Dàn ý chi tiết cảm nhận của em về đoạn trích Chiếc lược ngà

Tổng hợp Dàn ý chi tiết cảm nhận của em về đoạn trích Chiếc lược ngà do Top lời giải sưu tầm và biên soạn. Qua dàn ý và các bài văn mẫu được biên soạn ngắn gọn, chi tiết, hay nhất dưới đây sẽ giúp các bạn có thêm tài liệu, các cách hành văn khác nhau, qua đó có thể tiếp cận tác phẩm với cái nhìn đa chiều, mới mẻ hơn. Mời các bạn cùng xem!

Dàn ý chi tiết cảm nhận của em về đoạn trích Chiếc lược ngà – Mấu số 1

Dàn ý chi tiết cảm nhận của em về đoạn trích Chiếc lược ngà ngắn gọn nhất (ảnh 1)

I. Mở bài:

– Sơ lược về tác giả Nguyễn Quang Sáng và phong cách sáng tác.

– Vài nét về vị trí và nội dung của Chiếc lược ngà.

II. Thân bài:

a. Nhan đề:

– Nó là mơ ước của bé Thu và nó cũng tượng trưng cho tình cảm cha con sâu nặng của ông Sáu với cô bé Thu từ lúc còn sống cho đến cả lúc hy sinh.

– Là kỷ vật cuối cùng mà ông Sáu để lại cho con, đồng thời cũng khắc sâu nỗi đau đớn mà chiến tranh đã để lại trong mỗi gia đình, sự mất mát, đau thương, sự chia cắt.

b. Nhân vật bé Thu:

* Trước lúc nhận cha:

– Từ chối, bài xích tất cả mọi tình cảm sự chăm sóc mà ông Sáu dành cho cô bé (nêu dẫn chứng).

– Nguyên nhân: Bởi mặt ông Sáu có vết sẹo dữ tợn không giống người ba trong ảnh mà nó hằng nâng niu mong nhớ.

=> Tái hiện được cái nghịch cảnh éo le mà chiến tranh đã gây ra cho mỗi con người, không phải chỉ là sự chịu đựng gian khổ của người lính nơi chiến trường mà đó còn là sự đớn đau, khổ sở của cả những con người ở hậu phương.

=> Đồng thời cũng thể hiện những nét tính cách đặc sắc của bé Thu, hồn nhiên, bướng bỉnh, cá tính và vô cùng yêu thương cha mình, đặc biệt cách mà bé Thu từ chối tình cảm của ông Sáu cũng là một cách để cô bé bộc lộ tình cảm yêu cha vô cùng sâu nặng, thắm thiết.

* Sau khi nhận cha:

– Ôm hôn cha thắm thiết, tiếng gọi ba như xé cả không gian xé cả lòng người, thể hiện thứ tình cảm sâu nặng mà cô bé đã chôn giấu biết bao lâu.

– Mong muốn ông Sáu ở nhà không đi nữa => Không chỉ dừng lại ở sự yêu thương vô bờ bến với ông Sáu mà còn là nỗi sợ hãi vô hình, có lẽ rằng con bé đã linh cảm được lần đi này của ông Sáu là một đi không trở lại, thế nên nó không muốn để ông đi dù chỉ một chút, nó chỉ muốn ông ở nhà với nó, 8 năm trời xa cách đã để lại trong lòng nó quá nhiều nỗi nhớ thương sâu sắc.

– Chiếc lược ngà đã xóa tan hết mọi khoảng cách giữa hai cha con, là sợi dây gắn kết chặt chẽ tình cảm yêu thương gắn bó của cả hai người.

c. Nhân vật ông Sáu:

* Khi trở về thăm nhà:

– Là người lính chiến gặp bi kịch trong chính gia đình của mình đứa con gái bao lâu ông hằng mong nhớ không chịu nhận ông, thậm chí bài xích hết tất cả những gì ông muốn bù đắp cho cô bé. Điều đó khiến ông Sáu vô cùng đau khổ (nêu dẫn chứng).

– Sự đau khổ quá lớn khiến ông có hành động sai lầm, khi lỡ tay trách phạt con, điều đó vừa khiến bé Thu tổn thương, đồng thời càng làm cho trái tim ông đau đớn hơn, thậm chí nỗi hối hận kéo dài mãi đến tận lúc ông hy sinh.

* Khi ở chiến trường:

– Ông nhớ con đến quặn từng khúc ruột, thêm sự day dứt, hối hận vì một lần đánh con, làm tổn thương con bé khiến ông Sáu không ngừng buồn bã.

– Công việc chế tạo và nâng niu chiếc lược ngà tựa như nâng ước mơ con đã làm cho ông Sáu nguôi ngoai nỗi hối hận day dứt, đồng thời nỗi nhớ yêu con lại càng trở nên tha thiết.

– Ngày hy sinh ông Sáu vẫn chỉ còn tiếc nuối mãi một việc là chưa kịp trao tận tay chiếc lược ngà cho con gái.

=> Tình yêu thương con vô bờ bến của ông Sáu, đồng thời phản ánh một cách vô cùng sâu sắc những nỗi đau, những bi kịch mà chiến tranh để lại trong cuộc đời người lính.

III. Kết bài

– Nêu cảm nghĩ.

Dàn ý chi tiết cảm nhận của em về đoạn trích Chiếc lược ngà – Mấu số 2

Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm

+ Đoạn trích chiếc lược ngà để lại cho em ấn tượng về tình cảm chân thành mà bé Thu dành cho cha

Thân bài:

– Tóm tắt câu chuyện

– Tình cảm của bé Thu dành cho cho cha

Kết bài:

– Suy nghĩ của bản thân về đoạn trích.

Dàn ý chi tiết cảm nhận của em về đoạn trích Chiếc lược ngà – Mấu số 3

Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Quang Sáng và tác phẩm Chiếc lược ngà; khẳng định vị trí của tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Quang Sáng cũng như trong nền văn học kháng chiến chống Mỹ của dân tộc

Thân bài:

* Giới thiệu về tác phẩm

– Ra đời năm 1966, thời kì cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra gay go và ác liệt nhất. Bom đạn của kẻ thù dội xuống miền Nam nhằm hủy diệt sự sống. Để bảo vệ hòa bình của dân tộc và sự bình yên cho quê hương, những con người như ông Sáu đã bỏ lại sau lưng gia đình dấn thân vào chiến trường một phen sống mái với kẻ thù. Chiến tranh đã gieo rắc cái chết, nỗi khổ đau và cũng là nguyên nhân của những mất mát về tình cảm gia đình của ông Sáu.

– Truyện kể ngôi thứ nhất qua lời kể của Bác Ba – bạn thân anh Sáu, cũng là người trực tiếp chứng kiến câu chuyện khiến câu chuyện trở nên sinh động, khách quan và chân thực hơn

– Chiếc lược ngà là kỉ vật cuối cùng của ông Sáu dành cho bé Thu cũng là minh chứng cho tình cha con thiêng liêng, bất diệt mà ông Sáu dành cho đứa con gái bé bỏng của mình

– Nhà văn dẫn dắt nhân vật vào tình huống éo le để nhân vật bộc lộ sâu sắc tình cha con

– Nói sơ lược cốt truyện

– Cảm nhận về tác phẩm

* Những mất mát, đau thương và nghị lực của nhân vật ông Sáu và bé Thu

– Ông Sáu: tham gia chiến tranh từ khi con gái mới lọt lòng, không được ở bên cạnh con để nhìn nó lớn lên; chịu nỗi đau về thể xác – minh chứng cho tội ác của kẻ thù, là vết thẹo dài trên mặt. Vết thẹo là lý do khiến cho bé Thu một mực không nhận ông Sáu là cha, mặc cho ông có cố gắng thế nào. Cuộc đời ông Sáu là sự hi sinh hạnh phúc cá nhân cho hạnh phúc của cộng đồng, cũng là số phận của những con người Việt Nam trong thời chống Mỹ, nước mất nhà tan, gia đình chia rẽ, li tán

Đọc thêm:  Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Câu

– Bé Thu: Sống với má và chỉ biết đến cha qua bức hình chụp chung với má. Bé Thu là một cô bé ngang bướng, cứng đầu. Nó kiên quyết không chịu nhận va gọi ông Sáu là ba dù bị mẹ nó ép hay ông Sáu dỗ dành. Nó càng ngang bướng bao nhiêu càng chứng tỏ tình yêu cha của nó lớn bấy nhiêu. Trong tâm hồn của đứa trẻ tội nghiệp ấy, ba nó không có cái thẹo. Nên mặc cho nỗi khao khát được cha yêu thương, mặc cho những đe dọa của mẹ, nó vẫn không chịu nhận. Điều ấy làm cho cả bé Thu và ông Sáu đều chịu tổn thương về tinh thần.

* Tình cha con sâu đậm

– Những cử chỉ, hành động của ông Sáu và bé Thu trong 3 ngày nghỉ phép

+ Giây phút đầu gặp gỡ

+ Trong 3 ngày nghỉ phép

+ Trong bữa cơm

+ Trong những giây phút cuối cùng của buổi chia li

– Hành động tỉ mẩn làm lược và ánh mắt gửi gắm cuối cùng của ông Sáu trước lúc hi sinh

* Đặc sắc về nghệ thuật: tình huống truyện, cách trần thuật, cách lựa chọn chi tiết…

Kết bài: Khẳng định lại cảm xúc của bản thân với tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

Dàn ý chi tiết cảm nhận của em về đoạn trích Chiếc lược ngà ngắn gọn nhất (ảnh 2)

Cảm nhận của em về đoạn trích Chiếc lược ngà – Bài mẫu 1

Viết về tình mẫu tử, đó là nguồn cảm hứng khai thác không hề vơi cạn của nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng. Đề cập đến tình phụ tử khách quan ai cũng công nhận đề tài ấy ít được đề cập đến. Nhưng không phải vì thế mà những tác phẩm viết về tình cha con lại phần nào tẻ nhạt, kém xúc động. Chúng ta đã từng xót trước đôi mắt “ầng ậng” nước và day dứt khi phải chứng kiến sự hy sinh thầm lặng của lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Để rồi đến với Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng người đọc khó có thể nào quên nỗi hối hận đến thắt lòng của ông Sáu khi đêm đêm nghĩ về con cũng như tình yêu cha sâu nặng của bé Thu. Chiếc lược ngà được viết năm 1966, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Truyện đã tập trung thể hiện tình cảm của cha con ông Sáu trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh, đã để lại nhiều xúc động trong lòng người đọc.

Truyện được xây dựng bởi tình huống truyện độc đáo, hợp lý đầy kịch tính. Kể về cuộc trùng phùng đầy nước mắt của hai cha con anh Sáu. Anh Sáu đi kháng chiến, sau tám năm anh được nghỉ ba ngày phép để về thăm nhà. Bao nhớ thương, khao khát dồn nén mong nhớ gặp lại con, thèm được nghe con gọi tiếng ba nhưng thật trớ trêu, bé Thu không nhận cha vì vết sẹo trên gương mặt anh. Đến khi Thu nhận cha cũng là lúc anh Sáu phải trở về đơn vị. Ở đơn vị anh nhớ con, thương con, hối hận vì lỡ đánh con, anh làm cho con chiếc lược ngà và gửi gắm biết bao tình yêu thương trong đó, anh đợi tới ngày thống nhất để trở về tặng cho con. Thế nhưng trong một trận càn, anh Sáu hi sinh, trước khi trút hơi thở anh chỉ kịp trao lại cho bác Ba người bạn thân của mình.

Có thể nói Nguyễn Quang Sáng, đã thể hiện vô cùng xúc động tình cảm cha con của anh Sáu. Trước tiên ta đến với diễn biến tâm lý tình cảm thái độ và hành động của bé Thu. Anh Sáu xa nhà đi kháng chiến, mãi đến khi con gái lên tám tuổi ông mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Đáp lại sự vồ vập của người cha, bé Thu lại tỏ ra ngờ vực, lảng tránh. Nghe tiếng gọi “Thu! Con” của anh Sáu, bé hoảng hốt, mặt tái đi, vụt chạy rồi kêu thét lên: “Má! Má!”. Trong ba ngày ngắn ngủi, anh sáu không dám đi xa, suốt ngày ở bên cạnh vỗ về con. Nhưng anh càng vỗ về, con bé càng đẩy ra. Anh mong được nghe tiếng “ba” của con bé nhưng nó chẳng bao giờ chịu gọi. Nghe mẹ nói gọi ba vào ăn cơm, nó chỉ nói trổng “Vô ăn cơm đi”. Đến bữa cơm, khi anh Sáu gắp cho nó một cái trứng cá thật to, nó liền lấy đũa hất tung ra ngoài làm cơm văng tung toé cả mâm. Khi bị ba đánh nó bỏ về bên ngoại, cố ý khua dây xuồng kêu rổn rảng thật to. Những chi tiết được Nguyễn Quang Sáng miêu tả chân thật, tinh tế, hợp lý. Sự am hiểu tâm lý nhân vật đã khắc họa thành công nội tâm nhân vật bé Thu. Có thể nói, sự ương ngạnh đó của bé Thu suy cho cùng thì hoàn toàn không đáng trách. Thái độ của bé Thu vừa đáng giận vừa đáng thương. Bởi vì trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, bé còn quá nhỏ để có thể hiểu được những tình thế khắc nghiệt, éo le của đời sống và người lớn cũng không ai kịp chuẩn bị cho em đón nhận những khả năng bất thường nên bé không tin ông Sáu là cha mình chỉ vì trên mặt ông có thêm một vết sẹo, khác với hình ba mà nó được biết. Vết sẹo trên mặt anh Sáu đã làm trái tim bé Thu rướm máu. Phản ứng tâm lý của em là hoàn toàn tự nhiên. Nó còn chứng tỏ em là một cô bé có cá tính mạnh mẽ, tình cảm sâu sắc chân thật, em chỉ yêu ba khi tin chắc đó đúng là ba mình. Trong cái cứng đầu của em có ẩn chứa cả sự kiêu hãnh trẻ thơ về một tình yêu dành cho người cha khác – người trong tấm hình chụp chung với má em. Hậu quả của chiến tranh thật lâu dài, đau xót.

Nỗi đau xót, quặn thắt lòng người nhất có lẽ chính là phân cảnh bé Thu nhận ra anh Sáu là ba. Tình yêu dành cho ba trỗi dậy mãnh liệt vào cái giây phút bất ngờ nhất, giây phút anh Sáu trở về đơn vị. Trong buổi sáng cuối cùng trước phút ông Sáu lên đường, thái độ của bé Thu đột ngột thay đổi hoàn toàn. Bé cất tiếng gọi “Ba”, tiếng kêu như tiếng xé, rồi “nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó nhảy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó”, “nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má ba nó nữa”, “hai tay nó xiết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run”. Nguyên nhân: Trong đêm bỏ về nhà ngoại, Thu đã nghe bà ngoại giải thích về vết sẹo làm thay đổi gương mặt của ba nó. Sự nghi ngờ bấy lâu đã được giải tỏa và ở Thu nảy sinh một trạng thái như là sự ân hận, hối tiếc: “Nghe bà kể, nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn”. Vì thế trong giờ phút chia tay với cha tình yêu và nỗi mong nhớ người cha xa cách đã bị dồn nén bấy lâu nay bùng ra thật là mạnh mẽ và hối hả, cuống quýt, có xen lẫn cả sự hối hận. Tất cả cùng vỡ òa, tiếng “ba” được bật ra sau tám năm ròng rã, biền biệt ghì chặt trong câm nín vì bé Thu không có cơ hội để được gọi, giờ được giải phóng, nó ào ạt, tuôn trào như dòng nham thạch, bao nhiêu yêu thương, nhớ mong được gói trong tiếng “ba”. Chính vì thế khi tiếng “ba” được cất lên nó có sức mạnh tái tạo lại những đổ vỡ trong tâm hồn con người, nó có khả năng bóp nghẹt trái tim của con người.

Đọc thêm:  Tiểu sử nhà văn Kim Lân và sự nghiệp sáng tác văn học - Reader

Quả thật, Thu là người có tình cảm thật sâu sắc, mạnh mẽ nhưng cũng rất dứt khoát, rạch ròi và là người có nét cá tính cứng cỏi. Sự kiên định ấy càng khẳng định tình yêu cha thật sâu nặng, mãnh liệt, không có gì lay chuyển được. Hình ảnh bé Thu ôm ghì lấy ba, hôn khắp cùng, hôn lên vết sẹo gớm ghiếc của anh Sáu, với lời nói nức nở của Thu: “ba, không cho ba đi nữa, ba ở nhà với con đi ba”, quả thật đã làm tan nát lòng người, người đọc ai cũng thổn thức, xót xa nghẹn ngào trước cảnh chia ly của hai cha con.

Nếu như bé Thu yêu cha mãnh liệt thì tấm lòng và tình cha của anh Sáu dành cho con là tình cảm thiêng liêng nhất, bền vững, sắc son nhất trong khói lửa chiến tranh. Tình yêu thương con của anh Sáu đã dệt lên bài ca bất tử của tình phụ tử. Tình cảm của anh Sáu với con được thể hiện tập trung và sâu sắc ở từng tình huống truyện. Trước tiên, ta không thể quên hình ảnh anh Sau nôn nao, mong chờ gặp con. Với lòng mong nhớ con, thuyền chưa cập bến anh đã vội nhảy lên bờ. Rồi khi anh thấy một cô bé trạc bảy, tám tuổi đang chơi bài chòi dưới gốc xoài. Với linh cảm của người cha anh biết chắc đó là con gái anh. Anh đã không ghìm nổi xúc động: “khom người, đưa tay chờ đón con”, giọng lắp bắp, run run “Ba đây con”. Nhưng thật trớ trêu và xót xa con gái anh sợ hãi, bỏ chạy, để lại anh với bao nỗi thất vọng: “anh đứng sững lại đó nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trong thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy.”

Tình thương con của anh Sáu còn được thể hiện sâu sắc qua nỗi khổ và niềm vui trong ba ngày về thăm nhà. Trong ba ngày về thăm nhà, suốt ngày anh chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con. Nhưng càng vỗ về con bé càng đẩy ra. Anh mong nghe được một tiếng “ba” của con bé, nhưng con bé chẳng bao giờ chịu gọi lại còn nói trổng với anh. Anh đau khổ lắm, nhưng chỉ “nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười”, cười vì “khổ tâm đến nỗi không khóc được”. Anh không nản lòng trước sự cự tuyệt của con, anh kiên trì, quan tâm, chăm sóc con từng li từng tí. Trong bữa ăn, anh “gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén nó”. Bé Thu hất cái trứng, cơm văng tung tóe cả mâm. Đến nước này, “giận quá và không kịp suy nghĩ, anh vung tay đánh vào mông nó và hét lên: – sao mày cứng đầu vậy quá hả?”. Hôm chia tay, anh nhìn thấy con đứng trong góc nhà, anh “muốn ôm con, hôn con” nhưng “sợ nó giãy lên lại bỏ chạy” nên “chỉ đứng nhìn nó” với “đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu”. Cho nên khi bé Thu cất tiếng gọi ba, anh Sáu sững sờ, giây phút ấy dường như cả địa cầu cũng ngừng quay, trái tim anh thổn thức, niềm hạnh phúc vỡ òa, tan chảy trong anh, anh đã khóc, giọt nước mắt vui sướng và hạnh phúc vô bờ bến của một người cha lần đầu tiên được nghe đứa con duy nhất của mình gọi. Vậy là con anh đã nhận ra anh, anh hôn tóc con và hứa khi về sẽ tặng con chiếc lược.

Tình yêu thương sâu nặng càng được thể hiện rõ nét khi anh Sáu ở trong rừng, tại khu căn cứ. Anh day dứt ân hận vì đã đánh con khi nóng giận. Lời dặn của bé Thu “Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba!” đã thúc đẩy anh nghĩ đến việc làm một chiếc lược ngà dành cho con. Khi kiếm được khúc ngà, anh vui mừng sung sướng như trẻ con được quà. Anh dồn hết cả tâm trí công sức vào việc làm cây lược. Sau khi hoàn thành anh còn khắc lên cây lược dòng chữ “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Chiếc lược ngà trở thành một vật quý giá thiêng liêng với anh Sáu. Nó làm dịu đi nỗi ân hận và chứa đựng bao nhiêu tình cảm thương nhớ mong đợi của người cha với đứa con xa cách. Đau đớn thay, anh không có cơ hội trao tặng cho con gái mình. Anh bị trúng đạn trong trận càn của địch. Vết thương quá nặng, biết mình sắp chết, anh chỉ còn kịp móc túi lấy cái lược trao cho bạn nhờ đưa lại cho con gái.

Tóm lại, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang sáng đã thể hiện một cách bình dị mà sâu sắc tình cua con sâu nặng giữa hai cho con anh Sáu. Một tình cha con thắm thiết đẹp đẽ. Nhưng cảm động hơn nữa, nó còn khiến ta nghĩ đến những đau thương, mất mát, éo le mà con người phải gánh chịu vì chiến tranh. Một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của truyện là việc thành công trong việc xây dựng cốt truyện. Cốt truyện khá chặt chẽ, có những yếu tố bất ngờ nhưng hợp lý. Việc lựa chọn người kể chuyện thật khéo léo, thích hợp tăng thêm chất trữ tình và sức thuyết phục của truyện. Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện thành công vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam trong cảnh ngộ đau thương, mất mát.

Cảm nhận của em về đoạn trích Chiếc lược ngà – Bài mẫu 2

Tác phẩm “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một truyện ngắn vô cùng đặc sắc thể hiện tình cảm cha con sâu sắc của ông Sáu với bé Thu trong thời kỳ chiến tranh kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thông qua truyện ngắn của mình nhà văn Nguyễn Quang Sáng muốn tố cáo tội ác của chiến tranh đã làm cho tình cảm cha con bị chia lìa, vợ chồng xa cách biết bao gia đình không được hưởng niềm vui bên nhau.

Tác phẩm “Chiếc lược ngà” được viết trong giai đoạn đất nước ta đang bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ giải phóng Miền Nam thống nhất tổ quốc. Nội dung của tác phẩm thể hiện tình cảm của ông Sáu dành cho con gái của mình, vì chiến tranh xa cách lâu ngày, nên ông Sáu không được gặp con từ khi nó vừa lọt lòng mẹ.

Đọc thêm:  [SGK Scan] Bạn đến chơi nhà - Sách Giáo Khoa - Học Online Cùng

Khi ông được nghỉ phép về gặp con nhưng nó lại không nhận ra ông, không chịu nhận ông Sáu làm cha mình. Bởi những vết sẹo trên mặt ông thật gớm ghiếc, không giống với người cha nó thường nhìn thấy qua tấm ảnh cưới giữa bà và mẹ.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng vô cùng tài tình khi miêu tả nội tâm nhân vật. Đặc biệt là nhân vật bé Thu một cô bé ngang ngạnh, có chút bướng bỉnh, khó dạy….Nhưng ẩn sâu bên trong là một cô bé vô cùng tình cảm, nội tâm sâu sắc phức tạp, một đứa trẻ hiếu thảo, thèm khát tình cảm của một người cha mãnh liệt.

Thu chỉ chừng tám, chín tuổi nhưng em có suy nghĩ vô cùng chín chắn. Do phải sống xa ba từ nhỏ, nhưng trong tâm tưởng của cô bé vẫn luôn nghĩ tới giây phút được gặp ba. Hình ảnh ba luôn trong tim cô bé thông qua chiếc ảnh cưới của ba mẹ.

Rồi ngày mà Thu mong ước cũng đã tới khi ông Sáu được nghỉ phép ba ngày trở về nhà gặp gỡ gia đình. Khi nhìn thấy Thu ông Sáu mừng rỡ gọi lớn, nhưng đáp lại sự mừng rỡ của ông Sáu thì cái Thu lạnh lùng, tỏ vẻ ngạc nhiên sững sờ khi có một người đàn ông lạ mặt gọi mình là con gái. Nó phản ứng một cách vô cùng ngẫu hứng theo kiểu trẻ con đó là chạy đi và kêu thét lên.

Những cử chỉ sợ hãi của Thu là một điều bình thường bởi nó thấy ông Sáu không giống với người ba mà nó thường thấy trong ảnh. Ông Sáu sau một trận đánh lớn đã xuất hiện nhiều vết thương trên người và trên khuôn mặt ông có vết sẹo làm nó không nhận ra đó là ba mình.

Chính vì vậy, Thu thường tránh né lại gần ba, không kêu ba bằng ba mà gọi trống không mặc cho mẹ la mắng. Hành động của Thu còn chứa đựng cả sự lạnh nhạt tránh né.

Tác giả Nguyễn Quang Sáng còn đẩy câu chuyện tới kịch tính khi bé Thu nấu cơm, nó muốn đổ bớt nước trong nồi cơm đi, nhưng do bé quá nó không thể bê nổi nồi cơm nặng với cái bếp cao hơn người mình. Đáng ra Thu chỉ cần nhờ ba bê giúp nhưng nó nhất định không chịu, mẹ thì đi vắng, nhà không có ai chỉ có Thu và ông Sáu mà thôi. Nhưng Thu ngang ngạnh lắm, cũng thông minh lắm. Nó bèn nghĩ ra cách lấy cái muôi rồi múc từng ít nước trong nồi cơm đổ đi. Bé Thu tự làm một mình vất vả chứ nhất định không chịu mở miệng gọi ông Sáu là ba, không nhờ vả.

Trong bữa cơm gia đình, ông Sáu thương con muốn thể hiện tình cảm của mình với con nên gắp cho nó một cái miếng trứng cá. Nhưng con bé hất mạnh tay làm miếng trứng cá rơi xuống đất. Ông Sáu giận con làm đổ thức ăn lãng phí, nên đã đánh vào mông con mấy cái.

Bị ba đánh nhưng bé Thu không khóc lóc nó đứng dậy đi thuyền sang nhà bà ngoại. Hóa ra nguyên nhân mà bé Thu không nhận cha đó chính là vết sẹo trên mặt của ông Sáu làm ông khác với bức hình mà ba mẹ chụp khi cưới nhau rất nhiều.

Nhưng bà ngoại đã giải thích cho bé Thu hiểu vì đâu mà ông Sáu bị vết sẹo lớn trên mặt như vậy. Rồi bà ngoại cũng kể cho Thu nghe những chiến công của ba mình, những hy sinh gian khổ mà ba bé Thu phải chịu đựng khi tham gia kháng chiến.

Nghe bà ngoại kể về sự tích chiếc sẹo trên mặt ba mình, bé Thu nằm yên rồi thở dài buồn bã như người lớn. Nó chỉ là đứa trẻ nhưng lại suy nghĩ rất nhiều cứ như một bà cụ thật sự. Nó cảm thấy ân hận vì những ngày qua đã không chịu nhận ba, khiến cho ba buồn lòng.

Câu chuyện được đẩy tới cao trào khi mà ông Sáu đã hết ba ngày nghỉ phép, ông phải trở lại chiến trường tham gia chiến đấu. Giờ phút chia tay đã đến bé Thu như vỡ òa những cảm xúc bấy lâu nay bị dồn nén lâu ngày, nhưng hôm nay bộc phát ra bên ngoài khiến cho con bé nghẹn ngào gọi tiếng “Ba! Không cho ba đi đâu” rồi nó chạy lại ôm chầm lấy ông Sáu mà nức nở. Cảm xúc của một đứa trẻ dành cho cha mình, không muốn rời xa cha khiến cho con bé như sống đúng với tuổi của nó hơn.

Tiếng gọi ba của bé Thu như xé lòng người đọc, một tiếng gọi được kìm nén quá lâu, được chờ đợi quá lâu, nhưng nay bùng phát ra bên ngoài khiến cho mọi thứ bị vỡ òa theo nó.

Khi chia tay con gái ông Sáu nghe được con gái dặn dò “Ba về ba mua cho con một cây lược nghe ba”. Ông luôn cất giấu lời dặn của con vào trái tim mình. Chính vì vậy, mỗi lúc nhớ con ông Sáu lại lấy chiếc lược ngà ra khắc hình cái lược định ngày nào nghỉ phép sẽ mang về tặng cho con gái mình.

Ông Sáu ngồi tỉ mỉ cưa từng chiếc răng khổ công tạo cho con một chiếc lược ngà. Làm xong rồi ông Sáu lại cẩn thận khắc lên đó dòng chữ tặng Thu con của ba. Những chi tiết đó được tác giả Nguyễn Quang Sáng viết lại vô cùng cảm động, thể hiện sự tinh tế của nhà văn trong từng câu chữ của mình.

Nhưng không may, trong một trận đánh ông Sáu đã bị thương và hy sinh trước khi nhắm mắt ông chỉ kịp chăng chối với người đồng đội của mình là hãy mang chiếc lược ngà về đưa tận tay con gái của ông. Nói với nó rằng ông yêu nó nhiều lắm.

Tình cảm của người cha thật vô bờ bến, hình ảnh ông Sáu trong truyện ngắn là một người chiến sĩ dũng cảm, đã anh dũng hy sinh cho quê hương đất nước. Nhưng đồng thời ông cũng là người cha thương con, yêu gia đình nhất mực.

Thông qua tác phẩm nhà văn Nguyễn Quang Sáng muốn tố cáo tội ác của chiến tranh, của giặc Mỹ, chính bọn chúng ta gây ra cuộc chiến tranh phi nghĩa, gieo rắc cái chết lên quê hương của chúng ta, làm cho nhiều gia đình nhà tan cửa nát, biết bao người chồng người cha đã phải hy sinh như thế, biết bao gia đình không có ngày đoàn tụ. Những mất mát của chiến tranh là không gì có thể nói hết.

-/-

Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay Dàn ý chi tiết cảm nhận của em về đoạn trích Chiếc lược ngà để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button