Cảm nhận khát vọng sống của Liên trong Hai đứa trẻ

Đề bài: Cảm nhận khát vọng sống của Liên trong Hai đứa trẻ

cam nhan khat vong song cua lien trong hai dua tre

Cảm nhận khát vọng sống của Liên trong Hai đứa trẻ

I. Dàn ý Cảm nhận khát vọng sống của Liên trong Hai đứa trẻ (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về Thạch Lam và truyện ngắn “Hai đứa trẻ”.- Giới thiệu khát vọng sống của nhân vật Liên.

2. Thân bài:

a. Trình bày khái quát về tác giả Thạch Lam và truyện ngắn “Hai đứa trẻ”:– Thạch Lam (1910 – 1942) là một trong những cây bút đi đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam với đặc trưng truyện không có cốt truyện.- Ngòi bút của ông hướng đến cuộc sống bình dị của những kiếp người nghèo khổ trong xã hội.- “Hai đứa trẻ” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất Thạch Lam, được in trong tập “Nắng trong vườn” năm 1938.

b. Giới thiệu chung về nhân vật Liên:– Trước đây, gia đình Liên ở Hà Nội nhưng từ khi bố mất việc thì cả gia đình chuyển về quê sinh sống.- Liên được mẹ giao cho trông coi một gian hàng tạp hóa nhỏ.- Chiều nào Liên cũng dọn hàng và ngồi trên chiếc chõng tre sắp gãy nhìn cảnh vật nơi phố huyện nghèo.- Niềm vui lớn nhất trong ngày của Liên là được nhìn thấy chuyến tàu đêm đi qua phố huyện.

c. Liên là một cô bé nhạy cảm, mang trong mình một nỗi buồn thấm thía khi chứng kiến cảnh ngày tàn nơi phố huyện tăm tối, nghèo khổ:– Liên cảm nhận được những biến chuyển tinh tế của thiên nhiên: “Một chiều êm ả như ru”, mặt trời ở “phương tây đỏ rực như lửa cháy”, “tiếng trống thu không”, “âm thanh của ếch nhái, côn trùng”.- Liên cảm nhận được cuộc sống nghèo khổ, tù túng của những con người nơi phố huyện.- Liên cảm thấy lòng buồn man mác trước giờ khắc ngày tàn- Liên là cô gái có những suy nghĩ chín chắn hơn so với độ tuổi của mình khi biết động lòng thương những kiếp người tàn tạ như mẹ con chị Tí, bà cụ Thi điên, những đứa trẻ nghèo, …

d. Khi màn đêm buông xuống là lúc Liên cảm thấy buồn nhất mặc dù bóng tối không còn quá xa lạ với cô:– Liên lặng lẽ đi tìm thứ ánh sáng phát ra trên bầu trời từ những vì sao đang ganh nhau lấp lánh.- Liên nhớ lại những kí ức tươi đẹp về những ngày còn ở Hà Nội. Liên khao khát có một sự tươi mới trong cuộc sống hàng ngày của mình.

e. Khao khát về cuộc sống tươi sáng của Liên được thể hiện rõ ràng nhất qua chi tiết chuyến tàu đêm đi qua phố huyện:

* Khi tàu đến:– Liên đợi tàu trong niềm vui háo hức.- Liên đợi tàu không phải xuất phát từ nhu cầu vật chất mà xuất phát từ đời sống tinh thần.- Chuyến tàu từ Hà Nội về mang theo một nguồn sáng rực rỡ và không khí vô cùng ồn ào, náo nhiệt như tiếp thêm sức mạnh cho Liên.- Sự thoát li hiện tại chỉ là trong tưởng tượng nhưng khiến Liên rất phấn khích.

* Khi tàu đi:– Liên đã ý thức được rằng những mong ước của cô chỉ là kì vọng xa xôi và khó trở thành hiện thực.- Liên chìm vào giấc ngủ với thứ ánh sáng chập chờn.- Đoàn tàu mang đến cho chị em Liên một niềm mơ tưởng xa xăm mà rất êm đềm về quá khứ tươi đẹp. Khi tàu đi, mọi thứ lại quay về với sự tẻ nhạt, ảm đạm đến buồn chán.

Đọc thêm:  3 Bài văn mẫu Bình giảng bài thơ Tây Tiến - Thủ thuật - TaimienPhi.vn

f. Đánh giá:

* Nội dung:– Khát vọng sống của Liên thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.- Qua đó, tác giả cũng thể hiện niềm thương cảm của mình trước những thân phận nhỏ bé nơi phố huyện nghèo.

* Nghệ thuật:– Sử dụng ngôn từ trong sáng, gần gũi.- Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật.- Bút pháp lãng mạng xem hiện thực.

3. Kết bài:

– Khái quát lại khát vọng sống của Liên trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.

II. Bài văn mẫu Cảm nhận khát vọng sống của Liên trong Hai đứa trẻ (Chuẩn)

“Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn” là một câu danh ngôn nổi tiếng của Nam Phi được rất nhiều người tâm đắc. Bởi vì khi hướng về phía ánh sáng, về cuộc sống tươi đẹp thì mọi khó khăn sẽ được bỏ lại ở khoảng tối phía sau lưng bạn, nó sẽ không còn là vật cản khiến bạn phải buồn rầu hay chạy trốn hiện thực nữa. Nhân vật Liên trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc về một cô bé giàu lòng trắc ẩn và có khao khát sống mãnh liệt.

Thạch Lam (1910 – 1942) là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại với đặc trưng truyện không có cốt truyện. Khác với những thành viên trong nhóm Tự lực văn đoàn, ngòi bút của Thạch Lam lại hướng đến cuộc sống bình dị của những kiếp người nghèo khổ trong xã hội. Chắc hẳn, bạn đọc đã không còn xa lạ với những sáng tác nổi tiếng của Thạch Lam như “Một thứ quà của lúa non: Cốm”, “Hà Nội băm sáu phố phường”, … Một trong những tác phẩm có sức hấp dẫn đặc biệt mà chúng ta không thể bỏ qua đó là “Hai đứa trẻ”. Có thể nói “Hai đứa trẻ” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất Thạch Lam được in trong tập “Nắng trong vườn” năm 1938. Đọc tác phẩm, ta như được xuôi về quá khứ để trở về với tuổi thơ cùng nhân vật Liên giàu lòng trắc ẩn.

Trước đây, gia đình Liên ở Hà Nội nhưng từ khi bố mất việc thì cả gia đình chuyển về phố huyện nghèo sinh sống. Hai chị em Liên được mẹ giao cho trông coi một gian hàng tạp hóa nhỏ tại ga xép Cẩm Giàng. Tuổi thơ của chị em Liên là những chiều dọn hàng và ngồi trên chiếc chõng tre ngắm nhìn cảnh vật nơi phố huyện. Ngày chợ phiên mà chị em Liên chỉ bán được hai bánh rưỡi xà phòng và một cút rượu ti nhỏ. Có lẽ, niềm vui lớn nhất trong ngày của chị em Liên đó chính là được nhìn thấy chuyến tàu đêm đi qua để trông thấy một thứ ánh sáng mới mẻ đến từ vùng kí ức mang tên Hà Nội.

Liên là một cô bé nhạy cảm, mang trong mình một nỗi buồn thấm thía khi chứng kiến cảnh ngày tàn nơi phố huyện tăm tối, nghèo khổ. Trong bức tranh phố huyện của Thạch Lam dường như có sự đối lập giữa khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống con người. Thiên nhiên mang vẻ đẹp trữ tình “một chiều êm ả như ru” chính là sự báo hiệu của một đêm mùa hạ “êm như nhung” và “thoảng qua gió mát”. Tuy nhiên, dù không khí nơi đây có tuyệt vời đến thế nào chăng nữa thì cũng không thể che giấu được cuộc sống nghèo khổ với cảnh “ngày tàn, chợ tàn” và “những kiếp người tàn tạ”. Tiếng trống thu không vang lên từng tiếng một cùng với những âm thanh của ếch nhái, côn trùng cho thấy cuộc sống thật buồn tẻ và đơn điệu. Thêm vào đó là hình ảnh mặt trời ở “phương tây đỏ rực như lửa cháy” giúp người đọc cảm nhận rằng ánh sáng mặt trời chỉ bừng lên lần cuối để rồi nhấn chìm tất cả vào trong đêm tối tĩnh lặng. Nếu trong “Tràng Giang” (Huy Cận) ta bắt gặp một nỗi sầu vũ trụ, nỗi sầu thiên cổ với không gian hiu quạnh của “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” thì trong “Hai đứa trẻ” Thạch Lam lại gợi cảm giác buồn thê lương khi miêu tả cảnh chợ tàn trong ngày tàn cộng hưởng thêm nỗi buồn của chị em Liên. Trước khung cảnh như vậy, Liên cảm thấy lòng buồn man mác. Khi chứng kiến những đứa trẻ con nhà nghèo nhặt nhạnh những gì còn sót mà người bán hàng để lại khiến Liên “động lòng thương” nhưng chị cũng không có gì để cho chúng. Liên là cô gái có những suy nghĩ chín chắn hơn so với độ tuổi của mình khi biết động lòng thương những kiếp người tàn tạ như mẹ con chị Tí, bà cụ Thi điên, những đứa trẻ nghèo, …

Đọc thêm:  Nhận xét về đặc điểm của cách miêu tả người anh hùng Từ Hải

Đêm xuống, khi bóng tối đã bao trùm tất cả các con ngõ nhỏ cũng là lúc Liên cảm thấy buồn nhất dù bóng tối không còn xa lạ với cô nữa. Liên và An lặng lẽ đi tìm thứ ánh sáng phát ra từ những ngôi sao đang ganh nhau lấp lánh nhưng “chỉ một lát, hai chị em lại cúi nhìn về mặt đất” vì vũ trụ bao la kia là một thứ gì đó rất xa lạ với chị em Liên. Cảnh đêm tối được tác giả miêu tả bằng thủ pháp đối lập giữa ánh sáng nhỏ nhoi phát ra từ ngọn đèn con, cái bếp lửa “thưa thớt từng hột sáng” hay những “khe sáng” từ một vài cửa hàng còn thức với bóng tối tối hết cả các con đường phố huyện. Trong cái không gian tĩnh mịch ấy, hoạt động của con người như bác phở Siêu, mẹ con chị Tí, vợ chồng bác xẩm được lặp đi lặp lại một cách đơn điệu và quẩn quanh ngày qua ngày. Thấy mùi phở, Liên lại nhớ về những kí ức tươi đẹp từ ngày còn ở Hà Nội sáng rực đèn chứ không tối tăm như vùng quê này cho thấy khát vọng được đổi đời, được quay trở lại Hà Nội của Liên ngày càng mãnh liệt.

Sống trong cảnh đời tù túng, tẻ nhạt của những chuỗi ngày lặp lại và thiếu thốn mọi thứ khiến cho không chỉ chị em Liên và tất cả con người nơi đây đều nuôi trong mình một hi vọng lớn lao về những gì tốt đẹp sẽ đến với họ. Liên luôn mơ ước về một thế giới khác với cuộc sống hiu quạnh này và khao khát đó được thể hiện rõ ràng nhất khi chuyến tàu đêm đi qua phố huyện. Chị em Liên cùng thức đợi tàu trong niềm vui háo hức, thế nhưng niềm vui ấy cũng không được bao lâu vì khi chuyến tàu đi qua thì cảnh vật lại chìm vào trong bóng tối. Tuy mẹ giao cho gian hàng nhỏ nhưng chị em Liên đợi tàu không phải xuất phát từ nhu cầu vật chất mà xuất phát từ đời sống tinh thần vô cùng thiếu thốn với những ước mơ nhỏ nhoi. Tàu từ Hà Nội về mang theo một nguồn sáng rực rỡ và không khí vô cùng ồn ào, náo nhiệt như tiếp thêm sức mạnh cho Liên. Trong phút giây ngắn ngủi, Liên như được thoát ra khỏi hiện thực tăm tối, được sống lại với những kí ức đẹp đẽ, sôi động của ngày còn ở Hà Nội với nhiều món quà xa xỉ, những thứ nước xanh đỏ mà vùng quê này không có. Sự thoát li hiện tại chỉ là trong tưởng tượng, nó thoảng qua trí óc Liên như một giấc mơ và ngắn ngủi hơn cả giấc mơ nhưng với Liên “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (Xuân Diệu). Tuy tàu hôm nay không đông như mọi ngày nhưng cũng là niềm vui duy nhất mà chị em Liên hằng trông ngóng nên khi tàu đi, Liên và An lặng người nhìn theo mơ tưởng cho đến khi “chiếc tàu đi vào đêm tối”, thứ ánh sáng rực rỡ nhất trong ngày cũng biến mất nhanh như đốm lửa lụi tàn. Liên đã ý thức được rằng những mong ước của cô chỉ là kì vọng xa xôi nhưng cô vẫn luôn mơ ước và không bao giờ từ bỏ ước mơ khi nó vẫn còn cơ hội trở thành hiện thực. Thế rồi Liên cũng dần chìm vào giấc ngủ với thứ ánh sáng chập chờn từ ngọn đèn dầu của mẹ con chị Tí, giấc ngủ ấy cũng yên tĩnh như cảnh vật trong đêm phố tối tăm. Chuyến tàu đêm đã mang đến cho chị em Liên một niềm mơ tưởng xa xăm mà rất êm đềm về quá khứ tươi đẹp để rồi khi chuyến tàu đi, mọi thứ lại quay trở về với quỹ đạo của nó khiến cho mọi thứ đều tẻ nhạt và ảm đạm đến lạ.

Đọc thêm:  Dàn ý nghị luận về hiện tượng nghiện Internet trong thanh niên, học si

Qua cách miêu tả nhân vật Liên – một cô gái luôn có dòng nhựa sống chảy trôi đã cho chúng ta thấy giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Tác giả Thạch Lam là một người có niềm thương cảm sâu sắc với những con người bé nhỏ, vô danh không biết đến niềm vui. Đây như một lời cảnh tỉnh với xã hội khi những con người bé nhỏ vô danh ấy lại dần bị chôn vùi, lãng quên. Thế nhưng, dù họ có sống trong hoàn cảnh đói nghèo thì cũng không thể dập tắt được ước mơ hay niềm hi vọng của họ. Ông luôn trân trọng khát vọng được sống một cuộc sống hạnh phúc của nhân vật Liên.

Để tạo nên sự thành công khi miêu tả nhân vật Liên, Thạch Lam đã sử dụng giọng văn nhẹ nhàng, điềm tĩnh nhưng thấm thía với những ngôn từ trong sáng, gần gũi. Tác giả đã đi sâu vào việc diễn tả nội tâm nhân vật Liên để người đọc có thể cảm nhận rõ khát vọng sống mãnh liệt của một cô gái giàu tình thương và giàu lòng trắc ẩn.

Khát vọng sống giống như ngọn hải đăng giữa biển khơi soi sáng cho những con tàu lênh đênh tìm thấy bến bờ. Nhân vật Liên trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam đã đem đến cho chúng ta một nguồn năng lượng tích cực khi dám ước mơ, dám hi vọng về những gì tươi đẹp dù thực tại có quẩn quanh và tăm tối đến nhường nào.

-HẾT-

https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-khat-vong-song-cua-lien-trong-hai-dua-tre-66003n.aspx Trên đây là bài Cảm nhận khát vọng sống của Liên trong Hai đứa trẻ. Để có cái nhìn toàn diện hơn về tác phẩm, các em có thể tham khảo những bài viết sau: Phân tích ý nghĩa chi tiết giấc ngủ của Liên ở cuối câu chuyện Hai đứa trẻ, Phân tích hình ảnh chuyến tàu đêm chạy qua phố huyện trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, Phân tích tâm trạng chị em Liên trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Giá trị hiện thực và nhân đạo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button