Ngày của cha: Cảm ơn vì được làm ba – Báo Tuổi Trẻ
1. Trong một lần phỏng vấn một nhân vật, tôi hỏi: “Điều khó nhứt trong đời mà anh từng trải qua là gì?”, không cần nghĩ, anh trả lời ngay: đó là làm ba của hai đứa con.
Nói rồi anh phân tích, thiệt sự làm ba khó lắm. Đó không chỉ là việc ta tạo ra đứa trẻ bằng cơ chế sinh học, di truyền mà hơn cả là giáo dưỡng, làm cho con giàu có về tâm hồn.
Làm sao để được việc ấy? Anh bảo mình cần phải… biết tu. Tôi ngạc nhiên. Anh lại giải thích: khi làm ba, mà thực ra trước khi làm ba nhưng biết chắc mình sẽ là ba của một đứa trẻ trong tương lai, bạn phải chuẩn bị “giáo án” để dạy con mình.
Giáo án đó chính là thực tế đời sống của bạn, cái tâm, cái tầm đủ lớn, đủ trong sáng, đủ vững chãi để chở che, dắt dìu.
Để được vậy, bạn phải tu dưỡng thân, tâm, rèn trí của mình mỗi ngày, biết khước từ những mời mọc, không thỏa hiệp với những bản năng phàm tình. Bạn không thể trở thành ba tốt khi chưa thật sự là người con tốt.
2. Hai người con của anh mỗi đứa một sở thích, một tính cách riêng nên khi làm ba của mỗi đứa bạn lại phải có nghệ thuật riêng. “Như thằng lớn của anh thích nghệ thuật. Con để tóc dài rồi búi lên, còn xăm mình ở vài chỗ, đeo bông tai, trông rất nghệ sĩ.
Thực ra, trước đó anh không thích kiểu người như vậy, nghĩ xăm trổ là xấu, con trai mà đeo bông tai là kỳ. Nhưng khi có con có sở thích ấy, quan sát và thấy nó cũng bình thường. Dù có thay đổi hình thức theo kiểu cách thế nào thì con vẫn là chàng trai hiền lành, tử tế, ưa giúp đỡ người khác”, anh kể.
Nếu không nhìn vào mặt tích cực, không hiểu sở thích của con có khi sẽ xảy ra mâu thuẫn với nhau.
“Tại sao chúng ta không tìm thấy điểm dễ thương ở một người, nhất là con mình, để đồng hành, để yêu thương mà lại nhìn vào sự khác nhau rồi gây khổ cho nhau?”, anh gợi mở. Và quả thật điều đó rất đáng suy nghĩ.
“Con trai đã dạy anh có cái nhìn khác, biết mở lòng và chấp nhận hơn”, người ba dễ thương ấy tâm đắc.
3. Chấp nhận sự khác biệt của con là điều mà nhiều ông bố phải học. Đừng nghĩ “cha làm thầy, con đốt sách” là một thất bại. Ba có thể rất thành công nhưng con chọn sống với một cuộc đời bình thường cũng được, chỉ vì nó phù hợp với con.
Có những ông bố đã khóc ròng khi chia sẻ về đứa con trai là cháu đích tôn của dòng họ mang giới tính khác, thuộc cộng đồng LGBT. Họ khóc không phải vì tủi hổ hay trách móc con mà vì “có lúc đã từng nặng lời với con, cho đến khi nó không chịu nổi nữa…”.
Có những điều con của mình không thể kiểm soát được vì sao lại như vậy, nhứt là chuyện mang giới tính gì.
Với sự khác biệt với số đông nhưng rất đỗi bình thường trong cuộc sống ấy, con cần điểm tựa gia đình, cần ba hiểu và thương biết bao, nhưng chỉ vì sợ miệng đời, sợ con sẽ thế này thế nọ, ta lại đẩy con đi xa.
Tâm sự đó của rất nhiều người bố (và cả mẹ) sau khi nhìn sâu, hiểu thấu vấn đề.
4. “Cuộc sống là đa sắc. Con cái của chúng ta cũng vậy. Khi được có con, được làm ba, đó là một ân điển rất lớn, bởi có những người không có được cơ hội ấy.
Do vậy, khi ta có được, sự trân trọng, học cách làm ba để trở nên vững chãi, đầy yêu thương chính là một nhiệm vụ suốt đời”, anh nói.
Theo anh, người ba đừng có tâm lý bắt con phải biết ơn mình, thay vào đó hãy tập biết ơn nhau.
“Cảm ơn con đã đến để ba được làm ba và được học những bài học mới mẻ vô cùng”. Lời biết ơn mỗi sáng này sẽ nuôi dưỡng tình thương và giúp cho một người ba trở nên lịch lãm hơn với không chỉ con mình.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!