Đề bài: Cảm nhận truyện ngắn Tinh thần thể dục
Cảm nhận truyện ngắn Tinh thần thể dục
I. Dàn ý Cảm nhận truyện ngắn Tinh thần thể dục (Chuẩn)
– Nguyễn Công Hoan được mệnh danh là “bậc thầy truyện ngắn trong văn học Việt Nam hiện đại”, bằng tiếng cười rất riêng, ông đã vạch trần bộ mặt thối nát của chế độ thực dân nửa phong kiến một cách sâu cay, đặc sắc.- Tinh thần thể dục là một trong những truyện ngắn nổi bật của Nguyễn Công Hoan trong sự nghiệp văn chương trào phúng. Bằng giọng văn hóm hỉnh, sâu cay ông đã vạch rõ cái bản chất lố bịch, bịp bợm của “phong trào thể dục thể thao” nhằm đánh lạc hướng, che lấp đi phong trào cách mạng của tầng lớp thanh niên đương thời.
2. Thân bài:* Bức trát về cuộc thi đá bóng đầy mâu thuẫn hài hước:– Gây cười bởi nội dung bên trên là những lời quảng cáo lố bịch “sân vận động huyện có một cuộc đá bóng thi, nhiều chiến tướng đá rất hay,…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Cảm nhận truyện ngắn Tinh thần thể dục tại đây
II. Bài văn mẫu Cảm nhận truyện ngắn Tinh thần thể dục (Chuẩn)
Nguyễn Công Hoan là “bậc thầy truyện ngắn trong văn học Việt Nam hiện đại”, “là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam… Nguyễn Công Hoan đến với chủ nghĩa hiện thực bằng văn học trào phúng”. Ông viết văn với ngòi bút lạc quan, dùng tiếng cười làm thứ vũ khí của kẻ mạnh để đánh vào cái chế độ thực dân – nửa phong kiến đầy thối nát, xấu xa, với đa số những đề tài được ông khai thác từ trong cuộc đời nghèo khổ, lầm lũi của tầng lớp nhân dân dưới đáy xã hội. Thông qua tiếng cười có vẻ lạc quan trào phúng đó, người ta mới nhận ra những sự thực, những đớn đau thật thương tâm về những kiếp người khốn khổ bị đày ải dưới chế độ nửa nạc nửa mỡ, đầy lố lăng, độc ác. Tinh thần thể dục là một trong những truyện ngắn nổi bật của Nguyễn Công Hoan trong sự nghiệp văn chương trào phúng, bằng giọng văn hóm hỉnh, sâu cay ông đã vạch rõ cái bản chất lố bịch, bịp bợm của “phong trào thể dục thể thao” nhằm đánh lạc hướng, che lấp đi phong trào cách mạng của tầng lớp thanh niên đương thời.
Truyện ngắn Tinh thần thể dục bắt đầu và xuyên suốt với những mẩu chuyện tưởng rời rạc chẳng liên quan gì tới nhau. Đầu tiên là một bức trát lạ lùng, trông cứ như tờ quảng cáo với nào là “sân vận động huyện có một cuộc đá bóng thi, nhiều chiến tướng đá rất hay, mọi nhẽ”, thế nhưng khúc dưới thì lại quy định đủ điều, cứ như sợ cuộc đá bóng này sẽ không ai đi xem nên mới phải quy định làng dẫn đủ một trăm người, không được phép thiếu, rồi đủ năm lá cờ, rồi phải “vỗ tay luôn luôn” một cách giả tạo vì có nhiều quan khách. Thiết nghĩ rằng một cuộc thi, cuộc chơi vui vẻ thì chẳng cần phải quy định cái sự hào hứng hài hước ấy, rồi cũng chẳng phải bắt dân đi coi như đi phu, đi lính vậy. Ôi thế rốt cuộc là đi xem bóng hay là đi phu nhỉ, sự mâu thuẫn nực cười trong bức trát đưa về đã khởi đầu một loạt những tiếng cười về sự mâu thuẫn của một tinh thần thể dục bị ép buộc ở đằng sau. Người ta thậm chí lo sợ, tìm mọi cách để trốn tránh cái việc đi xem đá bóng này, như việc trốn đi lao dịch, đi phu, đi lính vậy, đủ các tình huống trớ trêu và hài hước diễn ra đủ cả, nào lạy lục van xin, nào đút lót, nào thuê người đi thay, rồi áp giải người xem bóng như áp giải tù binh,… Đôi lúc thật muốn đặt tên cho sự kiện bóng đá này thành “chuyến phu bóng đá” thì có lẽ sẽ hợp lý với những gì đang xảy ra hơn cả.
Sau bức trát ấy, là cảnh anh Mịch quỳ lạy lục van xin ông lý một cách khẩn thiết và tội nghiệp: “Lạy ông làm ơn làm phúc tha cho con…”, mới đọc vào người ta cứ ngỡ chắc anh Mịch này phạm tội gì to tát lắm nên mới phải van xin hết lời như thế, còn ông lý kia thì hung dữ, kiên quyết, thậm chí là dọa nạt không thương tiếc “chết đói hay chết no tao đây không biết”, “tao trình thì rũ tù”, rồi thì “tao sai tuần đến gô cổ lại đừng kêu”,… Độc giả cứ chắc mẩm hẳn là chuyện đại sự thế mới có cái việc bắt bớ, gô cổ, bỏ tù, rồi ông lý ra bề gắt gỏng thế kia chứ. Phải nói cái sự kiện bóng đá này đã trở thành nỗi ám ảnh của dân làng, của những con người khốn khổ như anh Mịch, hết đi phu, hết còng lưng nộp sưu thuế, giờ lại phải bớt ra một ngày để đi “vỗ tay” cho đủ số, khiến người ta phải hết hơi hết sức, không có đủ thời gian và sức lực để đối phó nữa. Như vậy trận banh cầu, với tinh thần vui vẻ, trẻ khỏe, dựa trên tinh thần tự nguyện đã trở thành gánh nặng của dân làng, chứ còn đâu cái tinh thần tự nguyện, vì ham thích thể thao nữa, đó là mâu thuẫn khiến người ta phải cười ra nước mắt.
Lại đến bác Phô gái khép nép, dịu dàng đến đút lót ông lý, xin xỏ để cho ông chồng ốm bệnh của mình không phải đi…xem bóng đá! Ồ, hóa ra là đi xem bóng đá, thế nhưng chẳng phải xem bóng là cái thú vui của những người yêu thể thao, là dựa theo tinh thần tự nguyện ư, cớ sao người ta lại phải đút lót, lạy lục để chẳng phải đi. Thậm chí kỳ lạ đến mức ông lý tuyệt tình “ốm gần chết cũng phải đi”, rồi thì độc giả cũng phải phì cười vì câu nói đậm chất tấu hài về một trận đá bóng có vẻ không mấy hay ho này “Ai cũng lấy cớ ốm yếu mà không đi thì người ta đá bóng cho chó xem à?”. Vốn bác Phó gái cũng định đi thay chồng thế nhưng mà ông lý lại vẫn không chịu, rằng đàn bà thì là “nữ nhân ngoại tộc, ai kể”. Người ta lại lần nữa nhìn ra cái thối nát, lạc hậu của chế độ phong kiến suy tàn, mục rỗng, đến xem bóng đá nhưng cũng trọng nam khinh nữ, đàn bà không được phép xem! Ôi, đây lại là cái tinh thần thể dục lạ lùng gì vậy?
Vẫn một màn đút lót khác, nhưng lần này là đút lót để “được” thuê người đi thay của bà cụ phó Bính, đúng là muôn kiểu trên đời! Dĩ nhiên chuyện này đối với ông lý thì dễ giải quyết hơn, bởi chỉ cần đủ mặt nam đinh là được, ông ta nhận đút lót ấy, nhưng cũng ra vẻ khó xử cho “dễ coi” một chút “Tôi nhận lễ của con bà mà tôi lo lắm. Việc quan nào phải việc chơi”. Lần nữa độc giả lại nhìn thấy cái bộ mặt tham lam, bẩn thỉu và đê tiện của tầng lớp phong kiến, suy cho cùng chúng vẫn chỉ thích cái việc vẫn vừa lòng quan trên mà lại được đầy túi mình, khôn ngoan hết mực! Chính cái mâu thuẫn giữa lời nói và hành động nhận 3 hào của bà phó Bính khiến độc giả phải phì cười vì sự đê tiện của ông lý.
Mạch truyện càng gây cười mạnh mẽ khi nghe đến khúc ông lý sắp xếp thời gian dẫn người đi cổ vũ bóng đá, theo một cái lý thông thường thì giờ nào có trận đấu người đi xem sẽ thong thả tới với một tinh thần thoải mái vui vẻ. Thế nhưng không, trong “Tinh thần thể dục” chuyện đi xem bóng này chẳng khác nào một chuyến đi phu, hành quân xa đầy vất vả và nghiêm cẩn. Nó kỳ quặc đến mức trận bóng diễn ra vào 3, 4 giờ chiều thế nhưng người đi xem lại buộc phải tập trung từ lúc gà gáy, cơm nước thậm chí phải chuẩn bị từ chiều hôm trước. Thú thực mà nói, chuyến đi coi bóng như thế này chẳng trách người ta chỉ ước được ở nhà, cố mà đút lót sao cho qua ải, bởi nó còn lằng nhằng và mệt mỏi hơn cả đi làm, chứ lấy đâu ra cái tinh thần thể dục, tinh thần giải trí trẻ khỏe.
Cao trào nhất là phải đến cảnh dẫn người đi xem bóng, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có khiến người ta phải cười ra nước mắt, không phải là vui mà cười, mà bởi vì tiếng cười Nguyễn Công Hoan sâu cay quá, hiện thực quá, nó chân thực một cách tàn nhẫn và khốn khổ. Ai đời, có thể nghĩ ra cảnh đi kiểm người đi xem bóng lại biến tướng thành một cuộc vây bắt, truy lùng như thể có tù nhân vượt ngục vậy, người bị truy bắt thì sợ sệt, khúm núm trốn như trốn nợ. Bộ mặt tàn ác của chế độ phong kiến lại một lần nữa bị Nguyễn Công Hoan công khai vạch ra, bằng câu chửi, câu gắt của ông lý “Hễ đứa nào láo cứ đánh sắc tiết chúng nó ra…Chúng bay gô cả giải được ra đây cho ông!”. Phải chăng ông lý cứ nhỏ nhẹ khuyến khích, động viên, bỏ cái sự độc ác, uy quyền ấy đi có khi cũng chẳng thiếu tận tám đứa! Những người trốn không đi kẻ thì muốn trốn ở nhà đi làm kiếm tiền cứu đói cho gia đình, kẻ thì chẳng mượn được bộ đồ nghiêm chỉnh để đi “vỗ tay”. Cái đói cái khổ nó làm con người ta mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể xác, lại thêm cái tinh thần thể dục bịp bợm hành hạ thật không kể đâu cho hết nỗi khổ của người nông dân Việt Nam, thật đau xót, đến đây đã chẳng thể nào cười nổi với những cái mâu thuẫn điên rồ của tinh thần thể dục ấy nữa. Thế đấy, kẻ thoát được cũng phải dựa vào chiêu trò ngủ lang, ngủ nhờ, coi như “lánh nạn”, như tránh tà, còn ông lý thì coi xét người đi xem chẳng khác nào “tù binh”, chỉ sợ coi sóc không kỹ lại xổng mất không chừng. Thật sự, cuộc thi bóng kia lúc này càng trở nên lố bịch, nó trở thành công cụ cho bọn quan sai được dịp tỏ ra nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, lại được vơ đầy túi, trở thành gánh nặng, thành nỗi ám ảnh của người nông dân khốn khổ, cùng cực. Và cái trào phúng, cái mâu thuẫn của câu chuyện cũng thể hiện ở chính những lời chửi rủa của ông lý “Chúng nó ngu như lợn. Người ta cho xem đá bóng chứ ai làm gì mà cũng phải bắt….”, “Mẹ bố chúng nó, cho đi xem đá bóng chứ ai giết thế mà phải trốn như trốn giặc”.
Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan đã châm biếm, trào phúng một cách sâu sắc với cốt truyện rời rạc, chứa đựng đầy những mâu thuẫn lạ lùng khiến người ta cười ra nước mắt. Qua đó tác giả vạch trần cái bộ mặt “văn minh” bịp bợm của bè lũ thực dân, cùng với sự phối hợp lố bịch, tàn ác của bọn tay sai phong kiến đã đẩy nhân dân vào cảnh khốn cùng, tách biệt người dân Việt Nam khỏi các phong trào cách mạng, chống lại bè lũ xâm lược bàng những trò có vẻ là đưa văn minh vào đất nước ta như cầu lông, bóng đá, bóng bàn, bơi lội,… Truyện ngắn thành công bởi ngôn ngữ truyện tự nhiên, sinh động, cốt truyện nhìn tưởng rời rạc nhưng gắn kết với nhau bằng những mâu thuẫn gây cười, từ đó tập trung thể hiện tư tưởng và nội dung chính của truyện là phê phán, châm biếm sâu cay những trò lố lăng của chính quyền xã hội đương thời.
-HẾT-
Cùng với việc tìm hiểu nội dung bài Cảm nhận truyện ngắn Tinh thần thể dục, để hiểu hết nội dung cũng như giá trị của truyện ngắn, các em không nên bỏ qua: Sơ đồ tư duy Tinh thần thể dục, Soạn bài Tinh thần thể dục, Phân tích truyện ngắn Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan.
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-truyen-ngan-tinh-than-the-duc-48195n.aspx