Em hiểu gì về câu tục ngữ Nhàn cư vi bất thiện? – Thủ thuật
Đề bài: Em hiểu gì về câu tục ngữ Nhàn cư vi bất thiện?
Em hiểu gì về câu tục ngữ Nhàn cư vi bất thiện?
Bài văn mẫu Em hiểu gì về câu tục ngữ Nhàn cư vi bất thiện?
Cuộc sống của con người có ý nghĩa hay không đều nằm trong tay họ và cuộc sống ấy sẽ trở nên ý nghĩa và tươi đẹp nếu con người ta chăm chỉ lao động, làm việc và hướng tới cái thiện. Còn nếu cứ chọn một lối sống nhàn rỗi không làm gì sẽ dẫn đến một cuộc đời vô cùng vô nghĩa. Như ông cha ta ngày xưa đã để lại câu tục ngữ để răn dạy chúng ta “Nhàn cư vi bất thiện”.
Vậy câu tục ngữ mang ý nghĩa gì? “Nhàn cư” nghĩa là một lối sống an nhàn, rỗi rãi, không chịu lao động hay làm việc, “vi bất thiện” chỉ những hành động không có lương tâm, hành động sai trái. Câu tục ngữ muốn nhắc nhở chúng ta rằng, một cuộc sống quá nhàn hạ, không chịu làm việc dễ dẫn đến những hành vi sai trái, bất lương.
Tại sao ông cha ta lại đúc kết như vậy? Thật dễ hiểu, từ xưa đến nay, những con người luôn làm ăn chịu khó, làm việc bằng chính sức lao động của mình, họ biết quý trọng những thành quả mà mình tạo ra, họ tôn trọng, cũng như hiểu được cho người khác, để đạt được kết quả như mong muốn đã phải trải qua những gì. Họ sống một cuộc đời có ý nghĩa, tạo ra giá trị cho cuộc sống, biết yêu thương con người, quý trọng thành quả lao động. Để từ đó ta có thể dễ hiểu được họ là những con người lương thiện. Đối lập với những con người chăm chỉ lao động là những người chỉ biết chọn cuộc sống nhàn hạ, chỉ thích chơi, lười lao động. Họ sống không có mục đích, không có một chút ý chí, khi gặp khó khăn sẽ tìm cách “vượt qua” bằng những hành động “bất lương”. Ta chắc hẳn đã bắt gặp rất nhiều trường hợp, nhiều người lười lao động dẫn đến không có tiền chi trả cho cuộc sống sẽ dẫn đến các tệ nạn như rượu chè, cờ bạc, cướp của.. Vì vậy, một lối sống quá nhàn rỗi sẽ gây ra những hậu quả khó lường.
Những người chăm chỉ lao động, biết trân trọng thời gian, hàng ngày hăng say làm việc họ sẽ tạo ra được một cuộc sống đích thực, ý nghĩa, luôn được người khác tôn trọng và yêu quý. Còn những người chỉ biết chạy theo thú vui, thích nhàn hạ thì sẽ bị người đời coi thường, vì có chân tay mà không lao động kiếm sống. Thật đáng phê phán những con người này, họ sẽ trở thành những “con sâu” đục khoét sự đi lên của xã hội.
Tuy nhiên ta cần phân biệt lối sống “nhàn” của câu tục ngữ khác với sống “nhàn” của các bậc thi nhân ngày xưa. Họ lựa cách sống nhàn với thiên nhiên, cây cỏ, tránh xa “chốn lao xao” tranh giành quyền thế, nhưng họ có tâm hồn luôn hướng về trần thế, vẫn quan tâm con người, vẫn lao động để nuôi sống mình. Chúng ta cần hiểu rõ để tránh sự nhầm lẫn.
“Nhàn cư vi bất thiện” là một câu tục ngữ răn dạy con người. Sống là phải lao động thì cuộc đời mới trở nên ý nghĩa, con người mới hướng tới chân thiện nhẫn. Nhàn rỗi sẽ không giúp ích được gì, nó chỉ hủy hoại thêm cuộc đời của ta. Là học sinh, chúng ta càng phải nhận thức rõ hơn về vấn đề này để từ đó không ngừng học tập, trau dồi rèn luyện bản thân để trở thành người có ích cho xã hội, cộng đồng.
-HẾT-
https://thuthuat.taimienphi.vn/em-hieu-gi-ve-cau-tuc-ngu-nhan-cu-vi-bat-thien-46132n.aspx Để thấy được sự phong phú của nền văn học dân gian và hiểu được ý nghĩa của nhiều câu tục ngữ, ca dao thường gặp trong cuộc sống, các em có thể tham khảo thêm: Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách, Giải thích câu tục ngữ Mãnh hổ nan địch quần hồ, Giải thích câu tục ngữ An cư lạc nghiệp, Giải thích câu tục ngữ Lời nói gói vàng.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!