Cảm nhận về vẻ đẹp nhân vật Tấm trong truyện Tấm Cám
Cảm nhận về vẻ đẹp nhân vật Tấm trong truyện Tấm Cám – Để phục vụ cho việc học văn của các em, Đọc tài liệu đã sưu tầm và tổng hợp dàn ý cùng những bài văn mẫu hay nhất cho đề bài nêu cảm nhận về vẻ đẹp của cô Tấm trong cổ tích Tấm Cám. Cùng tham khảo để có thêm kiến thức và ý tưởng hay để làm bài em nhé!
Đề bài: Cảm nhận về vẻ đẹp nhân vật Tấm trong truyện Tấm Cám
Dàn ý cảm nhận về vẻ đẹp nhân vật Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám
I. Mở bài
– Giới thiệu Tấm Cám – truyện cổ tích thần kì tiêu biểu của dân tộc.
– Hình tượng Tấm có sự phát triển về tính cách.
II. Thân bài
1. Tổng
– Nguồn gốc của truyện gắn với thời kì xã hội đã nảy sinh những xung đột, mâu thuẫn. Vai trò của yếu tố thần kì góp phần phản ánh ước mơ công bằng của nhân dân.
– Triết lí nhân sinh từ câu chuyện toát lên từ hình tượng trung tâm: cô Tấm xinh đẹp, thảo hiền trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác, giành lại hạnh phúc.
2. Phân a. Tính cách Tấm khi ở với mẹ con Cám.
– Hiền lành.
– Nhẫn nhục đáng thương.
– Khi gặp hoạn nạn chỉ biết tủi thân ôm mặt khóc. Chỉ có Bụt an ủi giúp đỡ Tấm.
b. Tấm thành hoàng hậu và âm mưu của mẹ con Cám.
– Tấm thành hoàng hậu do bản chất tốt đẹp của nàng.
– Sự ganh ghét đó kị đã trở thành tội ác ghê tởm của mẹ con Cám. Sự ngây thơ, lòng hiếu thảo của Tấm đã phải trả giá bằng cái chết. Nàng trở thành nạn nhân của một âm mưu thấp hèn.
– Mỗi lần bị hại, Tấm càng trở nên mạnh mẽ hơn. Sự hóa thân thần kì của nhân vật là tình cảm của dân gian bênh vực và bảo vệ cho vẻ đẹp không bị hủy diệt. Nàng chủ động bảo vệ hạnh phúc của mình. c. Sự trở về của Tấm
– Lần hóa thân cuối cùng của Tấm vào quả thị thể hiện được bản tính của người con gái thơm thảo. Tấm sống cùng bà lão nghèo, được gần gũi chia sẻ với nhân dân.
– Miếng trầu là hình ảnh sống động về người con gái thảo hiền nết na, cũng là dấu hiệu để vua nhận ra nàng, đón nàng về cung.
– Sự trừng phạt là tất yếu với mẹ con Cám để diệt trừ tận gốc cái ác, bộc lộ rõ ràng thái độ của dân gian. Bọn chúng phải trả giá tương xứng với tội ác chúng đã gây ra cho Tấm.
3. Hợp
– Sự phát triển tính cách của Tấm thể hiện triết lí dân gian sâu sắc về eon người. Quan niệm ở hiền gặp lành không phải thụ động chờ hưởng phúc mà phải đấu tranh để đạt tới.
– Vẻ đẹp của nhân vật thêm phần hấp dẫn nhờ yếu tố thần ki, đồng thời khẳng định tinh thần không chịu khuất phục trước cái xấu, cái ác.
III. Kết bài
Cảm nhận của bản thân về vẻ đẹp hình tượng Tấm.
>> Tham khảo:
- Dàn ý phân tích truyện Tấm Cám
- Dàn ý suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong Tấm Cám
Bài văn mẫu cảm nhận về vẻ đẹp nhân vật Tấm
Bài văn mẫu 1
Ai đó đã từng nói: “Truyện cổ tích là thế giới hiện thực biết ước mơ”. Vâng, truyện cổ tích nói riêng và văn học dân gian Việt Nam nói chung là tiếng nói, là nỗi niềm, tiếng lòng của người bình dân trong xã hội cũ. Song những tiếng lòng ấy không hề ủy mị, không hề mềm yếu dẫu rằng nó được cất lên trong bùn đen cơ cực. “Tấm Cám” là một truyện cổ tích thể hiện rõ niềm lạc quan, niềm tin của nhân dân lao động. Tấm là nhân vật chính trong truyện hiện lên với số phận bất hạnh nhưng ngời sáng vẻ đẹp tâm hồn.
“Tấm Cám” là một truyện cổ tích thần kỳ. Truyện kể về cuộc đời số phận của Tấm – cô gái mồ côi, bất hạnh nhưng có phẩm chất tốt đẹp, trải qua nhiều gian nan cuối cùng được hưởng hạnh phúc. Thông qua số phận bất hạnh của Tấm, nhân dân gửi gắm ước mơ, khát vọng lí tưởng xã hội của mình về sự chiến thắng của cái thiện với cái ác.
Tấm là một cô gái có số phận bất hạnh. Tấm mồ côi từ nhỏ: “Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Mẹ Tấm đã chết từ hồi Tấm còn bé. Sau đó mấy năm thì cha Tấm cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám”. Tác giả dân gian đã đưa người đọc đến với số phận rất quen thuộc trong truyện cổ tích: đó là người mồ côi. Ở với dì ghẻ, Tấm phải sống một cuộc sống khổ cực, bị mẹ con Cám hành hạ. Tấm phải làm lụng suốt ngày đêm trong khi Cám thì thảnh thơi. Đâu chỉ có thế, Tấm còn bị Cám lừa lấy mất giỏ cá. Mất giỏ cá là Tấm mất đi phần thưởng của dì, mất đi cái yếm đẹp, mất đi tình yêu thương mà Tấm khao khát có được. Không chỉ có vậy, khi chỉ còn con cá bống bầu bạn, Tấm cũng bị mẹ con Cám bắt lấy và giết thịt. Cuộc đời Tấm dường như bị bủa vây trong sự hãm hại. Bống là con cá duy nhất còn sót lại trong giỏ cá. Bị lấy mất cá là Tấm mất đi người bạn ngày ngày tâm sự, sẻ chia, mất một niềm an ủi cuối cùng. Tấm là hiện thân của một cuộc đời đày đoạ, tước đoạt, một hình ảnh tiêu biểu cho những số phận thấp cổ bé họng, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội phân chia giai cấp. Bởi vậy tiếng khóc tội nghiệp của Tấm mỗi khi bị chèn ép, áp bức có sức lay động mỗi trái tim nhân hậu, khơi dậy niềm cảm thông chia sẻ ở mọi người.
Nhờ Bụt, Tấm từ một cô gái mồ côi đã trở thành hoàng hậu. Bụt xuất hiện mỗi khi Tấm khóc, buồn tủi cần sự an ủi, giúp đỡ. Tấm bị mất chiếc yếm đỏ, Bụt cho hi vọng là con cá bống. Tấm bị mất cá bống, Bụt lại cho hi vọng. Tấm không được đi xem hội, Bụt cho một cho đàn chim sẻ đến giúp để đi hội làng gặp nhà vua. Lúc đi hội, Tấm làm rơi giày. Chính chiếc giày giúp Tấm gặp lại được vua trở thành hoàng hậu. Đó chính là ước mơ của người xưa về một sự đổi đời trở thành hoàng hậu, bước lên ngôi vị tối cao, là ước mơ, khát vọng lớn lao của người dân bị đè nén, áp bức. Hạnh phúc ấy chỉ dành cho những con người hiền lành, lương thiện.
Tấm là một con người sẵn sàng đấu tranh để giành lại hạnh phúc cho chính mình. Thông qua các cuộc đấu tranh của Tấm, nhân dân lao động gửi gắm niềm tin, ước muốn về khát khao đổi đời,về cuộc chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Tấm phải nhiều lần hóa thân: Tấm bị giết hóa thành chim Vàng Anh, Vàng Anh bị giết mọc lên cây xoan đào, xoan đào bị chặt, Tấm hóa khung cửi, khung cửi bị đốt, Tấm hóa quả thị, từ quả thị Tấm bước ra làm người. Cuộc đấu tranh giành lại quyền sống của Tấm là vô cùng gian nan, quyết liệt, không khoan nhượng. Cuộc đấu tranh cho thấy cái ác luôn hiện hữu, luôn xuất hiện đầy ắp hành hạ cái thiện. Khi Tấm trở thành hoàng hậu, mẹ con Cám vẫn đeo bám tiêu diệt Tấm tới cùng. Sự đày đoạ của Tấm đã đến tận cùng, bị tước đoạt cả hạnh phúc lẫn tính mạng.
Lần hóa thân cuối cùng, cô Tấm bước ra làm người đã gửi gắm những quan niệm về hạnh phúc. Có lẽ hạnh phúc nơi trần thế mới là hạnh phúc đích thực và đáng trân trọng. Hạnh phúc giữa cuộc sống đời thực, được bên cạnh những người mình thương yêu. Đặc biệt, để có được hạnh phúc ấy, Tấm đã phải đấu tranh rất nhiều lần. Nếu như lúc trước lúc khó khăn, đau khổ, Tấm có Bụt hiện ra giúp đỡ thì lúc này đây, Tấm chủ động đấu tranh giành lấy hạnh phúc cho mình. Gửi hồn mình vào chim Vàng Anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị,… sau bao lần hóa thân, bị hãm hại, Tấm trở lại làm người. Tấm lại trở về là Tấm – một hoàng hậu xinh đẹp. Nhưng hạnh phúc sẽ chẳng bền lâu khi cái ác chưa bị diệt trừ tận gốc. Tấm tự tay trừng trị mẹ con Cám, để mẹ con cám phải nhận cái kết thích đáng. Nhân dân đã đứng về phía Tấm, công lý đứng về phía Tấm, hạnh phúc lại trở về bên cô Tám nết na.
“Tấm Cám” là một truyện cổ tích mà ở đó mà không hề thấy người nông dân bi quan. Cái hiện thực với xã hội bất công vẫn cứ hiện ra thông qua số phận của nhân vật Tấm nhưng cũng qua nhân vật Tấm, nhân dân gửi gắm những ước mơ, khát vọng về cuộc sống hạnh phúc, được thể hiện bằng cốt truyện chặt chẽ, có sự tham gia của các yếu tố thần kì tạo hấp dẫn cho truyện. Thông qua nhân vật Tấm, người đọc hiểu được những ước mơ, khát vọng mà nhân dân gửi gắm, ta thấy được sự đấu tranh của tầng lớp thấp cổ bé họng trong xã hội xưa.
Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, văn học dân gian đã và mãi có chỗ đứng trong lòng bạn đọc và có giá trị sâu sắc trong kho tàng văn học Việt Nam nói chung. Bởi thông qua văn học dân gian, người đọc hiểu được đời sống cũng như tâm tư tình cảm người nông dân xưa, càng thêm trân trọng hơn kho tàng văn học dân gian Việt Nam.
Bài văn mẫu 2
Trong kho tàng văn học Việt Nam ngoài những tác phẩm truyện kí, thơ, phú, cáo…được nhiều người nhắc đến thì chúng ta còn nên nhớ đến một thể loại mà các bạn thiếu nhi hay thích nghe. Đó chính là thể loại truyện cổ tích. Có thể nói những câu chuyện cổ tích như mang hơi thở ngọt ngào của những quan niệm xưa như ở hiền gặp lành, nó là loại truyện mà dành cho trẻ em là nhiều nhất vì nó mang những yếu tố kì ảo lạ thường để cho trẻ em thỏa sức tưởng tượng. Đồng thời nó còn có những cái kết có hậu để dạy dỗ trẻ em làm người tốt. Trong những tác phầm truyện cổ tích như Thạch Sanh, Sọ Dừa… thì có lẽ truyện “Tấm Cám” cũng hấp dẫn biết bao nhiêu bạn đọc không chỉ trẻ con mà cả người lớn. Đặc biệt trong đó ta thấy nổi bật lên hình tượng nhân vật cô Tấm với những vẻ đẹp của người con gái thuở xưa.
Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Mẹ Tấm chết từ hồi Tấm mới biết đi, sau đó ít năm người cha cũng chết, Tấm phải sống với dì ghẻ là mẹ của Cám. Ngay từ đầu tác phẩm, tác giả dân gian đã đưa người đọc đến số phận quen thuộc trong truyện cổ tích. Ở với dì ghẻ, Tấm phải làm lụng quần quật suốt ngày đêm, từ chăn trâu, gánh nước đến thái khoai, vớt bèo, đêm xay lúa giã gạo mà không hết việc. Trong khi đó, Cám và mụ dì ghẻ thì ăn trắng mặc trơn, không phải nhúng tay vào việc gì. Sự hành hạ của mẹ con Cám không chỉ ở thể chất mà còn về tinh thần. Cám lừa Tấm trút hết giỏ tép để giành phần thưởng là chiếc yếm đỏ. Chiếc yếm đỏ là y phục mà các thiếu nữ thời xưa lớn lên đều ao ước. Với cô Tấm nghèo khó, mồ côi nó càng trở nên quý giá. Bởi vậy mất chiếc yếm đỏ cũng có nghĩa là Tấm mất đi hy vọng được nhận yêu thương. Con cá bống còn sót lại trong giỏ cũng bị mẹ con dì ghẻ giết thịt.. Với một cô gái mồ côi, không nhận được sự chăm sóc nào thì chăm chút cho bống là một nhu cầu tình cảm, nhu cầu được sẻ chia. Việc mẹ con Cám giết bống đã phá đi chỗ dựa tình cảm, cướp đi hy vọng vừa mới nhen lên trong lòng Tấm. Lần thứ ba Tấm khóc là khi cô không được đi dự hội làng, tước đoạt ở Tấm cơ hội được gặp gỡ, chia sẻ với mọi người. Cuộc đời của Tấm là hiện thân của cuộc đời bị đày đọa, một hình ảnh tiêu biểu cho những số phận thấp cổ bé họng, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội phân chia giai cấp. Bởi vậy tiếng khóc tội nghiệp của Tấm có sức lay động bao trái tim nhân hậu, khơi gợi niềm cảm thông, chia sẻ của mọi người.
Đặc trưng của truyện cổ tích thường giải quyết mối xung đột thiện – ác theo hướng thiện thắng ác nhờ sự giúp đỡ của những nhân vật thần kì. Cô Tấm hiền lành, chăm chỉ, tốt bụng nên được Bụt giúp đỡ. Tấm mất yếm đào, Bụt cho hy vọng là con cá bống. Mất cá bống, Bụt cho hi vọng đổi đời. Tấm không được đi hội, Bụt cho đàn chim sẻ xuống giúp Tấm. Bụt cho Tấm quần áo đẹp, giày đẹp, đưa Tấm đến gặp nhà vua, giúp Tấm trở thành Hoàng Hậu, đạt đến đỉnh cao của hạnh phúc. Hoàng Hậu Tấm là hình ảnh cao nhất về hạnh phúc mà nhân dân có thể mơ ước cho cô gái mồ côi, nghèo khổ trong xã hội xưa. Điều đó một mặt phản ánh ước mơ của dân gian về triết lí “Ở hiền gặp lành” và ước mơ về một sụ đổi đời. Từ đó truyện cổ tích đã chữa lành hiện thực cuộc sống, thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, hy vọng ở tương lai công bằng, dân chủ của nhân dân lao động.
Nhưng Tấm Cám không chỉ đến đây là kết thúc, nó còn tiếp thêm một chặng đường nữa của nhân vật. Tấm tuy đã trở thành Hoàng Hậu nhưng vẫn bị cái ác săn đuổi tiêu diệt. Cô Tấm hiếu thảo trèo cây hái cau để cúng cha nhưng bị mẹ con Cám chặt cây giết chết. Nhưng cô Tấm hiền lành ngã xuống thì một cô Tấm mạnh mẽ, quyết liệt sống dậy, hóa thân trở về chống lại cái ác. Cây xoan đào, chim vàng anh, cây thị là nơi Tấm gửi gắm linh hồn, cũng là những vật bình dị thân thương trong cuộc sống dân dã. Nếu như ở phần đầu câu chuyện, mỗi lần Tấm khóc thì luôn có Bụt hiện lên giúp đỡ, thì ở phần sau, cuộc đấu tranh ác liệt hơn nhưng Tấm không còn khóc, cũng không thấy sự xuất hiện của Bụt, chỉ thấy Tấm hành động liên tiếp để chống lại kẻ thù. Sau bao lần hóa thân, Tấm trở về với cuộc đời, với làng quê bình dị, vẫn là cô gái đảm đang trong miếng trầu têm hình cánh phượng. Nhờ miếng trầu mà nhà vua nhận ra người vợ đảm của mình và đưa Tấm về cung. Nhưng Tấm hiểu rằng, không thể có hạnh phúc trọn vẹn khi cái ác còn tồn tại. Vì thế cô đã tự tay trừng trị mẹ con nhà Cám. Kết thúc đó nêu cao triết lí ‘ác giả ác báo” của nhân dân lao động.
Qua hình tượng nhân vật Tấm qua mọi thời điểm cuộc đời nàng ta thấy được vẻ đẹp của người con gái thuở xưa hiền lành lương thiện. Đồng thời nó cũng thể hiện cho quan niệm của ông bà ta là ở hiền thì gặp lành những người ở hiền thì có cuộc sống hạnh phúc những người xấu xa thì phải chịu những hậu quả mà mình tự gây ra. Không những thế ta còn thấy được sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác vô cùng kịch liệt thế nhưng cái thiện luôn luôn thắng. Và con đường đến cái thiện để hạnh phúc là một quá trình gian nan vất vả.
>> Xem thêm: Suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác xưa và nay qua Tấm Cám
Bài văn mẫu 3
Những câu chuyện cổ tích đã trở thành một phần tuổi thơ của biết bao con người Việt Nam, nơi mà những người con gái thảo hiền nết na với hoàn cảnh khó khăn nhưng nhờ sự giúp đỡ của ông Bụt, bà Tiên mà thay đổi số phận và giành được hạnh phúc viên mãn cho mình. Một trong những nhân vật như thế mà em ấn tượng nhất là nhân vật cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám.
Trong hiểu biết và kí ức của em, cô Tấm hiện lên bao giờ cũng đẹp, đẹp về cả ngoại hình và nhân cách. Cô Tấm hiện lên qua những trang truyện được gắn liền với những đồ vật nhỏ bé , giản dị và cô cùng đáng yêu. Đó là chú cá Bống ngoan ngoãn được Tấm nuôi trong giếng mà mỗi lần nghe tiếng gọi “Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người” của Tấm lại ngoi lên mặt nước. Đó là chiếc hài nhỏ xinh xắn được vua đưa ra làm thử thách chọn vợ, khiến biết bao cô gái đi xem hội thất vọng nhưng lại giúp Tấm trở thành hoàng hậu vợ vua. Đó là con chim vàng anh, là khung cửi, là cây xoan đào mà Tấm hoá thân thành sau mỗi lần bị mẹ con Cám hãm hại. Đó còn là quả thị được bà lão hàng nước mang về, ngày ngày hiện thân ra giúp bà lão làm việc nhà và têm những miếng trầu cánh phượng, nhờ vậy mà nhà vua đã nhận ra, đưa Tấm trở lại hoàng cung, trở lại với hạnh phúc mà vốn thuộc về Tấm. Qua những vật nhỏ ấy, Tấm lại hiện lên thật xinh đẹp, thật đáng yêu, đáng quý trọng không chỉ bởi vẻ đẹp bề ngoài mà còn bởi vẻ đẹp tính cách với sự nết na, chăm chỉ và vô cùng hiến thảo. Đối với chú cá bống nhỏ bé, Tấm sẵn sàng nhường cho nó phần cơm vốn đã ít ỏi của mình. Thậm chí khi đã trở thành hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ giàu sang phú quý, Tấm vẫn không quên ngày giỗ cha và sẵn sàng tự mình leo cây cau để hái cau giỗ cha.
Song cũng như bao nhân vật trong truyện cổ tích khác, Tấm càng nết na, thảo hiền bao nhiêu thì cuộc đời lại càng bất công với cô bấy nhiêu, người đọc chúng ta không khỏi xót thương, đau lòng cho cuộc đời gian truân của cô Tấm thảo hiền. Ngay từ khi còn nhỏ Tấm đã mồ côi mẹ, rồi khi cha mất đi để lại Tấm phải sống cùng với mụ dì ghẻ độc ác và người em cùng cha khác mẹ là Cám. Người ta vẫn nói rằng “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, có lẽ cũng vì thế mà Tấm sớm phải trải qua một cuộc sống với cảnh ngày ngày bị hai mẹ con Cám bóc lột, đày đoạ thậm tệ. Mọi công việc nặng nhẹ trong nhà đều do một tay Tấm làm hết, sống cùng hai mẹ con Cám thì Tấm chẳng khác nào người ở cho hai mẹ con độc ác ấy. Khi còn ở nhà thì Tấm bị Cám lừa trút hết tôm cá mà chiếm chiếc yếm đào, khi có duy nhất chú cá bống nhỏ bầu bạn thì bị hai mẹ con Cám lừa làm thịt mất, khi có lễ hội thì cũng bị hai mẹ con ấy lừa không cho đi xem hội và ngay cả khi Tấm trở thành hoàng hậu, những tưởng đã có thể chạm tay đến hạnh phúc thì tiếp tục năm lần bảy lượt bị mẹ con Cám hãm hại bằng những thủ đoạn độc ác nhất. Cuộc đời cô Tấm nết na, thảo hiền nhưng mới đau khổ và nhiều khổ đau làm sao. Cô Tấm phải trải qua bao nhiêu là kiếp nạn mới có thể giành được hạnh phúc cho mình và những đau khổ, kiếp nạn ấy khiến người đọc không khỏi rơi nước mắt xót thương, thương cảm.
Mỗi một câu chuyện, một nhân vật trong văn học đều mang một dụng ý và cô Tấm cũng không ngoại lệ khi mang trên mình thông điệp được người xưa gửi gắm, đó là sự vận động, phát triển của con người lương thiện đấu tranh chống cái ác. Cô Tấm xuất hiện ở đầu truyện là một cô gái xinh đẹp, thảo hiền nhưng lại có phần quá nhu mì, yếu đuối. Mỗi lần Tấm bị hai mẹ con chèn ép, hãm hại thì cô chỉ biết bưng mặt khóc than cho số phận rồi sẽ xuất hiện ông Bụt với phép màu giúp Tấm vượt qua khó khăn, thử thách. Một cô Tấm như thế khiến người đọc cảm thấy xót thương cho số phận nhưng cũng không ít người cảm thấy “bực mình” vì sự mềm yếu, quá nhu nhược ấy của Tấm bởi nếu không có ông Bụt thì cuộc đời Tấm liệu sẽ đi về đâu?
Nhưng rồi Tấm đã không khiến độc giả chúng ta phải thất vọng khi sau những lần bị mẹ con Cám hãm hại, Tấm đã không còn phải nhờ đến sự giúp đỡ của ông Bụt nữa mà đã tự đứng lên đấu tranh chống lại sự hãm hại của hai mẹ con Cám mà giành lại hạnh phúc cho bản thân. Hình ảnh ông Bụt đã không còn xuất hiện nữa mà người ta chỉ thấy một cô Tấm tự hoá thân hết lần này đến lần khác để tự tranh đấu cho mình mà thôi.
Trải qua bao gian truân, cuối cùng Tấm đã đi đến được những ngày tháng hạnh phúc mãi mãi trong cuộc đời. Dẫu biết chỉ là một nhân vật trong câu chuyện cổ tích nhưng em vẫn dành ra nhiều tình cảm và ngưỡng mộ đối với cô Tấm xinh đẹp, nết na nhưng cuộc đời phải trải qua nhiều chông gai, bão táp ấy.
Bài văn mẫu 4
Thế giới cổ tích vô cùng nhiều nhân vật đa dạng, phong phú khiến cho tuổi thơ của mỗi chúng ta có luôn lấp lánh nhiều sắc màu diệu kỳ,Thạch Sanh khỏe mạnh, trung thực, về anh chàng Sọ Dừa xấu xí nhưng ẩn chứa bên trong là một người thông minh khôi ngô tuấn tú, về mụ dì ghẻ độc ác, hay nhân vật Lý Thông nham hiểm, mưu mô, xảo quyệt. Những nhân vật ông Bụt, cô tiên hiền từ luôn tìm cách hóa phép để giúp đỡ những con người hiền lành gặp những điều trái ngang éo le trong cuộc sống.
Trong thế giới cổ tích bao la rộng lớn đó, có những nhân vật đại diện cho sự hiền lương, nhân hậu và cũng có những nhân vật độc ác, xấu xa tới cực điểm. Tuy có rất nhiều nhân vật nhưng em luôn ấn tượng với nhân vật cô Tấm. Hình ảnh cô gái tên là Tấm đã tạo ấn tượng vô cùng mạnh mẽ trong ký ức tuổi thơ của em. Cô Tấm là một nhân vật chăm chỉ, hiền lành đáng yêu có cuộc sống khó khăn, gặp nhiều éo le, bất hạnh trong cuộc sống.
Cô sống với dì ghẻ và em cùng cha khác mẹ, bởi ngay từ khi sinh ra cô Tấm đã chịu nhiều thiệt thòi bất hạnh khi mẹ mất sớm, ba đi lấy vợ lẽ rồi ba cũng mất khiến cô Tấm không có người thân nào thương yêu mình thật sự. Nhưng nhờ có sự giúp đỡ của ông Bụt một nhân vật hiền lành, luôn bênh vực cho những con người bất hạnh trong cuộc đời mà cô Tấm xinh đẹp dịu dàng của chúng ta được làm hoàng hậu, nhờ chiếc hài nhỏ xinh vô giá đó. Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười với cô gái hiền lương, xinh đẹp của chúng ta nhưng không ngờ việc
Tấm được làm Hoàng Hậu lại là khởi đầu của những bi kịch mới trong cuộc đời nhân vật này. Ngày giỗ cha Tấm bị dì ghẻ và Cám lừa trèo lên cây cau rồi ở dưới họ chặt gốc cau làm Tấm ngã xuống ao thiệt mạng. Trải qua nhiều sóng gió, thăng trầm Tấm đã nhiều lần hóa thân mình thành những đồ vật, khác nhau, cuối cùng thì Tấm đã được làm người và gặp lại nhà vua sống hạnh phúc. Còn kẻ gian ác như dì ghẻ và Cám phải trả giá.
Những hạnh phúc quý giá mà nhân vật Tấm đáng được hưởng, bởi cô Tấm luôn là người lương thiện, biết yêu thương người khác, và hiếu thuận với cha mẹ. Cả cuộc đời cô Tấm chỉ gặp toàn bất hạnh nên khi cô có được hạnh phúc là kết quả xứng đáng cho sự chăm chỉ, nết na của cô Tấm.
Truyện cổ tích “Tấm, Cám” là một câu chuyện cổ tích gắn liền với thiếu nhi Việt Nam chúng ta hàng trăm năm nay nó phản ánh những tồn tại mâu thuẫn trong gia đình cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong cuộc sống. Ước mơ của người nông dân lao động nước ta luôn mong muốn cái thiện, những người hiền lành sẽ chiến thắng cái ác. Những con người ở hiền thì sẽ gặp lành được hưởng cuộc sống vinh hoa phú quý bình yên hạnh phúc. Còn những kẻ ác giả gặp ác báo sẽ phải trả giá cho tội ác của mình bởi lẽ trời không dung thứ cho những tội ác.
Nhân vật Tấm càng trải qua những khó khăn thử thách, càng bị dì ghẻ và cám hãm hại thì người đọc càng cảm thấy xót thương, cảm thông cho số phận của nhân vật Tấm bấy nhiêu, sự căm phẫn của người đọc càng mạnh mẽ, và ước muốn cho nhân vật Tấm hạnh phúc kẻ ác bị trừng trị càng quyết liệt hơn.
Truyện cổ tích “Tấm Cám” dạy con người ta phải biết sống lương thiện, nhưng nếu chúng ta quá lương thiện tử tế không đúng người đúng chỗ thì sẽ trở thành nhu nhược yếu đuối sẽ bị bắt nạt, chà đạp suốt đời. Việc nhân vật Tấm sau khi bị dì ghẻ và Cám giết hại đã vùng lên đấu tranh linh hồn cô hóa kiếp vào nhiều thân phận khác nhau để báo oán, thể hiện sự vùng lên của cái thiện. nhân vật Tấm đã trở nên mạnh mẽ hơn để bảo vệ hạnh phúc và lẽ phải ở đời, chống lại những cái xấu các ác muốn hãm hại mình. Đó là một sự vùng lên cần thiết của một con người trong xã hội.
Thông qua nhân vật Tấm trong truyện cổ tích “Tấm Cám” giúp người đọc hiểu được phần nào cuộc sống, tinh thần của người nông dân lao động của nước ta ngày xưa. Nhưng con người luôn bị ức hiếp, nhọc nhằn, lam lũ muốn vùng lên tìm hạnh phúc cho mình. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn bất hạnh nhưng cuối cùng thì hạnh phúc cũng sẽ tới với những người hiền lành nhân hậu như nhân vật Tấm đó chính là mong muốn, mơ ước của những người nông dân xưa.
Đừng bỏ lỡ:
> Những bài văn hay phân tích truyện Tấm Cám
> Tuyển tập các bài văn nêu cảm nghĩ về truyện Tấm Cám
***************
Trên đây là những bài văn mẫu hay nhất cảm nhận về vẻ đẹp nhân vật Tấm trong truyện Tấm Cám mà Đọc tài liệu đã tổng hợp. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích phục vụ việc học tập của các em. Ngoài ra, các em hãy truy cập doctailieu.com để tham khảo những bài van mau 10 phong phú khác mà chúng tôi đã sưu tầm và tổng hợp nhé. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!