Các đề Đọc hiểu Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải)

Mùa xuân nho nhỏ là bài viết của tác giả Thanh Hải là một trong tài liệu khá hay trong chương trình học môn Ngữ văn lớp 9 nói về ý nghĩa của cuộc sống con người. Có thể nói, nó là một trong những nội dung được thầy cô yêu thích và đưa vào phần Đọc hiểu của các đề thi, đề kiểm tra.

Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến tác phẩm này, cùng Đọc Tài Liệu tham khảo một số đề trong các kỳ thi sau nhé:

Tổng hợp đề đọc hiểu Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải)

Đề số 1

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4

Ta làm con chim hót Ta làm một cành hoa Ta nhập vào hòa ca Một nốt trầm xao xuyến. Một mùa xuân nho nhỏ Lặng lẽ dâng cho đời Dù là tuổi hai mươi Dù là khi tóc bạc.

(Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)

Câu 1. Hãy chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ?

Câu 2. Xác định 2 biện pháp tu từ chính được tác giả sử dụng trong đoạn thơ và phân tích hiệu quả nghệ thuật của chúng?

Câu 3. Nêu nội dung chính của đoạn thơ?

Câu 4. Nhan đề “Mùa xuân nho nhỏ” được cấu tạo bởi những từ loại nào? Việc kết hợp như vậy thể hiện nguyện vọng nào của tác giả?

Câu 5. Đoạn thơ gợi cho anh (chị) những tình cảm gì về ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người?

Câu 6. Nốt nhạc trong bài thơ thể hiện nét gì? Điều đó góp phần gì vào việc thể hiện nguyện ước của tác giả?

Đáp án đọc hiểu Mùa xuân nho nhỏ đề số 1

Câu 1

Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.

Câu 2

Các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ: (Các em lựa chọn 2 trong các BPTT bên dưới)

– Biện pháp điệp ngữ: “ta làm” diễn tả khát vọng muốn được làm những việc hữu ích dâng hiến cho cuộc đời được bày tỏ qua những hình ảnh tự nhiên, giản dị: chim, nhành hoa, nốt trầm.

+ Điệp từ “ta” như một lời khẳng định, đó không chỉ là ước nguyện của nhà thơ mà còn là ước nguyện chung của rất nhiều người.

+ Biện pháp đảo ngữ trong câu thơ “lặng lẽ dâng cho đời”: nhấn mạnh vào trạng thái thầm lặng khi cống hiến, khát vọng được hóa thân một cách lặng lẽ, khiêm nhường.

+ Điệp ngữ “dù là” nhấn mạnh vào sự tha thiết cũng như sức cống hiến không ngừng nghỉ, có thể nói đây là sự tận hiến của người khát khao sống có ích cho đời dù là khi trẻ hay già.

+ Mùa xuân nho nhỏ: biện pháp ẩn dụ đầy sáng tạo thể hiện thiết tha và cảm động ước mong được cống hiến, sống đẹp và có ích với cuộc đời chung.

Câu 3.

Nội dung chính của đoạn thơ là khát vọng mãnh liệt của nhà thơ khi muốn hóa thân mình thành một mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ tỏa hương cho đời để cống hiến cho đất nước, nhân dân những điều cao đẹp.

Câu 4.

– Cấu tạo nhan đề: một danh từ (“mùa xuân”) kết hợp với một tính từ (“nho nhỏ”).

– Tác dụng: Làm cho hình ảnh mùa xuân trở nên hiện hữu, có hình khối qua đó giúp tạo sự hấp dẫn, thu hút hơn với bài thơ.

Giải thích thêm:

– “Mùa xuân” mang ý nghĩa tả thực – đó là mùa khởi đầu của một năm, là mùa của lộc non lá biếc, của vạn vật sinh sôi nảy nở.

– “Mùa xuân” còn mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng cho những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất của sự sống và cuộc đời mỗi con người. Mùa xuân hay chính là sức trẻ trong tâm hồn và trí tuệ, là nhiệt huyết và năng lực cống hiến của mỗi người vào mùa xuân lớn của thiên nhiên, của đất nước.

Đọc thêm:  Kết hợp đào tạo nhân lực kỹ thuật chất lượng cao với làm chủ vũ khí

– Từ láy “nho nhỏ” làm rõ hơn đặc điểm của mùa xuân rất giản dị, rất khiêm nhường.

Câu 5

Đảm bảo yêu cầu về hình thức của đoạn văn.

Nội dung nêu được những ý cơ bản: Sống ở trên đời phải biết sống vì cái chung, phải biết cống hiến cho đời. Cuộc sống vì vậy mới trở nên thật sự có ý nghĩa.

Câu 6.

“Một nốt trầm” chính là sự khiêm nhường, lặng lẽ của tác giả giữa bản giao hưởng bất tận của cuộc sống. Nốt trầm góp một chút công sức để các nốt nhạc khúc thăng hoa hơn, ở đây tác giả rất tinh tế khi kết hợp nốt trầm lắng với tính từ “xao xuyến”. Như vậy, chính nốt trầm cũng tạo dấu ấn, gây được những xao động đẹp đẽ trong lòng người đọc. Qua đó thể hiện nguyện ước chân thành, nhỏ bé của nhà thơ được hóa thân thành những điều đẹp đẽ như nốt trầm xao xuyến kia, luôn có mặt, hiện hữu trong bản đàn muôn bậc của sự sống.

Xem thêm: Cảm nhận bài Mùa xuân nho nhỏ

Đề số 2

Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, nhà thơ bắt đầu bằng câu:

Mọc giữa dòng sông xanh

Câu 1. Chép chính xác 11 câu tiếp theo để hoàn thiện đoạn thơ.

Câu 2. Nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ, trong hoàn cảnh đó có ý nghĩa thế nào đối với việc bày tỏ cảm xúc của nhà thơ?

Câu 3. Nêu ý nghĩa nhan đề bài thơ, từ đó liên hệ tới mối quan hệ với tác phẩm.

Câu 4. Những câu thơ sau sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Em hãy nêu tác dụng của biện pháp ấy.

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

Câu 5. Từ “lộc” trong bài được sử dụng với nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Theo em, vì sao hình ảnh “người cầm súng” lại được tác giả miêu tả “Lộc giắt đầy trên lưng”?

Câu 6. Em hãy chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên và nêu tác dụng của chúng.

Đáp án đọc hiểu Mùa xuân nho nhỏ đề số 2

Câu 1.

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao…

Câu 2.

Hoàn cảnh sáng tác: Mùa xuân nho nhỏ được viết vào tháng 11/1980, không bao lâu sau trước khi nhà thơ qua đời, thể hiện được niềm yêu mến cuộc sống, yêu nước thiết tha và ước nguyện của tác giả.

➞ Từ tình yêu cuộc sống, yêu cuộc đời, thiên nhiên được khơi nguồn, nảy nở từ sức sống, vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, mở rộng ra với mùa xuân đất nước, cách mạng. Cảm xúc lắng đọng dần vào suy tư và ước nguyện: nhà thơ muốn nhập vào bản hòa ca vĩ đại của cuộc đời bằng một nốt trầm xao xuyến của riêng mình, góp vào mùa xuân chung lớn lao “mùa xuân nho nhỏ”.

Câu 3.

Ý nghĩa nhan đề bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” ( Thanh Hải ).

– “Mùa xuân nho nhỏ” là một nhan đề hay, một ẩn dụ đầy sáng tạo, giàu ý nghĩa đã góp phần thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm – ước nguyện chân thành của nhà thơ Thanh Hải dành cho cuộc đời.

Ý nghĩa:

+ Thể hiện ước nguyện, khát vọng khiêm nhường mà rất đỗi chân thành, tha thiết, cao đẹp.

+ Thể hiện quan niệm về sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng. Ai cũng phải sống có ích cho đời, sống làm đẹp cho đất nước.

Đọc thêm:  Hướng dẫn sử dụng Excel cơ bản cho người mới bắt đầu - UniTrain

Câu 4.

Biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác:

+ Giọt long lanh là những giọt mưa xuân, giọt mưa xuân, trong sáng, rơi xuống từng nhành cây, kẽ lá.

+ Tiếng chim từ chỗ là âm thanh (cảm nhận bằng thính giác) chuyển thành “từng giọt” (hình và khối, cảm nhận bằng thị giác), từng giọt long lanh ánh sáng và màu sắc có thể bằng xúc giác (tôi đưa tay tôi hứng). → Câu thơ gợi ra niềm cảm xúc say mê, ngây ngất của tác của tác giả trước cảnh trời đất xứ Huế vào mùa xuân, thể hiện mong muốn hòa nhập thiên nhiên, đất trời trong tâm tưởng giữa mùa đông lạnh giá khiến ta vô cùng khâm phục.

Câu 5.

Từ “lộc” trong câu thơ là từ có tính nhiều nghĩa.

– Nghĩa chính: là những mầm non nhú lên ở cây khi mùa xuân đến.

Nghĩa chuyển: sức sống, sức phát triển của đất nước, với nhiệm vụ bảo vệ đất nước trong những ngày đầu xuân.

– Hình ảnh “Người cầm súng” lại được tác giả miêu tả “Lộc giắt đầy trên lưng” là vì: Trên đường hành quân, trên lưng người lính lúc nào cũng có những cành lá để ngụy trang, trên đó có những lộc non mới nhú lên khi mùa xuân đến. Với nghĩa chuyển của từ “lộc”, ta cảm nhận anh bộ đội như mang trên mình mùa xuân của đất nước. Anh cầm súng để bảo vệ mùa xuân tươi đẹp đó. Cách diễn đạt sức sống của một đất nước vào mùa xuân với nhiệm vụ lớn lao: Bảo vệ đất nước thật cụ thể và sinh động.

Câu 6. Các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên và nêu tác dụng của chúng:

– Đảo ngữ từ “mọc”

➞Tác dụng: Nhấn mạnh vị trí trung tâm và sức sống tiềm tàng của bông hoa xứ Huế.

– Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: “Giọt long lanh”

➞Tác dụng: “Giọt long lanh rơi” có phải giọt sương, giọt nắng, giọt mưa , hay chính là giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện đã ngưng đọng thành hình, thành khối, thành sức sống mùa xuân có sắc màu lóng lánh? Rõ ràng, âm thanh tiếng chim vô hình, vô ảnh vốn được cảm nhận bằng thính giác đã được hữu hình, hữu ảnh thành vật thể được cảm nhận bằng thị giác và xúc giác.

– Điệp cấu trúc “mùa xuân người cầm súng – mùa xuân người ra đồng”

➞Tác dụng: Nhấn mạnh hai lực lượng nòng cốt của đất nước là người lính và người nông dân với hai nhiệm vụ là bảo vệ và xây dựng đất nước.

– Ẩn dụ từ “lộc”

➞Tác dụng: chỉ chồi non, lá non. Nhưng “lộc” còn có nghĩa là mùa xuân, là sức sống, là thành quả hạnh phúc. Đặc biệt hơn từ lộc còn là sức sống, là tuổi trẻ, sức thanh xuân tươi mới đầy mơ ước, lí tưởng, đầy những hoài bão và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, sôi nổi trong mỗi tâm hồn con người – tâm hồn của người lính dũng cảm, kiên cường nơi lửa đạn bom rơi – tâm hồn của người nông dân cần cù, hăng say tăng gia sản xuất. “Lộc” chính là thành quả hôm nay và niềm tin, hy vọng ngày mai.

– So sánh từ “như” + Điệp ngữ từ “tất cả”

➞Tác dụng: Nhà thơ đã khái quát được cả một thời đại của dân tộc. Cả đất nước đang hối hả, khẩn trương sản xuất và chiến đấu. Tất cả đều náo nức, rộn ràng trong mùa xuân tươi đẹp của thiên nhiên, của đất nước.

– Dấu (…)

➞Tác dụng: Thể hiện đất nước sẽ còn phát triển không ngừng trong tương lai.

Xem thêm: Biện pháp tu từ và nghệ thuật trong bài Mùa xuân nho nhỏ

Đề số 3

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu của đề:

Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

Đọc thêm:  Truyện cổ tích thế giới | Tiểu Học Thân Nhân Trung

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến.

(Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam)

Câu 1. Đoạn thơ được trích từ tác phẩm nào? Tác giả là ai?

Câu 2. Các hình ảnh “con chim”, “một cành hoa”, “một nốt trầm” có những đặc điểm gì giống nhau?

Câu 3. Xác định một biện pháp tu từ mà em thích nhất trong đoạn thơ trên và cho biết tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Câu 4. Đoạn thơ gợi cho em suy nghĩ gì về cuộc sống có ý nghĩa của mỗi con người?

Đáp án đọc hiểu Mùa xuân nho nhỏ đề số 3

Câu 1. Đoạn thơ trên trích từ tác phẩm ” Mùa xuân nho nhỏ” của tác giả Thanh Hải.

Câu 2. Các hình ảnh con chim, một cành hoa, một nốt trầm có những đặc điểm giống nhau:

– Là những hình ảnh bình dị, khiêm nhường của thiên nhiên, cuộc sống mang lại niềm vui, vẻ đẹp cho đời một cách tự nhiên.

– Là những hình ảnh mang ước nguyện chân thành, tha thiết của nhà thơ: được cống hiến những gì tốt đẹp, dù nhỏ bé, đơn sơ cho cuộc đời chung.

Câu 3. Học sinh chọn một trong những biện pháp tu từ sau:

– Nhân hóa: “vất vả và gian lao”, tổ quốc như một người mẹ tần tảo, vất vả và gian lao, đã làm nổi bật sự trường tồn của đất nước. Để có được sự trường tồn ấy, tổ quốc đã thấm bao máu, mồ hôi và cả nước mắt của các thế hệ, của những tháng năm đằng đẵng lúc hưng thịnh, lúc thăng trầm. Nhưng dù kẻ thù có mạnh đến đâu thì dân tộc Việt Nam cũng sẽ không khuất phục.

– So sánh: “Đất nước như vì sao / Cứ đi lên phía trước” ➞ làm ý thơ hàm súc, giàu tính biểu đạt hơn. Sao là nguồn sáng bất diệt của thiên hà, là vẻ đẹp lung linh của bầu trời đêm, là hiện thân của sự vĩnh hằng trong vũ trụ. So sánh như thế, là tác giả đã ngợi ca đất nước trường tồn, và đang hướng về một tương lai tươi sáng. Qua đó cũng thể hiện niềm tin tưởng của tác giả vào tương lai rạng ngời của dân tộc Việt Nam.

– Điệp ngữ “đất nước” được nhắc lại hai lần thể hiện sâu sắc ý vất vả, đất nước vẫn tỏa sáng đi lên không gì có thể ngăn cản được.

– Điệp từ “ta” được lặp đi lặp lại thể hiện một ước nguyện chân thành, thiết tha.

– Liệt kê: Chim hót, cành hoa, nốt trầm cho thấy ước nguyện giản dị, chân thành.

Câu 4. Đoạn thơ gợi cho em nhiều suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống đối với mỗi con người.

– Được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước hòa bình chúng ta phải biết yêu cuộc sống, yêu đất nước, biết ơn những con người Việt Nam cần cù trong lao động, anh dũng kiên cường đấu tranh có được hòa bình hôm nay.

– Phải biết tin yêu và tin tưởng rằng Tổ Quốc ta dù trải qua bao thăng trầm biến đổi bởi chiến tranh, bom đạn,… nhưng vẫn ngời sáng lung linh như những vì sao.

– Phải biết tự hào, trân trọng gìn giữ và ra sức cống hiến, phát triển để nước nhà đi lên và cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

– Phải biết hóa thân “sống đẹp” để hiến dâng, để phục vụ cho một mục đích cao cả “làm nên đất nước muôn đời”.

Xem thêm: Sơ đồ tư duy Mùa xuân nho nhỏ

Hết

Trên đây là một số câu hỏi với Đọc hiểu Mùa xuân nho nhỏ mà Đọc tài liệu đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà!

Xem thêm tổng hợp đề thi thử vào 10 tất cả các môn nữa em nhé!

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button