miệng nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống.Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh, bước từng bước run rẩy.Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách.

Đọc thêm?Lá Đỏ [Nguyễn Đình Thi]? Nội Dung Bài Thơ, Phân Tích

Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Nơi Dựa

Về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Nơi dựa của Nguyễn Đình Thi thì bài thơ này nằm trong tập thơ Tia nắng do NXB Văn học Hà Nội xuất bản năm 1983.

Ý Nghĩa Bài Thơ Nơi Dựa

Bài thơ Nơi dựa của Nguyễn Đình Thi ý chỉ nơi dựa của mỗi người trong cuộc đời chính là nơi dựa tinh thần, nơi con người tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống. Đó là những người thân yêu, những người có vai trò vô cùng quan trọng, những người có khả năng mang lại cho ta nguồn cảm hứng sống, mang cho ta lẽ sống, niềm tin, hi vọng vào cuộc đời.

Chia sẻ ?Bài Thơ Hắc Hải 1958 [Nguyễn Đình Thi]? Nội Dung, Cảm Nhận

Đọc Hiểu Bài Thơ Nơi Dựa

Chia sẻ cách đọc hiểu bài thơ Nơi dựa của tác giả Nguyễn Đình Thi chi tiết:

? Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ. Bài thơ thuộc thể thơ nào?

Đáp án: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ là biểu cảm. Thể thơ của bài thơ trên là thơ – văn xuôi.

? Câu 2: Xác định phong cách chức năng ngôn ngữ của bài thơ trên.

Đáp án: Phong cách chức năng ngôn ngữ của văn bản trên là Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

? Câu 3: Giải thích nhan đề “Nơi dựa” của bài thơ. Nêu nội dụng chính của bài thơ.

Đáp án: “Nơi dựa” là chỗ, nơi (vị trí người và vật) để ta tựa vào nhằm có thêm sức mạnh (vật chất và tinh thần). “Nơi dựa” trong bài thơ là nơi dựa về mặt tinh thần, tình cảm của con người.

Ý nghĩa của nơi dựa trong bài thơ: Nơi dựa là nơi dựa tinh thần, nơi con người tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống.

? Câu 4: Hai phần của bài thơ có gì giống nhau?

Đáp án: Hai phần của bài thơ giống nhau ở chỗ: Hai phần của bài thơ có cách cấu trúc và hình tượng tương tự như nhau. Cụ thể là: số lượng câu thơ ở mỗi phần như nhau đều có hai hình tượng và cùng làm nổi bật chủ đề của bài thơ.

? Câu 5: Hãy chỉ ra nghịch lí trong văn bản.

Đáp án: Nghịch lí: Thông thường, người yếu đuối tìm nơi dựa ở người vững mạnh. Ở đây ngược lại. Người mẹ trẻ khỏe dựa vào đứa con mới biết đi chập chững, già yếu

? Câu 6: Xác định các dạng của phép điệp trong văn bản trên và nêu hiệu quả nghệ thuật của chúng.

Đáp án: Các dạng của phép điệp trong văn bản: điệp từ (đứa bé, bà cụ,…), điệp ngữ (ai biết đâu, lại chính là nơi dựa,…), điệp cấu trúc (câu mở đầu của 2 đoạn có cấu trúc giống nhau, câu kết của 2 đoạn cũng vậy), điệp kết cấu giữa hai đoạn. Tạo sự cân xứng, nhịp nhàng, hài hòa giữa hai đoạn thơ.

? Câu 7: Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của phép lặp cú pháp được sử dụng trong bài thơ.

Đáp án: Câu mở đầu và câu kết của 2 đoạn thơ có cấu trúc giống nhau. Tạo nên sự cân xứng, hài hòa, nhịp nhàng giữa 2 đoạn thơ. Góp phần khẳng định, nhấn mạnh nội dung của bài thơ: Nơi dựa của mỗi người trong cuộc đời chính là nơi dựa tinh thần, nơi con người tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống.

? Câu 8: Theo anh/chị, đôi mắt “có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết” là đôi mắt như thế nào? Điều đó cho ta biết điều gì về người chiến sĩ trong bài thơ?

Đáp án:

  • Đôi mắt “có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết” là đôi mắt đã qua nhiều trải nghiệm, ung dung trước những biến thiên của cuộc đời.
  • Qua đôi mắt cho ta thấy người chiến sĩ đã qua nhiều lần chứng kiến, nhiều hy sinh, mất mát, rèn rũa cho anh lòng dũng cảm.

? Câu 9: Liệt kê những từ láy được sử dụng trong bài thơ và phân tích hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng từ láy đó.

Đáp án: Các từ láy được sử dụng trong bài thơ: lẫm chẫm, líu lo, run rẩy, gắng gỏi. Các từ láy có tác dụng miêu tả cụ thể hơn hình dáng, chi tiết đặc điểm của em bé, cụ già.

? Câu 10: Bài thơ được chia làm 2 phần, với hai bối cảnh tưởng như không hề liên quan tới nhau, nhưng thực ra lại có liên kết chặt chẽ. Theo anh/chị, sự liên kết đó được tạo nên bởi những yếu tố nào?

Đáp án: Bài thơ được chia làm 2 phần, với hai bối cảnh tưởng như không hề liên quan tới nhau, nhưng thực ra lại có liên kết chặt chẽ. Sự liên kết đó chính là liên kết ở chủ đề: nơi dựa, chỗ dựa tinh thần của người tưởng như vững mạnh nhưng lại cần dựa tinh thần để tiếp thêm sức mạnh của những người tưởng như nhỏ bé, yếu đuối

Gợi ý soạn bài thơ ?Đất Nước [Nguyễn Đình Thi]?Tác Giả, Tác Phẩm

Nghệ Thuật Bài Thơ Nơi Dựa

Điểm qua các nét nghệ thuật chính trong bài thơ Nơi dựa:

  • Bài thơ trên thuộc thể thơ – văn xuôi.
  • Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật/ văn chương.
  • Sử dụng phép điệp từ (đứa bé, bà cụ, …), điệp ngữ (ai biết đâu, lại chính là nơi dựa, …), lặp cú pháp, câu mở đầu và câu kết của 2 đoạn thơ có cấu trúc giống nhau nhằm tạo nên sự cân xứng, hài hòa, nhịp nhàng giữa 2 đoạn thơ, góp phần khẳng định, nhấn mạnh nội dung của bài thơ.

5+ Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Nơi Dựa Hay Nhất

Sưu tầm 5 mẫu cảm nhận, phân tích bài thơ Nơi dựa hay nhất của Nguyễn Đình Thi. Tham khảo ngay bạn nhé!

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Nơi Dựa Hay

Trong cuốn nhật kí cảm động của mình Đặng Thùy Trâm đã có lần viết: “đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”, cuộc đời mỗi con người phải có những thăng trầm, những điểm rơi để mỗi con người trở nên dày dạn hơn, trưởng thành hơn. Nhưng làm thế nào để vượt qua những điểm rơi ấy? Có thể là bằng chính bản lĩnh của mỗi con người nhưng cũng có thể cần lắm một nơi dựa. Bài thơ “NƠI DỰA” của Nguyễn Đình Thi cho chúng ta hiểu rõ hơn về nơi dựa của cuộc sống.

Bài thơ có hai câu chuyện nhỏ, câu chuyện thứ nhất là câu chuyện của một người đàn bà trẻ tuổi và một đứa bé. “Người đàn bà với khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào”, có lẽ người đàn bà đã trải qua những khó khăn, những đau đớn, những bất hạnh trong cuộc sống. Còn đứa bé mới chỉ ” lẫm chẫm” đi chưa vững, miệng nói líu lo chưa rõ, nó còn quá nhỏ. Những tưởng người đàn bà sẽ là nơi dựa cho đứa trẻ nhưng thực ra đứa trẻ kia mới là “nơi dựa” cho người đàn bà kia sống.

Câu chuyện nhỏ thứ hai là của anh chiến sĩ và bà cụ. Anh chiến sĩ có cái nhìn “đã nhiều lần nhìn vào cái chết” nghĩa là anh đã từng phải đối mặt với ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, đã phải trải qua bao đau thương nghiệt ngã của cuộc đời. Còn bà cụ tuổi đã cao, sức đã yếu, bước đi không còn vững nữa. Những tưởng người chiến sĩ sẽ phải là “nơi dựa” cho bà cụ nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại , bà cụ chính là “nơi dựa” cho người chiến sĩ đi qua thử thách.

Đọc thêm:  Cảm nhận bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

Như vậy bài thơ đề cập đến vấn đề “nơi dựa” của mỗi con người trong cuộc sống, đó là những người thân yêu, những người có vai trò vô cùng quan trọng, những người có khả năng mang lại cho ta nguồn cảm hứng sống, mang cho ta lẽ sống, niềm tin, hi vọng vào cuộc đời. Hay “nơi dựa” chính là những nơi tạo ra động lực để ta sống tiếp một cuộc sống tốt đẹp hơn, nơi dựa tinh thần.

Với việc sử dụng thể thơ văn xuôi, với ngôn từ giản dị, mỗi câu thơ như một lời nói nhẹ nhàng và sâusắc, Nguyễn Đình Thi đã cho chúng ta nhận thấy ý nghĩa của nơi dựa tinh thần. Quả thực, với mỗi một con người, nơi dựa về tinh thần là vô cùng quan trọng và nó đặc biệt quan trọng khi mỗi chúng ta phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, rơi vào những điểm rơi trong cuộc sống.

Trong cuộc sống hàng ngày, nơi dựa tinh thần của bạn có thể là cha, mẹ, là những người thân yêu, là quêhương, tổ quốc. Nơi dựa tinh thần của tôi có thể chính là những mục tiêu tôi đặt ra, có thể là một lời hứa với bản thân từ quá khứ và tất cả đều tạo động lực cho bạn và cho tôi có thể tiến lên.

Trong dòng chảy trôi bình thường của cuộc sống, nơi dựa tinh thần cũng có vai trò quan trọng, nó giúp chúng ta không đi lệch đường, lệch hướng, không bị chững lại và thậm chí là không bị tụt lùi về phía sau trong dòng chảy trôi của cuộc đời.

Khi chúng ta phải đối mặt với khó khăn, với thử thách trong cuộc sống thì nơi dựa sẽ tạo ra động lực, sẽ thúc đẩy, sẽ động viên và thậm chí là định hướng cho ta cách để ta vượt qua khó khăn, thử thách.

Khi chúng ta gặp phải thất bại, nơi dựa sẽ xoa dịu đi những nỗi buồn, giúp chúng ta đứng lên, bước tiếp những bước vững vàng hơn.

Bên cạnh nơi dựa về tinh thần trong cuộc sống còn có nơi dựa về vật chất. Nơi dựa là điểm tựa cần thiết để giúp cuộc sống mỗi con người trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên nếu ai đó lạm dụng nơi dựa sẽ có khả năng trở thành những con người phụ thuộc, trở thành ỷ lại, dựa dẫm.Như vậy, nơi dựa chỉ thực sự có tác dụng đối với tinh thần tự lập, ý thức tự giác của mỗi con người.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Nơi Dựa Chọn Lọc

“Nơi dựa” cho ta thấy một giá trị nhân văn cao cả trong cuộc sống mỗi con người, một giá trị sâu sắc mà “Tia nắng” của Nguyễn Đình Thi đã dạy cho chúng ta. Đọc “Nơi dựa” tuy ngắn nhưng lại mang một ý nghĩa to lớn, đáng để cho ta học hỏi, ngẫm nghĩ. Còn bản thân tôi, sau khi đọc xong đoạn văn ấy lại mang một suy nghĩ riêng, một suy nghĩ kì lạ.

“Nơi dựa” là một hình ảnh, một giây phút, ngắn thôi nhưng thần kì! Không phải là một câu chuyện tầm thường hàng ngày người ta thường trao đổi với nhau mà trong đó con người gặp nhau và chào hỏi nhau đơn giản như một phép xã giao bình thường… Mà là nột câu chuyện với một làn gió lạ, rất đỗi giản dị nhưng lại thâm thúy vô cùng giữa quan hệ con người với con người, cái quan hệ “kể ra cũng buồn cười”.

Đọc tác phẩm, ta chợt thấy thú vị bởi không chỉ nội dung câu chuyện, mà đến văn phong của tác giả cũng có nét thật đặc biệt. Những câu từ mộc mạc, giản đơn, không cao sang mà gần gũi, mặn mà và thân thuộc, hay những câu văn lửng lơ, tưởng như không có sắp xếp mà hóa ra lại là dụ ý của tác giả…

Đó là một sự kết hợp ngộ nghĩnh, một bản hòa ca êm ái, du dương mà chủ đề là cuộc sống với những con người bình thường, nhỏ bé nhưng lại có những suy nghĩ, tư tưởng lớn lao, tất cả đều được miêu tả rõ ràng, dễ cảm nhận.

Tác phẩm cho ta thấy những mảnh đời khác nhau, con người khác nhau với số phận và cuộc sống khác nhau, thế hệ khác nhau, cùng tụ họp lại, dựa vào nhau, bám lấy nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Đó là cái mà tôi luôn gọi là “tinh thần Việt” – dù là ai, dù ở đâu hay đi đâu, cứ là con đất Việt thì đều là người một nhà.

Như bà cụ đã một đời lam lũ, mang trên mình bao dấu tích của thời gian, tựa vào tay anh bộ đội trẻ, bước tưng bước run rẩy. Vậy ai là “nơi dựa” của ai? Có lẽ mọi người đều nghĩ rằng đó là anh bộ đội kia ?! Nhưng ai biết đâu, cụ già với khuôn mặt đầy nếp nhăn, mà mỗi nếp nhăn ấy chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời ấy lại chính là “chỗ dựa” cho anh bộ đội trẻ ấy.

Bởi bà cụ đó như một tấm gương cho anh chiến sĩ, một tấm gương để anh noi theo, gắng sức bước tiếp chặng đường dài của cuộc đời mình và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ những con người như bà cụ kia, bẻ nhỏ nhưng vĩ đại…

Hay như đứa trẻ nọ, chân tay còn lẫm chẫm, “bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ”, chạy lon ton bên người mẹ của nó, trẻ đẹp và đang chìm vào dòng suy tư kia. Phải chăng người đàn bà đó là “nơi dựa” của đứa bé ?! Nhưng ai biết đâu, đứa bé với “cái miệng” nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có ấy lại là lý tưởng sống cho người mẹ, là kho báu, là cái mà cô đã rứt ruột đẻ đau, chịu ngàn gian khổ để có được, cho cô một động lực mạnh mẽ trong cuộc sống.

“Nơi dựa” của Nguyễn Đình Thi là một cái gì đó sâu sắc hơn cả những suy nghĩ tầm thường của chúng ta, ông nhìn được vào nội tâm con người, phán xét, nhìn nhận và đánh giá cuộc sống qua một lăng kính khác biệt. Như một sự thức tỉnh trong mỗi chúng ta, cho ta thêm yêu thương những con người xung quanh ta, dù là lớn hay nhỏ, trân trọng họ, luôn bên họ để họ biết rằng ta là “nơi dựa” của họ và họ cũng là “nơi dựa” cho ta, để ta thấy an toàn, thấy có thêm nghị lực để không bỏ cuộc.

Nhưng tôi vẫn tự hỏi ”nơi dựa” trong cuộc sống, rốt cuộc là gì nhỉ? Nguyễn Đình Thi đã cho tôi câu trả lời, rằng “nơi dựa” thực sự gần hơn ta tưởng. Có thể là gia đình, là bố mẹ, ông bà, anh chị hay em, vì điều đó cho ta cảm giác có trách nhiệm hơn, hay những người hàng xóm, luôn tốt bụng và sẵn sàng giúp đỡ, hay thậm chí là cả những con người hoàn toàn xa lạ, như bà cụ và anh bộ đội, với anh, cụ có một ý nghĩa cao cả như một người thân.

“Nơi dựa” có thể bắt nguồn từ bất kì ai, bất kì giai cấp nào, không phân biệt tuổi tác, địa vị. Như Marc Levy đã từng nói: “Ai cũng đều là một người ngoài của một người nào đó” – còn tôi, “Ai cũng đều là nơi dựa của một người nào đó”.

Hẳn ai cũng đã có lần gặp biến cố trong cuộc sống, và nó làm ta suy sụp, khiến ta muốn từ bỏ, đôi khi lạc lối. Khi còn rất nhỏ, ông nội tôi qua đời, điều đó khiến tôi suy sụp, dần dần trở nên lầm lì và ít nói, tự khép mình lại, chỉ biết ngồi một góc và khóc.

Tôi đã khóc nhiều đến nỗi không còn đủ sức để khóc nữa, và tôi ngủ thiếp đi, và tôi đã mơ… Trong giấc mơ, tôi mơ được gặp ông, được nói chuyện với ông và lại được nghe ông kể chuyện như ngày nào, và rồi tôi chợt bừng tỉnh, vuốt vội những giọt nước mắt kia đi, nhưng chúng vẫn không ngừng tuôn ra, vì tôi hạnh phúc. Vào cái khoảnh khắc ấy, tôi chợt nhận ra rằng, “Khi bạn yêu một ai đó, họ sẽ mãi ở trong trái tim mình và luôn luôn đi theo, nhìn theo chúng ta, là nơi dựa của chúng ta dù ở nơi đâu.”

Quan niệm của tôi về “Nơi dựa” đó là nơi mà ta cảm thấy thật sự yên tâm, được an toàn, giãi bày tâm sự và là chính mình. Là những con người mà tôi yêu quý, tin tưởng và tôn trọng nhất và nếu được, tôi cũng muốn trở thành “nơi dựa” của họ.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Nơi Dựa Hay Đặc Sắc

Tôi đã từng rất tâm đắc câu nói của s. Exupéry: “Nếu trái đất hình vuông thì chúng ta sẽ có các góc cạnh để ẩn náu nhưng vì nó hình cầu nên chúng ta lại phải đối mặt với cuộc đời”. Phải, cuộc sống xung quanh ta có bao giờ luôn đi qua mà không vướng phải những sóng gió, những gian nan, thử thách. Con người có bao giờ sống mà chỉ luôn đi qua những giây phút bình yên. Và vì vậy, có những khi chúng ta cảm thấy mình thật nhỏ bé và yếu đuối trước thế giới rộng lớn này.

Đọc thêm:  Từ chuyện em bé thông minh em rút ra đuộc những bài học gì?* Về ý

Ấy là lúc ta cần tìm cho mình một “nơi dựa”, một điểm tựa trong cuộc sống. Hiểu được chân lý giản dị mà sâu sắc ấy, mỗi người sẽ tự rút ra cho mình những chiêm nghiệm riêng khi đọc bài thơ Nơi dựa của Nguyễn Đình Thi.

Giản dị thôi, bài thơ vẽ ra hai cảnh trái ngược: một người đàn bà trẻ đẹp “dắt đứa con thơ trên đường, đứa con chân “lẫm chẫm”, tay “hoa hoa một điệu múa kì lạ”, bé chưa nói rõ tiếng vậy mà “đứa bé còn bước chưa vững chãi lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia”.

Thời gian tính bằng đời người trôi qua, em bé lớn lên, thành người chiến sĩ. Người chiến sĩ đã trải qua những cuộc trường chinh, đã đối mặt với cái chết, anh “đỡ bà cụ già lưng còng”, “bước run rẩy, khuôn mặt già nua”, đã chịu “nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời” thế nhưng “bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách”.

Câu chuyện nhỏ nhưng ngụ ý nhiều chiêm nghiệm sâu xa. Một đứa trẻ vô tư, yếu ớt, một bà cụ lưng còng, sức yếu lại trở thành chỗ dựa cho người lớn, cho người chiến sĩ – những con người tưởng như phải mạnh mẽ, vững vàng hơn. Phải chăng, con đường mà họ đang đi chính là con đường đời mỗi chúng ta phải bước, và những “chỗ dựa” không phải mang ý nghĩa vật chất mà toát lên ý nghĩa tinh thần.

Thì ra, “nơi dựa” nhiều khi chẳng phải cái gì lớn lao, to tát mà có khi ở ngay bên cạnh, song hành cùng cuộc đời ta. Đó là những người thân thương, bình dị như cha mẹ, như bè bạn, thầy cô,… Đó là những người sống cùng ta, chia sẻ ngọt bùi, thấu hiểu tâm hồn ta, biết ta muốn gì, cần gì và luôn vun đắp cho hạnh phúc của ta. Nhân vật Nhĩ (Bến quê, Nguyễn Minh Châu) sau một đòi gian truân phiêu bạt mới nhận ra cái “bến” của cuộc đời mình là Liên, người vợ lặng thầm, tần tảo.

Điểm tựa không phải nơi nào xa lạ mà chính là những người thân thuộc bên ta, chứ không phải anh hùng hay vĩ nhân nào khác, họ là người sẵn sàng ghé vai cho ta sự vững tâm, bình yên trong tâm hồn. Triết lý giản dị mà thiêng liêng ấy lại càng trở nên thấm thía và sâu sắc vì nó mang đậm tâm sự, suy ngẫm của đời người.

Trong cuộc sống, có những lúc con người lâm vào bế tắc, có khi rơi vào tuyệt vọng và “nơi dựa” lúc ấy chính là động lực cho con người tiếp tục sống. Sau những đổ vỡ, cơ cục, những thất bại đắng cay, “chỗ dựa” là nơi ta lắng lại tâm hồn mình, nhận ra mục đích cuộc sống của mình thực sự là gì. Đứa trẻ nhỏ là chỗ dựa cho người thiếu phụ không chỉ vì đó là một phần của chị, mà còn bởi nhìn vào đứa trẻ, chị nhìn thấy tương lai của mình, thấy đứa con lớn lên, đẹp đẽ, trưởng thành, thấy dòng máu của mình được tái sinh trọn vẹn.

Thì ra, chỗ dựa của chúng ta đâu chỉ là nơi ta đến khi mỏi mệt, nó còn tiếp thêm sức mạnh để ta tiếp tục sống, tiếp tục yêu thương và dâng hiến cho đời.

Câu chuyện trong bài thơ của Nguyễn Đình Thi gợi ta nhớ đến mảnh đời của người anh hùng châu Á Phạm Thị Huệ ( Hải Phòng). Căn bệnh HIV/AIDS bị nhiễm (từ một phút giây lầm lỡ của người chồng) tưởng như đã cướp đi sức sống, tuổi xuân đầy ý nghĩa của chị.

Nhưng không, chính nhờ mầm sống đang hình thành trong chị mà chị có thêm niềm tin, nghị lực sống để vượt qua nghịch cảnh. Nếu không có một điểm tựa tinh thần bền vững như thế, liệu con người ấy có thể tiếp tục sống và sống có ích trong khi xã hội vẫn còn chưa hết kỳ thị với căn bệnh thế kỷ này?

Đọc bài thơ của Nguyễn Đình Thi, người đọc còn thấy ấm lòng về hình ảnh của bà cụ, chính là “nơi dựa” cho người chiến sĩ vượt qua thử thách. Vậy phải chăng, chỗ dựa, điểm tựa trong cuộc sống chính là nguồn sức mạnh, là niềm tin để mỗi người đương đầu với bao gian nan, khó khăn? Trong số chúng ta hẳn không ít người biết đến câu chuyện của Helen Keller- diễn giả Mỹ có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới. Chúng ta cũng biết bà là người không có khả năng thính giác và thị giác.

Nhưng với sự động viên, khích lệ, giúp đỡ của cô giáo Anne Sullivan, cùng là một người khuyết tật, Helen đã vượt lên trên mọi thử thách của cuộc đời, vượt qua bao khó khăn vì khiếm khuyết cơ thể để sống và thành công tột đỉnh. Đó không phải là một minh chứng tuyệt vời cho ý nghĩa của “nơi dựa” trong cuộc đời hay sao?

Nhiều người đã rất xúc động khi xem chương trình “Những trái tim nhân ái” trên truyền hình VTV1. Ở đó từng có một câu chuyện cổ tích giữa đời thường về ông Trần Thiên Minh – chủ nhân của ngôi nhà bảo trợ những người khuyết tật ở thủ đô Hà Nội. Chẳng ruột rà máu mủ nhưng ông đã tình nguyện trở thành chỗ dựa tinh thần cho hơn ba mươi cô gái sinh ta không may mắn suốt hơn hai mươi năm qua. Và điểm tựa vô giá ấy đã giúp đỡ các cô vượt lên số phận, hòa nhập với cộng đồng, xã hội hôm nay.

Có một chỗ dựa trong cuộc sống để mà sẻ chia, đồng cảm những lúc khó khăn, mỏi mệt sẽ là điều vô giá. Nhưng cuộc sống vẫn luôn cần ta phải tự đứng vững trên đôi chân của chính mình. Nơi dựa chỉ nên là điểm dừng chân của con người để tìm lấy một bến bờ bình yên trong tâm hồn, “chỗ dựa” không thể là nơi ta hoàn toàn dựa vào để lệ thuộc hay thoái lui trước cuộc sống vốn rất nhiều gian nan.

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều lúc con người sống cô độc khép chặt mình trong những nhà hộp kín mít, sống mà không cần đến nhau, chỉ cần một chiếc máy tính, máy nghe nhạc là con người có thể tách ra khỏi cộng đồng. Trẻ con ưa “chat” hơn nói chuyện với cha mẹ, gia đình chỉ đông đủ lúc bữa cơm tối… Phải chăng, con người đang bị cầm tù trong sự cô đơn của chính mình? Và vì thế, các vụ tự tử, cuộc sống chơi bời, thác loạn của nhiều thanh niên ngày càng tăng lên…

Rõ ràng, thiếu đi sự sẻ chia, thiếu đi chỗ dựa trong cuộc đời, con người sẽ rơi vào trạng thái chông chênh, vô định, không biết làm thế nào để tiếp tục sống.

Tôi luôn mong mọi người được hạnh phúc như tôi, có một tổ ấm để đi về có một người mẹ luôn động viên và thấu hiểu mình, có những người thầy mất ngủ vì sự tiến bộ của tôi,… Chỗ dựa chỉ giản dị thế thôi, mà thiếu nó, tôi chẳng thể thành người.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Nơi Dựa Tiêu Biểu

Một nhà vật lý nổi tiếng đã từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả thế giới”. Câu nói này của ông khiến ta thấy rằng trong cuộc sống con người luôn cần cho mình một điểm tựa để thực hiện những ước mơ, hoài bão hay vượt qua những khó khăn, trở ngại. Chính vì vậy, bài thơ Nơi dựa của Nguyễn Đình Thi gợi lên cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ.

“Nơi dựa” (điểm tựa) là nơi để mỗi người nương tựa, là nơi tiếp cho họ sức mạnh, niềm tin, động lực sống, nơi mang lại cảm giác ấm áp, bình yên…. Tuy nhiên, ở khía cạnh tinh thần, cậu bé cũng là nơi dựa cho người phụ nữ, bà cụ cũng là nơi dựa cho người chiến sĩ.

Không ai trong chúng ta có thể tồn tại một mình trên cõi đời này. Chúng ta luôn sống trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội: với gia đình, nhà trường, bè bạn. Chính trong những mối quan hệ đó, con người học tập, làm việc, dần định hình và phát triển nhân cách của mình.

Trong cuộc sống, không ai có thể chắc chắn rằng cuộc đời mình thuận lợi mãi mãi. Có thể đến một lúc nào đó công việc của chúng ta sẽ gặp bất trắc, trở ngại. Chính những lúc ấy, ta rất cần tìm cho mình một nơi dựa làm điểm tựa trong đời, để được an ủi, che chở, giúp đỡ, vỗ về nâng bước. Từ đó những thất bại, rủi ro vấp phải sẽ nhanh chóng được vượt qua, con người sẽ có thêm tự tin để bước tiếp.

Như đã nói, bao giờ cũng bắt đầu từ chỗ dựa vững chắc: gia đình. Tình cảm thân thương ruột thịt, sự che chở nâng đỡ cho từng thành viên là điều gia đình không hề thiếu. Cha mẹ luôn ở bên con cái dẫu khi bé thơ đến lúc trưởng thành, động viên con vững bước trên đường đời và có khó khăn gì ta cũng về với cha mẹ đầu tiên.

Đọc thêm:  Hướng dẫn sử dụng Azota cho học viên - BMyC

Ngược lại con cái cũng là nơi dựa của cha mẹ, niềm vui của con thể hiện ở nụ cười, nét mặt, ước mong cho con có một cuộc sống tốt đẹp hơn quãng đời mình đã sống là chỗ dựa vững chắc cho cha mẹ vượt qua những trở lực trong công việc.

Điểm tựa tiếp theo cho con người chính là nhà trường, bạn bè, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm khi xung quanh ta còn thầy cô luôn dìu dắt, chăm sóc từng ngày, quanh ta vẫn còn bạn bè chia sẻ niềm vui trong học tập, đời sống. Những gì ta khó ngỏ lời cùng cha mẹ, khó cùng bố mẹ trò chuyện có thể trao đổi với thầy cô, bè bạn. Một môi trường học đường thân thiện, tích cực luôn là một không gian lý tưởng cho học sinh phát triển.

Điểm tựa trong đời ta đôi khi là những tấm gương sáng, thậm chí những con người bình thường trong xã hội. Thấy những anh xe ôm dám bắt cướp, thấy những suất cơm từ thiện, những tấm lòng dành cho đồng bào nghèo, cơ nhỡ hoặc gặp phải thiên tai, ta có nơi dựa để tin rằng cuộc đời còn nhiều người tử tế.

Gặp một hoàn cảnh khuyết tật, gia cảnh khó khăn nhưng biết vươn lên ta biết rằng mình còn là một điểm tựa mà thấy rằng mình còn hạnh phúc hơn bao người khác, vững tin với khả năng chịu đựng và vượt qua mọi thử thách của con người để từ đó phải cố gắng hơn.

Đúng là trong cuộc sống ta rất cần nơi dựa, nhưng đừng ỷ lại, dựa dẫm vào đấy quá nhiều. Cần lên án, phê phán những kẻ sức dài vai rộng nhưng vẫn sống bám vào bố mẹ già, những kẻ không chịu làm gì vì ỷ lại vào người khác. Nên nhớ rằng chỗ dựa chỉ hỗ trợ cho ta bước qua khó khăn chứ không thể làm thay ta mọi điều, hãy hiểu điểm tựa theo ý nghĩa tích cực nhất của nó.

Nhắc lại ý trên, ta mới thì dẫu tìm cho mình một chỗ dựa nhưng quan trọng nhất vẫn chính là bản thân con người. Như lúc còn học phổ thông, Louis Pasteur chỉ là một học sinh trung học. Về môn hóa, ông đứng hạng 15/22 học sinh của lớp. Cuối cùng, ông đã trở thành một khoa học gia nổi tiếng. Walt Disney từng bị tòa soạn báo sa thải vì thiếu ý tưởng, từng nếm mùi phá sản rất nhiều lần trước khi sáng tạo nên Disneyland đến việc hợp tác cùng nhau.

Chính vì vậy mà con người càng cần phải hợp tác cùng người khác nên mọi lĩnh vực, phải ủng hộ nhau, hợp lực với nhau để đẩy nhanh tiến độ phát triển. Trong thời buổi này không thể đóng khung mình trong chỗ dựa cho mình và lấy mình làm chỗ dựa cho họ, có vậy, chúng ta mới có thể đặt được thành công nhanh chóng.

Lý trí vĩ đại – cuốn sách được thương nhân và chính trị gia xuất sắc nhất của Mỹ đánh giá là cuốn sách đưa quốc này tiến vào thế kỉ XX – đã từng viết như sau: “Nếu mỗi lần vấp ngã, bạn lại bật lên như một quả bóng, khi mọi người đều từ bỏ mà bạn vẫn kiên trì hướng về phía trước thì làm sao bạn có thể thất bại được”.

Cuối cùng, nơi dựa vững chắc nhất cho mỗi người vẫn là chính bản thân chúng ta. Nếu con người tự tin, có năng lực, biết tận dụng tốt nhất những gì mình có thì việc khó nhất cũng có thể vượt qua, từ đó đi lên thành công trong cuộc sống.

Mẫu Cảm Nhận, Phân Tích Bài Thơ Nơi Dựa Hay Sâu Sắc

Trong tập Tia nắng (NXB Văn học, Hà Nội, 1983), Nguyễn Đình Thi có bài thơ Nơi dựa, đậm tính nhân bản.

Bài thơ có bố cục rõ ràng, chia thành hai phần. Mỗi phần là một mạch đời lấp lánh niềm tin yêu và hy vọng. Chú ý sẽ thấy, nhà thơ tinh tế trong sử dụng ngôn ngữ. Tác giả dùng từ nơi dựa, không nói nơi tựa. Dựa có tính bền vững, lâu dài. Tựa, chỉ thời gian ngắn, thoáng chốc. Hiểu vậy để thấy ý tứ bài thơ và sự gửi gắm của tác giả.

Phần một, đoạn thơ (82 từ) có hai nhân vật: người đàn bà và đứa nhỏ. Người phụ nữ có khuôn mặt trẻ trung, xinh đẹp, tuy nhiên, vẫn không dấu được nỗi buồn xa xăm vương trên ánh mắt. Khuất sau khuôn mặt trẻ đẹp là những đoạn đời buồn. Chắc là, trong đời, người phụ nữ đó không được hạnh phúc mỉm cười, không được một mái ấm gia đình. Chìm vào những miền xa gợi cho người đọc cảm xúc buồn, lặng lẽ.

Nhà thơ mô tả đứa bé còn rất nhỏ, đang lẫm chẫm chạy, hai bàn chân cứ như ném về phía trước, phía của tương lại, phía của ánh sáng với hai bàn tay hoa hoa một điệu múa lạ kỳ, với cái miệng nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.

Có thể nói, những gì xinh tươi, thánh thiện, tác giả dành cho đứa trẻ. Đứa bé, bước còn chưa vững trong cái nhìn của nhà thơ, như một thiên thần, chính là nơi dựa tinh thần cho người đàn bà kia, vươn lên nghịch cảnh, đủ nghị lực di tiếp trong cuộc đời. Hình ảnh đứa bé, đại diện cho ngày mai. “Ai biết đâu”, tưởng mơ hồ song lại vững chãi, tin cậy.

Đoạn thứ hai (92 từ), so với đoạn đầu, số chữ nhiều hơn, cũng có hai nhân vật: người chiến sĩ và bà cụ. Trong một dòng thơ, hai lần, Nguyễn Đình Thi nói về “đôi mắt” của người chiến sĩ. Đây không phải ngẫu nhiên. Chi tiết nghệ thuật này làm sáng rõ phẩm chất và trái tim yêu thương của người chiến sĩ. Người chiến sĩ, đôi mắt anh có cái ánh riêng, đôi mắt đã nhiều lần đi qua trận mạc, đã từng nhìn vào cái chết, giáp mặt với kẻ thù, lúc này đây, trên cánh tay anh, đưa bà cụ lưng còng, bước từng bước run rẩy, dắt nhau qua đường.

Có thể, với người chiến sĩ, qua khuôn mặt già nua của bà cụ, anh bắt gặp hình ảnh mẹ mình, bà mình nơi quê nhà, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc, gắng gỏi một đời. Nếp nhăn đan vào nhau, nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc của một đời người gắng gỏi chịu đựng.

Hình ảnh “nếp nhăn” hai lần lặp lại, nhấn mạnh một cuộc đời với bao vất vả, lo toan, lưng đã còng, chân bước không vững, tựa vào cánh tay người chiến sĩ, qua đường. Vẫn câu hỏi “Ai biết đâu”, một nghĩa tình sâu lắng. Anh nhận ra, đây là chỗ dựa của mình, chỗ dựa để đi qua những thử thách, khó khăn, gian khổ của cuộc đời, của chiến tranh, giúp anh dũng cảm hơn trong cuộc sống.

Hóa ra, để có thể đi tiếp trên con đường dài đằng đẵng của cuộc đời lại nhờ vào những con người bình thường, thậm chí nhỏ nhoi, yếu đuối, làm chỗ dựa cho nhau. Nơi dựa trong bài thơ được nói đến là nơi dựa về tinh thần. Ở đó, con người tìm thấy hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống.

Trong mỗi đời người, cái cần có, đó là tình yêu, tình yêu con người, tình yêu gia đình, tình yêu cuộc sống. Rằng là, không có những chỗ dựa đó, con người sẽ mất niềm tin, mất nghị lực, rơi vào bi quan và tuyệt vọng.

Thẳm sâu hơn, nhà thơ muốn gửi gắm một thông điệp, không phải chỉ A cần B mà B cũng cần A. Mối tương tác này làm nên vẻ đẹp nhân ái của con người và văn hóa Việt Nam.

Trong bài thơ, Nguyễn Đình Thi không đặt vấn đề thế hệ. Nơi dựa đưa lại một triết luận về nhân sinh, con người phải và nên dựa vào nhau, dắt nhau qua cuộc đời lắm gập ghềnh và gian khổ này. Chính từ đó, những đốm lửa ân tình sẽ sưởi ấm trần thế khổ ải này. Hình tượng “đứa bé” là nguồn sáng, hướng về tương lai, về phía trước. Hình ảnh “bà cụ” là biểu hiện của quá khứ, bày tỏ lòng biết ơn đối với thế hệ đi trước.

Vào những năm cuối đời, khi đã đi qua những bão táp, những thăng trầm, chứng kiến bao buồn vui, cả được và mất, cả vinh quang và cay đắng, với cái nhìn nhân hậu, Nguyễn Đình Thi trở về với những giá trị thường hằng của cuộc đời, đó là lòng yêu thương, sự trân quý chân-thiện-mỹ, những giá trị vĩnh viễn của con người và đất nước Việt Nam.

Nơi dựa – bài thơ không lý luận cao siêu, rất giản dị, chân thật, nhẹ nhàng mà sâu lắng, cảm động. Bài thơ từng đưa vào giảng dạy trong chương trình Tiếng Việt bậc tiểu học.

Gợi ý tìm hiểu tác phẩm?Việt Nam Quê Hương Ta?Nội dung, nghệ thuật

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button