Cảm nghĩ về giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa

Đề bài: Cảm nghĩ về giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh

https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nghi-ve-gia-tri-hien-thuc-sau-sac-cua-doan-trich-vao-phu-chua-trinh-42088n.aspx cam nghi ve gia tri hien thuc sau sac cua doan trich vao phu chua trinh

Cảm nghĩ về giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh

1. Giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh, mẫu số 1:

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được biết đến không chỉ với danh tiếng của một danh y lỗi lạc, nhân từ và một ẩn sĩ thanh cao, cứng cỏi mà còn là tác giả của cuốn “Thượng kinh kí sự” nổi tiếng. Đầu năm 1782, do danh tiếng y thuật vang xa, ông được lệnh triệu ra kinh đô để chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm. Nhờ những tư liệu, ghi chép trong chuyến đi, ông đã hoàn thành tác phẩm “Thượng kinh kí sự” với giá trị hiện thực sâu sắc. “Vào phủ chúa Trịnh” là một trong những trích đoạn đặc sắc thể hiện rõ điều này bằng việc lên án, tố cáo cuộc sống xa hoa, quang cảnh lộng lẫy cùng những tầng lớp vua quan trong bộ máy xã hội phong kiến.

Trước hết, dưới con mắt tỉnh táo, tinh tế của một ẩn sĩ, tác giả Lê Hữu Trác đã ghi lại và phản ánh trong tác phẩm của mình đời sống xa hoa, giả dối và đầy thị phi của tầng lớp vua quan thông qua những chi tiết về quang cảnh xa hoa, lộng lẫy trong các dinh thự và phủ các. Đó là vườn hoa với “cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương”, đó là những nhà “Đại đường”, “Quyển bồng”, “Gác tía” với kiệu son, võng điều, đồ nghi trượng sơn son thếp vàng và “những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy” cùng “mâm vàng, chén bạc” được dùng lúc tiếp khách ăn uống. Tất cả khung cảnh vàng son lộng lẫy xa hoa của phủ chúa đã được phóng chiếu qua đôi mắt và sự quan sát, tinh tế và tỉ mỉ của tác giả.

Không chỉ dừng lại ở đó, giá trị hiện thực của tác phẩm còn được tạo nên thông qua những chi tiết về cung cách sinh hoạt trong phủ chúa. Ngay từ lúc tác giả lên cáng vào phủ theo lệnh chúa thì điều này đã được làm nổi bật: “có tên đầy tớ chạy đằng trước hét đường” và “cáng chạy như ngựa lồng”. Khi đặt chân vào phủ chúa, tác giả quan sát thấy cảnh tượng “người giữa cửa truyền báo rộn ràng, người có việc qua lại như mắc cửi”. Quang cảnh đó đã khiến cho tác giả không khỏi ngạc nhiên:

“Lính nghìn cửa vác đòng nghiêm nhặtCả trời Nam sang nhất là đây”

Câu thơ của tác giả đã minh chứng rõ thêm về quyền uy nơi phủ chúa. Chính ông cũng đã bộc bạch trước cảnh xa hoa đó rằng: “Mình vốn cũng là con em nhà quan, sinh trưởng nơi phồn hoa, khắp chốn trong cấm thành, chỗ nào cũng từng quen thuộc, duy có quang cảnh phủ chúa thì chỉ được nghe nói tới mà thôi. Nay được đến đây, mới biết hết là sự giàu sang của vua chúa, quả là không ai sánh kịp”. Những câu thơ hay lời bình luận của tác giả cũng đã làm nổi bật giá trị về mặt thời gian nghệ thuật của tác phẩm. Đó là sự xuất hiện của thời gian tâm lí. Bên cạnh thời gian vật lí là những con số về ngày giờ, năm tháng và niên hiệu, tác giả còn dành ra những khoảng không để chiêm nghiệm về các sự kiện đã diễn ra, khiến cho mỗi một sự miêu tả trong tác phẩm đều chứa đựng những suy nghĩ và cảm xúc của tác phẩm.

Đọc thêm:  Nghị luận xã hội “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương

Bằng ngòi bút chân thực và sắc nét, trong đoạn trích này, tác giả còn gián tiếp lên án và tố cáo đời sống xa hoa, bệnh hoạn của giới quý tộc, quan lại đương thời. “Bệnh” của Trịnh Cán đã được ông nhận xét như sau: “là do sinh trưởng ở nơi màn the trướng gấm, ấm nó quá sức, tạng phủ kém yếu, lại thêm bị ốm lâu nên tinh huyết hao kiệt,…”. Chúa Cán vốn là trẻ con hồn nhiên nghiễm nhiên trở thành nạn nhân của sự sung túc, thừa thãi và dưỡng dục sai lầm. Trước những căn bệnh như thế này, việc cứu chữa sẽ được các ngự y tiến hành như thế nào? Tác giả lại tiếp tục khéo léo lên án đám thầy thuốc Bắc Hà với căn bệnh ngu dốt, nhưng ảo tưởng, tham lam và nhỏ nhen. Đó là đám “y lại” chuyên đố kị, dèm pha lẫn nhau, không vì đạo làm thuốc mà vì danh lợi. Bằng những nét bút miêu tả khá tự nhiên, chân thực, Hải Thượng Lãn Ông đã bắt mạch, lên đơn những căn bệnh của chế độ phong kiến lúc bấy giờ. Bên ngoài lớp vỏ bọc hoàn hảo của quang cảnh xa hoa lộng lẫy và cung cách sinh hoạt đầy quyền uy, hòa nhoáng và thịnh trị là những mầm bệnh đang phát tác, thể hiện sự mục rỗng và báo hiệu sự khủng hoảng tất yếu của chế độ xã hội phong kiến đương thời.

Giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm “Vào phủ chúa Trịnh” đã làm nên tính chân thực của “Thượng kinh kí sự” qua bút pháp kí sự vô cùng đặc sắc của tác giả. Đó là sự kết hợp thành công của đôi mắt quan sát tỉ mỉ cùng ngòi bút ghi chép trung thực, tả cảnh sinh động, ngay cả những chi tiết nhỏ nhất để tạo nên cái thần của cảnh và vật thấm đẫm trong từng con chữ và xuyên suốt trang văn.

Thông qua giá trị hiện thực của tác phẩm, độc giả còn thấy được giá trị nhân đạo ẩn chứa một cách sâu sắc. Bằng sự quan sát và ghi chép về quang cảnh xa hoa lộng lẫy, tác giả đã gián tiếp thể hiện sự đồng cảm, thương xót đối với cuộc sống cơ cực, lầm than của nhân dân. Bức tranh về xã hội phong kiến đã được phác họa trong sự đối lập giữa đời sống của tầng lớp quan lại và cuộc sống của những người dân. Thông qua tác phẩm này, chúng ta càng thấm thía hơn nữa câu ca quen thuộc của người xưa về sự tàn bạo và trắng trợn trong lối sống của đại đa số tầng lớp quan lại:

“Con ơi nhớ lấy câu nàyCướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.

2. Giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh, mẫu số 2:

Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác ngoài việc là một thầy thuốc nổi tiếng với tác phẩm Hải Thượng y tông tâm lĩnh, thì bản thân ông cũng là một người có tài văn chương, với những đóng góp đáng ghi nhận trong nền văn học Việt Nam. Một trong những cuốn nổi tiếng nhất trong bộ sách trên của ông đó là Thượng kinh ký sự. Ở đó ta sẽ có cơ hội được nhìn lại lịch sử Việt Nam thê kỷ 18, một thời kỳ mà ở đó có sự phân tranh gay gắt giữa vua Lê và chúa Trịnh. Người ta ví rằng một triều đình có hai hoàng cung cùng song song tồn tại, điều đó đã đẩy cuộc sống nhân dân vào cảnh khốn cùng. Ta sẽ được tìm hiểu về một trong hai hoàng cung quyền uy, xa hoa tột bậc đó, chính là phủ chúa Trịnh qua lời của Lê Hữu Trác trong đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh.

Đọc thêm:  Cảm nhận về câu nói của bà cô Thị Nở trong truyện Chí Phèo

Lê Hữu Trác (1724-1791), hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, quê cha ở Trấn Hải Dương (Hưng Yên), quê mẹ ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông vừa là một danh y lỗi lạc, vừa là một nhà văn tài hoa. Tác phẩm của ông chỉ có một bộ duy nhất là Hải Thượng y tông tâm lĩnh, rất đồ sộ, là tâm huyết của cả cuộc đời ông viết trong gần 40 năm trời bền bỉ.

Thượng kinh ký sự là quyển vĩ của bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh, viết nhân sự kiện chúa Trịnh Sâm mời Lê Hữu Trác ra kinh đô chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán, cuốn sách chính là kết quả của chuyến đi này.

Bằng những quan sát rất tinh tế của mình, Lê Hữu Trác đã tái hiện một cách rất sinh động bức tranh hiện thực nơi phủ chúa Trịnh. Ông tự đặt mình vào vị trí của một vi thầy thuốc nhà quê, một người dân lao động lần đầu tiên được bước chân vào phủ Chúa, để diện kiến bề trên, để thực sự thấy được cái cuộc sống xa hoa tột độ của giai cấp thống trị thời bấy giờ là như thế nào. Đây thật sự là cái nhìn của một bậc trí thức lương tâm và trung thực. Tác giả quan sát sự vật theo trình tự không gian và thời gian, đi từ ngoài vào trong. Trước hết ấn tượng đầu tiên của Lê Hữu Trác là cảnh vật tươi đẹp nơi phủ Chúa: “cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đưa thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương”, rồi thì quang cảnh rộng lớn, đẹp mắt, “những dãy hành lang quanh co nối tiếp”, cảnh người qua lại nhộn nhịp “như mắc cửi”. Chỉ mới bấy nhiêu thôi đã khiến cho Lê Hữu Trác, vốn lớn lên trong nhung gấm, giàu sang cũng phải mở rộng tầm mắt mà âm thầm cảm thán “cảnh giàu sang của vua chúa thực khác người thường!”. Trong đôi mắt của một thầy thuốc quê mùa, phủ Chúa thực chẳng khác nào chốn bồng lai tiên cảnh, “ngư phủ đào nguyên” cả, thực tươi đẹp không kể xiết.

Thế rồi khi bước vào nội cung, Lê Hữu Trác mới biết được cái cung cấm giàu sang nghiêm ngặt đến như thế nào. Khắp nơi nơi là đình đài, lầu các cao rộng, cảnh cung cấm được sơn son thếp vàng tỉ mỉ, rực rỡ, chưa kể những đồ vật bày biện bên trong toàn là những thứ “nhân gian chưa từng thấy”. Rồi thì không khí ngào ngạt các mùi hương thơm của nến, của hoa nhưng lại mang đến cảm giác tù đọng, ngột ngạt vô cùng, thứ nhất là vì cái không khí thâm nghiêm, thứ hai là vì cái vẻ tráng lệ xa hoa phi thực quá mức, khiến cho mọi thứ không còn giữ được vẻ đẹp tự tại ban đầu. Như vậy, qua đôi mắt quan sát tinh tường của Lê Hữu Trác ta đã thấy quang cảnh phủ Chúa hiện lên một cách chân thực và sinh động. Đó là một nơi xa hoa, tráng lệ, rực rỡ, không một nơi nào có thể sánh bằng, tuy nhiên cái đẹp vượt quá mức thường khiến cho cuộc sống vương giả trở nên ngột ngạt, tù hãm, dường như mất đi cái phần sinh khí tự nhiên của sự sống.

Đọc thêm:  Hãy phân tích đoạn trích Cha vẫn cương quyết không chuyển chăng

Đó là về cảnh sắc, về cung cách sinh hoạt nơi phủ chúa ta lại càng thấy được cái mức độ xa xỉ tột cùng của đấng bề trên lúc bấy giờ. Một mâm cơm để mời các ngự y mà cái chén cái bát nào cũng bằng vàng, bằng bạc, đồ ăn thì toàn của ngon vật lạ, Lê Hữu Trác thầm nghĩ “bấy giờ mới biết cái phong vị của nhà đại gia”. Rồi thì đường vào phòng bệnh của thế tử tuyệt nhiên chẳng có một cái cửa nào, mà được phủ bởi năm sáu lần trướng gấm, cách biệt với bên ngoài. Trong phòng chỉ có một thế tử cùng với chúa vậy mà một đám người hầu, rồi lại một đám cung nhân chầu trực dù chẳng mấy khi có việc cần. Cũng chính cái lối sống, sung sướng xa hoa tột độ, nhưng ngột ngạt tù túng ấy đã khiến một đứa trẻ mới năm sáu tuổi mắc bệnh nặng. Lúc này đây màn che trướng phủ, sơn hào hải vị, lụa là gấm vóc lại cũng đang khiến con người ta trở nên bệnh tật, thế mới có câu cái gì quá cũng không tốt, là vậy.

Rồi thì căn nguyên bênh tật của thế tử cũng là lời sâu xa của Lê Hữu Trác về tình hình đất nước lúc bấy giờ, “nguyên khí đã hao mòn, thương tổn quá mức”, khó có thể chữa chạy. Ông đắn đo rất nhiều trong lúc chữa bệnh cho thế tử, không phải là không chữa được mà cốt là ông sợ mình bị giữ chân, bị cuốn vào cái vòng danh lợi luẩn quẩn không thể thoát thân được. Cuối cùng, ông kê một phương thuốc hòa hoãn cho thế tử, bệnh sẽ khỏi nhưng lại không hết ngay và ông có thể an tâm rút về núi tiếp tục hành nghề mà không phải hổ thẹn với ơn nghĩa quốc gia bao đời.

Đoạn trích có giá trị hiện thực sâu sắc, phản ánh cái lối sống xa xỉ, hoang dâm vô đạo của phủ Chúa, chèn ép nhân dân bởi sưu cao thuế nặng, chỉ vì phục vụ cho cuộc sống xa hao tột bậc của chúng, để nhân dân phải sống trong cảnh lầm than, kêu trời không thấu, kêu đất chẳng hay. Lúc này đây cảnh cung cấm tráng lệ nơi phủ Chúa chính là nỗi đau của của nhân dân, là cái xiềng xích đang ngày đêm đang áp lên đôi vai gầy của những người dân cùng khổ. Đồng thời đoạn trích cũng là tấm lòng coi thường danh vọng của Lê Hữu Trác, vị danh y ấy chỉ yêu tha thiết cái cảnh thanh bình, tự do nơi quê nhà, được hành y cứu người. Còn cái cuộc sống tuy xa hoa, sung sướng kia tuy hào nhoáng như rốt cục cũng phải chịu luồn cúi, khuôn phép thì có hay ho gì đâu.

Đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh là tác phẩm nổi bật trong ngữ văn lớp 11, ngoài bài làm văn Cảm nghĩ về giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh, thầy cô và học sinh tham khảo thêm những bài làm văn mẫu khác như Phân tích đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh, Giá trị hiện thực của Vào phủ chúa Trịnh, Tìm hiểu đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh hay cả các phần Soạn bài Vào phủ Chúa Trịnh.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button