Chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng

Lĩnh vực biên phòng là một trong những lĩnh vực trọng yếu của quốc gia, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc giữ vững chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Việc thực thi nhiệm vụ của các lực lượng trong lĩnh vực này chủ yếu được tiến hành ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều hạn chế, đời sống vật chất, tinh thần còn thiếu thốn (phần lớn phải xa quê hương, xa gia đình), nhiều nơi vẫn còn là vùng “rừng sâu nước độc”, “sơn lam chướng khí”, lại luôn phải đối mặt với các loại đối tượng nguy hiểm (tội phạm ma túy, buôn lậu, cướp của, giết người; các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia) và các tình huống khẩn cấp (sự cố thiên tai, bão lũ, đại dịch…).

Vì vậy, bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng luôn được Nhà nước quan tâm và có các quy định phù hợp. Gần đây nhất, trên cơ sở kế thừa và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân nói chung và BĐBP nói riêng, Luật Biên phòng Việt Nam quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Cụ thể:

“Điều 27. Chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng

1. Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

2. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP được hưởng chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù phù hợp với tính chất công tác và địa bàn hoạt động do Chính phủ quy định”.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, “chế độ” là thuật ngữ thường đi liền với “chính sách” (chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ; chế độ, chính sách đối với BĐBP; chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số…). Với phương châm “Nhà nước bảo đảm nhu cầu tài chính, tài sản sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh và các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù của lực lượng vũ trang nhân dân”1, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng (các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân) ở khu vực biên giới được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm:  Hướng dẫn quản lý danh sách lớp học trên VnEdu

Trên phương diện lý luận, với cách tiếp cận khác nhau, “chế độ” và “chính sách” là những thuật ngữ có thể được hiểu theo nhiều nghĩa, như: “Chế độ” là “những điều quy định cần phải tuân thủ trong việc nào”2 hay là “hệ thống các quy định pháp luật cần phải được tuân thủ trong một quan hệ xã hội nhất định nhằm đạt được mục đích nhất định”3, còn “chính sách” là kế hoạch hành động, được thỏa thuận hoặc lựa chọn bởi chính phủ, đảng chính trị hoặc doanh nghiệp4 hoặc là “những cách thức tác động của Nhà nước vào các lĩnh vực của đời sống xã hội để đạt được mục tiêu định hướng”5. Trên cơ cơ sở quy định của pháp luật hiện hành về chế độ, chính sách của các loại đối tượng, của lực lượng vũ trang nhân dân, có thể hiểu “chế độ, chính sách” là tổng thể các quy định về quyền lợi mà một đối tượng được hưởng phù hợp với tính chất công việc mà đối tượng đó được giao thực hiện.

Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng bao gồm: Cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu và cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân đó. Tương xứng với tính chất nhiệm vụ, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng được Nhà nước bảo đảm chế độ, chính sách phù hợp. Trong đó, chỉ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới mới được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi, tức được quan tâm bảo đảm quyền lợi, điều kiện làm việc tốt hơn so với những lực lượng khác cũng được giao thực hiện nhiệm vụ biên phòng.

Đọc thêm:  Nhân vật trữ tình là gì? So sánh nhân vật trữ tình và nhân vật kịch

BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới, được cấu thành bởi đội ngũ cán bộ, chiến sĩ BĐBP biên chế trong các cơ quan, đơn vị của lực lượng, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở. Khoản 5, Điều 2, Luật Biên phòng Việt Nam quy định: “Cán bộ, chiến sĩ BĐBP bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc biên chế của BĐBP”.

Theo quy định pháp luật hiện hành, cán bộ, chiến sĩ BĐBP được hưởng một số chế độ, chính sách theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính (chế độ phụ cấp trách nhiệm quản lý, bảo vệ biên giới, hải đảo; chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo; chế độ ưu đãi xã hội; chế độ khi chuyển gia đình đến định cư ở vùng cao, hải đảo…)6.

Như vậy, về cơ bản, việc xác định chế độ đặc thù (loại chế độ có tính chất riêng, khác hẳn so với các chế độ cùng loại) hay chính sách ưu đãi đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP được thực hiện trên cơ sở tính chất công tác và địa bàn hoạt động. Với trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về biên phòng và BĐBP, Chính phủ được Quốc hội giao trách nhiệm quy định chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù phù hợp với tính chất công tác và địa bàn hoạt động của cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

Quy định này hoàn toàn phù hợp với thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, đã được ghi nhận tại khoản 2, Điều 19, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), bởi đây là vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ: Quốc phòng, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài chính.

Đọc thêm:  Mẫu biên bản ủy quyền thờ cúng liệt sĩ mới và chi tiết nhất

Quy định và thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng phải bảo đảm phù hợp với quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân trong Luật Quốc phòng, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam; đồng thời, cần bổ sung các chế độ, chính sách ưu đãi đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng nói chung, chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với BĐBP nói riêng một cách phù hợp, nhằm động viên tinh thần, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới yên tâm công tác, gắn bó, cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

Tiến sĩ Trần Minh Nguyệt, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

  1. Điều 33, Luật Quốc phòng năm 2018.
  2. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1996, tr.341.
  3. Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, Từ điển Luật học, Nhà xuất bản Từ điển bách khoa – Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr.122.
  4. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội, 1999, tr.246.
  5. Hà Thị Thanh Vân, Mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 06, tháng 6-2005.
  6. Thông tư liên tịch số 2076/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 8-7-1998 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với BĐBP (đã được sửa đổi theo Thông tư liên tịch số 35/2004/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 24-3-2004).
Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button