Cảm nhận bài thơ Tức cảnh Pác Bó hay nhất (6 mẫu) – Văn 8

Bài thơ Tức cảnh Pác Bó đã cho chúng ta thấy tình yêu thiên nhiên, tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác Hồ kính yêu. Với 6 mẫu Cảm nhận về bài thơ Tức cảnh Pác Bó SIÊU HAY, giúp các em học sinh lớp 8 hiểu sâu sắc hơn.

Qua bài thơ Tức cảnh Pác Bó giúp chúng ta thêm biết ơn Bác Hồ, đồng thời trân trọng cuộc sống mà mình đang có. Chi tiết mời các em cùng tải 6 bài cảm nhận Tức cảnh Pác Bó để có thêm nhiều vốn từ, ngày càng học tốt môn Văn 8:

Dàn ý Cảm nhận bài thơ Tức cảnh Pác Bó

1. Mở bài

  • Giới thiệu tác giả tác phẩm: “Tức cảnh Pác Pó” là một trong những bài thơ nổi tiếng của Hồ Chí Minh.
  • Khái quát nội dung và nghệ thuật: Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên và tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

2. Thân bài

  • Cảm nhận về nội dung
  • Cuộc sống cách mạng đầy gian khổ, khó khăn
    • Nơi ở: Trong hang, ngoài suối, nơi rừng rậm nhiều nguy hiểm
    • Thức ăn: “cháo bẹ”, “rau măng”: là những thức ăn trong rừng, chỉ là những cây cối mọc dại hái vào nấu tạm thành bữa ăn
    • Điều kiện làm việc: đơn sơ, giản dị, bàn làm việc chỉ là những phiến đá to trong hang.

⇒ Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn vô cùng và đầy rẫy những nguy hiểm rình rập.

  • Tình yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên và phong thái ung dung, tự tại của Bác.
    • Tình yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên
    • Tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác:
    • “Sáng ra bờ suối, tối vào hang”: cuộc sống nhẹ nhàng, đơn giản, đều đặn ngày nào cũng như ngày nào
    • “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”: Cuộc sống thiếu thốn nhưng Bác luôn giữ tinh thần lạc quan, giọng điệu hóm hỉnh, coi những khó khăn ấy như “phù phiếm”
    • “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”: Tư thế, tác phong làm việc vô cùng thoải mái, không căng thẳng, gò bó, áp lực dù đó là công việc cách mạng quan trọng và khó khăn.
    • “Cuộc đời cách mạng thật là sang”: Câu thơ vừa là lời khẳng định hùng hồn, vừa là lời nói đầy giản dị, hóm hỉnh. “Sang” ở đây không phải là sống trong vàng bạc, nhung lựa, sống trên vạn người, mà cái “sang” này chính là sang trong tâm hồn, sang trong phong thái của người chiến sĩ cách mạng.
  • Cảm nhận về nghệ thuật
    • Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn, súc tích, bình dị
    • Giọng điệu hóm hỉnh, vui đùa
    • Ngôn ngữ giản dị, gần gũi như lời tâm tình, lời ăn tiếng nói hàng ngày.
    • Các biện pháp nghệ thuật: đối (Câu thơ 1), nhịp thơ 4/3…

3. Kết bài

  • Khái quát lại thành công nội dung và nghệ thuật: Bài thơ với những đặc sắc nghệ thuật đã làm sống lại hình ảnh Bác Hồ với những phẩm chất cao quý.
  • Liên hệ đến các bài thơ khác của Bác cũng thể hiện tinh thần lạc quan, phong thái ung dung tự tại: Bài thơ “Ngắm trăng”, “Đi đường” cũng thể hiện điều này.

Cảm nhận Tức cảnh Pác Bó ngắn gọn

Trong suốt những năm học, em đã được học rất nhiều bài thơ do Bác Hồ sáng tác. Nhưng trong số đó em thích nhất là bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Nguyễn Ái Quốc. Bài thơ đã nói lên những khó khăn của Bác Hồ khi Bác sống và làm việc ở Pác Bó. Dù có khó khăn gian khổ nhưng Bác Hồ vẫn vượt qua được chính điều đó đã làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều về bài thơ này.

“Sáng ra bờ suối tối vào hangCháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàngBàn đá chông chênh dịch sử ĐảngCuộc đời cách mạng thiệt là sang”

Ngay từ tiêu đề của bài thơ đã thấy một cái gì đó như bột phát lam nhà thơ phải sáng tác bài này. “Tức cảnh” có lẽ là nơi hang cùng, rừng rận, tức cảnh vật nơi đây nhà thơ đã bột phát ra ý thơ và sáng tác ra bài thơ này. Mờ đầu bài thơ Bác Hồ đã cho ta thấy những khó khăn gian nan của Bác Hồ khi sống ở Pác Bó:

Sáng ra bờ suối tối vào hangCháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Khi ở Pác Bó chỉ có một mình Bác nên Bác rất là cô đơn nên Bác chỉ còn biết “sáng ra suối” để làm những việc gì đó còn vào buổi tối Bác chỉ còn biết la “tối vào hang”. Khi ban ngày Bác đã ra suối thì ban đêm Bác chỉ còn biết trở về lại hang của mình để nghỉ ngơi sau một ngày ra suối. cảnh sinh hoạt hằng ngày của Bác ở Pác Bó chỉ đơn giản như vậy thôi. Chỉ những điều đó cũng chứng tỏ Bác là một người đơn giản không thích sự cầu kì trong cuộc sống. Ở đây thức ăn của Bác cũng rất là đơn giản. Hằng ngày, thức ăn của Bác chỉ có “cháo bẹ rau măng” rất là đơn giản. Vì nơi rừng sâu nên thức ăn của Bác cũng không được sang trọng lắm. Bác đã tận dụng những gì có được ở Pác Bó chế biến thành thức ăn của mình. “Cháo bẹ rau măng” là những gì có trong thiên nhiên nhất là ở rừng. Chỉ hai câu thơ đầu Bác Hồ đã nêu lên những khó khăn của mình khi ở Pác Bó. Nhưng có khó khăn đến mấy thì Bác Hồ vẫn trải qua và có một cuộc sống rất là đơn giản ở Pác Bó

Đến hai câu thơ tiếp theo Bác Hồ đã cho chúng ta thấy dù ở Pác Bó điều kiện làm việc không được thuận tiện cho lắm nhưng Bác vẫn làm việc được và cho đó là một cái sang của mình

Bàn đá chông chênh dịch sử ĐảngCuộc đời cách mạng thiệt là sang

Đến hai câu thơ tiếp theo Bác Hồ cho ta thấy công việc cách mạng của Bác Hồ khi ở Pác Bó. Dù ở Pác Bó bàn làm việc của bác chỉ là một cục đá bằng phẳng để Bác có thể làm việc. Mặc dù ở Pác Bó thiếu thốn về điều kiện làm việc như thế nhưng Bác vẫn làm tốt công tác cách mạng của mình. Dù có khó khăn Bác vẫn cho công việc cách mạng của mình thiệt là sang. Điều đó chứng tỏ Bác vẫn lạc quan trong công việc dù có khó khăn đến mấy. Sự khó khăn gian khổ thiếu thốn về vật chất không làm nao núng tinh thần người chiến sĩ cách mạng trái lại Bác còn cảm thấy thế là đủ, là sang.

Qua bài thơ em thấy Bác Hồ là một người có cuộc sống giản dị và lạc quan trong cuộc sống. Chính sự gian khổ ấy đã tôi luyện cho Bác một tinh thần thép và luôn lạc quan tin tưởng vào tiền đồ của nước nhà. Chúng ta phải biết học hỏi tính cách sống giản dị của Bác Hồ để hoàn thiện bản thân mình hơn.

Cảm nhận Tức cảnh Pác Bó hay nhất

Hồ Chí Minh là vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Sau ba mươi năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Người đã trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Hoài bão cứu nước đã làm cho Người luôn nghĩ về đất nước: “Đêm mơ ước thấy hình của nước” (Chế Lan Viên). Đất nước Việt Nam luôn in đậm trong trái tim người. Tình yêu đất nước nồng nàn đã làm Bác quên đi sự gian khổ tột cùng trong bước đường hoạt động cứu nước, cứu dân. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó đã cho thấy cuộc sống đầy gian khổ của Bác trong thời kì ở hang Pác Bó nhưng cũng thể hiện tâm trạng thoải mái, lạc quan của Người khi được sống giữa thiên nhiên. Tuy thiếu thốn về vật chất nhưng Bác vẫn tràn đầy tình yêu thiên nhiên và lòng lạc quan tin tưởng. Bác tự hào về cuộc sống đầy ý nghĩa của người cách mạng.

Đọc thêm:  Phát biểu cảm nghĩ của bản thân về mùa xuân Hà Nội - Văn mẫu 7

Mở đầu bài thơ là phong cảnh núi rừng, là nơi hoạt động của người cộng sản:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang.

Câu thơ có hai vế sóng đôi đã làm toát lên một cuộc sống nhịp nhàng, nề nếp của con người: Sáng ra, tối vào. Nơi vào lại là hang trong núi, một nơi ở sao mà chật chội lạ lùng. Cuộc sống trong hang đá khó khăn, gian khổ biết nhường nào, thế nhưng ta luôn bắt gặp một tâm hồn khoáng đạt, đa cảm. Bác Hồ sống thật ung dung nơi núi rừng đầy gian khổ ấy. Sự ung dung của Bác đã thể hiện rõ trong cuộc sống vật chất đạm bạc, thiếu thốn:

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.

Bác đã thích nghi với cuộc sống thiếu thốn một cách tự nhiên, Bác không mảy may cảm thấy mình vất vả mà ngược lại Bác cảm thấy rất vui. Có lẽ vui nhất vì sau bao nhiêu năm xa đất nước nay được trở về sống với đất nước thân yêu. Bác tin rằng, thời cơ giành độc lập hoàn toàn đang tới.

Niềm vui ấy đã làm cho Bác say mê làm việc, say mê trong bước đường hoạt động và lãnh đạo kháng chiến.

Bàn đá chông chênh, dịch sử Đảng.

Đây là hình tượng trung tâm của bài thơ. Cuộc sống giữa núi rừng thật gian khổ, vất vả, thiếu thốn. Nơi làm việc cũng không lấy gì thoải mái vì bàn đá chông chênh, nhưng dáng điệu của Bác vẫn lồng lộng đường hoàng. Bác say mê với công việc, tập trung cao độ vào công việc mà chẳng hề quan tâm đến vật chất quanh mình. Từ láy chông chênh chỉ sự tạm bợ, nghèo về vật chất. Sống giữa thiên nhiên, làm việc giữa đất trời khoáng đạt, Bác cảm thấy vui và hăng say với công việc của mình. Trên cái bàn đá “thiên tạo” ấy, Bác vẫn miệt mài dịch sử Đảng, tìm ra đường lối để thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong những ngày tháng ở núi rừng Việt Bắc, ở hang Pác Bó, cuộc sống thật kham khổ về vật chất nhưng qua giọng điệu, từ ngữ, hình ảnh thơ và cách nói của Người, ta thấy toát ra niềm vui lớn lao của Bác. Câu kết bài thơ là lời nhận định tổng quát của Bác:

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Bác tự hào về cuộc đời cách mạng, nó sang trọng, cao quý. Chữ sang ở cuối bài thơ đã tỏa sáng tinh thần của toàn bài thơ. Sang ở đây không phải là vật chất sang trọng, giàu sang phú quý mà đây là cái thoải mái tinh thần, cuộc sống đầy ý nghĩa của người cách mạng. Với Bác, cứu dân, cứu nước là niềm vui, là lẽ sống, là lí tưởng của mình. Hơn nữa, dường như ở Bác luôn sẵn có, cái thú lâm truyền: Bác thích sống ở núi rừng, được sống hòa hợp cùng thiên nhiên, cây cỏ. Tuy nhiên, cái vui thú của Bác không phải là được làm một ẩn sĩ mà là một chiến sĩ, suốt đời chiến đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc. Rõ ràng ở Bác có những nét đẹp của phong cách cổ điển đan xen với nét đẹp của phong cách hiện đại. Vẻ đẹp này đã thể hiện trong phong cách thơ của Bác.

Tức cảnh Pác Bó là một bài thơ tứ tuyệt rất giản dị nhưng rất hàm súc, ý nghĩa thật sâu xa. Lời thơ pha giọng vui đùa cho ta thấy tinh thần lạc quan, phong thái ung dung cả Bác Hồ trong cuộc sống đầy gian khổ ở núi rừng Việt Bắc. Tinh thần ấy đã giúp Bác vượt qua mọi khó khăn gian khổ để lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi vẻ vang.

Cảm nhận về bài thơ Tức cảnh Pác Bó

Suốt những tháng năm học trò đã qua, có lẽ trong mỗi giờ văn, mỗi bài học, mỗi vần thơ đều để lại cho em những cảm xúc khó quên, đặc biệt khi học những tác phẩm mà Bác viết. Em không khỏi bâng khuâng trước vẻ đẹp của đêm trăng huyền diệu trong bài thơ “Ngắm trăng”, không khỏi không cảm phục trước nghị lực sắt đá, kiên cường của Người trong ”Đi đường” và cũng không khỏi xúc động nghẹn ngào trước tấm chân tình của Bác dành cho các cháu thiếu nhi trong bài ‘Trung thu’. Đến với “Tức cảnh Pác Pó”, em càng kính trọng và yêu quý Bác hơn bởi một tâm hồn sống chan hoà, xem thiên nhiên như người bạn tri âm tri kỉ cùng một nếp sống giản dị và lạc quan trong gian khó của Người.

“Sáng ra bờ suối, tối vào hangCháo bẹ rau măng đã sẵn sàngBàn ghế chông chênh dịch sử ĐảngCuộc đời cách mạng thật là sang”

Sau khi trở về quê hương phục vụ cách mạng, hoạt động kháng chiến ở vùng núi Pác Pó. Tại đây, Bác được sống gần gũi, chan hoà với thiên nhiên, bởi vậy mà Bác xem thiên nhiên như người bạn tâm tình của mình vậy. Như một thói quen, cuộc sống bình dị , ngày qua ngày:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hangCháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng”.

Cuộc sống khá ung dung, như một nếp sống quen thuộc hàng ngày của Người, song, vẫn rất đề phòng và luôn luôn cẩn trọng trong mọi tình huống trước sự gian manh của địch. Nơi sống không mấy đủ đầy, cuộc sống cũng còn nhiều thiếu thốn, trong những bữa ăn hàng ngày cũng chỉ có cháo bẹ, rau măng nuôi tấm thân gầy. Song, không vì thế mà Bác than phiền hay trách móc, với Bác đó đã là đủ đầy, may mắn. Tiếng thơ”sẵn sàng” cất lên cùng giọng điệu hóm hỉnh cho thấy sự hài lòng trong Bác.

“Bàn ghế chông chênh dịch sử Đảng”

Chốn núi rừng không có những bộ bàn ghế sang trọng, đất nước đang trong cảnh khó khăn cũng không thể đòi hỏi gì thêm. Bộ bàn ghế chông chênh nhưng tinh thần yêu nước thì vững bền, cháy bỏng. Ngày ngày, Người vẫn miệt mài làm việc, dõi theo từng bước đi của cách mạng. Với mục đích cao đẹp mong giải phóng dân tộc, giành lại tự do, ấm no cho nhân dân thì dẫu bao gian khổ, khó khăn cũng không làm lung lay ý chí phi thường, sắt son trong con người của Bác.

“Cuộc đời cách mạng thật là sang”

Câu thơ cuối bài như một lời khẳng định chắc chắn, một chân lý vững bền về con người làm cách mạng. Em đã từng thắc mắc tại sao trong cảnh thiếu thốn như vậy mà Bác vẫn dùng từ “sang” để nói về cuộc đời cách mạng. Phải chăng, hơn ai hết, Người hiểu được rằng, vật chất không là gì so với một trái tim đẹp đẽ, một công việc vì mọi người, vì nhân dân, vì đất nước thì trong bần cùng vẫn ngời sáng, cao đẹp. Từ “sang” như một lối chơi chữ hay và độc đáo, tạo nên sự dí dỏm, bông đùa trong câu thơ, làm bừng sáng ý tưởng đầy nhân văn của tác phẩm. Đồng thời, nó cũng hàm chứa tầng ý nghĩa ngợi ca con đường cách mạng vì lý tưởng mang lại hoà bình cho dân tộc.

Đọc thêm:  Chứng minh Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và trẻ em qua

Thơ Bác đến gần với chúng em không chỉ bởi những hình ảnh gần gũi, ngôn ngữ tự nhiên bình dị mà còn bởi đó là những vần thơ được viết nên bởi một tâm hồn đẹp. Bài thơ giúp em hiểu rằng không có thiếu thốn nào hơn thiếu thốn mục đích, lí tưởng sống cả. Không có nghèo nàn nào hơn nghèo nàn trong tâm hồn cả. Chỉ cần có lý tưởng sống cao đẹp, mọi gian nan, khó khăn chỉ là bản lề để ta vượt qua và thành công hơn mà thôi.

Cảm nhận bài thơ Tức cảnh Pác Bó – Mẫu 1

Cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh trải qua biết bao bôn ba sóng gió. Nhiều năm hoạt động ở nước ngoài, trải qua nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng, cho đến tận năm 1941 Bác mới trở về Việt Nam tiếp tục hoạt động cách mạng. Cuộc sống ở Pác Bó, Cao Bằng lúc bấy giờ còn hết sức thiếu thốn, nhưng đã được con mắt luôn lạc quan, ung dung của Bác ghi lại hết sức hóm hỉnh trong bài thơ Tức cảnh Pác Bó.

Sáng ra bờ suối tối vào hangCháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàngBàn đá chông chênh dịch sử ĐảngCuộc đời cách mạng thật là sang

Bài thơ không chỉ cho thấy quá trình hoạt động cách mạng của Bác mà còn phản ánh cuộc sống trong những thời gian đầu trở về nước hết sức khó khăn, gian khổ. Mở đầu bài thơ là bối cảnh nơi Bác ở:

Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cấu trúc câu sáng ra, tối vào cho thấy nhịp điệu sinh hoạt hết sức đều đặn của Bác. Nhưng sau đó còn hé lộ cuộc sống thiếu thốn, phải sống nơi rừng sâu, nơi hang, nơi suối. Mặc dù hoàn cảnh sống khó khăn là vậy, nhưng người chiến sĩ cách mạng vẫn rất ung dung, làm chủ cuộc sống của mình, ngày cơm vẫn ba bữa: “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”. Ba chữ vẫn sẵn sàng đem đến những cách hiểu khác nhau. Có thể hiểu là cháo bẹ rau măng, những thức ăn rừng núi luôn sẵn sàng, phục vụ cho cuộc sống con người. Nhưng đằng sau đó là nụ cười, là tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh sống gian khổ. Điều này không chỉ được thể hiện riêng trong tác phẩm này, mà ở một bài thơ khác, Người cũng nhắc lại ý thơ tương tự:

Khách đến thì mời ngô nếp nướngSăn về thường chén thịt rừng quayNon xanh nước biếc tha hồ dạoRượu ngọt, chè tươi mặc sức say

(Cảnh rừng Việt Bắc)

Đó chính là tâm hồn của người chiến sĩ hóm hỉnh, yêu đời. Vượt lên trên hoàn cảnh đến sống cuộc đời an nhiên, phục vụ cống hiến cho đất nước. Đồng thời ba chữ vẫn sẵn sàng cũng có thể hiểu tuy hoàn cảnh sống, chiến đấu có nhiều khó khăn, gian khổ nhưng tinh thần cách mạng không hề thuyên giảm, vẫn luôn sẵn sàng chiến đấu dù trong bất kì hoàn cảnh nào.

Bàn đá chông chênh dịch sử ĐảngCuộc đời cách mạng thật là sang

Không lánh đời, nhận lấy cái an nhàn vào mình, Bác sẵn sàng xông pha vào những nơi nguy hiểm, sẵn sàng lao mình vào cuộc sống khó khăn để tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc. Bởi vậy, hoàn cảnh sống thiếu thốn, khó khăn kia đâu có nghĩa lí gì, Bác vẫn hàng ngày dịch sử Đảng phục vụ cho cuộc chiến đấu chung của dân tộc. Bàn đá chông chênh vừa gợi lên cái thế chênh vênh, khó khăn chồng chất nhưng đồng thời cũng bộc lộ khí phách kiên cường của Người. Câu thơ cuối cùng có thể coi là điểm sáng của toàn bài: sang ở đây là sang trọng, cao sang. Cho thấy Bác vượt lên trên hoàn cảnh sống khó khăn, khắc nghiệt để sống một cuộc đời thật sang. Qua đó cho thấy tinh thần ung dung, lạc quan, tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của cuộc cách mạng dân tộc.

Tức cảnh Pác Bó sử dụng lớp ngôn ngữ hết sức dung dị, gần gũi, thân thuộc như lời ăn tiếng nói hàng ngày, nhưng qua những vần thơ đó cũng đã đủ để bộc lộ vẻ đẹp nhân cách của Người. Bác – một con người giản dị, mộc mạc nhưng lại có một ý chí sắt đá, kiên cường, lí tưởng sống cao đẹp cả đời cống hiến cho nhân dân, đất nước.

Cảm nhận bài thơ Tức cảnh Pác Bó – Mẫu 2

Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn bể hoạt động cứu nước, tháng 2 – 1941, Nguyễn Ái Quốc đã bí mật về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người sống trong hang Pác Bó, điều kiện sinh hoạt vật chất rất gian khổ, nhưng tất cả thiếu thốn đó đối với Bác không phải là gian khổ mà đều trở thành sang trọng, mà còn thật là sang. Bởi niềm vui vô hạn của người chiến sĩ yêu nước vĩ đại Hồ Chí Minh là được sống cuộc đời cách mạng cứu dân, cứu nước. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó đã ra đời trong hoàn cảnh đó.

Bài thơ bốn câu, theo thể thất ngôn tứ tuyệt thật tự nhiên, bình dị, giọng điệu thoải mái pha chút vui đùa hóm hỉnh. Tất cả cho ta thấy một cảm giác vui thích sảng khoái. Ý nghĩa tư tưởng của bài thơ cũng toát lên từ đó. Đi tìm hiểu bài thơ chính là đi tìm hiểu niềm vui của nhân vật trữ tình.

Mở đầu bài thơ là câu thơ có giọng điệu rất tự nhiên, rất ung dung và thoải mái, hòa điệu với cuộc sống của núi rừng:

Sáng ra bờ suối tối vào hang

Câu thơ là sự khái quát của một nhịp sống đã trở thành nếp rất chủ động. Cách ngắt nhịp 4/3 đã tạo thành thế đôi sóng đôi rất nhịp nhàng: sáng ra – tối vào. Nếp sống ở đây chủ động mà đàng hoàng. Đàng hoàng vì ban ngày Bác làm việc đời thường. Tối mới trở về hang để ngủ. Với Bác, còn gì thú vị hơn khi ngày ngày được làm việc bên bờ suối, làm bạn với thiên nhiên, tối trở về nhà (nhà vẫn là hang núi) để nghỉ ngơi và lắng nghe tiếng suối chảy. Thật thú vị, thoải mái khi con người được sống giao hòa với thiên nhiên. Phải chăng quy luật vận động ấy là Bác đã vượt lên được hoàn cảnh. Đó chẳng phải là tinh thần lạc quan hay sao?

Chính sự cân đối ở câu thơ thứ nhất đã làm nền cho các câu thơ sau xuất hiện.

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Nhịp 4/3 là nhịp thông thường ở thơ tứ tuyệt, nhưng ở câu này, nhịp 4 được chuyển thành nhịp 2/2 tạo thành một sự đều đặn cùng với hai thanh trắc liền nhau ở nhịp 3 (vẫn, sẵn) càng khẳng định thêm điều đó. Câu thơ toát lên một sự yên tâm về cuộc sống vật chất của Bác. Thơ xưa thường biểu lộ thú vui vì cảnh nghèo như Nguyễn Trãi đã từng viết: Nước lã cơm rau hay tri túc. Điều khác biệt của Bác, với các nhà thơ xưa như Nguyễn Trãi là ở chỗ: Nguyễn Trãi sống ở chốn núi rừng vui với thiên nhiên (ở Côn Sơn) để quên đi nỗi đau không được giúp nước, giúp đời. Còn Bác Hồ sống ở chốn núi rừng, bằng lòng với cuộc sống đạm bạc nơi đầu nguồn để đem ánh sáng cứu dân cứu nước. Vì thế câu thơ thứ ba của bài thơ là một sự chuyển biến đột ngột:

Đọc thêm:  Kể Về Một Kỉ Niệm Với Thầy Cô Giáo Mà Em Nhớ Mãi ❤15 Bài

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Hai câu nói về chuyện ăn, chuyện ở thong dong bao nhiêu, thoải mái bao nhiêu thì câu nói về chuyện làm việc vất vả bấy nhiêu. Không có bàn, người chiến sĩ cách mạng phải dùng dạ làm bàn, lại là bàn đá chông chênh. Rõ ràng là với từ chông chênh, Bác đã lột tả được điều kiện làm việc rất khó khăn. Công việc lại càng khó khăn hơn, đòi hỏi người chiến sĩ cách mạng phải cố gắng hết sức, không ngừng không nghỉ. Ba tiếng cuối cùng sử dụng toàn thanh trắc để thể hiện sự vất vả, nhưng khỏe khoắn, kiên quyết. Như vậy đối với Bác lúc này, việc cách mạng là cần thiết nhất, phải vượt lên tất cả mọi khó khăn. Kết thúc bài thơ là một nhận xét, một kết thúc rất tự nhiên, bất ngờ và vô cùng thú vị:

Cuộc đời cách mạng thật là sang

Ba câu đầu của bài thơ nói về việc ở, việc ăn và việc làm. Câu thứ tư là một lời đánh giá làm người đọc bất ngờ. Và bằng phép loại suy, ta có thể khẳng định việc ăn, việc ở không phải là sang, chỉ có việc làm dịch sử Đảng là sáng nhất vì nó đem ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin để phát động đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại cơm no, áo ấm và hạnh phúc cho toàn dân. Ở đây ta bắt gặp câu thơ có khẩu khí, nói cho vui, phần nào khoa trương (thường gặp trong hàng loạt những bài thơ xưa nói cho vui cảnh nghèo đã trở thành truyền thống) trong văn học phương Đông:

Ao sâu nước cả khôn chài cá,Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà…

(Bác đến chơi nhà – Nguyễn Khuyến)

Đúng là nói cho vui! Thật đấy mà lại đùa đấy! Nghèo nhưng mà lại chẳng nghèo! Giọng điệu thơ rất tự nhiên, dí dỏm thể hiện niềm vui của Nguyễn Khuyến khi có bạn đến nhà chơi.

Ta thấy ở đây niềm vui thích của Bác Hồ là rất thật, không chút gượng gạo, lên gân vì thế nên giọng thơ sảng khoái, ngân vang: Thật là sang. Rõ ràng trong cái sang của Bác, của người cách mạng không phải là điều kiện ăn ở, sinh hoạt mà chính là tri thức cách mạng để giải phóng đất nước, đem lại sự giàu sang, hạnh phúc cho cả dân tộc. Ý nghĩa của bài thơ thật lớn lao.

Tức cảnh Pác Bó là một bài thơ Đường rất đúng niêm luật có lẽ bởi ý thứ hai của nó là nói chơi, còn ý đầu tiên vẫn là nói thật. Tính nghiêm túc của bài thơ phải chăng là sự phản ánh nghiêm túc những đòi hỏi có thật của cuộc đời đối với con người cách mạng. Nhưng một khi đã đáp ứng được nó, trụ vững trước nó thì ai có thể cấm được cái quyền nói trêu của người đã biết tự rèn luyện mình mà vượt lên tất cả. Bài thơ đã vượt qua hành trình hơn 60 năm nhưng đến nay vẫn giữ nguyên được giá trị.

Cảm nhận bài thơ Tức cảnh Pác Bó – Mẫu 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam ta mà Người còn là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn để lại cho đời nhiều tác phẩm nổi tiếng. Một trong số đó phải kể đến bài thơ Tức cảnh Pác Bó nói về cuộc sống của người trong những năm tháng kháng chiến ở chiến trường Việt Bắc.

Mở đầu bài thơ là cảnh sinh hoạt hằng ngày của Bác:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Sáng ra – tối vào là những hành động lặp đi lặp lại, thường xuyên liên tục hằng ngày của Bác như một vòng tuần hoàn tự nhiên. Câu thơ cho ta thấy nơi ở gắn với hành động ra vào của Bác – vị lãnh tụ của cả một đất nước, một dân tộc chỉ là chiếc hang. Điều kiện sống vô cùng vất vả, khó khăn, gian khổ, tuy nhiên vì sự nghiệp cách mạng của nước nhà mà Người chấp nhận và vô cùng lạc quan với cuộc sống túng thiếu của mình.

Không chỉ là nơi ở mà đồ ăn thức uống của Người cũng vô cùng đạm bạc:

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Vị lãnh tụ của chúng ta không ăn sơn hào hải vi, hàng ngày Bác gắn bó với cháo, măng. Đây là những món ăn giản dị, mộc mạc gắn liền với miền quê cách mạng. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn là thế nhưng Người vẫn luôn lạc quan, vui vẻ đón nhận với tâm thế thoải mái, sẵn sàng. Có thể thấy, Bác không chỉ là một vị lãnh tụ với tài thao lược hơn người mà còn là người cha già có cốt cách giản dị, lạc quan khiến chúng ta phải ngưỡng mộ.

Điều kiện làm việc của Bác cũng gây ấn tượng sâu sắc đối với người đọc:

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Giữa núi rừng Pác Bó có một vị lãnh tụ ngồi nghiên cứu con đường cứu nước bên bàn đá chông chênh. Chúng ta thường biết đến các cuộc họp Đảng, bàn luận chiến thuật ở nơi mặt trận hoặc ở trung tâm hội nghị, nghiêm trang, lộng lẫy. Nhưng đối với Bác Hồ, việc nghiên cứu con đường cứu nước của người được thực hiện ở nơi rừng núi, vách đá nơi đá là bàn, đất là ghế. Câu thơ đã cho thấy sự khác biệt đáng trân trọng của vị lãnh tụ này so với các vị lãnh tụ chúng ta thường thấy.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đấu tranh gian khổ đó, Bác vẫn vô cùng lạc quan, yêu đời, yêu cách mạng:

Cuộc đời cách mạng thật là sang

Cả cuộc đời Bác gắn liền với cách mạng, với con đường cứu nước. Dù cho điều kiện ngoại cảnh, điều kiện kháng chiến có vất vả, gian khổ, khó khăn thế nào thì lí tưởng, suy nghĩ cao đẹp của Người cũng khiến cho cuộc đời Bác trở nên cao đẹp và “sang” hơn bất cứ khi nào hết. Bài thơ cho ta cách nhìn rõ nét hơn về cuộc đời, con người cũng như những khó khăn mà Bác phải trải qua để thêm yêu thương, ngưỡng mộ Bác và trân trọng nền độc lập, tự do mà ta đang được hưởng.

Chúng ta đang sống ở nhiều năm tháng sau này, khi đất nước đã giành được độc lập, có được một cuộc sống tốt đẹp đáng mơ ước. Tuy nhiên, những gian khó mà Bác phải chịu để mang đến tự do cho ta, chúng ta mãi khắc ghi trong tim. Bài thơ nói riêng và nhiều tác phẩm khác nói chung đã giúp chúng ta thêm biết ơn Bác Hồ, đồng thời trân trọng cuộc sống mà mình đang có.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button