3 bài văn hay cảm nghĩ về bài thơ Tôi yêu em – Puskin – Đọc Tài Liệu

Cảm nghĩ về bài thơ Tôi yêu em của Puskin giúp các em cảm nhận được một tình yêu vô vọng, thấm đẫm những sắc buồn nhưng chứa đựng trong đó luôn là tình yêu cháy bỏng mà cao thượng của trái tim.

Trong quá trình tìm hiểu đề, có thể tham khảo thêm nội dung soạn bài Tôi yêu em của Puskin để củng cố lại kiến thức về nội dung bài thơ trước khi đặt bút vào viết bài.

Hướng dẫn làm bài cảm nghĩ về bài thơ Tôi yêu em (Puskin)

Đề bài: Viết bài văn nói lên cảm nghĩ về bài thơ Tôi yêu em của Puskin.

1. Phân tích đề

– Yêu cầu: phát biểu cảm nghĩ về nội dung, nghệ thuật của bài thơ Tôi yêu em (Puskin)

– Đối tượng, phạm vi đề bài: các câu thơ, từ ngữ, chi tiết tiêu biểu trong bài thơ Tôi yêu em của Puskin.

– Phương pháp lập luận chính: phân tích, nêu cảm nghĩ.

2. Hệ thống luận điểm cảm nghĩ về bài thơ Tôi yêu em

Luận điểm 1: Những mâu thuẫn giằng xé trong tâm hồn nhà thơ

Luận điểm 2: Những khổ đau và tuyệt vọng của nhân vật trữ tình

Luận điểm 3: Sự cao thượng, chân thành của thi sĩ trong tình yêu.

3. Lập dàn ý chi tiết

a) Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:

+ Puskin (1799 – 1837) là đại diện xuất sắc của văn học Nga thế kỉ XIX nổi tiếng với nhiều tác phẩm truyện ngắn, trường ca và thơ trữ tình.

+ Bài thơ Tôi yêu em là một trong những bài thơ tình nổi tiếng thế giới gắn liền với tên tuổi của Puskin.

– Cảm nhận chung về bài thơ: Bài thơ thấm đượm nỗi buồn của mối tình vô vọng, nhưng là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu đương chân thành, mãnh liệt, nhân hậu, vị tha.

b) Thân bài: Phân tích, nêu cảm nhận về nội dung bài thơ Tôi yêu em

* Luận điểm 1: Những mâu thuẫn giằng xé trong tâm hồn nhà thơ

“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể.

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai”

– Điệp khúc “tôi yêu em” xuất hiện ở ngay câu thơ đầu thể hiện cảm xúc bị kìm nén, dè dặt, bị lí trí chi phối.

– Cụm từ “tôi yêu em” bộc lộ trực tiếp một tình yêu chân thành

– Cách dùng từ “có thể, chưa hẳn” nhưng bên trong vẫn thể hiện sự bày tỏ dè dặt một tình yêu âm ỉ, dai dẳng

-> Lời thơ là tiếng nói tình cảm, cảm xúc, còn là lời thú nhận giãi bày một sự thực: tình yêu của “tôi” dành cho “em” vẫn chưa lụi tắt.

=> Chủ thể trữ tình phân biệt tình yêu của “tôi”: “Tôi yêu em”, tức là tình yêu ấy xuất phát từ “tôi” nhưng chưa tắt. Tình yêu có tính cá thể, có một sinh mệnh riêng, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của “tôi”. Tình yêu xuất phát từ trái tim nồng nàn, chân thành, trong sáng.

– Cách chia động từ ở thì hiện tại hoàn thành, lời thơ như mới chuyển đi.

– Điệu tình yêu nảy sinh trong quá khứ, hiện diện trong hiện tại và tiếp diễn ở tương lai.

– Hình thức là lời tự sự nhưng thực chất là lời bộc bạch bày tỏ của một trái tim yêu say đắm.

– Vẫn mãi yêu em nhưng dường như nhà thơ đã nhận thức được tình yêu đơn phương của mình sẽ làm cho người mình yêu băn khoăn, u hoài. Vì vậy trong lí trí, tác giả muốn dập tắt ngọn lửa tình yêu để trả lại sự yên tĩnh, thanh thản trong tâm hồn người mình yêu.

“Nhưng không để em bận lòng thêm nữa

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”

=> Sự giằng xé giữa lí trí và tình cảm nhưng cảm nhận sâu xa và mạch cảm xúc của câu thơ vẫn thấy mạch chảy duy nhất của một tình yêu mãnh liệt, chân thành, của thái độ dịu dàng trân trọng với người mình yêu.

* Luận điểm 2: Những khổ đau và tuyệt vọng của nhân vật trữ tình

– Điệp khúc “tôi yêu em” lại lần nữa xuất hiện thể hiện sự chuyển đổi đột ngột, tuôn trào của cảm xúc không còn nghe theo sự điều khiển của lí trí nữa

– Những từ “lúc, khi” diễn tả những trạng thái tình yêu biến đổi đa dạng nhưng rất đỗi bình thường. Mặc dù tình yêu của tôi là không hi vọng không âm thầm đơn phương nhưng nó vẫn mang đầy đủ sắc thái tâm trạng của một người đang yêu: muốn bày tỏ nhưng lại rụt rè, e ngại bị khước từ; thấy người mình yêu ở bên ai đó cũng ghen tuông, đau khổ.

-> Nỗi đau khổ vì không dám bày tỏ, không có hi vọng, sự dày vò bởi cảm giác ghen tuông.

=> Bề ngoài lí trí thì cứng cỏi nhưng trong chiều sâu tâm trạng vẫn rất yêu em.

* Luận điểm 3: Sự cao thượng, chân thành của thi sĩ trong tình yêu

– Điệp khúc “tôi yêu em”, “yêu” lặp lại lần thứ ba -> Sự tuôn trào của cảm xúc muốn bộc bạch cho hết sự chân thành, đằm thắm của tình yêu tôi dành cho em, tình yêu ấy không bao giờ lụi tắt mặc dù vì người yêu tác giả sẵn sàng rút lui.

– Rút lui khi ngọn lửa tình vẫn âm ỉ nhưng vẫn cầu mong người mình yêu gặp được người khác yêu thương em như tôi đã từng yêu em vậy -> quả là nhân hậu, cao thượng.

– Hai câu kết hàm chứa thật nhiều ý vị:

+ Khi yêu người ta thường ích kỉ, yêu càng sâu đậm thì khi chia tay càng hậm hực, nhỏ nhen, hận thù

+ Puskin đã vượt qua thói ích kỉ tầm thường ấy bằng một cách ứng xử rất đẹp: yêu là trân trọng người mình yêu, mong muốn người mình yêu được hạnh phúc.

=> Lời chúc nhưng lại mang dáng dấp như một lời từ biệt cho mối tình không thành nhưng vẫn tràn ngập yêu thương, không một chút hận thù và chứa chan lời cầu mong đầy tính nhân văn.

* Đặc sắc nghệ thuật

– Nghệ thuật điệp từ “tôi yêu em”, “yêu” được sử dụng vô cùng thành công

– Nhịp thơ khi ngập ngừng sâu lắng, khi mãnh liệt trào dâng cảm xúc

– Hình ảnh thơ cầu kì, mĩ lệ.

– Ngôn từ giản dị, trong sáng

– Giọng thơ chân thành, đằm thắm.

c) Kết bài

– Nêu cảm nhận của em về nội dung bài thơ.

4. Sơ đồ tư duy phát biểu cảm nghĩ về bài Tôi yêu em

Top 3 bài văn chọn lọc nêu lên cảm nghĩ về bài thơ Tôi yêu em – Puskin

Cảm nghĩ về bài thơ Tôi yêu em mẫu 1

Từ lâu, văn học Nga luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong tâm hồn và trong tình cảm của mỗi người Việt Nam. Cái chất lãng mạn và hiện thực đan xen với nhau, lối tư duy rành mạch, khúc chiết cộng với sự nồng nhiệt, nhân hậu trong quan điểm nhân sinh đã khiến văn học Nga trở nên gần gũi và làm say đắm lòng người. Tôi yêu em của A. Puskin là một bài thơ mang đậm đặc trưng của văn học Nga và mang đậm dấu ấn của tâm hồn Nga.

Đọc thêm:  Viết 4-5 câu để cảm ơn các chú bộ đội hải quân đang làm nhiệm vụ

Bài thơ mang đến sự thẳng thắn, nhẹ nhàng không hề đơn điệu hay quá cầu lỳ trong lối viết thơ và việc dùng từ ngữ, rất dễ đọc, dễ nhớ và dễ thuộc. Từng cái đơn giản ấy cộng lại đã làm nên cái hồn và sức quyến rũ của bài thơ.

“Tôi yêu em đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai.”

Nhắc đến tình yêu luôn là như thế có biết bao lời hay, ý đẹp, biết bao cảm giác, có biết bao điều mà ta muốn dành cho nhau nhưng đôi khi chỉ cần thật ngắn gọn: Tôi yêu em. Chẳng cần quá cầu kỳ mỹ lệ, chẳng cần so sánh hay tượng trưng gì cả chỉ cần nói nhẹ nhàng và ấm áp rằng “tôi yêu em”. Lời mở đầu như lời bộc bạch một cách chân tình, đơn giản. Ta có thể thấy được tình yêu ấy nồng nhiệt và say đắm biết nhường nào và có lẽ đã là từ rất lâu rồi. “Ngọn lửa tình” ấy đến nay vẫn rực cháy mà sẽ chẳng tàn phai. Đôi khi tình yêu là như vậy chẳng cần đáp lại, chẳng màng đến thời gian, ta cứ yêu, cứ yêu mãi mà chẳng thể dừng lại dù biết có thể người ấy chẳng thích ta. Tình cảm là điều khó nói và khó nắm bắt, nếu đã yêu rồi sẽ chẳng thể dừng chân.

Tình đơn phương thường được diễn tả nhiều trong thơ ca bởi khi đau khổ thì lời thơ mới trở nên da diết và dễ san sẻ hơn:

“Nhưng không để em bận lòng thêm nữa

Hay hồn em phải gợn sóng u hoài”

Vì yêu nên nhà thơ đã đang đưa ra quyết định sẽ chẳng để người mình yêu phải bận lòng vì tình cảm của nhà thơ cũng chẳng muốn cô ấy phải “gợn sóng u hoài”. Tình yêu đôi khi lạ lùng đến như vậy đó, chỉ cần nhìn người mình yêu thương hạnh phúc, chỉ cần người ấy không đau buồn thì bản thân sẽ có thể đánh đổi cả hạnh phúc của mình. Nhưng không phải ai cũng có thể có được tình yêu cao thượng như vậy, có thể chúc phúc và hy sinh để cho người ấy được bình an. Hai câu thơ tiếp theo cũng đang tiếp nối mạch cảm xúc ấy:

“Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”

Phân tích bài thơ Tôi yêu em đến đây ta đã có thể thấy chàng trai này đang ôm ấp một mối tình đơn phương, chẳng dám nói, chỉ âm thầm bên em mà chẳng có hy vọng để vẽ lên được bức tranh tình yêu hạnh phúc của hai người. Vì là yêu đơn phương nên chẳng có danh phận gì ở bên cô ấy, chẳng có tư cách để thể hiện thứ tình cảm yêu đương nên chỉ có thể một mình tự ghen tuông, tự hậm hực, chỉ rụt rè một mình bên thứ cảm giác của bản thân. Trái tim là thế đấy, cũng có lý lẽ riêng, có con đường riêng mà chỉ nó mới biết. Tình yêu là thứ tình cảm có thể khiến con người ta hạnh phúc cũng có thể khiến tâm can ray rứt, khổ đau một mình. Nhưng đã là con người nào ai tránh được bàn tay của nữ thần tình yêu. Hai câu thơ cuối đã thể hiện được cái đẹp trong tâm hồn của chàng trai mang mối tình đơn phương ấy:

“Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm

Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.”

Tình yêu chàng trai dành cho cô gái thật chân thành, đằm thắm và mãi mãi chẳng tàn phai, vẫn mãi mãi như ngọn lửa ấm nóng và nồng nhiệt dù cho nàng chẳng hề biết. Tình yêu ấy đã và sẽ mãi dành cho nàng, để rồi nó hóa thành sự cao thượng khi chàng trai ước mong cô gái sẽ gặp được người yêu cô như anh đã yêu. Nói ra những lời này sẽ chẳng dễ dàng chút nào vì sâu trong trái tim ai đã yêu thì sẽ chỉ muốn người ấy là của mình yêu và bên mình chứ chẳng ai muốn phải đứng chúc phúc cho người mình yêu bên người khác. Nhưng chàng trai A. Puskin đã nói thế, thật chân thành và giản dị, đôn hậu và mạnh mẽ biết bao.

Đối với những con người yêu thơ Nga và yêu thơ của Puskin sẽ lại yêu tha thiết những trang thơ chứa đựng bao triết lý sống, những câu chuyện nhân văn mộc mạc, nhưng lai huyền ảo và lung linh của ông. “Tôi yêu em” là một bài thơ hay về tình yêu trong vô vàn các bài thơ hay khác của ông và của văn học Nga. Qua đây ta có thể biết được vì sao mà tên tuổi của ông lại trở thành biểu tượng của văn học và tâm hồn Nga như thế!

Bài văn cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu trong sáng trong bài thơ Tôi yêu em

Cảm nghĩ về bài thơ Tôi yêu em mẫu 2

Puskin là đại diện xuất sắc của văn học Nga thế kỉ XIX. Ông thành công ở các thể loại như truyện ngắn, trường ca và thơ trữ tình. Thể loại nào của Puskin cũng đậm chất trữ tình và đề cao khát vọng tự do của con người. Nhưng với Tôi yêu em, Pu-skin luôn được nhắc đến với tư cách là nhà thơ tình vĩ đại. Tôi yêu em là một trong những bài thơ tình nổi tiếng thế giới, bài thơ đã gắn với tên tuổi Puskin trong lòng bạn đọc.

Giãi bày tâm trạng theo mạch cảm xúc. Bài thơ được chia làm hai câu, mỗi câu hai vế, mỗi vế hai dòng thơ. Hai dòng thơ đầu: khẳng định tình cảm của nhân vật trữ tình “tôi” đối với em: vẫn còn yêu em. Hai dòng tiếp theo, tấm lòng hi sinh cao cả của nhân vật “tôi” dành cho người. Một biểu hiện cao thượng của tình yêu. Đây là phần lí trí.

Hai dòng tiếp theo, cảm xúc và tâm trạng thật của nhân vật trữ tình. Đó là những trạng thái, cung bậc tình cảm rất chân thực của người đang yêu. Chứng tỏ tình yêu vẫn đang rất mãnh liệt và chân thành. Hai dòng cuối cùng: vẻ đẹp của tình yêu chân chính. Dù là mối tình đơn phương nhưng tình yêu của nhân vật “tôi” là một tình yêu đẹp thể hiện một tâm hồn cao thượng. Cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu trong sáng trong bài thơ Tôi yêu em, vẻ đẹp của toàn bộ cảm xúc thơ tỏa sáng ở dòng thơ cuối cùng. Một lời tỏ tình, một cách thổ lộ tình yêu đẹp nhất và tinh tế nhất. “Mỗi chúng ta có một Puskin của mình, và chỉ có một Puskin với tất cả mà thôi. Ông đã đi vào cuộc sống chúng ta với ngay từ đầu của nó và mãi mãi không từ bỏ chúng ta” (Alếch-xan-đrơ Tra-đốp-xki). Nhận định này không chỉ khẳng định sức sống và khả năng tác động mạnh mẽ của thơ ca Puskin đối với đông đảo độc giả mà còn nói đến sự phong phú đa dạng trong sáng tác của ông.

Đọc thêm:  Khối M04, M05, M06, M07, M08 là gì? Gồm những môn nào? Xét

Ở Puskin, chúng ta có thể gặp một thanh niên quý tộc với tư tưởng chán chường, muốn xa lánh xã hội thượng lưu giả dối để đến với cuộc sống thanh bình, tự do chốn thôn quê. Cũng có thể gặp một chiến sĩ cách mạng với khát vọng tự do, hoặc một nhà cải cách xã hội có tư tưởng tiến bộ, và còn có cả một nhà văn hiện thực trong một nhà thơ tình lãng mạn. Quá trình sáng tác của Puskin là một quá trình vận động tư tưởng theo chiều tiến bộ, từ một thanh niên quý tộc có tư tưởng tiến bộ nhưng còn xa rời nhân dân đến một chiến sĩ cách mạng ưu tú luôn vì quyền lợi của nhân dân lao động. Nhưng cao hơn tất cả chúng ta gặp một nhân cách Puskin – một con người đích thực ở mọi phương diện sống.

Xuất thân trong một gia đình đại quý tộc với rất nhiều điều kiện thuận lợi cho một cuộc sống vinh hoa nhưng là một con người, nhà thơ đã không chấp nhận, đã nguyện làm một “ca sĩ của tự do”, trở thành kẻ thù của bọn cầm quyền. Ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho khát vọng về một xã hội tốt đẹp, tự do và bình đẳng. Sáng tác của Puskin là lí tưởng cao cả về những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống, trong đó có tình yêu – tình cảm tuyệt vời nhất của cuộc đời. Tình yêu là một đề tài lớn của thơ ca nhân loại. Không có nhà thơ nào lại không nói đến tình yêu trong thi phẩm của mình. Mọi cung bậc tình cảm, mọi biến thái của tinh vi và những rung động tinh tế của tâm hồn con người đều xuất hiện trong thơ ca. Tình yêu là một thứ tình cảm rất phức tạp, có khả năng đưa con người trở thành thiên thần nhưng cũng có thể biến con người trở thành quỷ dữ. Và điều mà thơ ca hướng đến là lí tưởng về những tình yêu đẹp, tình yêu thánh thiện. Puskin là một nhà thơ tình yêu như thế.

Thơ tình của ông là sự kết hợp của tình yêu nhân loại và tình yêu con người. Ông sáng tác cả thơ trữ tình và văn xuôi, và đều thành công. Ở mảng thơ trữ tình, nhà thơ quan tâm đến hai đề tài lớn: đề cao khát vọng tự do và khám phá đời sống tinh thần, tình cảm của nhân dân lao động (thể hiện ở mảng thơ về tình yêu). Những trải nghiệm của chính bản thân và sự nhạy cảm của một tâm hồn nhân hậu đã giúp nhà thơ phát hiện và thể hiện vẻ đẹp của tình yêu chân chính. Nhà thơ đã phát hiện và xử lí các tình huống của tình yêu theo chuẩn mực đạo đức của nhân dân lao động. Những tình cảm cao đẹp mà nhà thơ ca ngợi đối lập hoàn toàn với cuộc sống nhơ nhớp bẩn thỉu của xã hội thượng lưu, cái xã hội mà tình yêu chỉ là sự chiếm đoạt, ích kỉ.

Trong các trường ca như Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin, Đoàn người Tsư-gan, Người tù Cáp-ca-dơ, nhân vật chính của Puskin đều là những thanh niên quý tộc chán ghét tình yêu chốn thượng lưu đi tìm tình yêu ở nơi khác, nhưng rồi bản tính ích kỉ trong tình yêu của những thanh niên quý tộc mà họ không bỏ được vẫn đưa họ đến những bi kịch. tình yêu với họ đã từng chỉ là những trò chơi, những cuộc chinh phục, sự ghen tuông có thể dẫn đến những cuộc đấu súng một mất một còn (E. Ô-nhê-ghin và Len-xki trong Ép-ghênhi Ô-nhê-ghin), họ sẵn sàng giết chết người yêu khi cảm thấy bị phản bội (A-lê-cô trong trường ca Đoàn người Tsư-gan), có lẽ tấn bi kịch cuối đời của Puskin cũng xuất phát từ chính những thành kiến kiểu quý tộc ấy mà Puskin đã không thể tự vượt qua.

Những mối tình thượng lưu kiểu ấy đã khiến nhà thơ suy ngẫm về một tình yêu đích thực. Cảm hứng về một tình yêu cao thượng đã được gửi gắm trong hình tượng nhân vật trữ tình của bài thơ Tôi yêu em. Dưới hình thức một lời tỏ tình là khát vọng về một tình yêu chân chính với tình cảm cao thượng. Bài thơ là sự kết hợp tuyệt vời của một lí trí sáng suốt và một trái tim biết yêu thương thực sự. Mạch cảm xúc của bài thơ tự nó đã chia thành hai phần dưới hình thức hai câu, mỗi câu bốn dòng thơ. Và trong mỗi câu thơ lại có hai vế. Một kết cấu hài hòa cân đối đã làm nên vẻ đẹp của bài thơ nhưng không làm suy giảm sự tinh tế của cảm xúc.

Thơ Puskin vốn rất giản dị, gần gũi cuộc sống. Những hình ảnh biểu tượng trong thơ ông thường dễ hiểu nhưng rất có chiều sâu. Hiểu ở mức độ nào phụ thuộc vào sự đồng cảm và rung động của trái tim người đọc. Thế nhưng điều mà bất cứ độc giả nào cũng cảm nhận được chính là những giá trị đạo đức trong thơ Puskin. Những vần thơ trong sáng và đầy cảm hứng nhân văn của ông có khả năng tác động rất mạnh mẽ đến tâm hồn người đọc. Và tình cảm cao đẹp của nhân vật trữ tình trong Tôi yêu em có thể tạo nên khả năng thanh lọc tâm hồn đối với nhiều thế hệ bạn đọc. Mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình “tôi” được bắt đầu bằng một lời thổ lộ rất chân thành:

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;

Có thể nhận ra một sự không bình thường trong lời bày tỏ của nhân vật trữ tình. Đó không phải là một lời tỏ tình ở một giai đoạn bắt đầu một mối tình. Có vẻ như là một sự xác nhận về một tình cảm đơn phương từ phía “tôi”. Một tình cảm như đã từng bị cố làm cho lụi tàn nhưng nó lại “chưa hẳn đã tàn phai”.

Hai dòng thơ, đơn giản là một lời xác nhận sự tồn tại của một tình yêu. Một tình yêu mà dù muốn cũng không thể nguôi quên. Nhưng điều đáng nói là mục đích của lời bày tỏ ấy. Mong muốn được đáp lại tình cảm hay thể hiện một điều gì khác: Nhưng không để em bận lòng thêm nữa, Hay hồn em phải gợn bóng u hoài. Một mong muốn cao thượng chỉ có thể xuất phát từ một tình cảm chân thành của một trái tim biết yêu thương, biết hi sinh.

Đọc thêm:  Kể chuyện về một ước mơ đẹp của em hoặc của bạn bè, người thân

Câu thơ đã xác nhận một chân lí của tình yêu là đã yêu thì không đòi hỏi, yêu là mong muốn những điều tốt lành đến với người mình yêu thương:

“Tôi chẳng muốn em buồn vì bất cứ lẽ gì”.

Quả thực tình yêu đã nâng con người lên cao hơn. Mặc dù nhân vật “em” không xuất hiện trong bài thơ nhưng qua cảm nhận của nhân vật trữ tình thì đó phải là một người con gái rất đáng yêu. Chấp nhận âm thầm chịu đựng tình yêu đơn phương, nhân vật trữ tình đã nâng mình lên cao hơn. Câu thơ đầu có sự tham gia rất mạnh mẽ của lí trí. Đây là giai đoạn mà lí trí vẫn điều khiển được trái tim. Ý thơ thẳng thắn, minh bạch và rất rõ ràng: còn yêu và rất yêu nhưng không muốn làm em phải suy nghĩ.

Câu thơ như lời tự nhủ với chính mình với một quyết tâm rất cao. Nhưng nếu chấp nhận dễ dàng như vậy thì có vẻ lí trí quá và tình yêu của “tôi” đối với em chưa đủ sức thuyết phục, còn kém mãnh liệt. Sự mãnh liệt của tình yêu được thể hiện ở bốn dòng thơ tiếp theo:

Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng,

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

Cảm nghĩ về bài thơ Tôi yêu em mẫu 3

Thơ trữ tình của Puskin thường được bắt nguồn từ chính những cảm xúc, trải nghiệm thực tế của nhà thơ trong tình yêu, bởi vậy mà những cung bậc cảm xúc trong thơ tình Puskin dễ khơi dậy những xúc động, những rung cảm mạnh mẽ trong tâm hồn. “Tôi yêu em” là bài thơ tình nổi tiếng trong kho tàng thơ ca nhân loại, là khúc hát của trái tim nồng nhiệt, cao thượng.

Mở đầu bài thơ, Puskin đã sử dụng cụm từ “Tôi yêu em” như cách để khẳng định tình yêu chân thành, da diết dành cho cô gái mình yêu.

“Tôi yêu em đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai”

Lời thơ giản dị, nhịp thơ chậm dãi như một lời tỏ tình vừa như lời giãi bày, tâm sự của nhà thơ. Khẳng định tình yêu dành cho cô gái mình yêu nhưng đồng thời thể hiện những băn khoăn, cân nhắc của lí trí “chừng có thể”, “chưa hẳn đã tàn phai”. Sử dụng những từ ngữ phủ định trong lời khẳng định tình yêu đã thể hiện sự mâu thuẫn, giằng xé trong tâm hồn của nhân vật trữ tình khi trái tim muốn tiếp tục yêu nhưng lí trí buộc phải dừng lại.

“Nhưng không để em phải bận lòng hơn nữa

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”

Nếu hai câu thơ đầu thể hiện sự kiểm soát của lí trí đối với tình cảm của nhân vật trữ tình thì hai câu thơ tiếp đã lí giải nguyên nhân của sự kìm nén này của lí trí. Nhà thơ muốn dừng lại tình yêu đơn phương vô vọng không phải vì quá đau khổ, tuyệt vọng mà lí do lớn nhất chính là vì cô gái mình yêu. Tình yêu chân thành, mãnh liệt ấy nhưng nhà thơ không muốn tình cảm đơn phương của mình làm cho cô gái phải muộn phiền, u hoài mà nguyên văn lời thơ của Puskin là “Tôi chẳng muốn làm em buồn vì bất cứ lẽ gì”. Câu thơ là lời tự nhắc nhở bản thân phải dập tắt ngọn lửa tình trong tim nhưng qua đó ta lại thấy được một tấm lòng cao thượng trong tình yêu của nhà thơ, nhà thơ sẵn sàng nhận lấy mọi đau khổ về mình chỉ mong người mình yêu được hạnh phúc.

Tình yêu chấm dứt có thể xuất phát từ rất nhiều lí do nhưng lí do từ bỏ đầy dịu dàng và trân trọng ấy của Puskin mấy ai có được. Trong bốn câu thơ đầu, nhà thơ đã cố gắng dùng lí trí để đè nén ngọn lửa đang bùng cháy trong tim thì đến bốn câu thơ cuối, dường như sự kiểm soát của lí trí chẳng thể kiểm soát được nữa vì tình yêu càng bị đè nén càng bùng cháy mạnh mẽ mà không sức mạnh nào có thể ngăn cản nổi.

“Tôi yêu em âm thầm không hi vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”

Khi yêu ai cũng muốn dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu và mong mỏi đến một cái kết viên mãn, bến bờ hạnh phúc của tình yêu. Tuy nhiên, trong mối tình đơn phương của mình, Puskin dù yêu hết mình, yêu chân thành bằng cả con tim nhưng lại không dám hi vọng về cái kết hạnh phúc. Yêu đơn phương nhưng tình yêu của nhà thơ dành cho cô gái cũng diễn ra với mọi sắc thái muôn thuở, có yêu thương nhưng cũng có những lúc hờn ghen khi không được đáp lại tình cảm hay khi nhìn thấy cô gái bên chàng trai khác không phải là mình “Lúc rụt rè khi hậm hực lòng ghen”. Lời thú nhận của nhà thơ vừa chân thành, vừa xúc động không chỉ thể hiện được mức độ mãnh liệt của tình yêu mà còn bộc lộ được nỗi niềm xót xa, đau khổ của nhà thơ trong mối tình đơn phương của mình.

Cuối cùng, vượt qua mọi cảm xúc tiêu cực, nhà thơ Puskin đã gửi đến cô gái mình yêu lời cầu chúc chân thành mà đầy cao thượng:

“Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”

Phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Tôi yêu em, điệp ngữ “Tôi yêu em” được lặp lại lần thứ ba như để khẳng định sự bất diệt của tình yêu, đó là thứ tình yêu chân thành, đằm thắm mà dẫu nhà thơ cố gắng dập tắt thì ngọn lửa tình vẫn bùng cháy mãnh liệt. Vượt qua những đau khổ, giằng xé giữa tình cảm và lí trí, Puskin đã gửi đến cô gái lời cầu chúc hạnh phúc, cầu cho cô gái gặp được người chân thành và yêu cô gái như nhà thơ đã từng yêu.

Lời cầu chúc chân thành, cao thượng ấy đã lay động hàng triệu trái tim của độc giả, những con người đang yêu, sẽ yêu. Tình yêu của tác giả sáng trong không toan tính, không có sự ích kỉ thông thường mà tỏa rạng cao thượng, đẹp đẽ. Nói về tình yêu sáng trong của Puskin, Bielinski đã từng nói “Màu sắc chung của thơ Puskin, đặc biệt là trong thơ trữ tình là vẻ đẹp nội tâm con người và lòng nhân ái vuốt ve tâm hồn”.

Trên đây là top 3 bài văn mẫu nói lên cảm nghĩ về bài thơ Tôi yêu em của Puskin mà Đọc tài liệu đã biên soạn. Mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong việc bổ sung thêm cho mình vốn từ ngữ cũng như nội dung cho bài viết của mình thêm phong phú. Chúc các em học tốt môn Văn khi tham khảo văn mẫu lớp 11 tại Doctailieu.com.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button