Phân tích 14 câu giữa của bài Trao duyên – VnDoc.com

Phân tích 14 câu giữa của bài Trao duyên (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du) được VnDoc sưu tầm và đăng tải xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Tài liệu gồm 5 bài văn mẫu nhằm giúp các bạn có thêm tài liệu tham khảo, chuẩn bị tốt cho bài giảng sắp tới của mình. Mời các bạn tải về tham khảo chi tiết và tải về tại đây nhé.

  • Phân tích 8 câu cuối bài Trao duyên

Đề bài: Em hãy phân tích 14 câu giữa của bài Trao duyên (Trích đoạn “Chiếc vành với bức tờ mây … Rưới xin giọt nước cho người thác oan”) để làm rõ tâm trạng của Thúy Kiều khi trao kỉ vật và dặn dò Thúy Vân.

I. Hướng dẫn phân tích 14 câu thơ giữa bài Trao duyên

1. Phân tích đề

Yêu cầu: phân tích 14 câu thơ giữa của bài Trao duyên.

Phạm vi tư liệu, dẫn chứng: từ ngữ, chi tiết tiêu biểu trong 14 câu thơ giữa bài Trao duyên (từ “Chiếc vành với bức tờ mây” đến “Rưới xin giọt nước cho người thác oan”).

Phương pháp lập luận chính: Phân tích.

2. Hệ thống luận điểm

Luận điểm 1: Tâm trạng Kiều khi trao duyên, trao kỉ vật cho em

Luận điểm 2: Lời dặn dò của Kiều với em.

II. Dàn ý phân tích 14 câu thơ giữa của bài Trao duyên

1. Dàn ý phân tích 14 câu thơ giữa của bài Trao duyên mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Nguyễn Du, tác phẩm Truyện Kiều, đoạn thơ Trao duyên và 16 câu thơ giữa (Chiếc vành với bức tờ mây…Rưới xin giọt nước cho người thác oan.)

Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.

2. Thân bài

“Chiếc vành với bức tờ mây,……………………………..Xót người bạc mệnh ắt lòng chẳng quên”

Sau khi Vân đồng ý nhận mối duyên của mình, Kiều mang trao lại em những kỉ vật của mình với chàng Kim. Kiểu sẽ thực sự ghi nhớ ơn nghĩa nếu Vân và Kim Trọng nên duyên vợ chồng.

Thật đau đớn và xót xa khi người mình yêu nên duyên cùng chính em gái mình, ấy thế mà, với Kiều, đấy lại là một ơn nghĩa mà Vân làm cho cô khiến cô ghi nhớ mãi.

“Mai sau dù có bao giờ………………………….Rưới xin giọt nước cho người thác oan”

Tuy rằng, Kiều sẽ phải ra đi, nhưng dù còn sống hay khi không còn trên đời nữa, cô vẫn luôn hướng về nhà, về nơi có cha mẹ, có các em và có chàng Kim.

Người con gái ấy đã nghĩ đến trường hợp xấu nhất khi cô chỉ còn là “linh hồn mang nặng lời thề” trở về nhà, cô dặn Vân hãy rảy xin cho cô chén nước để linh hồn cô được siêu thoát.

Đến đây, nỗi xót xa của nàng Kiều dường như bị đẩy lên một cao trào mới. Những suy tư ngổn ngang đè nặng lên vai một cô gái vốn có cuộc sống thanh bình.

Duyên gãy, phải đi xa gia đình, bán thân thành một người rẻ mạt làm Kiều không tránh nỗi chua xót.

3. Kết bài

Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của 16 câu thơ; đồng thời khái quát lại giá trị của đoạn thơ và cả tác phẩm.

2. Dàn ý phân tích 14 câu thơ giữa của bài Trao duyên mẫu 2

a) Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích Trao duyên

Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Truyện Kiều được xem là kiệt tác của nền văn học được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Đoạn trích Trao duyên (từ câu 723 đến câu 756 trong Truyện Kiều) là lời của Thúy Kiều nói với Thúy Vân.

– Khái quát nội dung 14 câu thơ giữa (từ câu 13 đến câu 26): Tâm trạng của Thúy Kiều khi trao kỉ vật và dặn dò em (độc thoại).

b) Thân bài

* Hoàn cảnh trao duyên:

– Sau khi thu xếp xong việc bán mình để cứu cha và em, đêm trước khi Kiều phải theo Mã Giám Sinh ra đi, Kiều bồi hồi thương cho chàng Kim, tìm cách trả nợ tình cho chàng. “Đèn thắp sáng đêm nước mắt đầm đìa/ dầu chong trắng đĩa, lệ tràng thấm khăn” nhân lúc Thúy Vân thức dậy hỏi han bấy giờ Kiều mới nhờ em thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng.

* Luận điểm 1: Tâm trạng Kiều khi trao duyên, trao kỉ vật cho em (6 câu đầu)

“Chiếc vành với bức tờ mâyDuyên này thì giữ vật này của chungDù em nên vợ nên chồngXót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quênMất người còn chút của tinPhím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”

Kỉ vật tình yêu: chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn, mảnh hương nguyền → Những kỉ vật thiêng liêng, quan trọng đối với Thúy Kiều và Kim Trọng.

“Duyên này thì giữ”: Trao kỉ vật nhưng không thể quên được kỉ niệm → Tình yêu sâu đậm, nồng nàn Kim – Kiều. “Của chung”: từng là của riêng Kim và Kiều, nay là của chung Kim, Kiều, Vân → Sự đau đớn, tiếc nuối.

“Ngày xưa”: Mọi kỉ niệm chỉ còn là quá khứ → Luyến tiếc.

→ Lí trí mâu thuẫn với tình cảm, sự giằng xé trong tâm trạng của Thúy Kiều.

* Luận điểm 2: Lời dặn dò của Kiều với em (8 câu sau)

“Mai sau dù có bao giờĐốt lò hương ấy so tơ phím nàyTrông ra ngọn cỏ lá câyThấy hiu hiu gió thì hay chị vềHồn còn mang nặng lời thềNát thân bồ liễu đền nghì trúc maiDạ đài cách mặt khuất lờIRưới xin giọt nước cho người thác oan”

Kiều tưởng tượng viễn cảnh hội ngộ bằng thế giới tâm linh, cõi âm đầy ma mị.

“mai này, dù có” → Kiều tưởng tượng về cảnh ngộ của mình trong tương lai.

“Hồn”: Nói đến cái chết.

“Bồ liễu”: Chỉ người phụ nữ yếu đuối.

“Trúc mai”: Chỉ tình yêu lứa đôi.

“Dạ đài”: Âm phủ.

“Thác oan”: Cái chết oan khuất.

→ Dự cảm về cái chết đầy oan khuất, linh hồn không thể siêu thoát của Kiều.

– Kiều dặn dò Thúy Vân:

Thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng.

Nhớ đến tình máu mủ chị em.

Chết đi vẫn nặng lời thề: Tình yêu thủy chung, mãnh liệt, bất tử.

→ Ý thức về sự bất hạnh của bản thân, tự khóc thương cho mình.

→ Tình cảm lí trí xen lẫn, sự giằng xé, đau đớn và nhớ thương Kim Trọng đến tột cùng của Kiều.

* Đặc sắc nghệ thuật

Nghệ thuật khắc họa, miêu tả nội tâm nhân vật

Ngôn ngữ độc thoại sinh động

Sử dụng ngôn từ điêu luyện

Sự kết hợp giữa ngôn ngữ dân gian và bác học vô cùng đặc sắc.

c) Kết bài

Khái quát lại nội dung 14 câu giữa bài Trao duyên.

Nêu cảm nhận của em.

III. Sơ đồ tư duy phân tích 14 câu giữa bài Trao duyên

Phân tích 14 câu giữa của bài Trao duyên

Tham khảo thêm: Phân tích 12 câu thơ đầu trong đoạn trích Trao duyên của Nguyễn Du

IV. Văn mẫu Phân tích 14 câu giữa Trao duyên bài

1. Phân tích 14 câu giữa Trao duyên mẫu 1

Nguyễn Du là một đại thi hào của dân tộc, ông đã từng sống gian khổ ở nhiều vùng quê khác nhau nên đã chứng kiến những bất công ngang trái của cuộc đời đặc biệt là người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Sau khi đi sứ Trung Quốc, Nguyễn Du đã sáng tạo nên kiệt tác ”Truyện Kiều”. Đoạn trích “Trao Duyên” trong Truyện kiều là một đoạn trích thể hiện bi kịch tan vỡ, dang dở tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng. Nếu như ở những câu đầu Thúy Kiều nhờ cậy em gái Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng thì ở 14 câu tiếp, Thúy Kiều đầy xót xa đau đớn mà trao kỉ vật cho Thúy Vân và nhờ cậy em truyện mai sau.

Khi tình yêu giữa Thúy Kiều và Kim Trọng đang diễn ra tươi đẹp và đằm thắm thì thình lình tai biến lại dồn đến. Sau khi thu xếp mọi việc bán mình để cứu cha và em, ngày mai nàng sẽ phải theo Mã Giám Sinh rời khỏi nhà. Đêm ấy, Kiều không đành lòng với tình cảnh dang dở cùng Kim Trọng nên cuối cùng, sau khi tìm cách thuyết phục và trao duyên cho em, khi thấy Vân đã cảm thông, Thúy Kiều đem từng kỉ vật trao tình yêu giữa mình và Kim Trọng ra trao cho em gái:

”Chiếc vành với bức tờ mâyDuyên này thì giữ vật này của chungDù em nên vợ nên chồngXót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quênMất người còn chút của tinPhím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”

Thúy Kiều từ từ trao lại những kỉ vật tình yêu “chiếc vành”, ”bức tờ mây” rồi đến ”phím đàn”, ”mảnh hương nguyền” cho Thúy Vân. Kiều đưa cùng một lúc nhưng là đưa từng món một. Mỗi món đều gắn với một kỉ niệm, mang một ý nghĩa của mối tình nồng nàn. Tưởng như Thúy Kiều vừa trao vừa ngập ngừng ngắm nghía lại từng kỉ vật, nhớ lại từng kỉ niệm với nỗi lòng nuối tiếc khôn nguôi cho mối tình tươi thắm ngày nào. Với Vân, có thế đó là những vật vô tri, nhưng với Kiều mỗi kỷ vật là cả một trời ký ức, là nhân chứng cho một tình yêu hạnh phúc, là lời thề nguyền gắn bó trăm năm… gắn liền với những ngày đẹp nhất đời Kiều. Khi đã gửi gắm tất cả lại cho Thúy Vân, nàng căn dặn em ”Duyên này thì giữ vật này của chung”.

”Duyên này” là duyên giữa Thúy Vân và Kim Trọng, chứ phần của Kiều kể như đã hết. Chị đã trao duyên lại cho em nhưng những kỉ vật này thì xin em hãy coi là ”của chung” bởi còn có một phần là của chị. Lúc Kiều kể về mối tình của mình cho Vân nghe, giọng điệu của nàng vẫn bình tĩnh, nhưng đến lúc trao kỉ vật, nàng cảm thấy mình đã mất hết nên không thể kìm nén được cảm xúc đang dậy sóng trong lòng. Nàng tiếc nuối, đau đớn khi có người thứ ba chia sẻ. Trái tim bắt đầu lên tiếng. Cảnh ngộ bắt Kiều phải ”lỗi thề” nhưng trong đáy lòng nàng đâu dễ để có thể nguôi đi được lời thề xưa và đoạn tuyệt tình cũ được. Đầy xót xa sầu tủi, trong đau đớn tận cùng, Thúy Kiều phải chăng vẫn giữ lấy một chút an ủi nhỏ nhoi.

Những tưởng rằng trao xong ”duyên” là lòng nhẹ bẫng không còn vướng bận, con đường phía trước sẽ không còn gì níu kéo nhưng ai ngờ trong tâm hồn Kiều lại chứa đựng bao nhiêu sự giằng xé, cố níu kéo, đau đớn. Rõ ràng, lí trí bắt buộc Kiều phải dứt tình với chàng Kim nhưng tình cảm của nàng lại không thể tuân theo một cách dễ dàng. Nỗi đau như đọng lại ở câu thơ “dù em nên vợ nên chồng” – Kiều tự thấy mình đáng thương, mình là người mệnh bạc để người khác phải xót xa thương hại. ”Mất người còn chút của tin” Kiều chỉ có thể trao duyên còn tình nàng vẫn không thể trao, nàng không thanh thản, nàng đau đớn đến nỗi nghĩ tới cái chết. Nàng dùng dằng, gửi gắm tất cả lại cho Thúy Vân rồi tâm trạng mâu thuẫn thật sự trong lòng nàng mới bùng lên mạnh mẽ nửa muốn trao, nửa muốn giữ. Nàng đã mất bao công sức để thuyết phục em nhưng chính lúc em chấp nhận cũng là lúc Kiều bắt đầu chơi vơi cố níu tình yêu lại với mình. Sau đó Kiều để mặc cho tình cảm tuôn tràn.

Đọc thêm:  Phân tích 14 câu giữa của bài Trao duyên - VnDoc.com

Nhưng có điều đặc biệt nằm ở chữ ”giữ” và ”của chung”. ”Giữ” không có nghĩa là trao hẳn mà chỉ là đưa cho em ”giữ” hộ. Còn chữ ”của chung” lại thể hiện tâm lí là Kiều không đành lòng trao tất cả lại cho em. Những chữ đó chứng tỏ tình yêu của nàng và Kim Trọng thật nồng nàn, sâu sắc. Tuy nhiên, Kiều vẫn trao duyên cho em, khẳng định Thúy Kiều đã đặt hạnh phúc của người mình yêu lên trên hết. Đoạn thơ là một tiếng nấc chứa đầy tâm trạng của nàng khi ấy, khiến người đọc cảm thấy đau lòng. Đó cũng là tài năng miêu tả tâm lí độc đáo của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

Quá đắng cay cho số phận của mình, thấy rõ là mình mệnh bạc, tất cả đã thành quá khứ, Thúy Kiều nghĩ đến một mai sau mù mịt, đau thương khi mình đã chết. Hơn lúc nào hết, ý nghĩ cứ hiện ra và rõ nét dần

”Mai sau dù có bao giờĐốt lò hương ấy so tơ phím nàyTrông ra ngọn cỏ lá câyThấy hiu hiu gió thì hay chị vềHồn còn mang nặng lời thềNát thân bồ liễu đền nghì trúc mai”

Đoạn thơ như một lời chiêu hồn buồn thẳm, một hơi thơ khác hẳn với lúc bắt đầu Trao duyên. Đây vẫn là những lời tâm sự của Thúy Kiều với Kim Trọng mà sao lời lẽ bất chợt trở nên xa lắng, mù mịt, phảng phất ma mị như từ cõi bên kia vọng về đến thế. Hàng loạt từ nói về cái chết: âm điệu chập chờn, hư ảo, thời điểm không xác định ”mai sau”, ”bao giờ”, không khí linh thiêng ”đốt lò hương”, ”so tơ phím”, hình ảnh phất phơ, ma mị ”ngọn cỏ lá cây”, ”hiu hiu gió”,… bắt đầu từ đây Kiều mới thực sự cảm nhận được cái bi kịch của đời mình, bi kịch của sự mất mát, bi kịch của nỗi cô đơn. Nàng cảm thấy mình thật đáng thương. Tâm thức đang chìm dần trong nỗi đau khôn nguôi.

Nàng tưởng tượng đến cảnh sum họp của Trọng – Vân, còn mình chỉ là linh hồn ”xương trắng quê người” vật vờ cô độc, bất hạnh nhưng vẫn ”mang nặng lời thề”, vẫn khát khao mong muốn được theo làn gió nhẹ ”hiu hiu” trên ”ngọn cỏ lá cây” để trở về cõi thế gặp lại người thương yêu. Duyên tình của Kiều đã hết, kỉ vật tình yêu cũng đã trao cho em, nhưng hồn của nàng vẫn chưa dứt nổi chàng Kim, còn mang nặng lời thề trăm năm gắn bó. Thế mới biết nàng có tình yêu thủy chung, mãnh liệt đến mức nào. Nàng trở nên cô đơn, tuyệt vọng, dự cảm được tương lai đầy bất hạnh của chính mình. Nghĩ đến đấy, Thúy Kiều tha thiết dặn em:

”Dạ đài cách mặt khuất lờiRưới xin giọt nước cho người thác oan”

Nay lo cho người đã xong, nàng mới nghĩ đến mình và thấy mình mệnh bạc. ”Dạ Đài” là nơi âm phủ tăm tối, trong cảnh ngộ ”cách mặt khuất lời” linh hồn Thúy Kiều vẫn khao khát nhận được sự cảm thông, tưởng nhớ của những người yêu thương nên chỉ xin Trọng một ”chén nước” để làm phép tẩy oan. Điều đó chứng tỏ Thúy Kiều vẫn khao khát được trở về cõi thế để chứng minh cho ty bất diệt của mình. Hồn của nàng còn ‘mang nặng lời thề’ nên dù có chết đi cũng chẳng thể siêu thoát. Nàng đau đớn, sợ hãi trước tương lai mù mịt…Thế mới thật sự là giằng xé, thật sự là bi kịch.

Dưới ngòi bút tài hoa sắc sảo của Nguyễn Du, Thúy Kiều hiện lên rất rõ là một cô gái nhạy cảm, vị tha và giàu lòng yêu thương. Qua nghệ thuật miêu tả nội tâm tài tình thông qua lời đối thoại và độc thoại, nỗi đau và tâm hồn của Kiều càng được thể hiện tinh tế, khắc họa sinh động, sâu sắc và đầy xúc cảm tâm trạng của Thúy Kiều khi tình yêu tan vỡ, nỗi đau đớn của người con gái bất hạnh này

Đoạn trích là những dòng thơ thể hiện bi kịch tình yêu bậc nhất trong Truyện Kiều. Qua đó, bộc lộ phẩm chất cao quý của Thúy Kiều trong tình yêu. Trước sự tan vỡ của tình yêu, nàng làm tất cả những gì có thể làm được để người mình yêu được hạnh phúc nhưng người đau khổ nhất vẫn là nàng. Nhờ thế mà đoạn trích đã thể hiện được tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du: nỗi cảm thông sâu sắc đối ới những đau khổ và khát vọng hạnh phúc, tình yêu của con người.

2. Phân tích 14 câu giữa Trao duyên mẫu 2

Có thể nói Nguyễn Du là bậc thầy trong nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật. Tài năng ấy của ông được thể hiện xuyên suốt trong tác phẩm “Truyện Kiều”, tiêu biểu nhất là ở đoạn trích “Trao duyên”. Đoạn trích này đã thể hiện những tâm trạng, cung bậc cảm xúc của Thúy Kiều khi cậy nhờ Thúy Vân “chắp mối tơ thừa” với Kim Trọng. Và nó thể hiện rõ nét hơn ở 14 câu giữa của bài Trao khi Kiều trao kỉ vật và dặn dò Thúy Vân.

Như ta thấy, tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng đang ở giai đoạn đẹp nhất thì bỗng phải chia lìa vì Kiều bán mình cứu cha và em. Hai người đã có một cuộc thề nguyền đầy thiêng liêng và lãng mạn nhưng trong hoàn cảnh gia đình gặp gia biến, phận làm con Kiều lựa chọn chữ hiếu để báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Và nàng trao lại mối tình duyên cho Thúy Vân mà trong lòng ngổn ngang những tâm trạng, cảm xúc. Trao lại thứ gì đó thuộc về vật chất thì còn dễ hình dung, đong đếm nhưng Thúy Kiều lại trao duyên, có mấy ai định hình được thứ tình cảm này?

Những kỉ vật của tình yêu như chiếc vòng đeo tay và tờ giấy ghi lời thề nguyền của hai người Thúy Kiều đều đem trao lại để Thúy Vân giữ:

“Chiếc vành với bức tờ mâyDuyên này thì giữ vật này của chung”

“Chiếc vành – Tờ mây” là vật thề ước, là sự chứng thực cho mối tình đôi lứa Kim Trọng- Thúy Kiều. Có hai vật đó Kiều mới có thể đường hoàng bên chàng Kim đến “đầu bạc răng long”. Nhưng mất nó đồng nghĩa Kiều với Kim không còn là gì cũng như tình yêu sẽ đổ vỡ không thể hàn gắn. Bởi vậy nên mỗi kỉ vật trao đi như từng mảnh tình yêu cuối cùng rời khỏi tay Kiều. Giọng điệu nghe ra bình thường như vẫn có tiếng nấc nghẹn ngào sau từng câu câu chữ. Trao đi “duyên này…vật này” cho Vân nhưng lại kết bằng hai chữ “của chung”.

Tình yêu với Kiều là sự sống, là hơi thở nên đâu nói bỏ là dứt được. Nguyễn Du cuối cùng vẫn để kiều trở lại là người con gái yếu đuối nằm trong dòng xoáy tâm lí thường tình, khi mất đi thứ gì càng quan trọng với mình thì càng ý thức mạnh mẽ về giá trị thực của nó. Cho nên “của chung” mới vang lên trong Kiều với bao nhiêu giằng xé, mâu thuẫn. Dường như lý trí nàng đã quyết định dứt bỏ nhưng trái tim thì không thể tuân theo. Giống như kỉ vật đã trao nhưng vẫn níu kéo tình yêu, kỉ niệm cho riêng mình.

Nhưng cuộc đời bể dâu với những “sóng gió bất kì” đã khiến Kiều rơi vào bi kịch của sự tuyệt vọng do chính mình tạo ra khi nhìn vào phía trước vẫn hoàn hảo như vậy, chỉ thiếu bóng mình.

“Dù em nên vợ nên chồng,Xót người bạc mệnh ắt lòng chẳng quênMất người còn chút của tin,Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”

Kiều day dứt láy đi láy lại về tương lai nên duyên vợ chồng giữa Kim Trọng và Vân. Như vậy, nghĩa cho Kim Trọng đã trả, Vân đã có hạnh phúc cho mình, nàng cũng đã báo hiếu cho cha mẹ. Nhưng nàng vẫn không thanh thản vì hạnh phúc cuộc đời nàng là chàng Kim đã thuộc về người khác. Tương lai đã không có chỗ cho Kiều. Nàng cô độc, bơ vơ bên lề hạnh phúc. Nàng sẽ chẳng còn lại gì, thân “bạc mệnh” này chỉ mong chờ vào “chút của tin” cùng quá khứ xưa để được tưởng nhớ không bị lãng quên. Hiện tại vẫn còn đây “chút của tin”, nhưng đó chỉ còn là của “ngày xưa”, là vật gợi lại kí ức trong quá khứ của Kiều, còn mai sau sẽ là của Vân. Chữ “ngày xưa” xa xôi vang lên chua xót gọi về mối tình đẹp mới như ngày hôm qua giữa Kim Kiều. Lúc này, dường như nhớ về kỉ niệm tình yêu ấm áp “phím đàn với mảnh hương nguyền” kia lại càng khiến Kiều đau đớn hơn.

Dấn thân sâu vào nỗi tuyệt vọng, Kiều cảm thấy tương lai sống hay chết cũng không mấy khác biệt:

“Mai sau dù có bao giờĐốt lò hương ấy so tơ phím nàyTrông ra ngọn cỏ lá cây,Thấy hiu hiu gió thì hay chị vềHồn còn mang nặng lời thề,Nát thân bồ liễu đền nghì trúc maiDạ đài cách mặt khuất lờiRưới xin giọt nước cho người thác oan”

Cho dù Thúy Kiều có “thịt nát xương mòn” thì cũng mong rằng Thúy Vân và Kim Trọng không quên mình. Nàng còn chỉ cho Thúy Vân biết dấu hiệu để nhận ra khi mình trở về: “Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”. Một con người nặng tình nặng nghĩa như Thúy Kiều không thể lãng quên lời thề của mình với chàng Kim nhanh như vậy được. Ngay cả khi là một linh hồn chốn cửu tuyền thì nàng vẫn “mang nặng lời thề”. Đó là lời thề thủy chung son sắt trọn đời bên nhau cùng Kim Trọng. Lời thề thủy chung ấy nàng sẽ khắc cốt ghi tâm cả cuộc đời không quên. Thế giới cõi âm và thế giới ở trần gian “cách mặt khuất lời” nên Thúy Kiều chỉ xin Thúy Vân “rưới xin giọt nước” cho linh hồn oan khuất của mình. Thúy Kiều đang còn sống mà tâm trí thì nghĩ về cái chết – cái chết oan khuất của một con người mệnh bạc.

Đọc thêm:  Soạn bài Uy-Lít-Xơ trở về | Soạn văn 10 hay nhất - VietJack.com

Qua đây ta thấy hậu quả mà xã hội xưa đã đày đọa con người ta đến đường cùng, cướp đi quyền yêu và hạnh phúc, khiến cho một cô gái “xuân xanh” như Kiều lại bế tắc nghĩ đến cái chết. Nàng vùng vẫy vọng tuyệt vọng, muốn biết tại sao mình lại phải hy sinh thân mình, trao duyên, chịu đựng giằng xé vì một lỗi lầm không phải của ai cả. Sự không cam lòng ấy lại chẳng thể chia sẻ với ai, không ai thấu hiểu nên càng bế tắc.

Cả cuộc đời, Kiều vẫn luôn sống trong sự trăn trở với những câu hỏi xem mình làm vậy có đúng hay không. Và ngòi bút nhân đạo Nguyễn Du đã nhìn thấy sự khốn khổ đó của con người trong xã hội cũ và để sự tự ý thức về cuộc đời, số phận, phẩm chất lần đầu tiên được bộc lộ rõ ràng, quyết liệt như thế. Nhà thơ đã lên tiếng che chở cho nhu cầu hạnh phúc cơ bản, vốn có của con người.

3. Phân tích 14 câu giữa Trao duyên mẫu 3

Nguyễn Du không chỉ là danh nhân văn hóa thế giới mà ông còn là đại thi hào dân tộc, một thiên tài văn học của nước nhà. Ông vốn được sinh ra trong một gia đình phong kiến quý tộc nhưng sống trong giai đoạn đồng tiền làm băng hoài đạo đức, đầy biến động, Nguyễn Du chứng kiến được rất nhiều cảnh đời bất công của xã hội bấy giờ, và ông có sự cảm thông sâu sắc đối với thân phận bất hạnh của người phụ nữ. Bởi lẽ đó, ông đã viết nên thi phẩm tuyệt bút “Truyện Kiều”, tác phẩm như tiếng khóc ai oán của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy rẫy những thối nát, bất công. Nổi bật trong đó là đoạn trích “Trao duyên” thể hiện bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh, nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều đồng thời cho thấy tài năng miêu tả tâm lý nhân vật của Nguyễn Du. Nếu như 12 câu đầu Kiều đã thuyết phục được Thúy Vân thì 14 câu sau nàng bắt đầu trao cho TV kỉ vật tình yêu và dặn dò em:

“Chiếc vành với bức tờ mây,

Duyên này thì giữ vật này của chung.

Dù em nên vợ nên chồng,

Xót người mệnh bạc ắt long chẳng quên.

Mất người còn chút của tin,

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.

Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy so tơ phím này.

Trông ra ngọn cỏ lá cây,

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Dạ đài cách mặt khuất lời,

Rưới xin giọt nước cho người thác oan.”

Cứ ngỡ hai người “Trai anh hùng – gái thuyền quyền/Phỉ nguyền sánh bước đẹp duyên cưỡi rồng” nào ngờ lại bị cách xa một đời bởi một lí do hết sức đau đớn. Bọn sai nha gây nên vụ án oan sai đối với gia đình Thúy Kiều, nàng buộc phải hi sinh mối tình với Kim Trọng, bán mình lấy tiền hối lộ cho chúng để cứu cha và em. Kiều ngồi trắng đêm nghĩ đến thân phận và tình yêu rồi nàng nhờ em gái là Thúy Vân thay mình kết duyên với Kim Trọng. Những câu thơ đầu nói về việc Thúy Kiều tìm cách thuyết phục Thúy Vân, vừa thuyết phục vừa ràng buộc nhưng vẫn khẩn cầu, Kiều đã đạt được mục đích: nhờ Vân thay mình trả nghĩa cho KT. Sau khi TV đã cảm thông, TK đem các vật đính ước trao lại cho em gái:

“Chiếc vành với bức tờ mây,

Duyên này thì giữ vật này của chung.”

Giây phút trao kỉ vật của tình yêu là phút giây thiêng liêng, cảm động và rất đau lòng. Tình cảm dẫu sao vẫn còn trừu tượng, chứ kỉ vật của tình yêu thì cứ hiển nhiên hiện ra đó, cho nên Thúy Kiều trao “chiếc vành với bức tờ mây” cho em thì nàng cũng đau đớn đến tột độ. Đứng trên góc độ người đọc như chúng ta thì kỉ vật đó chẳng đáng là bao, nhưng đối với Kiều, đó là định ước tình yêu thiêng liêng giữa hai người mà cô trân trọng hơn bao giờ hết. Mỗi lời của nàng nặng như chì, nàng trao duyên nên cũng phải trao cả những kỉ vật tình yêu cho em. Nếu như ở đoạn trên, Kiều kể mối tình của mình cho em nghe bằng giọng điệu cố lấy vẻ bình tĩnh thì đến lúc trao lại kỉ vật cho em, nàng cảm thấy mình đã mất hết nên không thể kìm nén được tình cảm thật nữa, trái tim nàng đã bắt đầu lên tiếng. Ta có thể cảm nhận được sự ngập ngừng, luyến tiếc của Kiều, lí trí bảo phải trao đi nhưng trái tim lại một mực muốn giữ lại.

“Duyên này” từng chớm nở từ buổi gặp nhau giữa Kim – Kiều mà giờ đây đã trở thành duyên giữa Kim và Vân. “Vật này” từng tượng trưng cho tình yêu thiêng liêng Kim – Kiều mà giờ đây đã trở thành “của chung” của Kim – Vân – Kiều. Một tình cảnh hết sức ngang trái, đưa cả ba con người vào vòng xoáy đớn đau không thể tả xiết. Duyên của chị cũng đã trao hết cho em, nhưng kỉ vật này xin em hãy cho nó là một phần của chị, hãy cho nó là “của chung”. Cái xã hội bắt con người phải chung cả cái không thể chung được thì có đáng ghét không, có đáng nguyền rủa không? Đấy chính là lời tố cáo vọng đến thấu trời của Nguyễn Du đối với xã hội đã chà đạp lên hạnh phúc của con người. Xã hội đưa Kiều vào cảnh ngộ phải lỗi thề nhưng lòng nàng không quên được lời thề, không đoạn tuyệt với mối tình được. Đó chính là bi kịch tình yêu của TK.

Kể từ giây phút này, tiếng nói tình cảm đã dần thay tiếng nói của lý trí. Kiều hi vọng cho TV và KT “nên vợ nên chồng” để trong hạnh phúc gia đình ấy, kỉ niệm về nàng vẫn tồn tại:

“Dù em nên vợ nên chồng,

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.

Mất người còn chút của tin,

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.”

Ý nghĩ của Kiều thật chua chát, tủi buồn, nó đọng lại ở câu: “Dù em nên vợ nên chồng”. Từ “dù” ở đầu câu thơ như một giả thiết mơ hồ hi vọng. Kiều biết chắc chắn thế nhưng vẫn mong điều ấy đừng đến. Phải chăng, ND đã nhập tâm vào nhân vật TK, thấu hiểu từng nỗi niềm tâm sự của nàng đề nói lên tiếng nói giúp nàng? Chủ nghĩa nhân đạo của ND sâu sắc biết chừng nào.

Không chỉ trao các kỉ vật đính ước, mà Kiều còn trao những kỉ vật chứng kiến việc thề nguyền đính ước giữ K và KT. Khi trao các kỷ vật này, K như sống lại với đêm thề nguyền đính ước qua cách nói “phím đàn”, mảnh hương nguyền” và “Đốt lò hương ấy so tơ phím này” Những chi tiết trên cho ta thấy trong tâm hồn Kiều, những kỷ niệm đẹp về tình yêu có sức sống mãnh liệt. Tình yêu của nàng thật sâu sắc biết nhường nào.

4. Phân tích 14 câu giữa Trao duyên mẫu 4

Nhắc đến Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du người ta nhớ ngay đến Truyện Kiều, một thiên truyện trở thành kiệt tác của văn học Việt Nam. Trao duyên là một trích đoạn trong tác phẩm này, trong tổng thể toàn tác phẩm, đoạn trích này có một vị trí, vai trò và ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Riêng 14 câu thơ giữa đoạn trích không chỉ thể hiện rõ lời nhờ cậy tha thiết và tình cảnh đáng thương của Thúy Kiều khi trao duyên mà còn thấy được tấm lòng, tài năng của Nguyễn Du trong việc khắc họa nội tâm, tâm lý nhân vật.

Tình yêu của Thúy Kiều với Kim Trọng tưởng chừng như sẽ được hạnh phúc bởi tình cảm tha thiết mặn nồng lại sâu nặng. Thế nhưng biến cố gia đình đã khiến đoạn tình đó đứt ngang chia lìa. Để có thể chuộc cha và em đang bị bắt, Kiều chỉ đành bán mình cho tên Mà Giám Sinh, đoạn trích Trao duyên diễn ra khi sự việc bán mình của Kiều đã rồi. Bản thân trở thành món hàng hóa mua bán trao đổi, không còn được sống với cuộc sống của chính mình, Kiều càng đau đớn hơn vì tình yêu tan vỡ. Đến đây Kiều đành phải trao duyên cho em gái mình là Thúy Vân, nhờ cậy em trả nghĩa ơn tình cho Kim Trọng. Trong khi nói chuyện cùng với Vân, trong lòng Kiều như đang sống lại với những kỉ niệm tình yêu nồng thắm với chàng Kim, nàng sống trong hồi ức với nhiều kỉ vật:

“Chiếc vành với bức tờ mây

Duyên này thì giữ vật này của chung…

…Mất người còn chút của tin

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.”

Những sự kiện trong đêm thề nguyện thiêng liêng của hai người như “phím đàn” là cảnh Kiều ngồi đàn cho Kim Trọng nghe, và “mảnh hương nguyền” là khi Kim Trọng cho thêm hương vào trong lò “Đốt lò hương ấy so tơ phím này”. Có thể thấy, trong tâm hồn Kiều khi ấy là sức sống mãnh liệt của tình yêu thủy chung, sâu sắc. Duyên tình nguyện giữ trong lòng không thể chia sẻ chỉ có thể gửi gắm mối duyên dang dở cùng với những kỉ vật làm của chung của ba người. Thúy Kiều trao đi những kỉ vật tình yêu cho em gái nhưng nội tâm đang giằng xé trong đau đớn, tình yêu của nàng càng mãnh liệt và sâu nặng bao nhiêu thì giây phút ấy nàng càng cay đắng và xót xa bấy nhiêu. Vậy nên Kiều đã chẳng còn nghĩ gì đến quãng đời phía sau của mình, sau khi trao kỉ vật cho Thúy Vân, Kiều đã liên tưởng đến cái chết:

“Trông ra ngọn cỏ lá cây,

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Dạ đài cách mặt khuất lời,

Rưới xin giọt nước cho người thác oan”

Một loạt các từ ngữ đề cập đến cái chết mà Kiều đã nói ra như “thấy hiu hiu gió thì hay chị về”, “hồn”, “thân bồ liễu”, “dạ đài”, “người thác oan”. Trao đi đoạn duyên tình với chàng Kim nàng Kiều cảm thấy cuộc đời mình đến đây đã thấm câu “Hồng nhan bạc phận”, cảm thấy nửa đời về sau từ giây phút bán mình cho Mã Giám Sinh đã là dấu chấm hết. Nàng cảm thấy sự tồn tại là trống trải, vô nghĩa khi không còn tình yêu nữa, không chỉ mường tượng ra cái chết mà nàng nhận định đây sẽ là cái chết đầy oan nghiệt không thể siêu thoát được vì còn vương nợ dương gian. Nàng “xin rưới giọt nước” để linh hồn đơn độc, đau khổ của nàng được siêu thoát.

Đọc thêm:  Soạn bài Tây Tiến | Ngắn nhất Soạn văn 12 - VietJack.com

Thúy Kiều đang nói chuyện với Thúy Vân nhưng thực ra cũng là đang độc thoại với chính mình, những lời tâm sự, dặn dò của Kiều cũng chính là tiếng nói thương xót cho thân phận của một người con gái tha thiết với tình yêu nhưng không thể thay đổi số phận nghiệt ngã. Chữ hiếu đã buộc nàng Kiều phải lựa chọn hy sinh tình yêu, lý trí của Kiều nhận thức được phải nhờ em gái trả nghĩa. Tuy đã nhờ cậy em nhưng bước đường này khiến Kiều đau đớn tột cùng, chỉ biết than thân trách phận, xót xa cay đắng chứ không hề được thanh thản cõi lòng.

Có thể thấy Thúy Kiều là một người con gái mang thân phận đau khổ nhưng nhân cách sáng ngời, trong tâm hồn Kiều không có sự phân chia lí trí hay tình cảm, nhân cách hay thân phận mà hòa quyện chặt chẽ với nhau. Nhờ có bút pháp miêu tả nội tâm nhân vật tài hoa của Nguyễn Du cùng với ngôn từ độc thoại sinh động mà ta cảm thấy Thúy Kiều sống động và chân thực hơn, gần gũi tự nhiên chứ không hẳn là một tấm gương đạo lí.

5. Phân tích 14 câu giữa Trao duyên mẫu 5

Truyện Kiều được xem như một thiên truyện diễn tả nỗi đau đớn thống khổ của con người sống trong một thời đại chuộng với những chế độ chứa đựng đầy rẫy bất công. Trong tác phẩm này, Đại thi hào Nguyễn Du đã rất thành công trong việc khắc họa tâm lí nhân vật một cách tinh tế, để rồi bóc trần từng mặt tối của xã hội đương thời. “Trao duyên” được xem là một trong những đoạn trích phô bày nghệ thuật miêu tả nội tâm tài tình của Nguyễn Du khi thể hiện trọn vẹn bi kịch tan vỡ, dang dở trong tình yêu của cặp đôi trai tài gái sắc Kim – Kiều.

Nếu như phân tích 14 câu đầu trao duyên cho ta thấy việc Thúy Kiều nhờ cậy em gái kết duyên cùng Kim Trọng. Thì trong 14 câu tiếp theo chính là nỗi xót xa, đau đớn khi Kiều phải tự tay trao kỉ vật của mình cho Thúy Vân và nhờ cậy em chuyện mai sau.

Khi tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng đang đằm thắm, chỉ đợi ngày đơm hoa kết trái thì chuyện tai ương từ đâu lại ập đến. Đau đớn cảnh nhà, Thúy Kiều đành phải thu xếp chuyện bán mình để cứu cha và em. Sau đêm nay thôi, nàng sẽ phải theo Mã Giám Sinh rời khỏi nhà và đón nhận hàng loạt phong ba bão táp khác kéo đến bủa vây cuộc đời nàng. Đêm ấy, nàng nghĩ về đoạn tình cảm dở dang giữa mình với Kim Trọng, nên đã tìm cách trao duyên cho em để giữ trọng cái nghĩa.

Khi được em gái cảm thông, Kiều liền đem từng kỉ vật là những minh chứng cho tình yêu của mình và Kim Trọng ra trao lại cho Vân:

”Chiếc vành với bức tờ mây

Duyên này thì giữ vật này của chung

Dù em nên vợ nên chồng

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên

Mất người còn chút của tin

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”

Kiều đưa từng món một cho Thúy Vân, nhưng chẳng thể ngăn được sự xót xa và tiếc nuối của mình. Mỗi món đồ đều gắn với chuyện tình đôi lứa. Vì thế mà nàng đang ngập ngừng không muốn đưa, hay đang ngắm nghía lại mọi thứ lần cuối trước khi buông bỏ?

Sau khi gửi gắm tất cả cho em, nàng lại căn dặn “Duyên này thì giữ vật này của chung”. “Duyên này” là duyên giữa Kim với Vân, vì phần Kiều từ nay như đã hết. Nhưng vật này, xin em hãy coi nó như là “của chung”, vì dẫu sao nó vẫn có một phần của chị. Lời nói buông nghe thật đau lòng, nàng dường như chẳng thể kìm nén nỗi cảm xúc đang dậy sóng trong lòng mình. Nàng đau đớn, tiếc nuối, nàng tủi hờn, xót xa cho chính tình cảnh của mình.

Lý trí buộc Kiều phải dứt tình với chàng Kim, nhưng con tim nàng lại chẳng hề dễ chịu. Nàng có thể trao duyên, nhưng tình này nàng không thể buông bỏ, không thể thanh thản. Phải chăng chính vì thế mà nàng lại nghĩ đến cái chết. Ngay lúc nàng gửi gắm tất cả lại cho Thúy Vân, sự mâu thuẫn của nàng dường như ngày càng mạnh mẽ. Nàng nửa muốn trao, nửa muốn giữ, nhưng rồi vẫn đành phải trao đi, mặc cho trái tim như đang gào thét thảm thương.

Phân tích trao duyên 14 câu giữa, ta thấy quá cay đắng cho số phận của mình, Kiều nghĩ đến một tương lai mịt mù, rồi lại nghĩ về cái chết của chính mình:

”Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy so tơ phím này

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về

Hồn còn mang nặng lời thề

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai”

Đoạn thơ như một lời chiêu hồn buồn thảm. Lời lẽ của Kiều bỗng chợt trở nên xa lắng, mù mịt lại phảng phất chút ma mị nhưng từ cõi bên kia vọng về. Hàng loạt những từ nói về cái chết được Nguyễn Du sử dụng đã tô đậm sự hoang mang của Kiều trước ngày mai đen tối. Bắt đầu từ lúc này, Kiều mới cảm nhận một cách sâu sắc nhất bi kịch của cuộc đời mình, đó là bi kịch của sự mất mát, là bi kịch của nỗi cô đơn tủi hờn chẳng thể sẻ chia cùng ai. Nàng cảm thấy mình thật thảm thương, để rồi mặc cho tâm thức chìm dần trong nỗi đau khôn nguôi.

Kiều tưởng tượng cảnh sum vầy của Trọng – Vân, trong khi mình chỉ là một linh hồn vật vờ, cô độc và bất hạnh nhưng vẫn mang nặng lời thề, vẫn khát khao được gặp lại người mình thương. Duyên đã hết, kỉ vật cũng đã trao, nhưng lòng nàng vẫn chẳng thể buông bỏ nỗi hình bóng người thương, vẫn mang nặng thời thề gắn bó trăm năm. Nàng như tỏa lên một nét đẹp của người con gái thủy chung, mãnh liệt nhưng lại cô đơn, tuyệt vọng vì tương lai bất hạnh của mình. Nghĩ đến tương lai, nàng lại dặn dò em:

”Dạ đài cách mặt khuất lời

Rưới xin giọt nước cho người thác oan”

Lo cho người xong, nàng mới có thời gian nghĩ đến bản thân và sự mệnh bạc của mình. Sau này, dẫu nàng đang đau đớn tại “dạ đài” tối tăm, nhưng nàng vẫn khao khát được cảm thông, khao khát được thương yêu, tưởng nhớ của người yêu. Vì thế, nàng chỉ xin Trọng cho mình một “chén nước” để làm phép tẩy oan. Điều đó đã thể hiện khao khát được minh chứng cho tình yêu bất diệt của mình. Và cũng chi tiết này đã tô đậm sự đau đớn, sợ hãi trước tương lai mịt mù cùng bi kịch của chính mình.

Ta thấy dưới ngòi bút tài hoa, tinh tế của Nguyễn Du, Thúy Kiều đã hiện lên với vẻ đẹp của một người con gái nhạy cảm, vị tha, giàu lòng yêu thương và đức hi sinh. Đặc biệt, qua nghệ thuật miêu tả nội tâm tài tình cùng lời đối thoại, độc thoại được xây dựng một cách đặc sắc, cảm xúc và tâm trạng của Thúy Kiều khi tình yêu tan vỡ đã được thể hiện một cách sinh động và sâu sắc.

Phân tích đoạn trích trao duyên 14 câu giữa chính là những dòng thơ đặc tả bi kịch trong tình yêu của Truyện Kiều. Qua bi kịch đó, phẩm chất cao quý của Thúy Kiều dường như tỏa sáng trước mắt người đọc. Nàng phải đối diện với sự tan vỡ trong tình yêu, nàng thà làm mọi cách để người yêu mình hạnh phúc rồi để mặc cho bản thân đau khổ, mù mịt với chính tương lai của mình. Chính vì thế, Nguyễn Du đã thể hiện được giá trị nhân đạo sâu sắc: đó là sự cảm thông với đau khổ của những số phận bất hạnh cùng khát khao được hạnh phúc, được yêu thương của con người.

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các bạn bài Phân tích 14 câu giữa của bài Trao duyên. Bài viết được tổng hợp gồm có 2 mẫu dàn ý và 5 bài văn mẫu phân tích 14 câu thơ giữa của bài Trao Duyên. Bài văn mẫu cho thấy được 14 câu thơ giữa làThúy Kiều đầy xót xa đau đớn mà trao kỉ vật cho Thúy Vân và nhờ cậy em truyện mai sau. Kiều không đành lòng với tình cảnh dang dở cùng Kim Trọng nên cuối cùng, sau khi tìm cách thuyết phục và trao duyên cho em, khi thấy Vân đã cảm thông, Thúy Kiều đem từng kỉ vật trao tình yêu giữa mình và Kim Trọng ra trao cho em gái. Thúy Kiều vừa trao vừa ngập ngừng ngắm nghía lại từng kỉ vật, nhớ lại từng kỉ niệm với nỗi lòng nuối tiếc khôn nguôi cho mối tình tươi thắm ngày nào. Với Kiều mỗi kỷ vật là cả một trời ký ức, là nhân chứng cho một tình yêu hạnh phúc, là lời thề nguyền gắn bó trăm năm… gắn liền với những ngày đẹp nhất đời Kiều. Tưởng rằng trao xong duyên là lòng nhẹ bẫng không còn vướng bận, con đường phía trước sẽ không còn gì níu kéo nhưng ai ngờ trong tâm hồn Kiều lại chứa đựng bao nhiêu sự giằng xé, cố níu kéo, đau đớn. Đoạn thơ là một tiếng nấc chứa đầy tâm trạng của nàng khi ấy, khiến người đọc cảm thấy đau lòng. Đoạn thơ như một lời chiêu hồn buồn thẳm. Nàng nghĩ đến mình và thấy mình mệnh bạc. Thúy Kiều hiện lên rất rõ là một cô gái nhạy cảm, vị tha và giàu lòng yêu thương. Đoạn trích là những dòng thơ thể hiện bi kịch tình yêu bậc nhất trong Truyện Kiều. Hy vọng rằng tài liệu này sẽ giúp ích cho các bạn học tốt môn Ngữ văn lớp 10. Các bạn cũng đừng quên tham khảo thêm các bài văn mẫu hay tại VnDoc.com nhé

  • Tóm tắt văn bản Hồi trống Cổ Thành (trích Tam Quốc diễn nghĩa) của La Quán Trung
  • Phân tích lời nhờ cậy thuyết phục Thuý Kiều khi Trao duyên trong 12 câu thơ đầu

…………………………………..

Ngoài Phân tích 14 câu giữa của bài Trao duyên. Để giúp bạn đọc có thêm nhiều tài liệu học tập hơn nữa, VnDoc.com mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 1 lớp 10, đề thi học kì 2 lớp 10 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với tài liệu lớp 10 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn tập tốt.

Để giúp các bạn có thể giải đáp được những thắc mắc và trả lời được những câu hỏi khó trong quá trình học tập. VnDoc.com mời bạn đọc cùng đặt câu hỏi tại mục hỏi đáp học tập của VnDoc. Chúng tôi sẽ hỗ trợ trả lời giải đáp thắc mắc của các bạn trong thời gian sớm nhất có thể nhé.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button