Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, chiến sỹ xuất sắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo nhân dân ta giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một kho tàng lý luận hết sức quý giá, đó là “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, trong đó tư tưởng về quân sự, về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân chiếm một tỷ trọng lớn, xuyên suốt trong cuộc đời đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của Người.

Trên cơ sở nắm vững lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, nghiên cứu các luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về vũ trang dân chúng, về tổ chức Hồng quân – một quân đội kiểu mới trên cơ sở vũ trang toàn dân của V.Lênin; nghiên cứu bản chất kẻ thù và thực tiễn cách mạng Việt Nam; đồng thời kế thừa và phát triển kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang trong lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước xác định nguyên tắc, cơ cấu lực luợng vũ trang nhân dân Việt Nam về mặt lý luận, chuẩn bị tiền đề cần thiết để tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang trong thực tiễn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thăm diễn tập của lực lượng vũ trang miền Bắc (năm 1957). Ảnh: Tư Liệu

Để chuẩn bị cho việc xây dựng lực lượng vũ trang, ngay từ những năm hoạt động ở Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu về hình thức tổ chức quân đội của nước bản địa đang thống trị dân tộc mình, xem xét cơ cấu, nguồn gốc cũng như tính chất nguy hiểm của nó đối với giai cấp vô sản ở chính quốc và các nước thuộc địa. Tiếp đó, Người nghiên cứu Công xã Pari và tổ chức quân đội của Công xã. Rồi sang nước Nga; Trung Quốc…, từ đó trở đi tư tưởng của Người về vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng rõ ràng hơn.

Năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (do Người chủ trì), lần đầu tiên khái niệm cơ cấu lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân được nêu ra. Hội nghị cho rằng, trên cơ sở xây dựng và phát triển lực lượng chính trị quần chúng, từng bước tổ chức ra các đội tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu (tiểu tổ du kích) rộng rãi để chuẩn bị tiến lên thành lập các đội du kích chính thức và sau nữa là tiến lên thành lập đội quân công nông.

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, ngày 21 tháng 12 năm 1941, Trung ương Đảng chỉ thị cho các địa phương phải ra sức mở rộng và củng cố các đội tự vệ, sau đó lựa chọn những đội viên ưu tú tổ chức ra các tiểu tổ du kích. Theo tinh thần đó, Chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh (5-1944) nêu rõ cách thức tổ chức và cơ cấu lực lượng vũ trang bao gồm: Bộ đội du kích, tiểu tổ du kích và đội tự vệ cứu quốc.

Đọc thêm:  Tiêu chuẩn độ bền MIL-STD 810 là gì? Đây có ... - Quantrimang.com

Như vậy, từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khi đề cập đến hình thức tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, các văn kiện của Đảng và của Mặt trận Việt Minh đều đã nhắc đến cơ cấu tổ chức ba thứ quân. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các thứ quân ra sao, vai trò của từng thứ quân như thế nào vẫn chưa được xác định rõ ràng. Phải đến tháng 12 năm 1944, những vấn đề trên mới được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ sung. Người viết “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Chỉ thị nêu rõ: “Trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được làm cho các đội này trưởng thành mãi lên. Đối với các đội vũ trang địa phương: đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến”.

Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thực sự là văn kiện mang tính chất một bản cương lĩnh thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trên lĩnh vực quân sự. Chỉ thị xác định một số vấn đề cơ bản của đường lối quân sự và một số vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời đại mới. Đến đây, cơ cấu tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn chỉnh về mặt lý luận.

Được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ tổ chức và chỉ huy, ngày 22-12-1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm lễ thành lập “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Với việc thành lập “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, hệ thống tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng gồm ba thứ quân do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra và chỉ đạo tổ chức đã bước đầu hình thành: Đội quân chủ lực của khu căn cứ Cao – Bắc – Lạng (sau này là chủ lực của cả nước), các đội du kích tập trung của các huyện, tỉnh và lực lượng tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu ở khắp các làng xã. Đến đây, mô hình về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân – tổ chức quân sự cách mạng kiểu mới của dân tộc ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã ra đời. Đó là lực lượng vũ trang kiểu mới do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, là lực lượng vũ trang cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, từng bước được xây dựng ngày càng hoàn chỉnh và không ngừng lớn mạnh.

Đọc thêm:  Phân tích hình tượng con ếch trong truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ngày 15-5-1945, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và các đơn vị cứu quốc quân được thống nhất thành lực lượng bộ đội chủ lực mang tên “Việt Nam Giải phóng quân”. Tại một số tỉnh, huyện, các đơn vị “Giải phóng quân” địa phương được thành lập. Tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang đã làm nòng cốt cho toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và trở thành lực lượng vũ trang nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hết sức chăm lo xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân. Một mặt, chúng ta khẩn trương xây dựng bộ đội chủ lực; mặt khác quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang tại chỗ. Dân quân du kích, tự vệ từ chỗ là tổ chức vũ trang quần chúng do Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể Cứu quốc xây dựng, chỉ đạo, đến năm 1947 được thống nhất về tổ chức, trở thành một bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Từ đây, dân quân du kích, tự vệ đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của các cấp xã đội, huyện đội, tỉnh đội bộ dân quân. Đây là bước phát triển mới về cơ cấu tổ chức lãnh đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân ta, do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện.

Để hoàn chỉnh dần cơ cấu tổ chức của lực lượng vũ trang nhân dân, ngày 7 -4-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập bộ đội địa phương, đến tháng 8 cùng năm, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Về việc xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân”, trong đó chỉ ra rằng, bộ đội địa phương và dân quân du kích trong quá trình phát triển của chiến tranh là lực lượng hậu bị trực tiếp của quân chủ lực, việc xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân là một trong những công tác then chốt để đảm bảo cho cách mạng giành thắng lợi. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cống hiến kiệt xuất trên lĩnh vực quân sự. Đây là thời kỳ phát triển hoàn chỉnh tư tưởng của Người về xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, đến đây, cơ cấu tổ chức lực lượng vũ trang ba thứ quân theo tư tưởng Hồ Chí Minh gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, tự vệ đã được xây dựng đầy đủ. Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đề ra phương châm và chỉ đạo sát sao sự nghiệp xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân trên cơ sở xây dựng phát triển lực lượng chính trị, phát huy sức mạnh đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến miền Nam, từng bước hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức lực lượng vũ trang ba thứ quân với quy mô, số lượng thích hợp, sức chiến đấu cao, trong thời kỳ này, lực lượng vũ trang ba thứ quân của ta đã lớn mạnh và trưởng thành vượt bậc về quy mô cũng như tổ chức.

Đọc thêm:  Nếu được là người chứng kiến cảnh lão Hạc kể chuyện bán chó với

Như vậy, trên nền chung của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân hoàn chỉnh theo tiến trình phát triển chung của cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử. Sự phát triển của của lực lượng vũ trang nhân dân thành ba thứ quân, trong đó bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương hợp thành quân đội nhân dân, còn dân quân du kích, tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng, phản ánh tính chất toàn dân rộng rãi của tổ chức quân sự cách mạng kiểu mới của nhân dân ta. Mỗi thứ quân có chức năng, nhiệm vụ và vị trí, vai trò riêng, nhưng đồng thời có mối quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Với cách tổ chức lực lượng vũ trang ba thứ quân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta đã kết hợp xây dựng quân đội cách mạng với lực lượng vũ trang nhân dân phù hợp với quy luật tổ chức và sử dụng lực lượng vũ trang ba thứ quân, phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của nó, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chính điều đó đã phản ánh và chứng minh giá trị lý luận và thực tiễn to lớn của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và vai trò to lớn của Người đối với sự ra đời, trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Hiện nay, nước ta đang thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là sự nghiệp vô cùng vẻ vang nhưng cũng không ít những khó khăn thách thức. Cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc vẫn diễn ra hết sức gay go, quyết liệt, các thế lực thù địch và phản động vẫn đang chống phá cách mạng nước ta một cách ráo riết. Một trong những mũi nhọn mà kẻ địch tập trung vào chống phá là các lực lượng vũ trang nhân dân, với âm mưu thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội và lực lượng vũ trang. Trước tình hình đó, Đảng ta nhất quán chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc, trong đó luôn chú trọng vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang, đặc biệt là vai trò của quân đội. Bởi vậy, phải chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân ngày càng vững mạnh. Cùng với sự phát triển dân quân, tự vệ rộng khắp, tăng cường chất lượng dự bị động viên, phải đặc biệt chú trọng xây dựng quân đội nhân dân theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật hiện đại cần thiết cho lực lượng vũ trang cả trong thời bình để vận dụng có hiệu quả trong cuộc chiến tranh xâm lược mới nếu kẻ địch cố tình gây ra.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button