Nghị luận về lời khen (5 mẫu) – Văn 9 – Download.vn
Lời khen ngợi, động viên kịp thời vô cùng ý nghĩa, nhằm khích lệ tinh thần người nhận. Với 5 bài Nghị luận xã hội về vai trò của lời khen ngắn gọn, sẽ giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn vai trò của lời khen trong cuộc sống.
Trong nhiều trường hợp, không chỉ những lời khen mà chính những lời phê bình, chê trách lại giúp chúng ta hoàn thiện mình hơn. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết để hiểu rõ hơn ý nghĩa, vai trò của lời khen trong cuộc sống, ngày càng học tố môn Văn 9.
Dàn ý nghị luận xã hội về vai trò của lời khen
1. Mở bài
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: vai trò của lời khen trong cuộc sống.
2. Thân bài
a) Giải thích
- Lời khen: là lời ghi nhận, động viên, khích lệ tinh thần của người khác khi họ làm được điều gì đó tốt đẹp.
- Mặt trời: tỏa ra ánh sáng tươi vui, ấm áp cho vạn vật, mang lại sự sống cho muôn loài.
“Lời khen giống như mặt trời: bạn càng cho đi, mọi sự chung quanh bạn càng toà sáng”. Câu nói đã khẳng định vai trò quan trọng của lời khen trong cuộc sống – giúp cho mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn và nỗ lực nhiều hơn.
b) Phân tích vai trò của lời khen trong cuộc sống
- Lời khen có tác dụng tiếp thêm sự tự tin, tự hào cho người khác, để họ biết họ đang đi đúng hướng và nên duy trì, tiếp tục.
- Tăng sự hưng phấn, tiếp thêm động lực để người khác tiếp tục cố gắng và gặt hái nhiều thành công hơn nữa.
- Lời khen chứng tỏ việc làm của họ được quan tâm, được theo dõi. Họ sẽ cảm thấy hạnh phúc, thấy mình không đơn độc và muốn cố gắng nhiều hơn.
- Nếu sự nỗ lực và thành quả không được ghi nhận và ghi nhận kịp thời, có thể làm người ta buồn tủi, nản chí, cảm thấy sự cố gắng của mình không có giá trị hoặc trở nên tự ti và dễ buông xuôi.
=> Khuyến khích những lời động viên, khen ngợi kịp thời, đúng lúc, đúng người, đúng sự việc.
c) Bàn bạc
- Lời khen không được giả tạo, nếu không sẽ gây ra chứng “ảo tưởng”cho người được khen. Điều đó, khiến họ không tiến bộ được, thậm chí còn chủ quan, tự mãn dễ vấp ngã, thất bại.
- Lời khen không chỉ dành cho người thành công mà còn cần cho những người dù chưa thành công nhưng đã có sự cố gắng và tiến bộ hơn chính họ của ngày hôm qua.
- Bên cạnh lời khen, cuộc sống vẫn rất cần những lời góp ý chân thành, mang tính chất xây dựng để giúp mỗi người khắc phục điểm yếu, hoàn thiện mình hơn.
3. Kết bài
- Bài học: Đừng tiết kiệm lời khen nhưng cũng đừng lạm dụng và nói những lời khen sáo rỗng; người nghe cần biết phân biệt đâu là lời khen thật, đâu là những lời sáo rỗng.
- Liên hệ bản thân.
Nghị luận vai trò của lời khen ngắn gọn
Nếu những thành công của con người không có những lời khen, những lời động viên từ người khác thì sẽ trở nên vô cùng buồn tẻ, hụt hẫng. Chính vì thế, chúng ta có thể khẳng định lời khen có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống con người.
Lời khen là những lời nói tốt đẹp nhằm mục đích động viên, khích lệ con người khi người đó làm được việc tốt hoặc tạo được thành quả cho bản thân, gia đình, xã hội… để khiến cho con người có động lực làm nhiều việc có ý nghĩa hơn nữa. Lời khen phải là những lời khen chân thành, không nhằm vụ lợi cho bản thân mà tâng bốc đối tượng một cách quá đáng. Mục đích của lời khen ấy chỉ là xuất phát từ việc bày tỏ sự ngưỡng mộ, hay khích lệ người được khen. Khi chúng ta tạo được thành tích, giá trị, lợi ích cho tổ chức hay xã hội, những lời động viên, tuyên dương không chỉ giúp thông điệp tốt đẹp đó được lan tỏa mạnh mẽ hơn mà bản thân ta cũng nhận thức được điều mình làm là hoàn toàn đúng đắn.
Ngoài giá trị thúc đẩy con người, lời khen còn gắn kết con người lại gần nhau hơn. Cùng nhau chia sẻ niềm vui, khen ngợi, chúc mừng những người thân yêu xung quanh khi họ đạt được một giá trị tốt đẹp góp phần làm cho mối quan hệ thêm thân thiết, khăng khít hơn. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều người sử dụng lời khen với mục đích xấu như xu nịnh, tâng bốc người khác nhằm mục đích tư lợi cá nhân, lấy lòng,… lại có những người sống phụ thuộc vào lời khen, nếu không được khen sẽ không làm việc đến nơi đến chốn,… những người này đều đáng bị chỉ trích và cần phải thay đổi bản thân mình nếu muốn tránh khỏi những trường hợp tiêu cực trên.
Học sinh chúng ta cũng cần rèn luyện cho bản thân mình, nói lời khen đúng lúc đúng chỗ để thúc đẩy người khác cũng như chê trách, góp ý cho người khác thẳng thắn và đúng đắn để cùng nhau tiến bộ hơn. Hãy giữ cho lơi khen đúng ý nghĩa đẹp đẽ của nó và gắn kết con người với nhau để xã hội phát triển tích cực, tốt đẹp hơn.
Nghị luận về vai trò của lời khen
Trong cuộc sống của chúng ta, những lời khen là vô cùng cần thiết để khích lệ, động viên hay khen ngợi ai đó. Lời khen giúp họ cảm thấy tự hào về những việc mình đã làm được và cố gắng làm tốt hơn nữa. Tuy nhiên, những lời khen mang tính chất nịnh bợ thì không tốt chút nào. Tuân Tử đã từng nói: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy.” Trong câu nói bao gồm ba đối tượng: “Người chê ta”, “người khen ta”, “kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta” và vai trò của họ đối với cuộc sống mỗi con người.
“Người chê ta mà chê phải là thầy ta”. Chê, nhưng là chê phải. Đó là những người thấy ta sai và dám chỉ ra cái sai của ta, để từ đó ta rút ra được bài học và sửa chữa sai lầm. Bình thường, chúng ta thường không thích những người chê mình. Tuy nhiên, người khôn ngoan phải là người biết phân biệt đâu là những lời chê có thiện chí. Trong cuộc sống, tất nhiên không thiếu những kẻ ganh ghét, luôn chê bai người khác một cách ác ý. Chúng ta nên biết phân biệt đâu là những lời chê ác ý để bỏ qua, và đâu là những lời chê mang tính góp ý để chúng ta tiến bộ. Một người chỉ khi biết tiếp thu ý kiến của người khác thì mới có thể thành công được. Còn nếu cứ khăng khăng làm theo ý mình, sớm muộn gì người đó cũng sẽ thất bại mà thôi. Chính vì thế, vai trò của những lời “chê phải”, những người dám nói lên những lời chê ấy là vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Những người ấy chẳng khác gì thầy ta, giúp ta hiểu ra, học được nhiều điều trong cuộc sống.
Đối tượng thứ hai, là những người khen ta, nhưng tất nhiên, là “khen phải”. Vậy thế nào là khen phải? Đó là những lời khen chân thành, không nhằm vụ lợi cho bản thân mà tâng bốc đối tượng một cách quá đáng. Mục đích của lời khen ấy chỉ là xuất phát từ việc bày tỏ sự ngưỡng mộ, hay khích lệ người được khen. Con người ta luôn có xu hướng muốn được khen, vì những lời khen thường “dễ nghe” hơn những lời chê. Lời khen là quan trọng, có tác dụng giúp con người ta thấy tự hào vì những thứ được khen, tuy nhiên, chúng ta cần biết được đâu là những lời khen thật, đâu là những lời tâng bốc, xu nịnh. Không nên vì được khen quá nhiều mà dẫn đến suy nghĩ mình đã hoàn hảo, từ đó sẽ dẫn đến tự kiêu, không cố gắng, tất sẽ có ngày gặp thất bại. Những người có thể hiểu, có thể khen thật ta, đó chính là những người bạn của ta.
Còn đối tượng cuối cùng, cũng liên quan đến những lời khen, nhưng đó lại là “những kẻ vuốt ve, nịnh bợ”ta, như Tuân Tử nói, đó cũng chính là “kẻ thù của ta”. Những kẻ ấy chỉ nói những lời khen nhằm vụ lợi cho bản thân, chứ không xuất phát từ sự chân thành hay sự ngưỡng mộ đối với người được khen. Những lời khen ấy khiến cho người được khen cảm thấy mình thật tốt đẹp, thật quan trọng, thật vĩ đại, từ đó sẽ không cố gắng và dần dần sẽ bị thua kém so với những người xung quanh. Điều ấy thật nguy hiểm. Và những kẻ xu nịnh ta như vậy, giống như kẻ thù của ta vậy. Họ “giết” ta bằng những lời nịnh bợ, dối trá. Điều chúng ta cần làm là tránh xa, hạn chế giao lưu với những đối tượng ấy trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong môi trường học tập, làm việc.
Câu nói của Tuân Tử, từ xưa đến nay, vẫn luôn là bài học sâu sắc và đáng ghi nhớ cho tất cả mọi người trong cuộc sống. Hãy luôn tỉnh táo, để phân biệt được đâu là bạn, đâu là thù, để có thể có được những lời góp ý, lời khen chân thành nhất từ đó có thể hoàn thiện bản thân mình.
Nghị luận ý nghĩa của những lời khen ngợi
Lời khen ngợi đúng lúc quý hơn vàng bạc, lời chê bai vô tình sắc hơn gươm dao. Trong cuộc đời người, ai cũng muốn bản thân được công nhận, tán dương. Thế nhưng, khen – chê cũng cần phải đúng cách và tiếp nhận sự khen – chê bằng sự tỉnh táo của cả đầu óc và con tim.
Lời khen ngợi là lời công nhận, ngợi ca, tán thưởng, khâm phục, là lời ghi nhận, động viên, khích lệ tinh thần của người khác khi họ làm được điều gì đó tốt đẹp.
Lời khen ngợi chân thành là lời khen chân tình thật lòng, lời khen đúng chỗ, đúng lúc xuất phát từ sự thực với động cơ lành lạnh. Lời khen ngợi, tiếp thêm sự tự tin, tự hào cho người khác, để họ biết họ đang đi đúng hướng và nên duy trì, tiếp tục. Tăng sự hưng phấn, tiếp thêm động lực để người khác tiếp tục cố gắng và gặt hái nhiều thành công hơn nữa.
Lời khen chân thành như thứ thuốc thần dược tạo nên sức mạnh, thắp sáng niềm tin khiến điều hay của người được khen trở thành điều hay của mọi người, nó làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Nó chính là quà tặng cuộc sống. Nó chứng tỏ việc làm của họ được quan tâm, được theo dõi. Họ sẽ cảm thấy hạnh phúc, thấy mình không đơn độc và muốn cố gắng nhiều hơn.
Nếu sự nỗ lực và thành quả không được công nhận và ghi nhận kịp thời, có thể làm người ta buồn tủi, nản chí, cảm thấy sự cố gắng của mình không có giá trị hoặc trở nên tự ti và dễ buông xuôi.
Lời khen ngợi giả dối là lời khen ẩn chứa mưa đồ (tán thưởng quá lời, xã giao lấy lòng, tâng bốc nịnh bợ…) xuất phát từ cái nhìn hiện thực không chính xác hoặc từ động cơ không lành mạnh.
Lời khen giả dối sẽ gây ra chứng “ảo tưởng” cho người được khen. Điều đó khiến họ không tiến bộ được, thậm chí còn chủ quan, tự mãn dễ vấp ngã, thất bại.
Lời khen chỉ để tâng bốc, tung hô rất nguy hại, nó mang đến áp lực cho người được khen hoặc làm họ ngộ nhận, ảo tưởng để rồi biến mình thành kẻ khác. Nó hủy hoại những giá trị cuộc sống, phá vỡ mối quan hệ tốt đẹp của con người.
Tâm lý của con người là rất thích được khen ngợi hơn là chê bai. Bởi vậy không nên tiết kiệm lời khen nhưng cũng không được lạm dụng lời khen.
Lời khen chẳng tốn một xu nhưng nhiều người sẵn sàng trả giá cao cho nó. Hãy học cách khen ngợi chân thành và thông minh. Hãy sử dụng lời khen như món quà cuộc sống. Đồng thời, hãy tỉnh táo, cảnh giác khi đón nhận lời khen.
Hãy động viên, khen ngợi kịp thời, đúng lúc, đúng người, đúng sự việc. Bên cạnh lời khen, cuộc sống vẫn rất cần những lời góp ý chân thành, mang tính chất xây dựng để giúp mỗi người khắc phục điểm yếu, hoàn thiện mình hơn.
Suy nghĩ về ý nghĩa lời khen ngợi và lời chê bai
Nếu được yêu thương, con người sẽ biết yêu thương và trở nên đáng yêu hơn. Nếu chỉ luôn nhìn vào mặt xấu của một ai đó, điều đó sẽ làm họ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích họ vươn tới những điều tốt đẹp, chắc chắn họ sẽ làm được và sẽ làm tốt hơn. Khen ngợi hay chê bai có tác động sâu sắc đến những chuyển biến ở người tiếp nhận.
Trong mối quan hệ con người với nhau khi mà một ai đó mắc phải sai lầm điều đầu tiên nên làm là khen ngợi trước khi góp ý cũng giống như nha sĩ bắt đầu công việc nhổ răng bằng thuốc tê, bởi khát vọng sâu xa của mỗi con người là được khen ngợi, được tôn trọng và được quan tâm.
Không gì ít tốn kém bằng lời khen, lời cảm ơn và lời xin lỗi. Việc gián tiếp góp ý xây dựng những thiếu sót của mình đối với họ sẽ làm cho họ rất cảm kích, trong khi họ có thể cảm thấy rất khó chịu trước bất kỳ lời phê phán trực tiếp nào. Con người vốn có bản chất kiêu hãnh tự nhiên. Việc ta nói thẳng ra rằng: “Người nào đó sai lầm” chính là một sai lầm lớn nhất đối với ta trong các mối quan hệ. Nếu người phê phán khiêm tốn thừa nhận rằng chính họ cũng đã từng phạm lỗi như thế thì có khó khăn gì khi mà ta không nghe về những lỗi lầm của ta.
Việc nhìn nhận sai lầm của chính mình có thể giúp ta thuyết phục người khác thay đổi hành vi của họ. Cố gắng đừng làm người khác bị tổn thương, dù là chỉ một câu nói đùa. Giữ thể diện cho người khác là một điều hết sức quan trọng. Chỉ cần suy nghĩ vài phút, với vài lời nói ân cần, thông cảm là chúng ta đã tránh được việc làm tổn thương người khác và cũng là tránh làm thương tổn chính nhân cách của mình. Làm thương tổn phẩm giá của một con người là một điều không nên.
Lời khen như tia nắng mặt trời, nó cần thiết cho muôn loài phát triển, trong đó có con người. Vậy mà hầu hết chúng ta luôn sẵn sàng sử dụng những ngôn từ cộc cằn, hằn học khó nghe, để phê phán người khác. Nhưng lại rất ngần ngại khi tặng họ những lời nói chân tình, tình cảm ấm áp, thông qua lời động viên khen tặng. Mọi người đều muốn được khen, nhưng lời khen phải cụ thể rõ ràng, thể hiện sự chân thành chứ không phải là lời sáo rỗng nghe cho êm tai.
Chúng ta đều khao khát được tán thưởng, được thừa nhận, đều sẵn sàng làm bất cứ điều gì để được như thế. Nhưng không ai muốn sự giả dối và nịnh hót. Mọi tiềm năng đều nở hoa trong lời khen và héo tàn trong chỉ trích. Chỉ cần một nụ cười ấm áp và một cái vỗ vai thân thiện của ta đã có thể cứu một con người đang bên bờ vực thẳm. Khen ngợi để người khác luôn phấn đấu xứng đáng với lời khen đó. Trong đời thường, cho người khác một thanh danh là quan trọng. Nhưng phê bình một người mà vẫn giữ được danh dự cho người ấy còn quan trọng hơn gấp nhiều lần.
Nếu muốn khuyến khích một điều gì ở ai đó, ta hãy làm như điều ấy chính là đặc điểm vượt trội của người đó. Họ nhất định sẽ nỗ lực phi thường để trở nên như thế. Trong cách đối nhân xử thế, nếu ta đối xử với một người như thế nào thì anh ta sẽ trở thành người như thế ấy. Nếu ta nói với ai đó rằng: Họ ngốc nghếch, vụng về hay bất tài… nghĩa là ta đã hủy diệt hầu hết mọi động cơ để họ tiến bộ. Nhưng nếu ngược lại, ta khuyến khích, làm cho sự việc có vẻ dễ dàng hơn, thể hiện sự tin tưởng rằng họ có năng khiếu nhưng chưa được phát triển thì họ nhất định sẽ cố gắng phát triển năng khiếu mà ta đã phát hiện ra hay thậm chí là ta đã gán cho họ.
Ta không thể dạy bảo ai bất cứ điều gì, mà ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn bên trong con người họ. Con người dễ có xu hướng thay đổi thái độ nếu chúng ta làm cho họ vui thích thực hiện điều mình được gợi ý. Gợi ý một điều gì đó thật khéo léo để họ thực hiện là cả một nghệ thuật. Nếu chúng ta kiên trì rèn luyện và có sự quan tâm chân thành đến họ, chúng ta sẽ làm được.
Khen chê là hai mặt của cuộc sống. Nếu không chê, không phê bình góp ý thì những mặt yếu, mặt tiêu cực khó có thể sửa chữa và phát huy. Nhưng nêu khen mà khen không đúng như vậy đồng nghĩa với sự ta đang chửi khéo họ. Vậy điều quan trọng và cốt lõi ở đây là việc khen chê phải rạch ròi, minh bạch “Đúng người, đúng tội”, nhưng khen và chê như thế nào để người khác tiếp thu được để sữa chưa mà họ vẫn cảm nhận được sự ấm áp tình người từ phía người góp ý đó mới là điều chúng ta nên làm.
Đoạn văn nghị luận về vai trò của lời khen
Trong cuộc sống, chúng ta thường muốn nghe những lời khen ngợi từ người khác thay vì những lời chê bai. Phải chăng lúc nào khen cũng tốt và lúc nào chê cũng xấu? Thực chất thì cả khen và chê đều là những lời nhận xét, góp ý nhằm giúp đối tượng ngày càng hoàn thiện hơn, miễn là những lời khen chê ấy là thật lòng và đúng mực. Khen là những nhận xét đánh giá tích cực, còn chê thì ngược lại là những nhận xét, đánh giá tiêu cực. Khen và chê diễn ra ở hầu khắp những lĩnh vực, ngành nghề, không phân biệt thời gian, lứa tuổi, địa điểm,…..Chưa làm tốt công việc thì bị phê bình, làm tốt bài kiểm tra thì sẽ được khen, hay đơn giản là một hành động nhỏ như nhặt vụn rác ven đường vứt đúng nơi quy định thì cũng là một điều đáng được khen ngợi. Cả khen và chê thì đều quan trọng, không nên đặt một bên nào nặng, bên nào nhẹ mà cần cân bằng chúng. Nếu khen đúng mực thì sẽ là chúc mừng, còn quá đà thì có thể sẽ thành tâng bốc. Nếu chê không khéo léo thì sẽ dễ thành sỉ vả, lăng nhục. Muốn hoàn thiện bản thân mình thì hãy lắng nghe những nhận xét của người. Khen và chê giúp cho chúng ta sống có trách nhiệm hơn, nhận thức đúng đắn hơn về bản thân mình, hướng tới một cuộc sống hoàn thiện về nhân cách và tâm hồn con người.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!