Dàn ý Cảm nhận đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió – Toploigiai
Hướng dẫn lập Dàn ý Cảm nhận đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió hay nhất. Với các bài dàn ý và văn mẫu được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé!
Dàn ý Cảm nhận đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió
1. Mở bài
Giới thiệu đoạn trích “Đánh nhau với cối xay gió”.
2. Thân bài
– Nội dung đoạn trích:
+ Đôn Ki-hô-tê nhìn thấy những chiếc cối xay gió nhưng lại tưởng đó là những tên khổng lồ liền xông đến giao chiến.
+ Giám mã Xan-chô Pan-xa hết lòng ngăn cản nhưng Đôn Ki-hô-tê cứ lao thẳng đến để đánh nhau với những chiếc cối xay gió.
+ Kết quả là cả người và ngựa của Đôn Ki-hô-tê bị văng ra xa.
– Nhân vật Đôn Ki-hô-tê:
+ Xuất thân trong một gia đình quý tộc.
+ Ngoại hình: Cao, gầy
+ Thích đọc truyện kiếm hiệp và tự coi mình là một hiệp sĩ và tự tìm cho mình một người tình nương để tôn thờ.
+ Khi đánh nhau với cối xay gió: Có những hành động lấy khiên che kín thân, tay lăm lăm ngọn giáo, thúc ngựa phi thẳng tới chỗ cối xay gió để diệt trừ những tên khổng lồ xấu xa.
+ Kết thúc cuộc chiến, Đôn Ki-hô-tê bị thương nhưng cũng không rên la, không cảm thấy đau đớn. Không những thế hắn ta còn không thiết tha chuyện ăn uống vì nghĩ đến tình nương cũng đủ no rồi.
→ Là người có lí tưởng lớn lao nhưng lại mê muội, không ý thức được hành động của mình.
– Nhân vật Xan-chô Pan-xa:
+ Xuất thân: Nông dân, đi theo làm giám mã cho Đôn Ki-hô-tê.
+ Ngoại hình: Lùn, béo
+ Thích ăn uống và chè chén, thích ngủ → Coi trọng bản bản thân
+ Đủ tỉnh táo để nhận ra những gì trông thấy là cối xay gió chứ không phải là những tên khổng lồ như Đôn Ki-hô-tê.
→ Là người hèn nhát, sống thực tế, thực dụng nhưng luôn tỉnh táo.
→ Nghệ thuật: Sử dụng phép tương phản đối lập trong cách xây dựng nhân vật.
3. Kết bài
Cảm nghĩ về đoạn trích “Đánh nhau với cối xay gió”.
Cảm nhận đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió – Bài mẫu
Sáng tác trong khoảng 10 năm (1605 – 1615), cũng là thời kì nghèo túng vì khốn khổ nhất của cuộc đời Xéc-van-tét nhưng Đôn Ki-hô-tê trở thành cuốn tiều thuyết vĩ đại nhất của văn học Ánh sáng ở phương Tây thời Phục hưng. Đây là một tác phẩm sáng ngời chủ nghĩa nhân văn còn Xéc-văn-tét xứng đáng đứng ở vị trí cao nhất của văn học thời đại mới ở Tây Ban Nha. Đọc tác phẩm, ta bị cuốn hút bởi nhân vật chính của truyện, Đôn Ki-hô-tê một con người chứa đầy mâu thuẫn và hoang tưởng nhưng cũng là một con người giàu những lí tưởng cao đẹp. Đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió tiêu biểu cho con người Đôn Ki-hô-tê. Tiêu biểu cho lí tưởng cao đẹp và hành động điên rồ.
Đôn Ki-hô-tê là một lão quý tộc nghèo ở nông thôn. Người lão gầy gò, cao lênh khênh, ở độ tuổi năm mươi. Lão say mê truyện hiệp sĩ phiêu lưu, mạo hiểm, đầu óc lão ngày càng trở nên mụ mẫm, chìm đắm trong ảo tưởng, hoang tưởng. Lão mơ ước trở thành một hiệp sĩ giang hồ đi khắp đất nước Tây Ban Nha, phò đời cứu nguy, diệt trừ lũ khổng lồ yêu quái, thiết lập lại trật tự và công lí, để lại bao chiến công oanh liệt cho đời.
Con ngựa còm theo lão trên hành trình đi tìm công lí được phong cho cái tên rất oai “chiến mã Rô-xi-nan-tê còn lão tự xưng là hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê xứ Man-tra. Anh nông dân lùn, cục mịch được lão phong tước giám mã Xan-chô Pan- xa. Đã là hiệp sĩ thời thượng thì phải có tình nhân. Nhớ tới một phụ nữ mà lão yêu thầm thời trai trẻ, lão liền ban cho người đàn bà nhà quê ấy một cái tên rất quý tộc, mĩ miều: Công nương Đuyn-xi-nê-a đuy Tô-bô-xô. Lão làm lễ thụ phong trước ngày lên đường chinh chiến. Rất hài hước là lão tìm được binh khí, giáp trụ của tổ tiên đã han gỉ, lão sửa chữa, đánh bóng lại để tự vũ trang cho mình.
Sau trận đánh với bọn lái buôn thất bại, giờ đây lão lại ra đi với mộng chiến công mới. Lần này có quan giám mã Xan-chô theo hầu. Trận đánh nhau với lũ cối xay gió là một trận đánh nảy lửa, là đỉnh cao của màn hài kịch, chế giễu những kẻ ngông cuồng, mê muội, luôn sống trong mộng tưởng, hão huyền.
Trận đánh diễn ra vào lúc ban trưa. Từ xa nhìn thấy ba, bốn chục chiếc cối xay gió giữa đồng, hiệp sĩ xứ Man-tra reo lên vì vận may đã đến, quân địch là mấy chục tên khổng lồ hung tợn mà cánh tay của mỗi đứa dài gần hai dặm. Lão phải kết liễu đời lũ khổng lồ yêu quái này, trước là để thu chiến lợi phẩm mà trở nên giàu có, sau nữa là để quét sạch cái giống xấu xa này khỏi trái đất và đề phụng sự Chúa. Phải công bằng mà nói, tuy lão có “nhìn gà hoá cáo” nhưng mục tiêu của lão không kém phần thiêng liêng! Mặc dù đã được giám mã Xan-chô can ngăn hết lời nhưng hiệp sĩ vẫn bỏ ngoài tai hết. Trước khi giao chiến, Đôn Ki-hô-tê nói rất hùng hồn, lúc thì quát nạt giám mã: Nếu anh sợ thì hãy lánh xa ra mà cầu kinh trong lúc ta sẽ đương đầu với chúng trong một cuộc giao tranh điên cuồng và không cân xứng, lúc thì lão thét lớn, đằng đằng sát khí: Lũ súc sinh kia, không được chạy trốn! Có ta là hiệp sĩ một thương một mã đến đọ sức với bọn ngươi đây!, lúc thì oai phong lẫm liệt cảnh cáo: Dù cho bọn ngươi có vung nhiều cánh tay hơn cả gã khổng lồ Bri-a-rê-ô, các ngươi cũng sắp phải đền tội!. Trước khi giao tranh với lũ “khổng lồ”, Đôn Ki-hô-tê không quên cầu mong nàng Đuyn-xi-nê-a phù hộ và giúp cho trong cơn nguy biến này. Tư thế của lão hiệp sĩ vô cùng dũng mãnh, hiên ngang lấy khiên che kín thân, tay lăm lăm ngọn giáo, lão thúc con ngựa còm Rô-xi-nan-tê phi thẳng tới chiếc cối xay gió gần nhất… Lão đã đâm mũi giáo vào cánh quạt. Tưởng lũ khổng lồ sẽ đổ máu xương tan. Ai ngờ gió càng làm cánh quạt quay tít khiến ngọn giáo gãy tan tành. Còn đây là hình ảnh lão hiệp sĩ lừng danh trên chiên địa: Cả người và ngựa ngã văng ra xa. Lúc quan giám mã thúc lừa tới cứu thì đã thấy chủ tướng nằm không cựa quậy sau cái ngã như trời giáng.
Nghệ thuật dựng cảnh và kể rất tài tình làm hiện lên một trận đánh thời trung cỗ. Có dàn trận, có đấu khẩu trước lúc giao phong, có cảnh đánh nhau dữ dội, quyết tử, có bãi chiến trường sau trận đánh. Hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê bỗng chốc đã trở thành “người hùng” đích thực sống trong ảo mộng hão huyền sự mụ mẫm đã lên đến tột độ. cối xay gió mà lão tưởng là khổng lồ quái vật! Ngôn ngữ khoác lác, trống rỗng, cũng thét vang lúc xung trận. Cử chỉ, điệu bộ và hành động cũng rất tự tin, đàng hoàng, cực kì oai phong, lẫm liệt! Đúng là coi cái chết tựa lông hồng! Người đọc không nhịn được cười khi lão hiệp sĩ cầu cứu tình thương trước lúc giao tranh! Hình ảnh Đôn Ki-hô-tê nằm ỉm không cựa quậy trên mặt đất trước cặp mắt của giám mã là nét vẽ biếm hoạ đặc sắc nhất có giá trị chế giễu tầng lớp hiệp sĩ thời Trung cổ đã lỗi thời! Đoạn văn thật hài hước và hóm hỉnh.
“Chết nhưng cái nết không chừa!”, bị thảm bại nhục nhã mà vẫn còn khoác lác, trước lời an ủi của giám mã, Đôn Ki-hô-tê đã chỉ cho anh kéo lừa biết rằng cái nghê cung kiếm thường biến hoá khôn lường, nghĩa là sự thắng bại là chuyện bình thường. Nguyên nhân thất bại theo Đôn Ki-hô-tê là rất bất ngờ vì lão pháp sư Phơ-re-xtôn đã đánh cắp sách vở của lão. Hắn đã thâm thù ta, hắn đã tước phần vinh quang chiến thắng của ta! Phải chẳng đó là khẩu khí của hiệp sĩ xứ Man-tra lừng danh thiên hạ!
Chủ thì như vậy! Còn chiến mã Rô-xi-nan-tê thì sao? Thương cho con ngựa gầy nhom bị toạc nửa vai vẫn phải cõng chủ. Đôn Ki-hô-tê quyết đi về phía cảng, hi vọng sẽ được gặp nhiều chuyện phiêu lưu khác để thi thố tài năng. Hiệp sĩ tỏ ra rất buồn phiền vì cái giáo bị gãy. Sách vở kiếm hiệp lại ru lão vào giấc mộng hão huyền. Lão nhắc tới hiệp sĩ Tây Ban Nha ngày xưa là Va-gax, giữa trận đánh gãy gươm, đã nhổ cây làm vũ khí rồi tiêu diệt quân Mô- rô, nhờ thế mà trở nên bất tử với biệt hiệu Hiệp sĩ diệt địch, làm rạng rỡ muôn đời con cháu mai sau. Kể lại câu chuyện ấy để làm gì? Có phải Đôn Ki-hô-tê muốn nói lên chí hướng của mình, muốn theo gương người xưa, cũng sẽ nhổ cây để diệt địch, sẽ lập nên những chiến công hiển hách chăng? Mà giám mã sẽ là người có diễm phúc được mục kích! Qua đó, ta thấy Đôn Ki-hô-tê vẫn kiêu hùng, tự tin, đầu óc ông ta quá mê muội, khoác lác đến cực độ!
Nét “anh hùng” của Đôn Ki-hô-tê còn được thể hiện khi giám mã “thật thà” nhằc lại sự thất trận vừa qua, cái ngã chắc hẳn làm ngài vẹo sang một bên thì chàng hiệp sĩ hồn nhiên trả lời: Đúng thế! Và ta không kêu đau là vì các hiệp sĩ giang hồ có bị thương thế nào cũng không được rên rỉ, dù xổ cả gan ruột ra ngoài. Khi Xan-chô tâm sự là nếu có bị gai đâm cũng kêu thì ông chủ tài ba đã không nhịn được cười, đĩnh đạc nói với giám mã cứ việc rên la vì cho tới nay chưa thấy sách kiếm hiệp nào ngăn cấm cả.
Lại nói đến chuyện ăn ngủ của hai thầy trò chàng hiệp sĩ. Hai thầy trò cùng đi giang hồ, với “lí tưởng” dẹp bất công, cứu nguy phò đời nhưng trong tâm hồn, tính cách là hai thế giới riêng biệt! Đến giờ ăn, chẳng hiểu vì sao mả hiệp sĩ chưa cần ăn. Còn Xan-chô, sau khi được phép của chủ, ngồi thoải mái trên lưng lừa ung dung đánh chén, tu bầu rượu một cách ngon lành. Xan-chô vừa nhắm rượu đã quên cả những lời hứa hẹn của chủ phong cho anh ta làm thống đốc sau này. Giám mã vui vẻ suy ngẫm về cái nghề đi tìm kiếm chuyến phiêu lưu dù có nguy hiểm đến đâu, cũng chẳng vất vả. Đó là một nét vẽ hài hước về sự “cái miếng ăn gần, cái ước mơ xa” ở đời! Sau ăn là chuyện ngủ. Đêm đến, hai thầy trò nằm dưới gốc cây, Giám mã đã no say làm một giấc đến sáng. Trái lại, Đôn Ki-hô-tê thì suốt đêm thao thức. Chàng bẻ một cành khô lắp vào cán gẫy làm thành ngọn giáo! Chàng trằn trọc thâu đêm vì thương nhớ tình nương Đuyn-xi-nê-a. Chiều qua đã nhịn, sáng nay không ăn, chẳng phái vì đau mà không ăn được là vì chàng đang sống trong mộng mị, vì chỉ nghĩ đến người yêu cũng đủ no rồi!
Xan-chô là nhân vật phụ, một nét vẽ bổ trợ, rất sống động, có giá trị làm nổi bật tính cách ngông cuồng, mụ mẫm, ôm ấp những mộng tưởng hão huyền của nhân vật chính. Mặt khác cũng thể hiện được một quan niệm sống chất phác, hồn nhiên, giản dị… của những người dân quê yêu đời, thiết thực.
Cảnh Đánh nhau với cối xay gió đã ghi lại được “chiến công hiển hách” của Đôn Ki-hô-tê, hiệp sĩ xứ Man-tra. Với thủ pháp trào lộng, phóng đại và tương phản đối lập trong kể chuyện để dựng cảnh, ta thấy hiện lên trang hiệp sĩ lỗi thời thời Trung cổ Tây Ban Nha. Phải chăng đằng sau “trận đánh” là nụ cười hóm hỉnh của Xéc-van-tét. Và sau nụ cười chế giễu đó, người đọc thầm nhận thấy nhà văn đã đề cao trong một chừng mực tình yêu tự do, bình đẳng, sống thiết thực, yêu đời,… mang tính nhân văn.
-/-
Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay Cảm nhận đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!