Phủ Chúa Trịnh – Một thời lầu son gác tía – Công an Nhân dân

Phủ Chúa Trịnh – Một thời lầu son gác tía – Công an Nhân dân

Sau khi giúp nhà Lê trung hưng đánh bại nhà Mạc, lấy lại kinh thành Thăng Long, ở Đàng Ngoài nước ta hình thành triều đình vua Lê – chúa Trịnh, mà vai trò của nhà vua ngày càng lu mờ, còn các chúa Trịnh dần trở thành trung tâm quyền lực chính trị. Triều đình nhà vua chỉ còn hư vị, chính phủ nằm ở bên phủ chúa, do đó, không có gì lạ khi cung vua ngày càng hoang tàn, mà phủ chúa thì nguy nga tráng lệ.

Bộ ký sự “Tang thương ngẫu lục” của hai tác giả Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án cuối thời Lê cho biết, năm 1785, nhân khi gặp kỳ lễ Thất tuần đại khánh (sinh nhật 70 tuổi) của Vua Lê Hiển Tông, triều đình mới tổ chức lễ lớn. Lúc đó mới nhớ lại rằng việc vào chầu trong triều đình nhà vua đã bị bỏ từ lâu. Nền điện chính trên núi Nùng (thời Lý là điện Càn Nguyên), xưa là nơi các vua Lê thiết lễ đại triều đã bỏ làm điện Kính Thiên, chỉ làm nơi thờ Hiệu thiên Thượng đế (thờ trời) và Hậu thổ Địa kỳ (thờ đất), và phụ phối thờ vua Lê Thái Tổ mà thôi. Vua Lê lúc đó mỗi tháng hai lần vào ngày rằm và mùng Một chỉ coi chầu ở điện Cần Chính, viện Đãi Lậu ở hai bên đã nối nhau sụp đổ, cỏ mọc lên thềm và ngập đến đầu gối, phân ngựa vấy bừa bãi.

Sau khi triều đình tổ chức xong lễ mừng thọ cho Vua Lê Hiển Tông, các phụ lão ở kinh thành đều phải thốt lên rằng: “Tám mươi năm qua mới được trông thấy lễ này”. Điều đó cho thấy việc vua Lê khi đó chỉ là hư vị như thế nào.

Trong khi đó, phủ chúa Trịnh được xây dựng ở ven hồ Hoàn Kiếm, lộng lẫy và quy mô như một thành phố. Xung quanh phủ và ven các hồ lân cận, nhà chúa cho xây dựng khá nhiều nguyệt đài, thủy tạ, như dựng Tả Vọng đình trên Gò Rùa (nền Tháp Rùa ngày nay); dựng cung Khánh Thụy; đắp núi Ngọc Bội để tôn vinh võ công ở bờ phía Tây hồ. Nhà chúa cũng cho lập các trại thủy binh trên hồ, nên hồ Hoàn Kiếm còn gọi là hồ Thủy quân.

Đặc biệt, ở cửa ô Tây Long (khoảng vị trí Bảo tàng Lịch sử ngày nay), vào năm 1644, chúa Trịnh Doanh cho xây lầu Ngũ Long mang hình năm con rồng. Theo một số ghi chép để lại thì lầu rất cao, có sách nói cao 300 thước (tức tới cả 120m, điều này khó có thể tin là thật), được dát bằng mảnh sứ và có đá cẩm thạch quấn quanh, nên từ rất xa đã có thể trông thấy.

Quy mô phủ Chúa kéo dài ra đến tận bờ sông Hồng, vì chúa Trịnh còn cho xây dựng ngoài phủ những chuồng voi mà các tác giả phương Tây quan sát, ước chừng có từ 150-200 con, hàng ngày voi đều được dẫn xuống sông để uống nước và tắm rửa. Nội cung có lầu Ngũ Phượng, nơi tuyên phi ngự và có các hoa viên. Đường nối qua các cung là hành lang có điếm hậu mã quân túc trực, bao lơn lượn vòng kiểu cách tuyệt đẹp. Sau nội cung có Thái Miếu, nơi thờ phụng các tổ tiên Chúa Trịnh.

Đọc thêm:  Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tính cẩu thả – Thủ thuật

Theo lời mô tả của Samuel Baron, thương gia Anh quốc đến Thăng Long năm 1680, ta có thể thấy hình ảnh phủ Chúa Trịnh hiện ra sống động: Phủ Chúa ở Trung tâm thành phố Kẻ Chợ. Những dinh thự dành cho người nhà chúa được xây 2 tầng có nhiều cửa mở thoáng đãng. Các cửa đồ sộ, chạm trổ công phu và tất thảy đều làm từ gỗ lim.

Các tư thất và cung dành cho phụ nữ đều lộng lẫy, xa hoa, có chạm trổ, sơn son thiếp vàng. Sân trước khu dinh thự có chuồng voi lớn và ngựa tốt, phía sau phủ đường là hoa viên, cây cối, ao cá… cùng bất cứ thú thưởng ngoạn nào mà vương quốc này có thể đáp ứng để chúa tiêu khiển vì ngài hiếm khi ra ngoài.

Còn trong thiên “Thượng kinh ký sự”, danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, người từng được chúa Trịnh Sâm vời ra để chữa bệnh cho vương tử Trịnh Cán, cũng ghi chép rất chi tiết về quang cảnh phủ chúa khi ông lần đầu được bước chân vào: “Tôi ngẩng đầu lên coi thì bốn phương tám mặt, nơi nào cũng cây cối um tùm, chim kêu hoa nở, gió thoảng hương đưa. Những hành lang, những bao lơn bước bước đều liên tu, nơi nơi đều cân đối. Kẻ gác cửa có việc gì thì truyền báo, kẻ công dịch qua lại như mắc cửi”.

Ngay cả cái điếm “Hậu mã quân túc trực” cũng khiến vị danh y từ đất Hương Sơn cảm thấy ấn tượng: “Điếm ở bên một cái hồ lớn, trong hồ có cây kỳ đá lạ, trong điếm cột và câu lơn đều gẫy gọn, thể chế khéo lạ”.

Những dòng ghi chép của Lãn Ông dẫn dắt người đọc hàng trăm năm sau như đang được thấy cảnh phủ chúa nguy nga hiện ra sống động trước mắt: “Đi sâu vào trong phủ chúa cũng khiến cho chúng ta cảm thấy choáng ngợp với vẻ giàu sang của phủ chúa. Chúng tôi theo cửa hữu phủ đường mà đi, quanh co ước hơn một dặm thì thấy lâu đài đình các, rèm châu cửa ngọc, ánh nước long lanh thấu từng mây. Quanh lối đi nào kỳ hoa, dị thảo, gió thoảng hương bay, chim xinh, con hót con nhảy. Chốn bình địa nổi ngọn núi cao, nơi bóng râm tỏa lùm cổ thụ. Cầu sơn vẽ bắc qua dòng nước, đá sặc sỡ tạo thành lan can. Tôi vừa đi vừa ngắm, thực chẳng khác cảnh tiên vậy”.

Còn đây là cảnh ông được ban bữa ăn sáng: “Trong lúc ăn uống tôi thấy chén bạc mâm vàng, các món ăn đều quý lạ, mới hay phong vị của đại gia là thế”. Và sau đó là chi tiết nội cung của nhà chúa: “Ăn vừa xong đã thấy quan thị cận chạy hộc tốc đến triệu quan Chính đường vào nghe lệnh. Tôi đi theo ông, đến trước phòng “trà” (phòng Thế tử dùng thuốc, trong phủ kiêng dùng chữ “thuốc” nên gọi chệch là “trà”).

Đọc thêm:  Kể lại truyện Tấm Cám với một kết thúc khác

Ông sợ tôi lạc lối, bảo đi sát đằng sau ông, chợt thấy một nơi kia màn gấm mở ra, vào bên trong thấy đen tối, không biết đâu là cửa ra, màn trướng thì hết lớp này đến lớp khác, mỗi lớp đều có thắp một ngọn nến để dẫn đường. Đi qua chừng bốn năm lớp trướng gấm thì đến căn nhà rộng, vào trong thấy một vị ngồi giữa chiếc sập thếp vàng, độ năm sáu tuổi, mặc áo lụa hồng, tả hữu có mấy người đứng hầu, một cây nến lớn đốt cháy, cắm trên cây đèn đồng.

Bên sập đặt một cái long kỷ sơn son vẽ vàng, mặt kỷ có đệm gấm. Ngang sân trước có treo một trướng gấm, phía trong cung nhân đứng xúm xít với nhau, nến sáng lụa che, mặt phấn áo hồng, lóng lánh mọi vẻ; mùi hoa thơm chan hòa khắp nhà”.

Tác giả Phạm Đình Hổ, trong “Vũ trung tùy bút”, truyện “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh”, tả về thú chơi kỳ hoa dị thảo của các chúa Trịnh như sau:

“Buổi ấy bao nhiêu những loài trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian, Chúa đều sức thu lấy, không thiếu một thứ gì. Có khi lấy cả cây đa to, cành lá rườm rà, từ bên bắc chở qua sông đem về. Nó giống như một cây cổ thụ mọc trên đầu non hốc đá, rễ dài đến vài trượng, phải một cơ binh mới khiêng nổi, lại bốn người đi kèm, đều cầm gươm đánh thanh la đốc thúc quân lính khiêng đi cho đều tay. Trong phủ, tùy chỗ, điểm xuyết bày vẽ ra hình núi non trông như bến bể đầu non. Mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn, kẻ thức giả biết đó là điều bất thường.

Bọn hoạn quan cung giám lại thường nhờ gió bẻ măng ra ngoài dọa dẫm. Họ dò xem nhà nào có chậu hoa cây cảnh, chim tốt khướu hay, thì biên ngay hai chữ “phụng thủ” vào. Đêm đến, các cậu trèo qua tường thành lẻn ra, sai tay chân đem lính đến lấy phăng đi rồi buộc cho tội đem giấu vật cung phụng để dọa lấy tiền. Hòn đá hoặc cây cối gì to lớn quá, thậm chí phá nhà hủy tường để khiêng ra. Các nhà giàu bị họ vu cho là giấu vật cung phụng, thường phải bỏ của ra kêu van chí chết, có khi phải đập núi non bộ hoặc phá cây cảnh để tránh khỏi tai vạ”.

Đọc thêm:  Dàn Ý Kể Về Ước Mơ Của Em ❤ 10 Mẫu Hay Nhất – SCR.VN

Không chỉ tuyển chọn những loại cây đẹp nhất, các chúa Trịnh cũng yêu cầu chăm sóc chúng là những bàn tay tài hoa nhất. Phạm Đình Hổ viết tiếp: “Trong cung có bày bể cạn, núi non bộ và cảnh hoa đá gì, đều phải qua tay ông Nguyễn Khản (con trai Đại tư đồ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, anh trai đại thi hào Nguyễn Du) chăm sóc thì mới vừa ý nhà chúa. Nhà chúa lại thường sai ông đi sửa sang các hành cung ở Châu Long, Tử Trầm, Dũng Thúy. Ông có tài đục nặn núi đá, vẽ vời phong hoa, nên thường được nhà chúa ban khen”.

Phủ chúa Trịnh ngày thường đã là bậc kỳ quan kiến trúc nhưng đến ngày lễ hội thì vẻ đẹp xa hoa của nơi đây mới thực sự bộc lộ hết. Nguyễn Án tả trong “Tang thương ngẫu lục”: “Mỗi năm đến tết Trung thu, từ trước mấy tháng, chúa phát gấm trong cung ra để làm hàng trăm, hàng nghìn cái đèn lồng, cái nào cũng tinh xảo tuyệt vời, mỗi cái giá đến mấy chục lạng vàng. Đến ngày chúa ngự ra chơi Bắc cung, cung có cái ao gọi là Long Trì rộng nửa dặm. Trong ao trồng rất nhiều hoa sen, hoa súng.

Ven ao đắp đất trồng đá làm núi, chỗ cao chỗ thấp, dàn đặt có hình thế. Có những chỗ khuỷu để cho nhạc công ngồi đàn sáo. Bờ ao trồng hàng mấy trăm cây phù dung, treo đèn ở trên. Sóng trăng rập rờn, trông xa tựa hàng vạn ngôi sao sáng. Nội thị từ tam phẩm trở lên, chít khăn mặc áo như đàn bà, bày hàng ở rìa đường, bán những tạp hóa cùng các đồ hoa quả, chả, rượu, thức gì cũng có, chồng chất như núi…

Nửa đêm chúa ngự đến ao, xuống thuyền. Quan hầu và các phi thiếp gõ ván hò reo, đi lại vùn vụt và lênh đênh trên sông. Chợt lúc lại đánh đàn, lại thổi sáo, lại ca hát, tiếng vang lanh lảnh, khiến người tưởng như lên chơi cung Quảng Hàn mà nghe khúc nhạc Quân Thiên. Chúa nhìn ngắm lấy làm vui sướng, mãi đến gà gáy mới về”.

Tuy nhiên, không có gì là tồn tại mãi mãi. Năm 1786, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ kéo quân ra, chúa Trịnh Khải đã phải bỏ mạng. Quân Tây Sơn kéo về, Trịnh Bồng, anh họ chúa Trịnh Sâm cố gắng níu kéo cơ đồ họ Trịnh, nhưng năm 1787, họ Trịnh thất bại trong việc khôi phục lại địa vị, Trịnh Bồng chạy khỏi kinh thành, vua Lê Chiêu Thống ngầm cho người đốt phủ chúa đi. Đám cháy lan khắp hai phần ba kinh thành và cháy trong mười ngày liền mới dứt. Cơ đồ họ Trịnh cả trăm năm tan ra thành khói hết.

Đánh giá bài viết