Bài văn Cảm nhận chất Tây Nguyên trong truyện ngắn Rừng xà nu
Đề bài: Cảm nhận chất Tây Nguyên trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
Cảm nhận chất Tây Nguyên trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
I. Dàn ý Cảm nhận chất Tây Nguyên trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề cần cảm nhận.
2. Thân bài:
a. Chất Tây Nguyên trong hình tượng rừng xà nu:– Một loài cây đặc trưng mà chỉ ở mảnh đất Tây Nguyên nó mới sinh trưởng khỏe mạnh và phát triển rực rỡ đến như vậy, gắn bó chặt chẽ với đời sống của những con người nơi đây.- Trong chiến đấu rừng xà nu trở thành lớp áo giáp kiên cường bảo vệ dân làng Xô Man khi đứng trong tầm đại bác đại bác của giặc.- Trong đời sống thường nhật, cây xà nu trở thành một nhu yếu phẩm của dân làng, làm củi đốt “cháy dần dật” trong bếp mỗi gia đình, khói xà nu làm thành bảng cho Mai và Tnú học tập.- Trở thành những thước đo riêng để khắc họa hình ảnh từng nhân vật trong truyện ngắn, rừng xà nu chính là đại diện cho cả một tập thể làng Xô Man, ăn sâu vào từng nếp cảm, lối tư duy, cách nói chuyện của mỗi một nhân vật.- Biểu tượng cho số phận đau thương và những phẩm chất tốt đẹp của con người Tây Nguyên.
b. Chất Tây Nguyên thông qua hình tượng những người làng Xô Man:
* Cụ Mết:– Với chức vị già làng, cụ chính là một điển hình nhất cho những người dân tộc sống với sức mạnh truyền thống và mang đậm dáng vẻ Tây Nguyên.- Là một người thủ lĩnh xứng đáng với sự toàn diện của một ngoại hình khỏe mạnh, đậm chất sử thi.- Làm rất xuất sắc vai trò của một vị già làng trong cộng đồng: chỉ bảo thanh niên trai tráng đi giấu vũ khí trên rừng, đôn đốc chuẩn bị lương thực kháng chiến, ra lệnh cứu Tnú một cách mạnh mẽ dứt khoát “Chém! Chém hết!”. Tuyên ngôn kháng chiến đậm âm hưởng Tây Nguyên “Chúng nó cầm súng thì mình phải cầm giáo”, “Thế là bắt đầu rồi! Đốt lửa lên!…Đốt lửa lên!.- Chất Tây Nguyên còn thể hiện trong cách cụ giáo dục dân làng về cách mạng, về tình thương nước thương nhà, bằng cách kể đi kể lại biết bao lần về câu chuyện của Tnú.=> Cụ Mết là một nhân vật mang đậm cảm hứng Tây Nguyên nhất, cụ sống và chiến đấu với bản sắc truyền thống của dân tộc, lối nói, lối tư duy về cách mạng, về tình yêu quê hương đất nước cũng mang đậm chất của mảnh đất bạt ngàn xà nu.
* Nhân vật Dít:– Mang những vẻ đẹp Tây Nguyên đậm đặc, kế thừa trọn vẹn truyền thống cách mạng của quê hương.- Dít giống một cây xà nu vừa mới trưởng thành, có những đức tính gan góc và quyết đoán, phù hợp với hình tượng của một người chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến.- Trong một lần mang lương thực lên rừng Dít bị giặc bắt, chúng nó trói cô lại rồi “lên đạn tôm – xông rồi từ từ bắn từng viên một, không bắn trúng, đạn chỉ sượt qua tai, xém tóc, cày đất quanh hai chân nhỏ của Dít”. Thoạt đầu Dít khóc ré lên “nhưng rồi đến viên thứ mười nó … bình thản lạ lùng, bình thản như đôi mắt của chị bí thư bây giờ vậy”. => Sự anh dũng, hào hùng mà có lẽ chỉ có ở những người con Tây Nguyên đã bao đời quen rừng rú, bạo gan.
* Nhân vật Tnú:– Bức tượng đài hoàn chỉnh nhất của một người con Tây Nguyên khi tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ với những nét đẹp mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn.- Tnú lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của làng Xô Man, sự giáo dục của cụ Mết thế nên anh có sự giác ngộ cách mạng từ rất sớm, kế thừa hoàn toàn vẻ đẹp truyền thống của dân tộc.- Tham gia chiến đấu từ khi còn nhỏ, sự liều lĩnh, gan dạ và khôn khoan khi đi đưa lương thực, thư từ, đã thể hiện rõ ràng những vẻ đẹp phẩm chất của một dân tộc gắn bó với núi rừng Tây Nguyên.- Tình cảm sâu nặng với gia đình, Tnú tận mắt chứng kiến vợ con anh bị giặc tra tấn đánh đập, trước hiểm cảnh dù biết là bản thân xông vào sẽ bị bắt và cũng không cứu được mẹ con Mai. Thế nhưng Tnú vẫn nhảy vào.=> Chứng minh những tình cảm sâu sắc với gia đình, thể hiện rõ nhất cái bụng của con người Tây Nguyên, trước sự đớn đau của người thân yêu, người ta vẫn hành động thực thà theo bản năng, bất chấp hậu quả.- Bị giặc bắt đốt 10 đầu ngón tay, những đau đớn tinh thần và xác thịt đến tột cùng nhưng lòng anh chỉ đinh ninh “Người cộng sản không thèm kêu van…”, câu nói đậm âm hưởng Tây Nguyên, thể hiện sự trung thành tuyệt đối của Tnú.- Sau khi được cứu thoát, trên vai Tnú không chỉ là món nợ chung của đất nước và còn là mối thù riêng với bọn đế quốc, điều đó trở thành động lực củng cố, là cơ sở vững chắc cho lý tưởng cách mạng của Tnú.
c. Chất Tây Nguyên thông qua những chi tiết về cung cách sinh hoạt lối sống của người dân làng Xô Man:– Người dân đi làm rẫy, nà bắp, trồng sắn, trồng cây pomchu, đeo xà lét, gùi củi,… phục vụ đời sống.- Tnú dù đã đi làm cách mạng thế nhưng vẫn đóng khố, hay cảnh Tnú xé quần áo của mình làm tấm vải cho Mai địu con.- Mọi người ngồi quây bên bếp lửa, ăn món canh bạc hà nấu lạt trong ống nứa, món cá chua, cảnh cụ Mết chia từng hạt muối cho mọi người,…- Chất Tây Nguyên cũng hiện lên trong cảnh Tnú tắm rửa ở máng nước đầu làng để tẩy trần như một tục lệ, hay cảnh người dân cầm đuốc bằng củi xà nu để soi sáng, rồi các loại dụng cụ làm rẫy, làm nương, chiến đấu đặc trưng cho một dân tộc miền rừng núi như giáo, mác, vụ, rựa,…- Chất Tây Nguyên còn bộc lộ thông qua lời ăn tiếng nói mang đậm bản sắc vùng miền của các dân tộc, mà ở đó ta thấy được sự thật thà, bộc trực, thẳng thắn của những người con của mảnh đất anh hùng.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận chung.
II. Bài văn mẫu Cảm nhận chất Tây Nguyên trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
Nguyễn Trung Thành, hay Nguyên Ngọc là một trong những cây bút xuất sắc trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy ác liệt của dân tộc. Trong khi bạn thân của ông là nhà văn Nguyễn Thi gắn bó với mảnh đất Nam Bộ chất phác, thật thà, thì Nguyễn Trung Thành lại dành nhiều tình cảm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, với những người con dân tộc Tây Nguyên anh hùng mang vẻ đẹp sử thi, hào hùng trong kháng chiến, với khu rừng xà nu bạt ngàn, kiên cường trước tầm đại bác của địch. Suốt những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ, gắn bó sâu nặng với con người và mảnh đất nơi đây, đã để lại trong những trang văn của Nguyên Ngọc một chất Tây Nguyên thấm đẫm trong từng câu chữ, từng nhân vật. Từ đó tạo ra những tác phẩm xuất sắc, có đóng góp to lớn vào nền văn học kháng chiến chống Mỹ với khuynh hướng sử thi, lãng mạn. Tiêu biểu nhất cho cảm hứng Tây Nguyên có lẽ phải kể đến Rừng xà nu, tác phẩm tiêu biểu và xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Trung Thành.
Chất Tây Nguyên trong tác phẩm trước hết xuất phát từ hình ảnh khu rừng xà nu bạt ngàn mở ra và khép lại toàn bộ tác phẩm. Đó là một loài cây đặc trưng mà chỉ ở mảnh đất Tây Nguyên nó mới sinh trưởng khỏe mạnh và phát triển rực rỡ đến như vậy. Với vai trò là một loài cây đặc trưng, thân thiết, xà nu đã gắn bó chặt chẽ với đời sống của những con người nơi đây. Trong chiến đấu rừng xà nu trở thành lớp áo giáp kiên cường bảo vệ dân làng Xô Man khi đứng trong tầm đại bác đại bác của giặc, ngày ngày hai lượt bị đại bác công phá, suốt mấy năm trời. Trong đời sống thường nhật, cây xà nu trở thành một nhu yếu phẩm của dân làng, làm củi đốt “cháy dần dật” trong bếp mỗi gia đình, khói xà nu làm thành bảng cho Mai và Tnú học tập. Gắn liền với sự kiện đau thương của cuộc đời Tnú, khi chính nhựa xà nu đã thiêu đốt mười đầu ngón tay của Tnú, đống lửa từ củi xà nu giữa cái đêm kinh hoàng đã giúp cho Tnú thấy rõ mặt từng kẻ giết hại vợ con. Đồng thời hình ảnh những cây xà nu nhỏ to, lớn bé lại lần lượt trở thành những thước đo riêng để khắc họa hình ảnh từng nhân vật trong truyện ngắn, rừng xà nu chính là đại diện cho cả một tập thể làng Xô Man. Không chỉ vậy thứ cây đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này còn trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm, ăn sâu vào từng nếp cảm, lối tư duy, cách nói chuyện của mỗi một nhân vật. Đằng sau những nét tả thực, thì hình tượng cây xà nu chính là một biểu tượng cho số phận đau thương và những phẩm chất tốt đẹp của con người Tây Nguyên. Với hai hình ảnh tiêu biểu nhất ấy là “cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương” phản ánh lịch sử đau thương và “nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh sáng”, “cạnh một cây mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên , ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên trời”, bộc lộ sức chiến đấu và sức sống tiềm tàng mãnh liệt của những người con dân tộc anh hùng, máu lửa.
Chất Tây Nguyên còn thể hiện rõ nét hơn trong hình tượng các nhân vật của tác phẩm, đậm đặc từ cái tên, đến ngoại hình, rồi lối nói, lối tư duy,… hay quá trình chiến đấu và số phận bất hạnh. Đầu tiên phải kể đến cụ Mết với chức vị già làng, cụ chính là một điển hình nhất cho những người dân tộc sống với sức mạnh truyền thống và mang đậm dáng vẻ Tây Nguyên. Mà như Nguyễn Trung Thành đã viết đôi lời “Ông là cội nguồn là Tây Nguyên của thời đại đất nước đứng lên còn trường tồn đến hôm nay. Ông như lịch sử bao trùm, nhưng không che lấp đi sự đi tới nối tiếp và mãnh liệt, ngày càng mãnh liệt hơn, sành sỏi và tự giác hơn của thế hệ sau”. Cụ là một người thủ lĩnh xứng đáng với sự toàn diện của một ngoại hình khỏe mạnh, đậm chất sử thi: “ngực căng như một cây xà nu lớn”, “bàn tay nặng trịch nắm chặt lấy vai anh như một cái kìm sắt”, rồi thì “Ông cụ vẫn quắc thước như xưa, râu bây giờ đã dài tới ngực và vẫn đen bóng, mắt vẫn sáng và xếch ngược, vết sẹo ở má bên phải vẫn láng bóng”. Giọng nói mạnh mẽ vang dội “sáu mươi tuổi rồi mà tiếng nói vẫn ồ, ồ, dội vang trong lồng ngực”. Thứ hai nữa là ở cụ với vai trò người đứng đầu mang vẻ đẹp truyền thống đã làm rất xuất sắc vai trò của một vị già làng trong cộng đồng, từ việc chỉ bảo thanh niên trai tráng đi giấu vũ khí trên rừng, đến việc đôn đốc chuẩn bị lương thực kháng chiến, rồi đến việc ra lệnh cứu Tnú một cách mạnh mẽ dứt khoát “Chém! Chém hết!”. Hoặc lời tuyên ngôn kháng chiến đậm âm hưởng Tây Nguyên “Chúng nó cầm súng thì mình phải cầm giáo”, “Thế là bắt đầu rồi! Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây vụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông! Đốt lửa lên!. Chất Tây Nguyên còn thể hiện trong cách cụ giáo dục dân làng về cách mạng, về tình thương nước thương nhà, bằng cách kể đi kể lại biết bao lần về câu chuyện của Tnú, và cả câu chuyện của mỗi một người dân làng đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Đối với riêng Tnú, một chàng trai có số phận bất hạnh, cụ dành cho anh nhiều tình thương hơn cả, đó không chỉ là tình thương của một già làng đối với người làng, mà là tấm lòng thương xót, trân trọng của một người cha già đã chứng kiến toàn bộ quãng đời của Tnú từ khi còn thơ bé cho đến khi trưởng thành phải chịu nhiều bi kịch. Cụ nhìn ra được ở Tnú những phẩm chất quý giá của một người cán bộ cách mạng, thế nên cụ đã dành nhiều tâm huyết để dạy dỗ, yêu thương Tnú, hướng Tnú đến với sự nghiệp bảo vệ làng nước quê hương và có thể sau này sẽ trở thành người nối nghiệp, thay cụ dẫn dắt dân làng chiến đấu. Có thể nói rằng tổng thể cụ Mết là một nhân vật mang đậm cảm hứng Tây Nguyên nhất, cụ sống và chiến đấu với bản sắc truyền thống của dân tộc, lối nói, lối tư duy về cách mạng, về tình yêu quê hương đất nước cũng mang đậm chất của mảnh đất bạt ngàn xà nu.
Nhân vật thứ hai nữa là Dít, một cô gái mang những vẻ đẹp Tây Nguyên đậm đặc, kế thừa trọn vẹn truyền thống cách mạng của quê hương. Dít không mang những vẻ đẹp dịu dàng, mềm mại giống chị gái của mình, thay vào đó Dít giống một cây xà nu vừa mới trưởng thành, có những đức tính gan góc và quyết đoán, phù hợp với hình tượng của một người chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến. Sinh ra và lớn lên trong thời buổi đất nước bị giặc tàn phá, thành thử Dít đã có trong mình những phẩm chất liều lĩnh, sự kiên cường khủng khiếp từ lúc còn thơ bé. Trong một lần mang lương thực lên rừng Dít bị giặc bắt, chúng nó trói cô lại rồi “lên đạn tôm – xông rồi từ từ bắn từng viên một, không bắn trúng, đạn chỉ sượt qua tai, xém tóc, cày đất quanh hai chân nhỏ của Dít”. Thoạt đầu Dít khóc ré lên “nhưng rồi đến viên thứ mười nó chùi nước mắt, từ đó im bặt. Nó đứng lặng giữa bọn lính, cứ mỗi viên đạn nổ, cái thân hình mảnh dẻ của nó lại quật lên một cái, nhưng đôi mắt nó thì vẫn nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng, bình thản như đôi mắt của chị bí thư bây giờ vậy”. Hình ảnh ấy khiến người ta cảm phục vì sự anh dũng, hào hùng mà có lẽ chỉ có ở những người con Tây Nguyên đã bao đời quen rừng rú, bạo gan.
Với nhân vật Tnú, anh có lẽ là bức tượng đài hoàn chỉnh nhất của một người con Tây Nguyên khi tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ với những nét đẹp mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn. Tnú lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của làng Xô Man, sự giáo dục của cụ Mết thế nên anh có sự giác ngộ cách mạng từ rất sớm, kế thừa hoàn toàn vẻ đẹp truyền thống của dân tộc. Tnú tham gia chiến đấu từ khi còn nhỏ, sự liều lĩnh, gan dạ và khôn khoan của Tnú khi đi đưa lương thực, thư từ, đã thể hiện rõ ràng những vẻ đẹp phẩm chất của một dân tộc gắn bó với núi rừng Tây Nguyên, chẳng có con sông, cánh rừng, con đường nào mà Tnú không nắm trong lòng bàn tay. Rồi khi bị giặc bắt giam tận ba năm, Tnú cũng chẳng chịu ở yên, anh vượt ngục tìm đường trở về lãnh đạo thanh niên làng tham gia kháng chiến. Nhưng hình tượng người anh hùng đại diện cho cả một cộng đồng không chỉ dừng lại ở sự giác ngộ cách mạng, tấm lòng với quê hương mà còn ở những tình cảm sâu nặng với gia đình, với tư cách là một người chồng một người cha. Tnú tận mắt chứng kiến vợ con anh bị giặc tra tấn đánh đập, đó là nỗi đau không thể hình dung được, trước hiểm cảnh dù biết là bản thân xông vào sẽ bị bắt và cũng không cứu được mẹ con Mai. Thế nhưng Tnú vẫn nhảy vào dùng đôi tay như cái gọng kìm của mình ôm chặt che chở lấy vợ con mình, chứng minh những tình cảm sâu sắc với gia đình, thể hiện rõ nhất cái bụng của con người Tây Nguyên, trước sự đớn đau của người thân yêu, người ta vẫn hành động thực thà theo bản năng, bất chấp hậu quả. Tnú không cứu được mẹ con Mai, lại bị giặc bắt đốt 10 đầu ngón tay, những đau đớn tinh thần và xác thịt đến tột cùng nhưng vẫn không làm lay chuyển được tinh thần cách mạng của người chiến sĩ ấy, lòng anh chỉ đinh ninh “Người cộng sản không thèm kêu van…”, câu nói đậm âm hưởng Tây Nguyên, thể hiện sự trung thành tuyệt đối của Tnú. Sau khi được cứu thoát, trên vai Tnú không chỉ là món nợ chung của đất nước và còn là mối thù riêng với bọn đế quốc, điều đó trở thành động lực củng cố, là cơ sở vững chắc cho lý tưởng cách mạng của Tnú. Hoàn thiện hình tượng người anh hùng lý tưởng của cộng đồng dân tộc, tham gia tích cực vào kháng chiến, dùng đôi tay đầy đau thương của mình giết từng tên giặc để trả mối nợ nước thù nhà.
Bên cạnh đó chất Tây Nguyên trong Rừng xà nu còn dàn trải trong tác phẩm thông qua những chi tiết về cung cách sinh hoạt lối sống của người dân làng Xô Man. Ví như việc người dân đi làm rẫy, nà bắp, trồng sắn, trồng cây pomchu, đeo xà lét, gùi củi,… phục vụ đời sống. Rồi thì trong cách ăn mặc, Tnú dù đã đi làm cách mạng thế nhưng vẫn mang theo những nét đặc trưng trang phục của dân tộc, như trên mặc áo bà ba rộng thùng thình còn bên dưới vẫn đóng khố, hay cảnh Tnú xé quần áo của mình làm tấm vải cho Mai địu con. Cách ăn uống đậm chất đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên khi mọi người ngồi quây bên bếp lửa, ăn món canh bạc hà nấu lạt trong ống nứa, món cá chua, cảnh cụ Mết chia từng hạt muối cho mọi người,… Chất Tây Nguyên cũng hiện lên trong cảnh Tnú tắm rửa ở máng nước đầu làng để tẩy trần như một tục lệ, hay cảnh người dân cầm đuốc bằng củi xà nu để soi sáng, rồi các loại dụng cụ làm rẫy, làm nương, chiến đấu đặc trưng cho một dân tộc miền rừng núi như giáo, mác, vụ, rựa,… Cuối cùng chất Tây Nguyên còn bộc lộ thông qua lời ăn tiếng nói mang đậm bản sắc vùng miền của các dân tộc, mà ở đó ta thấy được sự thật thà, bộc trực, thẳng thắn của những người con của mảnh đất anh hùng.
Cảm hứng Tây Nguyên trong sáng tác của Nguyễn Trung Thành là một nét rất riêng trong phong cách nghệ thuật ông, chính điều này đã đưa tên tuổi của tác giả bật lên như một vì sao sáng giữa một rừng các tác phẩm của các nhà văn cùng thời khi viết về đề tài kháng chiến. Để có được những cảm nhận sâu sắc như vậy, chắc chắn một điều rằng bản thân Nguyên Ngọc đã dành rất nhiều tình cảm gắn bó, thương yêu sâu nặng với mảnh đất và những người con anh hùng này trong suốt quãng thời gian sống và chiến đấu đầy gian khổ, để dành độc lập cho dân tộc.
-HẾT-
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-chat-tay-nguyen-trong-truyen-ngan-rung-xa-nu-cua-nguyen-trung-thanh-57865n.aspx Bài viết Cảm nhận chất Tây Nguyên trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là những phân tích cơ bản về chất Tây Nguyên trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Để tìm hiểu thêm về về tác phẩm mời các em tham khảo các bài viết Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu, Phân tích cảm hứng sử thi trong Rừng xà nu, Phân tích hình tượng rừng xà nu trong truyện Rừng xà nu, Phân tích vẻ đẹp của những hình tượng nhân vật Tnú, cụ Mết, Dít, bé Heng trong truyện ngắn Rừng xà nu .
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!