Dàn ý cảm nhận về hình tượng sông Đà liên hệ với bài thơ Tràng

Dàn ý cơ bản cảm nhận hình tượng sông Đà liên hệ với Tràng giang

I. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về nhà văn Nguyễn Tuân, tùy bút “Người lái đò Sông Đà“.

II. Thân bài

1. Cảm nhận hình tượng sông Đà

– Con Sông Đà kì vĩ, hung bạo: những quãng đá bờ sông dựng vách thành; mặt sông hẹp như một cái yết hầu; Những quãng mặt ghềnh hát loóng: Sông Đà có những cái hút nước; Sông Đà biết bày trùng vi thạch trận…

– Con Sông Đà thơ mộng, trữ tình: tuôn dài như một áng tóc trữ tình, nước sông thay đổi theo mùa; Sông Đà như một cố nhân với vẻ đẹp của Đường thi; Cảnh hai bên bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích xưa…

– Nghệ thuật: nghệ thuật miêu tả, sử dụng kiến thức ở nhiều ngành khoa học, nghệ thuật khác nhau…

2. Liên hệ với bài thơ “Tràng giang”

– Hình tượng sông vừa mang vẻ đẹp kì vĩ, hung bạo vừa nên thơ, trữ tình còn cảnh vật trên dòng tràng giang (Tràng giang – Huy Cận) đẹp nhưng đượm một nỗi buồn.

– Nỗi buồn trong bài thơ “Tràng giang” xuất phát từ tâm trạng hoài nghi, cô đơn của Huy Cận (một nhà Thơ Mới), tâm trạng bế tắc của những thanh niên yêu nước mang nỗi buồn thế hệ.

– Còn vẻ đẹp kì vĩ hung bạo, nên thơ trữ tình của Sông Đà xuất phát từ cái nhìn gắn với thời đại mới của nhà văn Nguyễn Tuân. Sông Đà kì vĩ hung bạo, nên thơ trữ tình nhưng cũng rất giàu tiềm năng. Nó đang đợi bàn tay con người đến để đánh thức.

III. Kết bài

– Cảm nhận của em về hình tượng sông Đà và sông Hồng

– Nhận xét đánh giá chung về nghệ thuật miêu tả của hai tác giả

Có thể bạn quan tâm: Liên hệ so sánh hình tượng người lái đò sông Đà với Huấn Cao

Để nắm rõ hơn những đặc điểm cần phân tích, so sánh về hình tượng sông Đà liên hệ với bài thơ Tràng giang, các bạn có thể tham khảo hai bài văn mẫu cảm nhận về hình tượng sông Đà và cảm nhận bài thơ Tràng giang sau đây để rút ra ý so sánh.

Bài văn hay cảm nhận về hình tượng con sông Đà

Nguyễn Tuân là bậc thầy về ngôn ngữ trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Những tác phẩm của ông viết bằng cái “ngông” và bằng tình yêu tha thiết. “Người lái đò sông Đà” là bài tùy bút lấy cảm hứng từ chuyến đi thực tế. Hình ảnh con sông Đà được nhìn qua lăng kính tâm hồn nghệ sỹ với nhiều vẻ đẹp khác nhau mang lại ấn tượng độc đáo đối với người đọc. Nguyễn Tuân đã rất thành công khi xây dựng hình tượng sông Đà bằng chất liệu ngôn ngữ và tình cảm phong phú.

Qua cái nhìn của Nguyễn Tuân, sông Đà “lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy”. Có thể nói phải thật tinh tế và khéo léo mới có thể nhận ra sự chuyển đổi của sông Đà như vậy.

Sông Đà hiện lên là dòng sông hung bạo, lắm thác ghềnh, ngỗ ngược, không chảy theo khuôn khổ. Vẻ đẹp hiểm trở, nguy hiểm của sông Đà được tác giả viết “đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng giờ ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia”. Chỉ với vài chi tiết phác họa con sông Đà hiện lên với nhiều phức tạp, khó khăn, nguy hiểm khôn lường. Tác giả đã diễn tả cảm xúc khi đi qua đoạn sông này “ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy vừa vụt tắt điện”. Một lối so sánh độc đáo, đầy táo bạo và cũng không kém phần tinh tế. Sông Đà đẹp, nhưng đẹp vẻ đẹp hùng vĩ, hoang dại và nguy hiểm.

Chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Tuân còn khiến người đọc bất ngờ hơn nữa khi miêu tả sự hùng vĩ, hung dữ đó “quãng mặt ghềnh hát loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuyết bất cứ người lái đò nào tóm được qua quãng ấy”. Sông Đà hiện lên như một kẻ bất chấp hết, có thể lấy đi tính mạng của những ai vô tình đi qua đây. Thật táo bạo, mãnh liệt và mạnh mẽ.

Đọc thêm:  Hướng dẫn sử dụng Azota cho học viên - BMyC

Khi Nguyễn Tuân miêu tả tiếng thác réo, người đọc có cảm tưởng như đang đứng trước sông Đà hùng vĩ chiêm ngưỡng vẻ đẹp khó cưỡng đó “Như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Tiếng thác rống như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”. Những câu văn với giọng điệu dồn dập, gay cấn, đầy cảm xúc. Một cảnh tượng hùng vĩ, nguy hiểm vô cùng. Một cách so sánh, tuyệt vời, hiếm thấy trong văn học. Nguyễn Tuân thực sự là bậc thầy của ngôn ngữ, ông thổi hồn vào những con chữ, khiến con chữ như biết nói, biết rung động.

Đặc biệt hơn nữa, sông Đà hình thành ba trận chiến, người lái đò muốn vượt qua dòng chảy này thì phải vượt qua ba trận chiến hiểm trở, táo bạo này. Với giọng văn dồn dập, tác giả kéo người đọc vào cùng vượt thác với người lái đò. Trận thứ nhất “mặt nước hò la vang dậy quanh mình, ùa vào mà bẻ gãy cán chèo. Sóng nước như thể quân liều mạng vào sát nách…”. Sang đến trận thứ hai “tăng thêm nhiều của tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua bên phía bờ hữu ngạn”. Sang đến trận thứ ba dường như ít cửa hơn nhưng lại quyết liệt và mãnh liệt hơn. Sông Đà hiện lên không khác nào một con thủy quái đang đòi nuốt chửng người lái đò và chiếc thuyền bất cứ lúc nào có thể. Con sông chính là “kẻ thù số một” của người lá đò, với tất cả đặc tính nham hiểm, thâm độc nhất.

Tuy nhiên bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ, hiểm trở, nguy hiểm, sông Đà còn hiện lên thật nên thơ và trữ tình biết bao nhiêu. Qua ngòi bút tinh tế của Nguyễn Tuân “sông đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mùa khói mèo đốt nương xuân”. Thật tài hoa và thật trữ tĩnh, một hình ảnh tuyệt đẹp hiện lên giữa rừng núi hiểm trở Tây Bắc. Đặc biệt khi tác giả miêu tả nước của dòng sông mới thật tuyệt vời và thi vị biết bao “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu canh hến của sông Gâm sông Lô. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu, lừ lừ cái màu đỏ giận giữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”. Những từ ngữ mượt mà, tươi đẹp đã làm nên vẻ đẹp hiếm có của một dòng sông tưởng chừng chỉ có giận dỗi và hung dữ.

Sông Đà có những lúc buồn mênh mang và hoang sơ đến lạ kỳ “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích xưa”. Thật là một vẻ đẹp nhẹ nhàng, chân chất và tươi mới biết bao nhiêu.

Qua đôi mắt người lái đò, hay là đôi mắt của tác giả sông Đà tạo nên những dòng cảm xúc thật lạ kì, thần tiên và mộng mơ quá đỗi. Có lẽ khi yêu mảnh đất này, cảm nhận nó ở mọi khía cạnh đều toát lên vẻ đẹp không phải nơi nào cũng có được. Và sông Đà cũng vậy, một vẻ đẹp khiến người đọc phải ngỡ ngàng.

Gấp trang sách lại nhưng hình ảnh con sông Đà trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” lại ám ảnh người đọc cho đến sau này. Một vẻ đẹp hùng vĩ, hung dữ của thiên nhiên đan xen sự thơ mộng, nhẹ nhàng như chốn bồng lai. Đó chính là sự thành công của Nguyễn Tuân.

Đọc thêm: Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết phân tích hình tượng sông Đà trong Người lái đò sông Đà

Bài văn mẫu cảm nhận về bài thơ Tràng giang (Huy Cận)

Huy Cận là một nhà thơ gắn liền với phong trào thi ca cách mạng Việt Nam. Trước cách mạng tháng Tám, thơ ông mang nỗi sầu về kiếp người và ca ngợi cảnh đẹp của thiên nhiên, tạo vật với các tác phẩm tiêu biểu như: “Lửa thiêng”, “Vũ trụ ca“,… Nhưng sau cách mạng tháng Tám, thơ ông lại mang một màu sắc mới, thơ ông chủ yếu hướng tới cuộc sống và con người, thiên nhiên, tiêu biểu với những tác phẩm như: “Trời mỗi ngày lại sáng”, “Đất nở hoa”… Và một trong những tác phầm không thể không kể đến đó là tác phầm “Tràng giang” được trích từ tập “Lửa thiêng”, bài thơ gợi lên vẻ đẹp của thiên nhiên nhưng lại chất chứa một nỗi buồn ảm đạm, ẩn dụ cho một kiếp người nhỏ bé, trôi nổi giữa dòng đời vô định.

Đọc thêm:  Soạn bài Con cò | Ngắn nhất Soạn văn 9 - VietJack.com

Với nhan đề “Tràng giang” có nghĩa là “sông dài” đã gợi cho người đọc một không gian mênh mông, không bến bờ. “Tràng giang” hai câu từ vừa mang sắc thái cổ điển trang nhã, lại vừa gợi liên tưởng cho người đọc về dòng “Trường giang” trong thơ Đường thi, một dòng sông của muôn thuở vĩnh hằng, nhưng ẩn chứa sau cái mênh mông đó lại là nỗi ưu tư, nỗi buồn của một kiếp người nhỏ bé giữa cái vũ trụ bao la, mênh mông.

Tiếp đến là câu đề từ chỉ bảy chữ nhưng đã thâu tóm được cảm xúc chủ đạo của cả bài: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Đứng trước cảnh “trời rộng”, “sông dài” lại khiến cho lòng người dấy lên tình cảm “bâng khuâng” và nhớ. Từ láy “bâng khuâng” được sử dụng rất đắc địa, nó nói lên được tâm trạng của chủ thể trữ tình, buồn bã, u sầu, cô đơn, lạc lõng. Và ngay từ khổ thơ đầu, người đọc đã bắt gặp những con sóng lòng đầy ưu tư, sầu não như thế:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song.

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Với bốn câu thơ đầu tiên mở đầu cho bài thơ đã hiện lên rõ mồn một được không gian thiên nhiên mênh mông và sự buồn ảm đạm. Hai từ láy nguyên “điệp điệp”, “song song” ở cuối hai câu thơ tạo thêm cho người đọc có được không gian mênh mông, bát ngát và mang đậm sắc thái cổ kính của Đường thi. Sóng thường rất dữ dội, nhưng trong thơ của Huy Cận thì “sóng gợn” tạo cảm giác cho người đọc cảm nhận được nỗi buồn kết hợp với “điệp điệp” càng làm cho người đọc thấy được nỗi buồn đó vô cùng lớn, cứ nối tiếp nhau mãi không hết. Hình ảnh con thuyền ở đây cũng chính là một hình ảnh ẩn dụ cho con người, sự dịch chuyển lặng lẽ, “song song” giống như thân phận của mỗi người luôn luôn trôi nổi giữa dòng không biết đi đâu về đâu. Dòng sông thì bát ngát vô cùng, vô tận, nỗi buồn của con người cũng đầy ăm ắp trong lòng:

“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng.”

Thuyền và nước vốn đi liền nhau, thế mà tác giả lại thấy thuyền và nước đang chia lìa, xa cách “thuyền về nước lại”, nghe sao đầy xót xa. Chính lẽ vì thế mà gợi nên trong lòng người nỗi “sầu trăm ngả”. Tâm hồn của chủ thể trữ tình được bộc lộ đầy đủ nhất qua câu thơ đặc sắc: “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Huy Cận đã khéo dùng phép đảo ngữ kết hợp với các từ ngữ chọn lọc, thể hiện nỗi cô đơn, lạc lõng trước vũ trụ bao la. “Một” gợi lên sự ít ỏi, nhỏ bé, “cành khô” gợi sự khô héo, cạn kiệt nhựa sống, “lạc” mang nỗi sầu vô định, trôi nổi, bập bềnh trên “mấy dòng” nước thiên nhiên rộng lớn mênh mông. Cành củi khô đó trôi dạt đi nơi nào, hình ảnh giản dị, không tô vẽ mà sao đầy rợn ngợp, khiến lòng người đọc cảm thấy trống vắng, đơn côi.

Bằng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, bằng những ngôn từ những hình tượng hết sức gần gũi với cuộc sống của mọi người, làm cho người đọc thấu hiểu và cảm nhận được không gian mênh mông bao la, và nỗi buồn vô định trong lòng người ẩn chứa trong bức tranh thiên nhiên hùng vĩ.

Và nỗi lòng đó dần đần được mở ra, đưa người đọc dần dần khám phá tìm hiểu:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.”

Hai từ láy “lơ thơ” và “đìu hiu” được tác giả khéo sắp xếp trên cùng một dòng thơ đã vẽ nên một quang cảnh vắng lặng. Giữa khung cảnh “lơ thơ”, “cồn nhỏ”, gió thì “đìu hiu”, một khung cảnh lạnh lẽo, tiêu điều ấy, cùng với sự ít ỏi cô độc khiến cho con người trở nên đơn côi, rợn ngộp đến độ thốt lên “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”. Khi nhắc đến khung cảnh chợ, mọi người thường gợi nhớ đến sự nhộn nhịp tấp nập người buôn người bán, nhưng ở đây Huy Cận lại lựa chọn khung cảnh là chợ chiều, khiến cho mọi người thấy được sự yên lặng, vắng vẻ.

Đọc thêm:  Xếp loại hạnh kiểm học sinh, đâu phải GV chủ nhiệm muốn xếp sao

“Nắng xuống, trời lên sâu chót vót,

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”

“Nắng xuống, trời lên” gợi sự chuyển động, mở rộng về không gian, nhưng vẫn gợi cả sự chia lìa: bởi nắng và trời mà lại bị tách bạch khỏi nhau. Hình ảnh “sâu chót vót” là cảnh diễn đạt mới mẻ, đầy sáng tạo của Huy Cận, mang một nét đẹp hiện đại. Đồng thời, điều đó cho thấy nỗi buồn của nhà văn không chỉ dừng lại ở thiên nhiên xung quanh mà còn gửi lên đến tận trời cao. Hình ảnh “sông dài”, “trời rộng”, “bến cô liêu” cho thấy được không gian bao la của mênh mông, và sự cô đơn lẻ loi của sự vật trước cái cảnh tượng mênh mông đó. Bằng nghệ thuật so sánh, tác giả đã khiến cho người đọc không chỉ thấy nỗi buồn của cảnh vật xung quanh mà nó còn là cảnh vật của lòng người. Nhà thơ lại nhìn về dòng sông, nhìn cảnh xung quanh mong mỏi có chút gì quen thuộc mang lại hơi ấm cho tâm hồn đang chìm vào giá lạnh, về cô đơn. Nhưng thiên nhiên đã đáp trả sự khao khát ấy bằng những hình ảnh càng quạnh quẽ, đìu hiu.

“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng,

Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Không cần gợi chút niềm thân mật,

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”

Hình ảnh cánh bèo trôi bồng bềnh trên sông là hình ảnh thường dùng trong thơ cổ điển, nó gợi lên một cái gì bấp bênh, nổi trôi của kiếp người vô định giữa dòng đời. Nhưng trong thơ Huy Cận không chỉ có một hay hai cánh bèo, mà là “hàng nối hàng” chứng tỏ rằng không có một số từ nào có thể miêu tả hết được những số phận cô đơn lạc lõng trong cuộc sống:

“Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật.”

Tác giả đưa ra cấu trúc phủ định. “…không…không” để phủ định hoàn toàn những kết nối của con người. Trước mắt nhà thơ giờ đây không có chút gì gợi niềm thân mật để kéo mình ra khỏi nỗi cô đơn đang bao trùm, vây kín, chỉ có một thiên nhiên mênh mông, mênh mông. Cầu hay chuyến đò ngang, phương tiện giao kết của con người, dường như đã bị cõi thiên nhiên nhấn chìm, trôi đi nơi nào.

Tiếp đến tác giả lại khéo léo sử dụng những hình tượng mẫu trong thi ca cổ điển để diễn tả nỗi lòng:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.”

Hình ảnh thơ là những nét chấm phá của thiên nhiên vừa mang nét đẹp cổ điển thật trữ tình và lại càng thi vị hơn khi nó được khơi nguồn cảm hứng từ một tứ thơ Đường. Huy Cận đã vận dụng rất tài tình động từ “đùn”, khiến mây như chuyển động, có nội lực từ bên trong, từng lớp từng lớp mây cứ đùn đùn ra mãi. Hình ảnh chim nghiêng cánh nhỏ kéo bóng chiều, cùng sa xuống mặt tràng giang, hay chính bóng chiều sa, đè nặng lên cánh chim nhỏ làm nghiêng lệch cả đi. Câu thơ tả không gian nhưng gợi được thời gian bởi nó sử dụng “cánh chim” và “bóng chiều”, vốn là những hình tượng thẩm mỹ để tả hoàng hôn trong thơ ca cổ điển.

Như vậy, bằng những nét chấm phá tả cảnh thiên nhiên bằng những biện pháp so sánh, tu từ độc đáo đã làm lên không gian bao la bát ngát của thiên nhiên cùng với nỗi buồn sâu thẳm cho những kiếp người. Nhưng giữa thiên nhiên và còn người trong thơ Huy Cận lại rất hòa hợp và đan quyện vào nhau làm tan chảy trái tim của người đọc. Điều này, cho thấy được rằng sự tài tình qua cách dùng từ, sự cảm nhận của thiên nhiên bằng đôi mắt rất tinh tế, sự bày tỏ lòng mình một cách chân thực đã đem đến cho người đọc một tâm trạng hết sức đồng cảm. Qua đó, nhà thơ Huy Cận còn bày tỏ tình yêu quê hương đất nước con người của chính bản thân ông.

Tham khảo thêm:

  • Tổng hợp các đề văn về bài thơ Tràng giang hay gặp nhất
  • Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ Tràng giang

/***/

Dựa vào việc đọc và tham khảo phần dàn ý và hai bài văn mẫu trên đây, hi vọng các bạn đã có thể rút ra được những chi tiết chính để so sánh liên hệ hình tượng sông Đà với bài thơ Tràng giang. Củng cố, mở rộng thêm vốn từ và kiến thức về các tác phẩm trong chương trình Ngữ Văn lớp 12 bằng cách tham khảo những bài văn hay tuyển chọn tại thư mục Văn mẫu 12. Chúc các bạn làm bài tốt và đạt kết quả cao !

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button