Câu hỏi đề bàicảm nhận của anhchị về chất thép và chất trữ tình
Lời giải của Luyện Tập 247
Phương pháp giải:
Phân tích, tổng hợp, bình luận
Giải chi tiết:
Giới thiệu tác giả Quang Dũng và tác phẩm Tây Tiến
– Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Nhưng Quang Dũng trước hết là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa – đặc biệt khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài (Sơn Tây) của mình.
– Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ, được in trong tập Mây đầu ô (1986).
Phân tích hai đoạn thơ · Đoạn 1: Chất thơ trong không khí hội hè rộn ràng vui vẻ trong một đêm liên hoan văn nghệ của những người lính Tây Tiến có đồng bào địa phương đến góp vui
– Đêm liên hoan ấy có ánh sáng rực rỡ – đây là ấn tượng nổi bật nhất trong kí ức của nhà thơ:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
+ Chữ “bừng” được xem là nhãn tự của câu thơ, gợi ra ánh sáng của những ngọn đuốc rừng rực như những bông hoa lửa. Trong ánh mắt nhìn lãng mạn của những người lính Tây Tiến, những ngọn sáng ấy đã hợp lại thành hội đuốc hoa, phù hợp với cử chỉ e thẹn “e ấp” của những sơn nữ giống như những cô dâu mới.
+ Ánh sáng còn tỏa ra từ xiêm áo lộng lẫy của những người đẹp vùng sơn cước.
+ Và ánh sáng còn bừng lên trong cả cái nhìn ngạc nhiên, ngỡ ngàng, mê say bởi người đẹp xiêm áo tự bao giờ, lột xác thành những nàng thơ tuyệt mĩ. Hai chữ kìa em là tiếng reo vui phát hiện ẩn chứa ánh sáng ấy.
– Đêm liên hoan còn có âm thanh náo nức của tiếng khèn rộn ràng, réo rắt, tình tứ tạo lên man điệu riêng vô cùng hấp dẫn. Thứ âm thanh đặc trưng của vùng cao đã khiến cho tâm hồn của những chàng trai Hà thành rung động:
Khèn lên man điệu nàng e ấp
– Nổi bật giữa ánh sáng và âm thanh ấy là hình ảnh diễm lệ của những thiếu nữ Mường, thiếu nữ Thái và những cô gái Lào trong những bộ xiêm áo lộng lẫy như bước ra từ huyền thoại, vừa e thẹn vừa tình tứ trong một điệu múa đậm sắc xứ lạ. Họ đã trở thành linh hồn của đêm văn nghệ
– Đằng sau tất cả những vẻ đẹp phương xa xứ lạ ấy là ánh nhìn chiêm ngưỡng, say sưa, ngây ngất, đa tình của người lính Tây Tiến. Điệu nhạc chơi vơi cùng vũ điệu lăm – vông của các cô gái đã làm say đắm các chàng trai Hà Nội, khiến họ trong phút chốc biến thành thi sĩ:
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
→ Cái phần hào hoa, thanh lịch được nâng niu, lưu giữ ở đâu đó trong tâm hồn người lính Tây Tiến bỗng được gõ cửa, gợi dậy bởi vẻ đẹp của không gian mới. Bóng dáng của chiến tranh đã bị xóa nhòa trong khoảnh khắc tuyệt vời hiếm hoi này. Lòng người như mềm lại sau bao nhiêu những gân guốc, gồng mình vượt qua thử thách…
=> Có thể nói đây là một trong những đoạn thơ trữ tình nhất trong văn bản. Khung cảnh đêm liên hoan rực rỡ, vui tươi làm vơi bớt đi những cực nhọc về hành trình mà người lính vừa trải qua. Chất trữ tình đó cũng là động lực tiếp thêm cho họ sức mạnh để tiếp tục con đường cứu nước.
Đoạn 2: Hình ảnh người lính Tây Tiến vừa gân guốc, rắn rỏi (chất thép) vừa hào hoa, lãng mạn (chất trữ tình)
a. Chất thép
* Ngoại hình (bi thương): được khắc hoạ bằng một nét vẽ rất gân guốc, lạ hoá nhưng lại được bắt nguồn từ hiện thực:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
– Không mọc tóc, quân xanh màu lá đều là hậu quả của những trận sốt rét rừng khủng khiếp mà người nào cũng phải trải qua. Trong hồi ức của những người lính Tây Tiến trở về, đoàn quân tử vong vì sốt rét rừng nhiều hơn là vì đánh trận bởi rừng thiêng nước độc mà thuốc men không có.
– Quang Dũng không hề che giấu những gian khổ, khó khăn…, chỉ có điều nhà thơ không miêu tả một cách trần trụi. Hiện thực ấy được khúc xạ qua bút pháp lãng mạn của Quang Dũng, trở thành cách nói mang khẩu khí của người lính Tây Tiến, cách nói rất chủ động: không mọc tóc chứ không phải tóc không thể mọc vì sốt rét tạo nên nét dữ dội, ngang tàng, cứng cỏi của người lính Tây Tiến; cái vẻ xanh xao vì đói khát, vì sốt rét của những người lính qua ngòi bút Quang Dũng lại toát lên vẻ oai phong, dữ dằn của những con hổ nơi rừng thiêng “quân xanh màu lá dữ oai hùm”.
* Ẩn sau ngoại hình ấy là sức mạnh nội tâm (hào hùng):
– Đoàn binh gợi lên sự mạnh mẽ lạ thường của “Quân đi điệp điệp trùng trùng” (Tố Hữu), của “tam quân tì hổ khí thôn ngưu” (ba quân mạnh như hổ báo nuốt trôi trâu) (Phạm Ngũ Lão).
– Dữ oai hùm là khí phách, tinh thần của đoàn quân ấy, như mang oai linh của chúa sơn lâm rừng thẳm
– Mắt trừng là chi tiết cực tả sự giận dữ, phẫn nộ, sôi sục hướng về nhiệm vụ chiến đấu
→ Thủ pháp đối lập được sử dụng đắc địa trong việc khắc hoạ sự tương phản giữa ngoại hình ốm yếu và nội tâm mãnh liệt, dữ dội, ngang tàng.
b. Chất trữ tình
Thế giới tâm hồn đầy mộng mơ thể hiện qua nỗi nhớ (lãng mạn):
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
– Những người lính Tây Tiến không phải là những người khổng lồ không tim, bên trong cái vẻ oai hùng, dữ dằn của họ là những tâm hồn, những trái tim rạo rực, khát khao yêu đương “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Dáng kiều thơm gợi vẻ đẹp yêu kiều, thướt tha thanh lịch của người thiếu nữ Hà thành, là cái đẹp hội tụ sắc nước hương trời. Những giấc mơ mang hình dáng kiều thơm đã trở thành động lực để giúp người lính vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; đã thúc giục họ tiến lên phía trước; và cũng là sợi dây thiêng liêng của niềm tin mang họ vượt qua bom đạn trở về.
=> Đoạn thơ thứ hai là sự hòa điệu giữa chất thép và chất trữ tình. Người lính vừa mang vẻ đẹp gan dạ, dũng cảm, kiên cường, không sợ hiểm nguy, gian khổ. Nhưng đằng sau đó ta vẫn thấy vẻ đẹp của tâm hồn lãng mạn, tinh tế và hết sức tài hoa.
*Giá trị nội dung và nghệ thuật
– Giá trị nội dung:
+ Vẻ đẹp hào hùng và hào hoa của người lính Tây Tiến.
+ Vẻ đẹp vừa dữ dội vừa thơ mộng, trữ tình của thiên nhiên Tây Bắc.
– Giá trị nghệ thuật:
+ Kết hợp hài hòa giữa bút pháp lãng mạn và tinh thần bi tráng trên cái nền hiện thực.
+ Sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu,…
Tổng kết
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!