Quản lý nhà nước về quốc phòng
(Bqp.vn) – Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quản lý quốc phòng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Nội dung cơ bản của công tác quản lý nhà nước về quốc phòng gồm ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách về quốc phòng; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, kế hoạch phòng thủ đất nước, kế hoạch động viên quốc phòng và bảo đảm cho hoạt động quốc phòng; tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; hợp tác quốc tế về quốc phòng và các biện pháp cần thiết để bảo vệ Tổ quốc.
Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Giáo dục quốc phòng, an ninh cho toàn dân; xây dựng công nghiệp quốc phòng; bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa – xã hội, kinh tế, văn hóa – xã hội với quốc phòng, an ninh; thực hiện chính sách hậu phương quân đội; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội.
Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan duy nhất có quyền ban hành các luật liên quan đến chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước; quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia; tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động quốc phòng của Nhà nước.
Hội đồng Quốc phòng và An ninh gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh do Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn. Hội đồng Quốc phòng và An ninh trình Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh; trường hợp Quốc hội không thể họp được thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; động viên mọi lực lượng và khả năng của đất nước để bảo vệ Tổ quốc; thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt do Quốc hội giao trong trường hợp có chiến tranh; quyết định việc lực lượng vũ trang tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương; quyết định cử lực lượng vũ trang tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ban hành các nghị quyết, nghị định cụ thể hóa việc thực hiện các luật, pháp lệnh về quốc phòng. Chính phủ ban hành các chính sách củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang, lập quy hoạch, kế hoạch động viên quốc phòng; tổ chức, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng và các biện pháp cần thiết để bảo vệ Tổ quốc. Các Bộ, ngành, địa phương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật, giáo dục quốc phòng, hợp tác quốc tế trong một số lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, bảo đảm đời sống vật chất cho lực lượng vũ trang và thực hiện các chính sách hậu phương Quân đội, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Bộ Quốc phòng là cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước về đường lối, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự bảo vệ Tổ quốc; chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng; tổ chức thực hiện việc xây dựng, quản lý và chỉ huy Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ; quản lý các dịch vụ công theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người chỉ huy cao nhất của Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ; là Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương; là thành viên Chính phủ chỉ đạo thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng theo quy định của pháp luật; chủ trì hoạch định và tổ chức thực hiện chiến lược quốc phòng. Giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có các Thứ trưởng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, các tổng cục, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các quân khu, quân chủng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các binh chủng, các quân đoàn, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng và các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan chỉ huy, điều hành Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ; tổ chức, chỉ đạo sự phát triển của Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ, đồng thời chỉ huy các hoạt động quân sự. Bộ Tổng Tham mưu có Tổng Tham mưu trưởng, các Phó Tổng Tham mưu trưởng và các cục chức năng chịu trách nhiệm về tác chiến, huấn luyện chiến đấu, quân lực,… Tổng Tham mưu trưởng – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là người thay thế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều hành các hoạt động của Bộ Quốc phòng khi Bộ trưởng vắng mặt. Tổng Tham mưu trưởng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu xây dựng chiến lược quân sự; quy hoạch, kế hoạch phòng thủ đất nước, chủ trì phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, các cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các quy định pháp luật về quốc phòng; kiểm tra đôn đốc các đơn vị chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật của Nhà nước, mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tổng cục Chính trị đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị trong toàn quân, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Ban Bí thư và trực tiếp, thường xuyên của Quân ủy Trung ương. Tổng cục Chính trị có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các cục chức năng chịu trách nhiệm về công tác tổ chức, cán bộ, tuyên huấn, bảo vệ an ninh quân đội, chính sách, dân vận,…
Các cơ quan chức năng cấp tổng cục của Bộ Quốc phòng gồm Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Tổng cục Tình báo quốc phòng. Các tổng cục có Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm (riêng Tổng cục Tình báo quốc phòng có Tổng cục trưởng và các Phó Tổng cục trưởng); Chính ủy và Phó Chính ủy; cơ quan tham mưu, cục chính trị và các cục chức năng, các đơn vị trực thuộc.
Tổng cục Hậu cần là cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng, có chức năng tham mưu, chỉ đạo, bảo đảm vật chất, sinh hoạt, quân y, vận tải,… cho Quân đội. Tổng cục Hậu cần gồm có các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về công tác tham mưu hậu cần, quân nhu, quân y, doanh trại, xăng dầu, vận tải và một số cơ quan, đơn vị trực thuộc khác.
Tổng cục Kỹ thuật là cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng, có chức năng tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm kỹ thuật trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ; giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bảo đảm kỹ thuật; chỉ đạo ngành Kỹ thuật toàn quân các nội dung công tác kỹ thuật trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ; quản lý, chỉ huy các cơ quan đơn vị thuộc quyền.
Tổng cục Công nghiệp quốc phòng là cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan đầu ngành về công nghiệp quốc phòng, chịu trách nhiệm tham mưu giúp Quân ủy Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trong Quân đội nhân dân Việt Nam; giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng trên phạm vi cả nước; chỉ huy, quản lý các cơ quan, đơn vị thuộc quyền gồm các cục, phòng, ban chức năng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục; quản lý, chỉ đạo các công ty sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị, các viện nghiên cứu, trường dạy nghề và các đơn vị trực thuộc khác.
Tổng cục Tình báo quốc phòng giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tình báo. Tổng cục Tình báo quốc phòng là lực lượng trực tiếp thực hiện công tác tình báo ở cấp chiến lược; là cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam về tổ chức lực lượng và hoạt động tình báo; đồng thời, là cơ quan đầu ngành trực tiếp chỉ đạo nghiệp vụ tình báo đối với hệ thống quân báo – trinh sát toàn quân.
Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý nhà nước về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Quân đội, thực hiện chức năng tham mưu cho Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về chủ trương, phương hướng và biện pháp của công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng; chỉ đạo, hướng dẫn và quản lý các hoạt động đối ngoại quốc phòng của Quân đội; lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động đối ngoại quốc phòng được phân công; là đại diện của Bộ Quốc phòng trong quan hệ với đại diện các nước, các tổ chức quốc tế về lĩnh vực quốc phòng.
Tham mưu, giúp việc cho Bộ Quốc phòng có Văn phòng Bộ Quốc phòng (đồng thời là Văn phòng Quân ủy Trung ương) và các cơ quan chức năng khác. Ngoài ra, còn có một số cơ quan của Chính phủ được giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý.
Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia, quản lý chuyên ngành về cơ yếu, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác cơ yếu, thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu trong phạm vi cả nước; góp phần bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống; chủ động phòng ngừa, tham gia đấu tranh với các hoạt động thám mã gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cảnh sát biển Việt Nam là bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, là nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển của Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và việc bảo đảm chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Cảnh sát biển Việt Nam được tổ chức thành 4 vùng Cảnh sát biển (1, 2, 3, 4), trong mỗi vùng có Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc. Cảnh sát biển Việt Nam được trang bị tàu, thuyền, máy bay, các phương tiện khác, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trên các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vùng biển ở ngoài vùng biển của Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam, các thỏa thuận và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Cục Cứu hộ – Cứu nạn trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, là cơ quan tham mưu đầu ngành cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu trong việc chỉ đạo toàn quân thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ – cứu nạn; là Văn phòng thường trực của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn, tham mưu cho Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn và giúp Chính phủ chỉ đạo điều hành các lực lượng cả trong và ngoài Quân đội trong công tác cứu hộ – cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai và khắc phục hậu quả các thảm họa.
Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng 701, đặt tại Cục Khoa học Quân sự) có nhiệm vụ tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác của Cơ quan Thường trực và Ban Chỉ đạo; phối hợp với Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC, đặt tại Bộ Tư lệnh Công binh) và Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET, đặt tại Bộ Tư lệnh Hóa học), là hai Trung tâm của Chính phủ triển khai tuyên truyền, hợp tác, vận động tài trợ trong nước và quốc tế nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.
Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!