Cảm nhận của anh chị về nhân vật Mị trong đoạn trích “Thường khi
Trong đợt tiến quân vào miền Tây, Tô Hoài theo bộ đội chủ lực tham dự chiến dịch giải phóng Tây Bắc. Nhà văn đã kể về những ngày tháng ấy với nỗi xúc động “cái kết quả lớn nhất và trước nhất của chuyến đi là đất nước và con người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá…Đó là một ám ảnh mạnh mẽ thúc đẩy tôi sáng tác”. Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” đã ra đời trong hoàn cảnh ấy. Tác phẩm viết về đồng bào dân tộc Mèo trong quá trình đấu tranh giành quyền sống, tự do và hạnh phúc. Nhân vật chính của thiên truyện là Mị người con gái xinh đẹp, trẻ trung tiềm tàng sức sống mạnh mẽ.
Mị tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ miền núi trước cách mạng. Mị sống ở Hồng Ngài. Cô là vợ của A Sử, con dâu của thống lí Pá Tra. Cũng như “tất cả những đàn bà khốn khổ ra vào nhà quan”, Mị sống một cuộc sống buồn tủi với thân phận làm con dâu gạt nợ. Làm vợ “A Sử với Mị không có lòng mà vẫn phải ở với nhau”. Còn gì buồn hơn khi một người khát khao hạnh phúc như Mị, chạm gần được tới hạnh phúc thì phải lấy một người không yêu mình. Cuộc sống ở nhà thống lí Pá Tra đày đọa thân xác và khiến tâm hồn Mị ngày một khô héo. “Mỗi ngày Mị gần như không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”.
Trong ngày Tết mọi người đi chơi, Mị uống rượu và say, lòng Mị sống lại những năm tháng ngày trước. Tiệc rượu đã tan nhưng Mị vẫn không biết: “Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà.” Trong đoạn này nhà văn đã diễn tả rất tinh tế diễn biến tâm lí của Mị. Men rượu thấm, Mị muốn đi chơi, những khao khát sống trong Mị trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mị bỏ thêm mỡ vào dĩa đèn cho sáng như một hành động vô thức thắp sáng cuộc đời. Mị với tay lấy cái váy hoa treo trong vách, chuẩn bị đi chơi thì A Sử trở về. Hắn trói chặt Mị trên cột nhà và bỏ đi. Nếu trước đó, Mị là con người hoàn toàn vô cảm , không cảm xúc, không phản ứng trước áp bức, bất công đang đè nặng. Thì giờ đây, bên trong con người ấy đang bừng lên sức sống mãnh liệt, những uất ức như vỡ òa. “Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”. Tiếng sáo, tiếng hát đã dứt nhưng tất cả còn âm vang mãi trong Mị “Hơi rượu tỏa, tiếng sáo, tiếng chó sủa xa xa…”
Trong đêm Mị uống rượu, chuỗi ngày kí ức tươi đẹp ùa về. Điệp khúc được lặp lại nhiều lần trong đầu Mị: “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Tác giả lặp lại hai lần ý nghĩ ấy khi tiếng sáo cứ rập rờn trong tâm trí Mị. “Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc…” Đó là sự chiến thắng của bản năng, nó khiến Mị không sợ hãi. Mị chỉ mong được đi chơi, được sống lại cảm giác hạnh phúc, ngắn ngủi trước đây. Tâm hồn Mị đang sống mãnh liệt, vượt qua vẻ ngoài ủ ê câm lặng để tìm đến mong muốn đã ấp ủ sâu thẳm trong lòng có dịp bùng lên.
Giá trị nghệ thuật cao trong trường đoạn tâm trạng khi Mị uống rượu trong đêm mùa xuân được miêu tả rất tinh tế. Tiếng sáo gọi bạn được nhắc lại ba lần như tín hiệu của tuổi trẻ, tiếng chó sủa cũng là biểu hiện của người yêu đang tìm đến nhau. Tác giả đối lập đời sống bên ngoài và đời sống bên trong để chứng tỏ sức sống tiềm tàng, chưa bao giờ bị dập tắt của Mị mặc dù phải sống trong hoàn cảnh tăm tối. Dù bị trói, bị hành hạ, sức sống ấy luôn tìm kiếm cơ hội để bùng lên. Sức sống của Mị tràn đầy thơ mộng, bay bổng theo tiếng sáo đêm tình.
Qua đây cho ta thấy hình ảnh nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân để thấy rõ nghệ thuật miêu tả tâm lí tài tình của nhà văn. Tô Hoài đã cho ta thấy bản năng đầy sức sống của nhân vật trong khung cảnh ngột ngạt, tàn bạo. Tâm trạng của Mị là bài ca đầy sức sống tiềm tàng trẻ trung không dập tắt được, đồng thời cũng là lời tố cáo thế lực bạo tàn miền núi chà đạp con người.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!