Chống xâm lăng (Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1898)
Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, giai đoạn 1858 – 1898 là một thời kỳ gây dấu ấn sâu đậm trongnhận thức tư tưởng của nhân dân ta nói chung và những người nghiên cứu lịch sử nói riêng. Chỉ vẻn vẹn có 40 năm thôi, nhưng biết bao nhiêu biến cố và sự kiện xẩy ra trên đất nước của chúng ta. Nhà Nguyễn xác lập mới 56 năm kể từ khi Gia Long Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802. Đó cũng không phải là thời gian đủ dài để xây dựng một chính thể quân chủ vững vàng. Trái lại, trải 4 đời vua, đặc biệt là từ khi Tự Đức tiếp nối Thiệu Trị thì hiểm họa mất nước đã treo lơ lửng trước mặt. Rồi tiếng súng của quân xâm lược thực dân phương Tây đã nổ ra tháng 8 năm 1858 ở Đà Nẵng và tháng 2 năm 1859 ở Sài Gòn. Bức tranh thời cuộc đã được nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu vẽ nên thật sinh động:
Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây Một bàn cờ thế phút sa tay Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy Mất ổ bầy chim dáo dác bay Bến Nghé của tiền tan bọt nước Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng Nỡ để dân đen mắc nạn này? (Chạy giặc – Nguyễn Đình Chiểu)
Diễn tiến của lịch sử trong vòng 40 năm ấy sẽ được Giáo sư Trần Văn Giàu thể hiện trên trang viết của mình. Điều thật sự bất ngờ là cuốn sách Chống xâm lăng của tác giả được thực hiện trong điều kiện tư liệu còn thiếu và hạn chế mà vẫn gây được sự tin cậy, có tính chất soi sáng cho các thế hệ nghiên cứu lịch sử cận đại Việt Nam sau này. Ấy là bởi vì tác giả rất chú trọng khâu sử liệu. Những tư liệu đó lại được kiểm chứng qua nhiều nguồn. Nhưng điều quan trọng nhất, quán xuyến trong quá trình biên soạn của Giáo sư là quan điểm của người viết sử: Tư tưởng biện chứng theo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin. Các sự kiện, biến cố, tình tiết của vấn đề, tính cách các nhân vật… được người viết thể hiện thật sinh động, yêu ghét rõ ràng. Do đó, dù công trình được thể hiện dưới dạng biên niên sử, nhưng không khô cứng. Đằng sau sự khách quan, lạnh lùng của người thuật chuyện hưng phế, chìm nổi của triều đại và phong trào chống xâm lược là cả một tấm lòng yêu nước thiết tha. Công trình Chống xâm lăng này, tác giả chia làm 3 quyển, có tiêu đề cụ thể ứng với nội dung và thời gian của sự kiện. Quyển 1: Nam Kỳ kháng Pháp; Quyển 2: Bắc Kỳ kháng Pháp; Quyển 3: Phong trào Cần Vương. Năm 2017, cùng với việc tổ chức xuất bản cuốn sách Đồng chí Trần Văn Giàu – Nhà cách mạng, nhà giáo, nhà khoa học – Dấu ấn một nhân cách nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Giáo sư Trần Văn Giàu (11/9/1911 – 11/9/2016), Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tái bản tác phẩm Chống xâm lăng của chính tác giả Trần Văn Giàu. Đây là một công trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam có giá trị và thật sự bổ ích khi chúng ta soi lại những biến cố đã qua. Trong lần tái bản này, được sự giúp đỡ của học giả An Chi, Giáo sư – Tiến sĩ Huỳnh Như Phương, Tiến sĩ Phan Văn Hoàng, Nhà xuất bản cố gắng tra cứu, chú thích nguyên gốc chữ Pháp tên các địa danh, nhân vật được tác giả đề cập trong tác phẩm. Tuy vậy, vẫn còn một số địa danh, nhân vật chưa thể truy nguyên và cập nhật, mong được sự chia sẻ và hỗ trợ của bạn đọc để hoàn thiện trong lần tái bản tiếp theo.
Xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc!
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!